Minsk gọi, Matxcơva trả lời

TƯỜNG ANH 20/09/2020 17:09 GMT+7

TTCT - Trong cao điểm khủng hoảng sau bầu cử tổng thống ngày 9-8 ở Belarus, nữ nhà văn đoạt Nobel văn chương Svetlana Alexievich đã gởi thư cho trí thức Nga, kêu gọi văn nghệ sĩ Nga lên tiếng ủng hộ phe đối lập Belarus. Người Nga hồi đáp ra sao?

Nhà văn Svetlana Alexievich 

TẠI SAO CÁC BẠN IM LẶNG?

Cho đến nay, bà Alexievich là thành viên duy nhất của Chủ tịch đoàn Hội đồng phối hợp đối lập Belarus (KS) vẫn còn tự do và trụ lại ở Minsk.

KS là cơ quan đại diện của phe đối lập Belarus, chính thức ra đời vào ngày 18-8 vừa qua - một tuần sau cuộc bầu cử mà phe đối lập cho rằng kết quả công bố là sai lạc.

Được thành lập sau những cuộc biểu tình đường phố và bãi công ở các nhà máy chống gian lận kết quả bầu cử, mục đích của KS là “tiến hành cuộc bầu cử mới và chuyển giao hòa bình chính quyền”. Hai ngày sau khi KS ra đời, Tổng công tố viện Belarus đã khởi tố hình sự tổ chức này vì “âm mưu lật đổ chính quyền”.

Từ đó đến nay, lần lượt 6/7 thành viên Chủ tịch đoàn hoặc làm đơn xin rời cương vị, hoặc bỏ ra nước ngoài, hoặc đã bị bắt, chỉ còn nhà văn Alexievich vẫn tự do ở Minsk, dù bà cho biết mình “thường xuyên được hỏi thăm”.

Một lực lượng hùng hậu các đại sứ và đại diện ngoại giao của Liên minh châu Âu (EU), Áo, Bulgaria, CH Czech, Estonia, Pháp, Đức, Ý, Lavia, Litva, Romania, Hà Lan, Ba Lan, Slovakia, Thụy Điển, Phần Lan đã hai ngày liên tục, kể từ 10-9-2020, “trực nhật” ở tư gia của bà “để bảo vệ an toàn cho nhà văn này”.

Ngày 8-9, bà Alexievich đã đăng trên trang web của Trung tâm văn bút PEN Belarus lời kêu gọi gửi trí thức Nga. Trong thư, bà thông báo mình là người cuối cùng còn tự do của Chủ tịch đoàn KS, khẳng định phe đối lập Belarus không chuẩn bị một cuộc đảo chính, mà chỉ muốn bắt đầu một cuộc đối thoại trong xã hội.

Bà viết: “[Tổng thống Belarus Alexander] Lukashenko nói không muốn nói chuyện với đường phố. Mà đường phố - đó là hàng trăm ngàn con người mỗi chủ nhật và mỗi ngày đã xuống đường. Đó không phải là đường phố. Đó là nhân dân”.

THƯ GỬI SVETLANA

Một trong những nhà văn đầu tiên đáp lời Alexievich là nữ văn sĩ nổi tiếng Nga Lyudmila Ulitskaya. Bà cho biết mình và bạn bè “luôn dõi theo những sự kiện đang diễn ra ở Belarus. Chúng tôi biết về các vụ bắt giữ, sự xuất hiện của những nhà lãnh đạo mới tuyệt vời và hiểu ở đất nước các bạn đang diễn ra sự kiện mà ngày mai có thể xảy ra tại nước Nga”.

Hay nhà văn Aleksandr Arkhangelsky khẳng định người Nga không im lặng, nhưng “tiếng nói của họ không phải lúc nào cũng xuyên qua được bức màn âm thanh náo nhiệt”, bày tỏ tin tưởng cuộc đấu tranh của phe đối lập Belarus “sẽ thành công một cách từ tốn, kiên trì và hòa bình. Và đấy sẽ là một trang mới trong lịch sử tự do châu Âu”.

Nhà văn, nhà báo Denis Dragunsky cho rằng danh dự chính là động cơ chính trong cuộc biểu tình của người Belarus, tin rằng người Belarus “có thể trả lời đầy đủ cho việc xúc phạm danh dự con người, của nền dân chủ và quốc gia của họ”.

Nhà thơ Lev Rubinshtein trong thư trả lời Svetlana Alexievich viết mình không nhân danh giới trí thức nào, nhân dân nào, nhóm phái nào, mà chỉ trả lời từ góc nhìn của riêng mình. Ông trích dẫn một đoạn trong một bức thư của nhà văn Anton Chekhov mà ông hoàn toàn đồng tình: “Tôi tin vào các cá nhân, tôi thấy sự cứu rỗi ở những con người riêng lẻ rải rác khắp nước Nga, đây và đó, trí thức hay mugich - họ có sức mạnh, dù họ không đông”...

Nữ thi sĩ Olga Sedakova thì bày tỏ sự khâm phục cuộc đấu tranh mà chính bà và nhiều bạn bè bà cũng không ngờ tới, “cuộc phản kháng mang vẻ đẹp tinh thần lạ thường, như thể mọi người đã thất vọng và họ nói với tất cả sự kiên quyết “Không!” với sự độc ác, dối trá, thói quen sỉ nhục” mà “chúng tôi không thấy điều này ở Nga. Chỉ còn phải hi vọng - cho đến khi chúng ta thấy được”.

Tuy nhiên, không phải tất cả trí thức Nga đều ủng hộ Alexievich. Có lẽ không cần nhắc lại rằng dù sáng tác bằng tiếng Nga, Alexievich đang nổi tiếng như một người bài Nga và thế giới quan của bà từng bị người Nga nhận định là “tắc kè hoa chính trị”.

Cựu giáo sư Đại học Lomonosov, nhà chính trị học Sergey Markov, đáp lời bà trên Đài phát thanh Tiếng vọng Moskva: “Vào thời Xô viết thì ca ngợi [Felix] Dzerzhinsky [nhà cách mạng Nga lão thành, người xây dựng và phát triển lực lượng an ninh mật đầu thời Liên Xô], còn vào thời bài Nga thì chỉ trích nước Nga”. Markov cho rằng ở Belarus đang diễn ra cuộc đấu tranh “không phải của nhân dân chống lại độc tài, mà là của hai bộ phận nhân dân. Một đại bộ phận muốn liên minh với Nga, còn thiểu số kia... muốn liên minh với Ba Lan chống Nga”.

Một tác giả khác, nhà báo, nhà văn viễn tưởng Sergey Lukyanenko viết trên tài khoản Facebook cá nhân rằng người Nga không nên can thiệp vào những gì đang xảy ra ở Belarus: “Đây là việc của Belarus. Có một chính phủ, có người dân, có phe đối lập và có cuộc tranh chấp xem ai thắng bao nhiêu phần trăm trong bầu cử, nhưng tất cả những điều này, tất nhiên, phải do người Belarus quyết định... Theo tôi, sẽ là sai lầm nếu can thiệp từ bên ngoài, dù là giới trí thức hay bình dân. Sẽ hoàn toàn sai nếu bạn áp đặt ý kiến của mình”.

Lukyanenko mỉa mai nhắc hiện nay người Nga đang bị tố cáo là can thiệp vào chuyện của bao nhiêu nơi, bao nhiêu nước rồi kết luận: “Không nên can thiệp, không thì bao nhiêu rầy rà sẽ xuất hiện. Chỉ nên can thiệp ở đó, ở phía bên kia, ở nơi mà sự can thiệp gây hại cho Nga. Giới trí thức lạ kỳ làm sao và sự lựa chọn hành động của họ cũng vậy”.

Ám chỉ của Lukyanenko “chỉ nên can thiệp... ở nơi... gây hại cho Nga” có thể thấy Ba Lan và Litva là hai nước thể hiện mối quan tâm sâu sắc đến Belarus. Mới đây Ba Lan tuyên bố sẵn sàng tổ chức họp bộ tứ Visegrad gồm Ba Lan, CH Czech, Slovakia và Hungary để cung cấp chế độ miễn thị thực cho người Belarus.

Trước đó, chính phủ nước này đã khởi động chương trình Business Habour để tạo điều kiện cho việc di chuyển các chuyên gia và công ty từ Belarus sang Ba Lan. Các biện pháp này được thực hiện dựa trên tuyên bố được đưa ra ở Warsaw về nguy cơ xuất hiện một “hình thức mới của đế chế Nga” trong trường hợp Belarus bị/được “đưa vào hệ thống Nga”.

Còn Litva ngày 10-9 đã công nhận bà Svetlana Tikhanovskaya (ứng viên đối lập về nhì trong cuộc bầu cử tổng thống Belarus ngày 9-8) là “tổng thống đắc cử” của Belarus.

Bà Svetlana Tikhanovskaya nay đã trở thành nhân vật đối lập chủ chốt ở Belarus. Ảnh: Euronews
Bà Svetlana Tikhanovskaya nay đã trở thành nhân vật đối lập chủ chốt ở Belarus. Ảnh: Euronews

KHUA KHOẮNG SÚNG ỐNG HAY MƯU CẦU YÊN Ả

Trong tình hình ngày càng nóng lên này, bắt đầu từ 14-9, đợt diễn tập chiến thuật chung Nga - Belarus “Tình anh em Slavơ” đã được xúc tiến ở Brest, Belarus. Theo các nhà tổ chức, đây là đợt diễn tập thường niên lần thứ năm, đã được lên kế hoạch từ năm ngoái (dự kiến còn có sự tham dự của quân đội Serbia nhưng dưới áp lực của EU và Hoa Kỳ, Serbia đã tuyên bố đóng băng các hoạt động tập trận năm nay) “nên không hề có sự kết hợp quân sự - chính trị nào ở đây”.

Tuy nhiên, theo từ Sự Thật Komsomol, từ một tháng trước ở Belarus đã có tin đồn về “sự chiếm đóng” của Nga và “quân của Putin sẽ vĩnh viễn ở lại Belarus”. Cùng lúc, Ba Lan, các nước cộng hòa Baltic và tổng hành dinh NATO ở Brussels cũng cảnh báo “Nga và Belarus đang khua khoắng súng ống của họ bên các cửa sổ châu Âu”.

Sự Thật Komsomol thống kê: chỉ trong năm nay, quân đội NATO ở Ba Lan và các nước Baltic đã tiến hành gần 20 cuộc tập trận quy mô khác nhau gần biên giới Belarus. Lực lượng NATO trong khu vực cũng lớn gấp 17 lần so với Belarus. Nhưng khi ông Lukashenko ra lệnh cho quân đội triển khai ở biên giới phía tây Belarus thì NATO lại cáo buộc ông “chuẩn bị gây hấn”.

Cũng báo trên ngày 13-9 dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Belarus Viktor Khrenin cho biết quân đội NATO đã tới gần biên giới Belarus. Cụ thể, một tiểu đoàn xe tăng Mỹ chỉ còn cách biên giới phía tây Belarus 15km. Tiểu đoàn này có 500 quân, 29 xe tăng và 43 phương tiện chiến đấu.

Trong lá thư ủng hộ bà Alexievich, nữ nhà văn Ulitskaya cho rằng cuộc phản kháng ở Belarus hiện là “hình mẫu tốt cho tương lai gần của nước Nga”. Có thể dự báo của bà Ulitskaya khó thành hiện thực, nhưng sự ổn định ở biên giới phía tây nước Nga chắc chắn là điều Matxcơva mưu cầu. Thế nên cuộc gặp 14-9 tại Sochi (Nga) giữa hai nguyên thủ - ông Lukashenko và Tổng thống Nga Vladimir Putin - được hi vọng sẽ góp phần giải quyết cuộc khủng hoảng của Minsk.

Matxcơva vẫn giữ thể diện cho ông Lukashenko bằng việc công nhận ông này là tổng thống hợp pháp của Belarus (dù người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov nói thêm Matxcơva luôn xem người Belarus - dù ủng hộ hay phản đối Lukashenko - đều là nhân dân anh em). Ông Putin tuyên bố ủng hộ ông Lukashenko thực hiện cải cách hiến pháp cho phù hợp với thực tiễn mới, xem đó là quyết định hợp lý và kịp thời mà trong quá trình đó “không ai được phép can thiệp”.

Ngoài ra, để chứng minh “bạn bè giúp nhau trong hoạn nạn”, Matxcơva sẽ cho Belarus vay 1,5 tỉ đôla (một phần là để đảo các khoản nợ cũ), cung cấp vaccine chống virus corona và thúc đẩy vấn đề cung cấp năng lượng...

Liệu những bước đi này có giúp tháo ngòi nổ cuộc khủng hoảng Belarus? Diễn biến mới nhất cho thấy phần nào sự “xuống nước” của ông Lukashenko, khi hứa hẹn cải cách hiến pháp của ông vào đầu cuộc khủng hoảng nay đã được “đóng đinh” sau cuộc gặp đồng minh gần gũi nhất. Mặt khác, ông Lukashenko cũng đã cho rút các đơn vị Belarus được tăng cường ở biên giới, còn Nga rút lực lượng an ninh hiện tập trung ở biên giới hai nước.

Nhưng phe đối lập có vẻ đòi hỏi nhiều hơn thế. Bà Tikhanovskaya, qua báo chí, đã gửi một tin nhắn tới ông Putin: “Dù các vị có thỏa thuận gì ở Sochi thì đều không có hiệu lực pháp lý”. Bà cũng bày tỏ lấy làm tiếc khi ông Putin “quyết định tiến hành đối thoại với kẻ soán ngôi, chứ không phải với người dân Belarus”.■

“Tôi muốn kêu gọi giới trí thức Nga… Tại sao các bạn im lặng? Chúng tôi chỉ nghe được những tiếng nói ủng hộ hiếm hoi. Tại sao các bạn im lặng khi thấy một dân tộc nhỏ bé, kiêu hãnh bị chà đạp? Bởi chúng tôi là anh em của các bạn…

(Lời kêu gọi trí thức Nga của Svetlana Alexievich)

 
Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận