20/04/2008 06:00 GMT+7

"Mối tình" 20 năm với hạt lúa

THỦY TÙNG (The Japan Times, Portwave.gr)
THỦY TÙNG (The Japan Times, Portwave.gr)

TT - Suốt 20 năm qua, nhà điêu khắc người Nhật Mitsuaki Tanabe cứ khăng khăng sáng tạo trên một chủ đề duy nhất là hạt lúa nhằm ca ngợi nguồn tài nguyên dinh dưỡng then chốt này của các nước châu Á, đồng thời nhắc nhở con người chớ vì sự phát triển kinh tế mà phụ bạc lúa.

1HaPZon7.jpgPhóng to
Nhà điêu khắc Mitsuaki Tanabe và một "hạt lúa hoang" của ông
TT - Suốt 20 năm qua, nhà điêu khắc người Nhật Mitsuaki Tanabe cứ khăng khăng sáng tạo trên một chủ đề duy nhất là hạt lúa nhằm ca ngợi nguồn tài nguyên dinh dưỡng then chốt này của các nước châu Á, đồng thời nhắc nhở con người chớ vì sự phát triển kinh tế mà phụ bạc lúa.

Các tác phẩm của ông cái thì dềnh dàng, cái có kích cỡ của một hạt lúa thật. Hạt lúa ông chọn không phải hạt lúa thường, đó là loại hạt trong quần thể lúa hoang, là "mẹ của tất cả các hạt lúa" mà người ta tin đã có mặt trên hành tinh này không dưới 10.000 năm. Ông giải thích: "20 năm trước, khi tôi tình cờ bắt gặp một quyển sách về "lúa hoang", tôi đã bị xúc cảm cao độ ở góc độ người nghệ sĩ. Từ đó, tôi đã tìm hiểu từ các nhà khoa học về lúa hoang và môi trường sống của nó. Tôi muốn tạo ra những tác phẩm khiến người ta phải bị ấn tượng bàng hoàng, từ đó nảy sinh mong muốn tìm hiểu về tầm quan trọng của đa dạng sinh thái".

VH14UElG.jpgPhóng to
Một Momi đã được tặng Hội đồng nghiên cứu nông nghiệp của Ấn Độ
Sau 20 năm nỗ lực, "hạt lúa" do ông Tanabe điêu khắc đã được tôn vinh xứng đáng. Ngày 1-4 vừa rồi, tác phẩm "Một hạt của giống lúa hoang MOMI" đã lên tàu vượt trùng dương đến Ý để được trưng bày thường trực tại văn phòng Quĩ đa dạng mùa màng toàn cầu của Tổ chức Lương nông Liên Hiệp Quốc (FAO). Đó là một hạt lúa hoang có hình như một cây giáo (vươn cao 9m, nặng 250 kg, làm bằng thép không gỉ). Tác phẩm được hoàn tất vào tháng 12-2007 với sự tài trợ của nhiều công ty Nhật.

Lễ khánh thành bức tượng Lúa cũng là dịp ra mắt hầm hạt giống toàn cầu Svalbard. Được khai trương vào cuối tháng 2-2008, hầm có sức chứa khoảng 2 tỉ hạt giống, và nằm sâu trong tầng đất đóng băng vĩnh cửu ở đảo Spitsbergen thuộc quần đảo Svalbard của Na Uy. Nhiệm vụ của hầm là bảo quản hạt giống của những loại cây bị đe dọa tuyệt chủng và là nguồn giống phòng bị trong trường hợp Trái đất chịu những thảm họa khủng khiếp khiến nền nông nghiệp bị phá hủy toàn bộ.

NAl0uOM4.jpgPhóng to
Bức tượng gửi tặng FAO

Tác phẩm của Tanabe không chỉ hạt lúa mà là tất cả những chủ đề liên quan đến hạt lúa. Tại cuộc triển lãm ruộng bậc thang ở Viện bảo tàng Shizuoka vào năm 2001, khách tham quan đã sững sờ trước bức tượng rắn khổng lồ dài 60m, trườn ngoằn ngoèo từ cổng vào đến khu vực tham quan, một phần thân bị những chiếc lá rụng của cây tuyết tùng cổ che khuất. Trong thiên nhiên, rắn là kẻ thù của chuột bọ, là biểu tượng của sự tín nhiệm của những người nông dân trồng lúa bậc thang.

Những tác phẩm của Mitsuaki Tanabe luôn để lại ấn tượng của thiên nhiên hùng vĩ và gợi nhiều cảm hứng. Đó là nguyên nhân vì sao các doanh nghiệp Nhật quan tâm đến Tanabe và họ sẵn sàng ủng hộ ông trong nhiều năm qua. Theo nhà phê bình Taro Nomura, "các doanh nghiệp Nhật xem Tanabe như một cái trục mà họ quay quanh để bàn luận xem có thể làm gì vì lợi ích công chúng. Những lần họp mặt với ông, họ đều tự nguyện đóng góp và còn thảo luận rất sôi nổi".

Có một câu nói của người châu Á cổ: "Một hạt lúa nặng như núi Sumer (quả núi cao nằm ở vùng Lưỡng Hà)". Những Momi đồ sộ và sống động của Mitsuaki Tanabe là nhằm diễn đạt điều đó.

"Nghệ sĩ môi trường" Mitsuaki Tanabe sinh năm 1939 và tốt nghiệp khoa điêu khắc Trường đại học Mỹ thuật Tokyo năm 1961. Ông giải thích vì sao 20 năm qua, "lúa hoang" đã trở thành mối tình lớn nhất của mình: "Nhờ đọc sách mà tôi hiểu về tầm quan trọng của đa dạng sinh thái. Nhưng tôi bị sốc khi biết rằng để bảo tồn môi trường cho lúa hoang trong thực tế phát triển kinh tế hiện nay là cực kỳ khó”.

"Dấu ấn lúa hoang" của Mitsuaki Tanabe được lưu lại ở rất nhiều nơi: từ viện nghiên cứu lúa gạo của Philippines ở Manila cho đến các bảo tàng, trường học, cơ quan chính phủ ở Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ, Mỹ, Cuba, Úc.

THỦY TÙNG (The Japan Times, Portwave.gr)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên