Mở mặt với đời

HỒNG PHÚC 17/12/2015 17:12 GMT+7

TTCT - Mỗi lần nghe ai nói cụm từ “mở mặt với đời”, cảm giác lo lắng và sợ hãi thời con trẻ bỗng nhiên cuộn lên trong lòng.

Tranh: Lê Thiết Cương
Tranh: Lê Thiết Cương

Bạn tôi mới đi công tác Nhật Bản về. Cả đoàn hứng khởi, vừa vì công việc suôn sẻ vừa vì niềm vui được ngắm cảnh đẹp mùa thu, thức ăn ngon, hiểu cách người Nhật làm việc tận tụy và văn minh. Nhưng bạn cũng mang về một câu chuyện không tự hào cho lắm.

Một thành viên trong đoàn cứ họp với đối tác xong là lao ra phố mua bán đến tận khi các cửa hàng đóng cửa. Cô mua đủ thứ hàng, từ quần áo đến xe đạp, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, thuốc... Nhiều đồ tới mức cô phải mua thêm vali để đựng.

Gần ngày về, cô tự hào khoe đã mua được cái này cái kia, coi như đạt dự định đã lên trước chuyến đi công tác. Những người cùng đoàn không khỏi ái ngại, không hiểu chuyến đi của cô thành công vì công tác hay vì những “chiến lợi phẩm” shopping nọ.

Chuyện người Việt Nam đi nước ngoài ráo riết mua mua bán bán chẳng mới lạ gì. Vài năm trước, một lần tới Berlin (Đức), vì được người quen dặn mua giùm một chiếc đồng hồ hiệu Longines nên tôi đến một trong những khu mua sắm sang trọng nhất ở đây để tìm mua.

Người bán hàng vui vẻ nói đủ thứ chuyện, không quên hỏi tôi từ đâu tới. “Tôi từ Việt Nam sang”. Anh ta reo lên: “Tôi gặp nhiều người Việt lắm, họ giàu hơn tôi tưởng. Người Việt Nam và Trung Quốc là khách mua hàng nhiều nhất ở đây”. Thấy tôi ngạc nhiên, anh khoe: “Có người mua tới bảy cái đồng hồ, chưa có người châu Âu nào dám mua như vậy”.

“Thế người Đức không hay dùng đồng hồ của Hãng Longines à?” - tôi thắc mắc. “Không, hầu hết người Đức dùng những loại đồng hồ của Đức, không nổi tiếng toàn thế giới như Longines nhưng rất bền, dùng vài chục năm không hề sai lệch giờ. Giá của nó rẻ hơn nhiều, chỉ bằng một phần ba thôi” - người bán hàng nói.

Anh có lý giải riêng của mình về chuyện người Việt Nam và Trung Quốc hay mua loại hàng xa xỉ này. “Người châu Á thích danh tiếng. Ở đây, nếu bạn hay khoe hàng xa xỉ không đúng chỗ, nhất là khi bạn không thuộc giới giải trí, bạn cũng dễ bị đánh giá thấp về đẳng cấp.

Nhưng với người châu Á, nhất là những người mà “the first time having money” - lần đầu tiên có tiền - thì thói quen tiêu dùng của họ hoàn toàn khác. Nhu cầu chứng minh mình có tiền rất cao nên họ thường mua những món đắt nhất ở đây, không chỉ đồng hồ mà còn là túi xách, quần áo, giày dép. Tôi có hỏi, họ nói đeo những thứ này trên người sẽ khiến người khác ở nước họ phải mở to mắt. Họ cũng mở mày mở mặt”.

Tôi nghĩ nhiều về câu chuyện đó. Nó có thể lạ lùng với người Đức nhưng có lẽ không xa lạ với nhiều người ở Việt Nam.

Và rồi bạn vẫn có thể bắt gặp một vị ngồi trên xe BMW, quay cửa xe xuống để nhổ nước bọt ra ngoài, một người quát nhân viên phục vụ trong khách sạn 5 sao vì chậm mang nước đá tới để bỏ vào ly rượu vang, một chị đeo túi Hermes nhưng nói tục véo von, một cô váy ngắn “tắm” nước hoa Chanel sực nức làm người đi cùng thang máy muốn tắt thở, một anh móc điện thoại Vertu ra nói oang oang chỗ công cộng hoặc thậm chí vừa đi vừa xỉa răng...

Không biết có ai “sợ hãi” những người “sành điệu xài hàng hiệu” đó hay không. Nhưng khi một món đồ xa xỉ không đi cùng với hành vi và thái độ xa xỉ, độ phản chủ của nó còn tăng lên gấp nhiều lần.

Những năm ấu thơ, hàng xóm có hai cậu con trai hay tha thẩn chơi với tôi. Khi các cậu bị điểm kém hay mắc lỗi, ông bố thường lột hết quần áo con, trói vào cột nhà. Ai đi qua cũng thấy thằng nhỏ bị trói vào cột, quằn quại dưới cái roi mây van xin. Có khi người mẹ cũng van xin giùm con: “Xin ông tha cho nó”.

Câu trả lời của ông bố luôn là: “Tha à? Con người ta thì giỏi giang, bố mẹ nó mở mày mở mặt với đời, còn mày thì bôi gio trát trấu vào mặt tao”. Lớn lên chút nữa, khi hai cậu con trai đã học lên lớp 6, lớp 7, thỉnh thoảng vẫn thấy cảnh cậu con trai bị lột trần chạy đằng trước, ông bố cầm roi đuổi phía sau. Cậu đã lớn và biết xấu hổ, trong khi bố cậu thì dường như không lớn lên theo.

Càng trưởng thành, xê dịch và va chạm với nhiều người, nhiều nền văn hóa, tôi càng tin vào niềm tin mơ hồ khi còn nhỏ, rằng cái bề ngoài chắc chắn không quyết định cái bên trong.

Một nhà văn nữ Việt Nam từng viết: “Đơn giản là cái khó làm nhất. Phức tạp là cái đáng chán nhất và giả nghệ thuật nhất trên đời. Và nếu là con người ngộ ra chân lý ấy một lần thì nhất định mình phải tin như thế, sống vì những giá trị bên trong và sâu xa như thế, chớ để ai nói khác đi”.

Vì vậy giờ đây, mỗi lần nghe ai nói cụm từ “mở mặt với đời”, cảm giác lo lắng và sợ hãi thời con trẻ bỗng nhiên cuộn lên trong lòng. Tôi luôn tự hỏi: Nếu con người ta chỉ sống để mở mặt với đời thì có ai hạnh phúc không?

Người cha nhăm nhắm đòi con, thuở còn bé, không được bôi gio trát trấu vào ông, nay vẫn cảm thấy mình bội phần bất hạnh vì cậu con trai đã qua đời vì tai nạn lao động khi còn rất trẻ, chưa kịp lập gia đình và sinh cho bố mẹ một đứa cháu trai để ông “mở mặt với đời”.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận