Mở cửa những báu vật văn hóa cho tất cả mọi người

HẠNH NGUYÊN 30/04/2019 16:04 GMT+7

TTCT - Những trải nghiệm kết hợp giữa nghệ thuật và công nghệ giúp bạn tương tác với văn hóa theo những cách khác nhau.

 

Phiên bản số hóa 3D lăng Tự Đức trong quần thể di tích cố đô Huế vừa trở thành di sản Việt Nam đầu tiên có mặt trong dự án Di sản mở (Open Heritage), do Tổ chức Nghệ thuật và văn hóa Google (Google Arts & Culture) phối hợp với CyArk thực hiện. Dự án Di sản mở ra đời năm 2018, vào Ngày di sản thế giới 18-4, cho thấy cách mà công nghệ có thể được sử dụng để bảo tồn những di sản đang xuống cấp và có nguy cơ biến mất. 

Tuổi Trẻ Cuối Tuần đã phỏng vấn Chance Coughenour - giám đốc chương trình, nhà khảo cổ kỹ thuật số của Google Arts & Culture và John Ristevski - chủ tịch CyArk về tương lai của công tác bảo tồn và phát triển văn hóa trong sự tham gia ngày càng nhiều của công nghệ.

Từ năm 2019, mục tiêu của dự án không chỉ là bảo tồn kỹ thuật số các di sản, mà còn chia sẻ câu chuyện và dữ liệu của di sản miễn phí cho tất cả mọi người.

Quá trình số hóa quần thể lăng Tự Đức đã diễn ra như thế nào? Vì sao lại là công trình này?

- Ristevski: CyArk đã hợp tác với Trung tâm Bảo tồn di sản cố đô Huế (HMCC) để nhận diện phần nào của quần thể sẽ có ích lợi nhờ được lưu trữ số hóa. Mộ Tự Đức và dinh An Định được HMCC chọn là những ứng viên tốt nhất. Lăng Tự Đức đã được trùng tu và HMCC muốn có cơ sở chính xác về thực trạng hiện nay của khu di tích.

Hai ông từng ghé thăm Huế chưa?

- Ristevski: Tôi đã ghé thăm nhiều năm trước trong một chuyến đi tuyệt vời tới Việt Nam. Đó là một nơi đặc biệt và tôi rất vui được biết CyArk có thể bắt tay vào thực hiện công việc giúp quần thể này nhiều năm sau đó.

- Coughenour: Tôi chưa có dịp nhưng cũng muốn đi.


Chance Coughenour.-Ảnh: Google Arts & Culture
Chance Coughenour.-Ảnh: Google Arts & Culture

Những công nghệ nào đã được ứng dụng vào quá trình số hóa này? Các chuyên gia tư vấn đã hoạt động như thế nào để đảm bảo các chi tiết chính xác?

- Ristevski: Với dự án này, chúng tôi sử dụng 3 phương pháp tiêu chuẩn - phương pháp LiDAR sử dụng máy quét laser Faro, quan trắc trên cạn sử dụng máy ảnh DSLR, máy ảnh khổ trung Phase One và quan trắc trên không bằng phương tiện bay không người lái.

Có 3 người phụ trách dự án này tại hiện trường - Christopher Dang, Valerio Paolucci và Kieran Kesner. Họ sử dụng các thiết bị để đảm bảo bắt giữ được mọi chi tiết và lưu lại dữ liệu hiện trường, sử dụng công nghệ lưu giữ từ Hãng Seagate. Sau đó, các dữ liệu này được lưu lại với Iron Mountain (công ty cung cấp các giải pháp quản lý và lưu trữ dữ liệu) để đảm bảo an toàn hơn. Quan hệ đối tác của chúng tôi với Google Arts & Culture đảm bảo các nhà nghiên cứu và chuyên gia khắp thế giới có thể tiếp cận được nguồn dữ liệu này.

CyArk tiếp tục thảo luận với HMCC về khả năng lưu giữ các di tích khác như lăng Minh Mạng và Khải Định. Việc lưu trữ này sẽ được tiến hành song song với đào tạo các nhân sự của HMCC.

Tổng thời gian và chi phí mà CyArk và Google Arts & Culture đầu tư cho dự án ở Việt Nam là bao nhiêu?

- Coughenour: Chúng tôi không có số liệu để có thể chia sẻ, nhưng đây là khoản đầu tư mà chúng tôi vui lòng thực hiện.

Sau 15 năm, CyArk là kho lưu trữ hình ảnh 3D lớn nhất thế giới, mở cửa cho công chúng và nỗ lực này vẫn còn tiếp diễn. CyArk đang ảnh hưởng thế nào tới cách mà người dân và chính phủ chăm sóc di sản của chính họ ngoài đời thực?

- Ristevski: 15 năm qua, chúng tôi đã chứng kiến thay đổi trong cách sử dụng công nghệ 3D của các bộ văn hóa và các chuyên viên di sản. Nhu cầu sử dụng những công nghệ này là rất lớn, nhưng cần nhiều chương trình đào tạo và hỗ trợ để có thể tích hợp các dữ liệu 3D vào quy trình làm việc hằng ngày và việc quản lý di tích. 

Trong khi CyArk tiếp tục thực hiện các dự án lưu trữ 3D, chúng tôi xem các dự án này như việc thử nghiệm cho các chuyên gia địa phương, để họ thấy công nghệ có thể được sử dụng vào công tác bảo tồn và quản lý di tích ra sao. Chúng tôi có thể đào tạo họ ban đầu về những công nghệ này. Chúng tôi hi vọng sẽ trở lại di tích ở Huế để tiếp tục đào tạo và lưu trữ, sau đó những chuyên gia địa phương có thể tự thực hiện công việc.

John Ristevski. Ảnh: YouTube
John Ristevski. Ảnh: YouTube

Việc một di tích văn hóa hiện diện trên Google Arts & Culture ảnh hưởng thế nào tới số lượng khách ghé thăm di tích thực tế, hay danh tiếng của di tích trên thế giới?

- Coughenour: Tìm ra những cách mới để mọi người quan tâm và tiếp cận nhiều hơn với văn hóa là đam mê mà chúng tôi chia sẻ với các đối tác của mình. Năm ngoái, chúng tôi cho ra mắt Art Selfie - một ứng dụng cho phép bạn tìm ra gương mặt trong một tác phẩm nghệ thuật có nhiều nét tương đồng với mình trên khắp thế giới. Những người yêu nghệ thuật có thể thăm gương mặt của một tác phẩm nghệ thuật giống họ ở bảo tàng thực tế.

Chúng tôi vui mừng khi thấy Google Arts & Culture gợi cảm hứng để mọi người lên đường đi xem thực tế. Quan trọng hơn, không phải ai cũng có thể đi khắp thế giới để thăm các tác phẩm nghệ thuật, bảo tàng hay di tích họ muốn. 

Công nghệ tạo ra các câu chuyện online, mô hình 3D hay trải nghiệm VR (virtual reality: công nghệ thực tế ảo) như với di tích Bagan, Myanmar (một phần của Di sản mở khi ra mắt năm 2018), giúp mọi người có những cách tiếp cận chưa từng có với văn hóa, các khu di tích và giúp bảo tồn kỹ thuật số cho các thế hệ sau.

Góc phố cũ (2015) - tranh của họa sĩ Phạm Bình Chương, một trong các bức tranh được giới thiệu trong triển lãm chuyên đề
Góc phố cũ (2015) - tranh của họa sĩ Phạm Bình Chương, một trong các bức tranh được giới thiệu trong triển lãm chuyên đề "Vietnam: New Winds" (Việt Nam: Làn gió mới) của Google Arts & Culture. Ảnh: Google Arts & Culture

Khả năng Google Art & Culture đưa ứng dụng và dữ liệu của mình vào chương trình học chính thức trên thế giới như thế nào?

- Coughenour: Sứ mệnh của chúng tôi là giúp các cơ quan văn hóa khắp thế giới đưa báu vật của họ ra thế giới, giúp công chúng tiếp cận trên mạng. Nhiều đối tác văn hóa của chúng tôi đã ứng dụng Google Expeditions cho phép giáo viên đưa những khái niệm trừu tượng vào cuộc sống, bằng cách hướng dẫn sinh viên qua những bộ sưu tập với những hình ảnh 3600 và hiện vật 3D, những khu vực và hiện vật thú vị liên quan.

Với dự án Di sản mở, chúng tôi tiếp tục cho công chúng tiếp cận các dữ liệu nguồn mà CyArk đã thu thập khắp thế giới. Bất kỳ ai cũng có thể tải dữ liệu xuống với sự hỗ trợ của Google Cloud Platform và sử dụng vì lợi ích của những di sản này, ví dụ công trình được hình ảnh hóa sử dụng AR (augmented reality: công nghệ thực tế tăng cường) tạo ra “một cái cổng” giúp người xem “bước vào” các di sản, như hình ảnh tái thiết ảo đền Eshmoun (tây nam Lebanon).

Cho tới gần đây, lịch sử nghệ thuật và những nhà bảo trợ nghệ thuật hầu như chỉ dành cho tầng lớp thượng lưu. Với dự án CyArk và Google Arts & Culture, tình hình này có thể thay đổi như thế nào?

- Coughenour: Trước hết là ứng dụng miễn phí Google Arts & Culture sẽ giúp mọi di sản, câu chuyện và kiến thức của hơn 1.800 tổ chức văn hóa khắp thế giới có thể đến với tất cả mọi người, không quan trọng người đó sống ở New York hay một ngôi làng hẻo lánh ở Indonesia.

Thứ hai, những trải nghiệm kết hợp giữa nghệ thuật và công nghệ giúp bạn tương tác với văn hóa theo những cách khác nhau. Chẳng hạn, Art Selfie đã đem đến hơn 80 triệu hình ảnh tương đồng giữa gương mặt người và gương mặt trong tác phẩm nghệ thuật khắp thế giới, giúp tạo ra cánh cửa mới cho hàng triệu người để họ có thể “ngụp lặn” trong những bộ sưu tập khổng lồ mà các bảo tàng mở cửa trên mạng cho mọi người trên Google Arts & Culture.

Và thứ ba, thông qua các công nghệ như AR, VR và máy học, chúng ta có thể tạo ra những trải nghiệm cực kỳ sâu sắc và độc đáo, ví dụ như các không gian gallery có kích thước như đời thực trên mạng, như 36 bức tranh từ 18 bảo tàng của họa sĩ Vermeer trên một không gian của Google Arts & Culture, điều có thể giúp các cơ quan văn hóa kể câu chuyện theo những cách mới và rất cuốn hút.

Về mặt công nghệ, làm thế nào mà các công nghệ có thể giúp nhiều tour ảo thú vị hơn và gần với thực tế hơn? Tương lai của công tác bảo tồn sẽ thế nào với những công nghệ này?

- Coughenour: Bảo tồn văn hóa ở mọi dạng thức là trọng tâm trong công việc của chúng tôi. VR, AR và cả máy học giúp mang đến những cơ hội để bảo tồn, chia sẻ di sản và bảo vật theo những cách mới. Ví dụ, Google Arts & Culture gần đây ra mắt hạng mục “Inventions and Discoveries” (Phát minh và phát kiến), trong đó chúng tôi hợp tác với NASA để khám phá kho dữ liệu 127.000 bức hình lịch sử của họ theo một cách mới đầy hứng khởi, nhờ công nghệ máy học của Google và hợp tác với CERN (Tổ chức Nghiên cứu hạt nhân châu Âu) để tạo ra một ứng dụng AR và VR giúp bạn trải nghiệm vụ nổ lớn Big Bang.

Sài Gòn, Việt Nam - ảnh chụp năm 1968 của Otto Stupakoff, một trong gần 30.000 bức ảnh hiển thị khi tìm kiếm với từ khóa Vietnam trên ứng dụng Google Arts & Culture
Sài Gòn, Việt Nam - ảnh chụp năm 1968 của Otto Stupakoff, một trong gần 30.000 bức ảnh hiển thị khi tìm kiếm với từ khóa Vietnam trên ứng dụng Google Arts & Culture

Hai ông nghĩ gì về công việc quan trọng nhưng dường như không bao giờ kết thúc này? Bài học là gì? Đâu là những ưu tiên của các ông?

- Coughenour: Chị nói đúng, rằng công việc của chúng tôi sẽ không bao giờ thực sự kết thúc. Nhưng chúng tôi cảm thấy có hứng khởi khi nhận ra dự án của mình đã kết nối mọi người khắp thế giới và dữ liệu mở của chúng tôi đã giúp thúc đẩy những giới hạn của quá trình bảo tồn số hóa các khu vực di tích đang nguy cấp.

Công việc của tôi giúp thúc đẩy nỗ lực bảo tồn di sản thông qua các quan hệ đối tác, sử dụng công nghệ mới nhằm lưu trữ di sản văn hóa, giáo dục và quảng bá rộng khắp. Trước khi tham gia Google, tôi đã tham gia các dự án nghiên cứu khảo cổ và lưu trữ di sản văn hóa ở châu Âu và châu Mỹ. Tôi cũng là đồng sáng lập của Rekrei, một dự án tình nguyện dựa trên sức mạnh cộng đồng cho di sản bị phá hủy.

- Ristevski: Với kiến thức về công nghệ không gian địa lý và lưu chụp hình ảnh thực, việc lưu trữ di sản văn hóa sử dụng những công nghệ này là trọng tâm trong nghiên cứu của tôi tại Đại học California, Berkeley. Trong khi công nghệ đang tiến bộ nhanh chóng, vẫn cần tìm hiểu xem có thể ứng dụng cụ thể ra sao trong thực tế để hỗ trợ công tác bảo tồn và quản lý di tích thực địa. ■ 

Google Arts &Culture app.

CyArk (tức “Cyber Archive”: “Kho lưu trữ trên mạng”) là tổ chức phi lợi nhuận thành lập năm 2003 để lưu giữ kỹ thuật số và chia sẻ những di sản văn hóa quan trọng nhất của thế giới, đảm bảo những nơi này sẽ tiếp tục gây kinh ngạc và sự tò mò của nhân loại trong nhiều thập kỷ tới.

Ben và Barbara Kacyra thành lập CyArk sau khi họ bị sốc trước cảnh tượng các tượng Phật Bamiyan từ thế kỷ thứ 5 bị phá hủy ở Afghanistan. Trong bối cảnh các di sản thế giới đang nhanh chóng bị phá hủy do nhiều nguyên nhân, từ biến đổi khí hậu tới đô thị hóa, thiên tai và xung đột vũ trang, tới nay CyArk đã lưu giữ kỹ thuật số được hơn 200 di sản ở tất cả 7 lục địa. Các di sản trải dài trong lịch sử nhân loại, từ những nơi cổ xưa nhất như Skara Brae, nơi định cư của con người thời đồ đá mới 3.000 năm trước Công nguyên ở Scotland, tới những kỳ quan kỹ thuật thời hiện đại như nhà hát Sydney. Ba lĩnh vực chính của CyArk là bảo tồn, phục dựng và phát hiện.

Google Arts & Culture từ năm 2011 đã hợp tác với hơn 1.800 đối tác, tạo ra hơn 11.500 triển lãm trên mạng, trưng bày hơn 6 triệu hiện vật trên nền tảng ảo này. Google Arts & Culture là ứng dụng miễn phí, cho phép người dùng sử dụng công nghệ như một phương thức mới để hòa mình vào không gian trải nghiệm nghệ thuật, lịch sử, văn hóa và các kỳ quan thế giới từ hơn 1.000 tổ chức trên thế giới mà không bị rào cản về không gian địa lý hay thời gian. Mọi điện thoại thông minh đều có thể tải ứng dụng này.

Vụ hỏa hoạn làm thiêu hủy nhà thờ Notre Dame ở Paris (Pháp) gần đây đang cho thấy sự mong manh và vô thường mà các di sản văn hóa phải đối mặt. Việc lưu giữ kỹ thuật số 3D là một phần quan trọng hỗ trợ các nỗ lực phục dựng nguyên trạng ban đầu với các di sản.

Lăng Tự Đức (Khiêm Lăng) có kiến trúc cầu kỳ, phong cảnh sơn thủy hữu tình và là một trong những lăng tẩm đẹp nhất của kiến trúc thời Nguyễn, nằm gọn trong thung lũng hẹp thuộc làng Dương Xuân Thượng, tổng Cư Chánh (nay là thôn Thượng Ba, xã Thủy Xuân, thành phố Huế). Theo thông tin trên trang web di sản Huế, khi mới khởi công xây dựng, vua Tự Đức (1848-1883) lấy tên Vạn Niên Cơ đặt cho công trình, nhưng sau khởi nghĩa Chày Vôi do anh em Đoàn Hữu Trưng khởi xướng, vua cho đổi tên thành Khiêm Cung, sau khi vua mất gọi là Khiêm Lăng.

Văn bia bằng đá Thanh nặng 20 tấn, có khắc bài “Khiêm Cung Ký” do vua Tự Đức soạn thảo, dài 4.935 chữ, là một bản tự thuật của nhà vua về cuộc đời, vương nghiệp cũng như những rủi ro, bệnh tật của mình. Tự Đức muốn dùng tấm bia khổng lồ đó để kể công và nhận tội trước lịch sử. Ông tự nhận tội: “Không sáng suốt trong việc biết người, ấy là của ta; dùng người không đúng chỗ, cũng là tội của ta; hàng trăm việc không làm được; đều là tội của ta cả...”. Văn bia cao 4m, bề ngang 2,1m, trên một bệ đỡ 1m, đã được số hóa định dạng 3D trong dự án Di sản mở do Google phối hợp với CyArk thực hiện. (https://poly.google.com/u/0/view/3znd-bDZP4M)

Nhà Thủy tạ lăng Tự Đức. Ảnh: NGUYỄN TẤN SĨ
Nhà Thủy tạ lăng Tự Đức. Ảnh: NGUYỄN TẤN SĨ

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận