Mơ cùng "phù thủy trắng"

HUY ĐĂNG 05/02/2023 20:33 GMT+7

TTCT - Lần đầu tôi gặp HLV Philippe Troussier là bốn năm trước, khi ông đang "sạc" một cầu thủ trẻ ở lò đào tạo PVF vì tội chơi bóng vào ngày chủ nhật.

Sau bốn năm, chiến lược gia người Pháp hiện là ứng cử viên số 1 thay thế ông Park Hang Seo ngồi vào chiếc HLV trưởng của tuyển Việt Nam. Ở tuổi 68, "Phù thủy trắng" (biệt danh của Troussier) lại tiếp tục cuộc phiêu lưu của mình.

HLV Troussier trong vai dẫn dắt bóng đá trẻ Việt Nam. Ảnh: Hoàng Tùng

HLV Troussier trong vai dẫn dắt bóng đá trẻ Việt Nam. Ảnh: Hoàng Tùng

3 "nhà truyền giáo" xuất sắc nhất

Trong làn sóng HLV phương Tây đến châu Á làm việc nhiều thập niên qua, có ba cái tên nổi bật hơn cả và tạo nên dấu ấn gần như cùng lúc: Guus Hiddink, Philippe Troussier và Bora Milutinovic. 

Với Milutinovic, ông được nhắc đến nhiều nhờ thành tích đưa đội tuyển Trung Quốc tham dự World Cup lần đầu tiên trong lịch sử năm 2002. Sau đó, chiến lược gia người Serbia còn gắn bó với bóng đá Trung Quốc thêm một thời gian dài trên các cương vị khác nhau.

Còn thành công của HLV Hiddink cùng tuyển Hàn Quốc ở World Cup 2002 không cần phải giới thiệu thêm. Chiến lược gia người Hà Lan không chỉ làm nên lịch sử, ông còn góp phần thay đổi nhận thức, tư tưởng về bóng đá của người dân xứ sở kim chi. 

Thậm chí trong nhiều lĩnh vực văn hóa, người Hàn Quốc sau này vẫn còn nhắc "hiệu ứng Hiddink" như một cột mốc quan trọng với đất nước họ. Khi nắm tuyển Hàn Quốc, chiến lược gia người Hà Lan đã quyết liệt loại bỏ tính gia trưởng, cục bộ hay những thói quen ăn uống thiếu lành mạnh của người dân xứ kim chi.

Âm thầm hơn đồng nghiệp Hiddink, nhưng những gì HLV Troussier làm được ở tuyển Nhật Bản trong bốn năm nhiệm kỳ 1998-2002 cũng để lại di sản lâu dài. Khi vừa lên nắm quyền "Samurai xanh", chiến lược gia người Pháp lập tức cách tân đội bóng bằng một loạt cầu thủ trong độ tuổi U23.

Khi chịu sức ép dữ dội sau năm đầu tiên không thành công, HLV Troussier còn mạnh dạn nhận luôn trách nhiệm dẫn dắt đội U20 Nhật Bản, rồi gây tiếng vang khi đưa họ vào đến chung kết World Cup trẻ (nay là World Cup U20) năm 1999. 

Từ đó, ông Troussier có thêm cơ sở để thực hiện cuộc cách mạng trẻ hóa tuyển Nhật và thành quả là họ lần đầu tiên vượt qua vòng bảng World Cup vào năm 2002.

Trăn trở với bóng đá châu Á

Luận thành tích, HLV Troussier không nổi bật hơn hai người đồng nghiệp Hiddink và Milutinovic, nhưng chiến lược gia người Pháp lại có tinh thần phiêu lưu mãnh liệt mà hầu như không HLV đẳng cấp thế giới nào sánh bằng. 

34 tuổi, Troussier đặt chân đến Bờ Biển Ngà và từ đó trở đi, cuộc đời bóng đá của ông gắn bó với châu Á và châu Phi. Hơn 30 năm qua, vị HLV sinh ra tại Paris đã làm việc ở tất cả 10 quốc gia: Bờ Biển Ngà, Nam Phi, Morocco, Nigeria, Burkina Faso, Tunisia, Nhật Bản, Qatar, Trung Quốc và Việt Nam.

Những ngày tháng năng nổ và đầy cách tân của Troussier tại lục địa đen đã khiến ông được gọi là "Phù thủy trắng" trên truyền thông các nước châu Phi. 

Ngày nay, bóng đá châu Á và châu Phi không còn xa lạ với các HLV đến từ Tây phương nữa, nhưng hiếm ai trong số hàng trăm, hàng ngàn HLV người châu Âu lại có tinh thần mãnh liệt như Troussier. Chiến lược gia người Pháp luôn ôm nỗi trăn trở thay đổi tư duy và văn hóa những nền bóng đá nhỏ.

Troussier không hẳn là một HLV khó tính, cũng không phải mẫu người có thói quen để tâm những điều nhỏ nhặt. Nhưng ông vẫn bực dọc và nhất định không bỏ qua khi bắt gặp một cậu học trò sinh hoạt trái nề nếp.

"Tại sao cậu lại chơi bóng vào ngày nghỉ? Cậu sẽ cạn kiệt thể lực nếu cả bảy ngày trong tuần đều ra sân. Ngày mai tôi sẽ để mắt đến cậu trong buổi kiểm tra thể lực", Troussier "sạc" một học viên trẻ ở lò đào tạo PVF. 

Từ năm 2018, ông đảm nhiệm vai trò giám đốc kỹ thuật ở đây, chịu trách nhiệm cho chiến lược phát triển của trung tâm. Ông không quá bận tâm đến thói quen sinh hoạt hay đam mê của từng người - người Pháp vốn coi trọng tự do cá nhân. Điều Troussier muốn nhắc nhở các cầu thủ trẻ là phải hiểu biết về lối sống khoa học.

"Khi tôi làm việc với các cầu thủ Nhật, ấn tượng ban đầu rất tốt. Họ kỷ luật, siêng năng và luôn biết nghe lời HLV. Nhiều người sẽ hài lòng với thái độ chuyên nghiệp này nhưng tôi đòi hỏi nhiều hơn. Họ quá ngoan ngoãn, các cầu thủ luôn nghe lời HLV, còn những người trẻ luôn nghe lời đàn anh, luôn tìm các đàn anh để chuyền khi có bóng. Nhiều lần tôi quát tháo, bảo họ tại sao lại luôn phải chuyền bóng. Hãy mạnh dạn làm theo phán đoán của mình. Sự sáng tạo là điều các cầu thủ Nhật còn thiếu", HLV Troussier chia sẻ về quãng thời gian làm việc ở Nhật.

Sau hai thập niên, văn hóa bóng đá của người Nhật và Hàn giờ đây đã khác, một phần nhờ vào những "nhà truyền giáo" bóng đá như Troussier. 

Phá bỏ những rào cản truyền thống, tăng cường tính sáng tạo và áp dụng chặt chẽ những công thức khoa học là phương châm hàng đầu của chiến lược gia người Pháp.

Có thành công với bóng đá Việt?

Nhưng sự thật, HLV Troussier cũng đã xa rời làng bóng đá đỉnh cao một thời gian khá dài. Lần gần nhất ông nắm một đội tuyển quốc gia là năm 2005 (tuyển Morocco). Kể từ đó, chiến lược gia người Pháp chỉ toàn làm việc với các CLB và không có nơi nào trụ được quá hai năm.

Vài năm gần đây, không ít HLV hàng đầu đã thất bại ở châu Á, nổi bật như Marcelo Lippi hay chính Hiddink. Tuổi tác là nguyên nhân quan trọng. Ngay ở châu Á vốn bị xem là vùng trũng của bóng đá thế giới, các HLV lớn tuổi cũng dần trở nên lạc hậu. 

Những người như Hiddink còn bị chỉ trích vì làm việc thiếu đam mê và nhiệt huyết, trái ngược với khí thế hừng hực cũng của chính họ hai thập niên trước. Ở tuổi 68, Troussier cũng gây ra những lo ngại tương tự. Cá tính mạnh mẽ còn khiến ông không có được mối quan hệ tốt với những đội bóng ông đã đi qua trong khoảng một thập niên trở lại đây.

Thêm vào đó là những vấn đề của bóng đá Việt Nam lúc này. Sau thành công dưới thời HLV Park Hang Seo, tuyển Việt Nam giờ bắt đầu được xếp vào nhóm "cửa trên" khi bước ra vòng loại châu lục. World Cup là mục tiêu, đồng thời cũng tạo nên thế khó.

Thất bại của Thái Lan năm năm trước là một bài học. Quyết tâm vươn lên đẳng cấp châu lục, người Thái chia tay HLV bản địa Kiatisak để bổ nhiệm Milovan Rajevac - người từng đưa Ghana đến tứ kết World Cup. Nhưng rồi xôi hỏng bỏng không, Thái Lan trượt dài, còn Rajevac cũng sớm bị sa thải. Sau nhiều thất bại, Thái Lan giờ phải gầy dựng lại từ AFF Cup.

Bất kể đã sa sút đến vậy, các cầu thủ Thái Lan cho thấy họ vẫn nhỉnh hơn Việt Nam về trình độ. Nếu người Thái ở trạng thái đỉnh cao vẫn không tài nào chơi một trận sòng phẳng với Nhật Bản, thì liệu Việt Nam có thể? Troussier không giống Park Hang Seo, ông là chiến lược gia được nhìn nhận ở vào đẳng cấp quốc tê và đến Việt Nam với mục tiêu giành vé dự World Cup.

Nhưng mặt khác, khoảng thời gian 4-5 năm làm việc trong nhiều cương vị khác nhau cùng bóng đá Việt cũng khiến ông có những hiểu biết nhất định, như sự thật là người Việt rất thích thành tích trước mắt, hay ngay lập tức thì càng tốt…■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận