Miền Trung héo hon vì thủy điện

NHÓM PV ĐÀ NẴNG 28/06/2009 00:06 GMT+7

TTCT - Ước tính có không dưới 200 nhà máy thủy điện lớn nhỏ đã và đang được xây dựng hoặc quy hoạch tại miền Trung - Tây nguyên. Điện năng trở thành mặt hàng bán chạy nhất vào thời điểm này bởi cầu đang xa cung.

Chính vì lẽ đó không ít doanh nghiệp (thậm chí có doanh nghiệp chưa hề làm điện bao giờ) cũng nhanh chân nhảy vào lĩnh vực thủy điện. ít có con sông lớn nào ở miền Trung lại nằm ngoài tầm ngắm quy hoạch thủy điện.

Phóng to
Đập ngăn dòng Zahung trên sông Zahung đã hoàn tất chuẩn bị tích nước cho Nhà máy thủy điện Zahung (30MW) phát điện - Ảnh: Đăng Nam

Nơi thượng nguồn hai con sông Vu Gia - Thu Bồn (Quảng Nam) là những con sông, dòng suối bắt nguồn từ dãy Trường Sơn hùng vĩ. Những dòng sông này chảy quanh co qua nhiều sườn núi hiểm trở, uốn lượn quanh những bản làng chính là nguồn sống của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây. Nhưng vài năm trở lại đây, nguồn sống ấy ngày càng héo hon bởi “cơn lốc” mang tên thủy điện.

Trên thủy điện... dưới thủy điện

Dòng sông Kôn chảy qua hai xã Zơ Ngây và Sông Kôn của huyện Đông Giang (Quảng Nam) là một trong số đó. Lừng lững chắn ngang dòng nước sông Kôn là một con đập chính kiên cố bằng bêtông với chiều cao hơn 50m, dòng nước chảy đến đây liền bị bẻ ngoặt sang một bên. Phía dưới công trình này, những roi đá phơi bụng trắng xóa, dòng nước nhỏ giọt chảy. Trên mặt sông, những công đoạn cuối cùng của công trình thủy điện Sông Kôn 2 đang được gấp rút hoàn tất để chuẩn bị việc phát điện vào tháng 7.

Theo thiết kế ban đầu, đập chính này có nhiệm vụ chủ yếu điều tiết nước sông Kôn, nhưng sau khi phát hiện sức nước qua cửa điều tiết nước còn lớn nên chủ đầu tư đã “tận dụng” đặt vào đây một tuôcbin máy phát điện 3MW. Cách con đập chính này gần 3km, một đập phụ khác với chiều cao hơn 37m cũng án ngữ ngay giữa dòng sông.

Ông Trần Quang Hòa, trưởng phòng kế hoạch Công ty cổ phần thủy điện Geruco - Sông Kôn 2, cho biết: “Đập chứa nước chính của công trình này là 29 triệu m3 nước, còn đập phụ chỉ khoảng 1,2 triệu m3. Như vậy thông qua việc xả nước tại hai đập chính - phụ, tổng công suất phát điện của Nhà máy thủy điện Sông Kôn 2 sẽ là 63MW”.

Cách thủy điện Sông Kôn 2 gần 30km, trên sông Zahung chảy qua xã Zahung (huyện Đông Giang), một con đập “khổng lồ” của công trình thủy điện Zahung (công suất 30MW) cũng đã được xây xong. Dòng sông Zahung nay chỉ còn là một dòng nước khô kiệt luồn lách qua những vách đá nổi ụ lên giữa dòng. Một số người dân chống thuyền đi trên sông để giăng lưới đành phải dừng lại hò hét nhau vác thuyền lên bờ vì nước quá cạn kiệt.

Mấy chục năm gắn bó với con sông này, ông Alăng Bế, một người dân xã Zahung cùng tên với công trình thủy điện, ngao ngán lắc đầu: “Cả ngày cặm cụi mà chưa bắt được con cá nào cả. Từ ngày có cái thủy điện thì cá, tôm biến đi hết. Chắc phải bỏ nghề chài lưới thôi”.

Đi tiếp chừng 7km về phía hạ lưu, dòng Zahung chảy qua địa phận xã Macooih giờ được đổi tên thành sông A Vương thêm một lần bị chặn dòng để làm công trình thủy điện A Vương. Một năm trước, khi có dịp đi qua hồ chứa nước của thủy điện A Vương, nhiều người đã hết lời ca ngợi khi trước mắt là một mặt hồ phẳng lì bốn bề với những cánh rừng cây thẳng tắp, soi bóng mặt hồ xanh ngắt. Vậy mà giờ đây lòng hồ chứa nước trơ cạn đáy do thủy điện A Vương đang vào mùa phát điện cao điểm nên xả nước tối đa. Những rừng cây xanh thẳm năm trước giờ đã chuyển sang màu trắng bệch, chết tàn tạ. Cả lòng hồ trơ đáy, bốc mùi xú uế nồng nặc.

Phóng to
Chỉ một con sông Đăk Mi đã phải “cõng” trên mình nhiều nhà máy thủy điện

Đầu tư thủy điện: ngon ăn

Trong buổi lễ phát điện tổ máy số 2 Nhà máy thủy điện A Vương 210MW (Quảng Nam), ông Nguyễn Văn Lê - chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần thủy điện A Vương - hồ hởi cho biết việc phát điện sớm trên 180 ngày đã mang về cho công ty doanh thu khoảng 240 tỉ đồng! Theo tính toán của chủ đầu tư, chỉ trong vòng chín năm sẽ hoàn vốn đầu tư trên 4.000 tỉ đồng, sau đó thu lợi nhuận ròng.

Một cán bộ tài chính dự án thủy điện A Lưới (Thừa Thiên - Huế) cho biết đầu tư dự án thủy điện có lợi nhuận cao và ổn định nhất, “ngon ăn” hơn các lĩnh vực khác do mặt hàng điện sản xuất đến đâu bán sạch đến đó, cầu luôn cao hơn cung. Mặt khác, công nghệ cũng đơn giản. Ước tính mỗi năm thủy điện này sẽ bán điện được khoảng 500 tỉ đồng và sau chín năm là dư sức hoàn vốn đầu tư 3.234 tỉ đồng. Các năm sau đó cứ ung dung thu lợi nhuận, mà tuổi thọ mỗi dự án thủy điện thì không dưới 50 năm! Thành ra hiếm có dự án nào có sức huy động vốn xã hội như dự án thủy điện này: chỉ trong vài tháng đã thu được 700 tỉ đồng. Thế là dự án thủy điện A Lưới hiện đang được đẩy nhanh với tiến độ cao nhất để chóng bán điện thu tiền về.

Mặt khác, làm thủy điện ở miền Trung càng có hiệu quả cao do hằng năm bước vào mùa khô kiệt từ tháng 9 đến tháng 12 các nhà máy thủy điện lớn như Hòa Bình, Trị An, Yaly... phải giảm công suất, tạo nên cơn sốt điện thì ở miền Trung lại là mùa mưa, các nhà máy ở đây tha hồ chạy hết công suất nên điện làm ra không tài nào ế được!

Chính vì hiệu quả đầu tư thủy điện cao nên không chỉ các đơn vị ngành điện tham gia đầu tư mà các doanh nghiệp ngoài ngành cũng mạnh dạn đổ vốn, đẩy nhanh xây dựng các dự án phát điện. Đơn cử một tổng công ty đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp “khơi khơi” như Idico, chủ dự án Đăk Mi 4, đã nhanh nhảu chặn dòng, xây đập nhằm phát điện sớm hơn dự án thủy điện Sông Boung 4 do Tập đoàn điện lực “chính thống” EVN làm chủ đầu tư.

Ngoài Idico còn có các doanh nghiệp khác ngoài ngành điện cũng nhảy vào đầu tư thủy điện như Công ty cổ phần Sông Côn (công ty “con” của Tổng công ty Cao su), Tổng công ty Cơ điện nông nghiệp và thủy lợi, Công ty cổ phần Đạt Phương, Công ty cổ phần Hoàng Anh Quảng Nam, Công ty cổ phần Za Hưng (Za Hung), Công ty cổ phần Xây dựng 699... Ngay cả Công ty cổ phần Nhân Luật (Đà Nẵng) chuyên kinh doanh sắt thép cũng đang xúc tiến đổ tiền vào các dự án thủy điện tại Quảng Nam như Pà Dồn, Thượng Pà Dồn, Pà Oi 1, Pà Oi 2.

Làn sóng đầu tư vào nhà máy thủy điện miền Trung hiện vẫn chưa dừng lại. Công ty Điện lực 3 (PC3) ngoài tám dự án thủy điện đang làm chủ đầu tư hoặc góp vốn, nay còn nhắm đến các dự án thủy điện khác như A Roàng, Đăk Pring, Đăk Rông 1, Sông Tranh 1, Sông Tranh 5, Krông H’năng 2. Theo nguồn tin riêng của Tuổi Trẻ Cuối Tuần, hiện một số tập đoàn đầu tư vốn của nước ngoài đang nhảy vào mua lại vốn các nhà máy thủy điện miền Trung.

Hậu quả khó lường

Nguy cơ tạo nên một thảm họa môi trường do việc chặn dòng làm thủy điện trên hệ sông Vu Gia - Thu Bồn ở Quảng Nam đã buộc Chính phủ lẫn các bộ ngành phải vào cuộc để tìm ra giải pháp tháo gỡ ngay đầu tháng 6. Theo tính toán của TP Đà Nẵng, nếu nhà đầu tư dự án thủy điện Đăk Mi 4 là Idico đổ hết nguồn nước của sông Đăk Mi về sông Thu Bồn thay vì cho đổ về sông Vu Gia như quy luật tự nhiên lâu nay thì chắc chắn hơn 1,7 triệu dân (trong đó có 850.000 người dân của Đà Nẵng, số còn lại của các huyện Đại Lộc, Điện Bàn và TP Hội An của tỉnh Quảng Nam) sẽ chịu cảnh khát nước suốt chín tháng, từ tháng 1 đến tháng 9 hằng năm. Đó là chưa kể hơn 20.000ha đất sản xuất (chủ yếu là đất lúa) nằm dưới vùng hạ lưu sông Vu Gia sẽ thiếu nước.

Là người gắn bó lâu năm nhất với ngành thủy nông, ông Huỳnh Vạn Thắng, phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn TP Đà Nẵng, cho rằng việc xây dựng quá nhiều nhà máy thủy điện trên cùng một hệ sông chắc chắn ảnh hưởng đến dòng chảy ở khu vực hạ lưu, mà TP Đà Nẵng là một trong số các địa phương sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất một khi dòng chảy bị cạn kiệt.

Theo ông Thắng, để xảy ra cớ sự này là do có quá nhiều sai sót trong quá trình nghiên cứu lập và xây dựng dự án thủy điện Đăk Mi 4. Trong quá trình quy hoạch xây dựng bậc thang thủy điện trên hệ sông Vu Gia - Thu Bồn do Công ty Tư vấn xây dựng điện 1 lập đã không đề cập kiến nghị về việc trả lại dòng chảy cho sông Đăk Mi trong trường hợp chuyển nước qua sông Thu Bồn. Đơn vị tư vấn lập dự án thủy điện Đăk Mi 4 đã nhầm lẫn rất cơ bản là nước sau khi phát điện chảy về sông Thu Bồn rồi sau đó đổ về hạ lưu sông Vu Gia, trong khi trên thực tế đây là hai con sông riêng biệt.

Điều đáng nói là trước đó Trung tâm Quốc tế về quản lý môi trường, khi tham gia quy hoạch thủy điện sông Vu Gia - Thu Bồn, đã khuyến cáo: “Việc nắn dòng thủy điện Đăk Mi 4 là không cần thiết và có thể gây ra tác động tiêu cực về môi trường, kinh tế - xã hội trong khu vực”. Tuy nhiên khuyến cáo này đã không được trình lên lãnh đạo các bộ ngành trung ương. Ngay cả thứ tự ưu tiên xây dựng thủy điện trên sông Vu Gia - Thu Bồn cũng bị đảo lộn. Theo quy hoạch của Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công thương), trong mọi trường hợp thủy điện Sông Boung 4 phải được xây dựng trước Đăk Mi 4. Nhưng thực tế Đăk Mi 4 đang được xây dựng trước. Điều này sẽ gây thiếu nước nghiêm trọng hơn.

Ngày 11-6, Bộ Công thương đã triệu tập cuộc họp do Văn phòng Chính phủ chủ trì với đầy đủ các bộ ngành trung ương và địa phương để bàn biện pháp giải quyết vụ tranh chấp nguồn nước trên sông Đăk Mi. Kết quả: Bộ Công thương đã yêu cầu chủ đầu tư dự án thủy điện Đăk Mi 4 phải trả lại nước cho sông Vu Gia. Theo đó, các bên sẽ thành lập một tổ chuyên gia để tính toán lượng cân bằng nước, từ đó đi đến thống nhất vấn đề trả lại bao nhiêu lưu lượng nước cho sông Vu Gia.

---------------------------------

Phải hạn chế tác động đến môi trường

Sáng 19-6, bên lề hội thảo về dòng chảy tối thiểu và quản lý lưu vực sông tại lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn do Sở Tài nguyên & môi trường tỉnh Quảng Nam tổ chức, ttct đã có cuộc trao đổi ngắn với thạc sĩ Ruth Mathews (chuyên gia nghiên cứu về quản lý nước, công trình thủy điện của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên phi chính phủ WWF tại Việt Nam) về những nguy cơ tiềm ẩn của các công trình thủy điện.

Phóng to
Nếu sông Vu Gia cạn nước thì người dân sống ven sông sẽ không còn những vụ mùa bội thu như thế này nữa - Ảnh: Đăng Nam

* Trước khi đến Việt Nam bà đã có thời gian nghiên cứu về các vấn đề liên quan đến thủy điện, xây dựng đập nước trên các hệ thống sông ở các nước khác trên thế giới, bà đánh giá thế nào hiện trạng này của thế giới?

- Tôi đến Việt Nam được chín tháng. Trước đó, tôi đã có hơn 10 năm học tập, nghiên cứu về các công trình thủy điện, đập nước ở Mỹ. Hiện nay ở Mỹ và các nước phương Tây đã ít xây dựng thủy điện mà sử dụng năng lượng khác thay thế. Đồng thời hệ thống luật pháp về bảo vệ môi trường, phòng tránh tác động môi trường từ việc xây dựng thủy điện đã hoàn thiện hơn rất nhiều so với trước kia. Môi trường luôn là ưu tiên hàng đầu.

* Mỹ và các nước phương Tây được xem là nơi khởi đầu việc chặn nước các dòng sông để xây dựng thủy điện. Thực tế họ đã xây dựng những con đập khổng lồ như đập Hoover trên sông Colorado, nhưng ngay sau đó họ nhận ra tác hại của việc can thiệp sâu vào các dòng sông và ngừng lại từ những năm 1990. Ngược lại, tại một số nước “trào lưu” xây dựng thủy điện đang bùng lên, bà nghĩ sao về việc này?

- Mỹ và nhiều nước phát triển đã phát triển ngành thủy điện rộng rãi từ hơn 50 năm trước. Như đã nói trên, càng ngày hệ thống luật pháp về bảo vệ môi trường càng hoàn thiện. Phải có sự cân nhắc giữa ảnh hưởng môi trường, lợi ích kinh tế để lựa chọn làm thủy điện hay không. Các nước trên thế giới đã phải dùng các phương pháp giảm thiểu tác động của thủy điện đến môi trường. Theo tôi, sự khác nhau là ở hệ thống luật pháp quy định cụ thể về các hành vi gây ảnh hưởng đến môi trường là như thế nào thôi.

* Cụ thể như thế nào, thưa bà?

- Đó là việc lên kế hoạch đánh giá tác động đến môi trường trước khi triển khai xây dựng thủy điện. Bởi nếu việc xây dựng không khoa học, sau khi công trình hoàn thành mới phát hiện sai sót thì chi phí bỏ ra để chỉnh sửa hoặc xây mới sẽ lớn hơn rất nhiều, cùng với đó là các tác động xấu khác. Chi phí đầu tư xây dựng thủy điện phải bao gồm cả chi phí bảo vệ môi trường trong quá trình thi công gây ra. Điều đó đồng nghĩa với cam kết của đơn vị thi công trong việc bảo vệ môi trường.

* Bà có lời khuyên như thế nào đối với Việt Nam?

- Các bạn cần có cái gọi là đánh giá tác động môi trường chiến lược. Thực tế nhiều nơi người ta chỉ đánh giá tác động của một hoặc từng thủy điện trên một đoạn sông mà thôi. Tuy nhiên cần có cái nhìn bao quát: vậy 5-7 công trình thủy điện trên dòng sông ấy cộng lại thì tác động của nó sẽ như thế nào? Tính cộng hưởng tác động đến môi trường ra sao? Mặt khác, nếu một công trình mới được phê duyệt thiết kế, bắt buộc phải có một đoạn sông còn nguyên vẹn về mặt sinh thái để duy trì sự sống, nòi giống tự nhiên cho cả lưu vực sông. Ở đó các loài cá, thủy sinh vật có thể phát triển tự nhiên. Nói chung là kế hoạch xây dựng thủy điện phải sắp xếp như thế nào để ảnh hưởng thấp nhất đến môi trường.

* Vừa qua, dư luận rất quan tâm đến việc chặn dòng thủy điện Đăk Mi 4 để chuyển nước về sông Thu Bồn, cắt dòng chảy của sông Vu Gia gây nguy cơ khát nước cho gần 1,7 triệu dân của Đà Nẵng và Quảng Nam. Bà có biết thông tin này không? Và bà đánh giá như thế nào về việc chặn một dòng sông tự nhiên?

- Tôi cũng có nghe nhưng rất tiếc không được biết cụ thể về việc này lắm. Nhưng kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới là không nên chặn dòng nước sông này đổ sang sông khác bởi nó sẽ hủy diệt toàn bộ hệ sinh thái vùng hạ lưu, đồng thời nước khi đã chảy thì không bao giờ trở lại.

Cả miền Trung làm thủy điện

Theo số liệu của UBND tỉnh Quảng Nam, đến thời điểm này toàn tỉnh đã có tổng cộng 68 dự án nhà máy thủy điện lớn, nhỏ (đã được quy hoạch) nằm trải rộng trên tất cả sông suối của các địa phương. 68 nhà máy thủy điện chỉ trong khuôn viên 10.000km2! Trong đó, đáng kể nhất là 11 dự án thủy điện lớn sẽ được xây bậc thang trên hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn.

Năm 2007, Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công thương) đã quyết định điều chỉnh chia tách dự án thủy điện Đăk Mi 1 (225MW) thành ba nhà máy gồm Đăk Mi 1 (58MW) nằm trên địa phận tỉnh Kontum và hai dự án Đăk Mi 2 (90MW), Đăk Mi 3 (45MW) nằm trên địa phận tỉnh Quảng Nam. Điều đó có nghĩa con sông Đăk Mi, chảy từ Kontum về Quảng Nam, trước khi đổ ra biển Đông tại cửa sông Hàn (TP Đà Nẵng) đã phải cõng trên mình đến bốn nhà máy thủy điện. Tương tự, sông Boung cũng vác trên mình bốn nhà máy.

Song song với 11 dự án thủy điện cỡ lớn trên, UBND tỉnh Quảng Nam đã thỏa thuận với Bộ Công thương để phê duyệt thêm 43 dự án các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ. Ngoài ra, địa phương này cũng đang “ngắm” 14 vị trí khác để nghiên cứu bổ sung quy hoạch thủy điện.

Các địa phương khác ở miền Trung cũng đang hấp dẫn nhà đầu tư thủy điện không kém Quảng Nam. Tại Bình Định (diện tích 6.000km2), đến thời điểm này đã có tổng cộng 27 dự án thủy điện lớn và nhỏ được quy hoạch, trong đó bảy dự án lớn đã được tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư. Huyện Vĩnh Thạnh là địa phương có nhiều thủy điện nhất của tỉnh Bình Định với tổng cộng 11 dự án.

Tương tự đến năm 2010, theo kế hoạch, tỉnh Đăc Nông (diện tích 6.500km2) sẽ có trên dưới 64 nhà máy thủy điện lớn nhỏ được xây dựng. Trong khi đó, có tổng cộng không dưới 80 công trình thủy điện đã được các doanh nghiệp đăng ký xin đầu tư vào tỉnh Kontum (diện tích 9.600km2). Một địa phương không có nhiều sông suối như tỉnh Thừa Thiên - Huế, lại có diện tích tự nhiên khiêm tốn (chỉ 5.000km2) cũng quy hoạch xây dựng 11 thủy điện!

Nghiêm cấm hành vi làm cạn kiệt nguồn nước

Theo ông Huỳnh Vạn Thắng, để khắc phục tình trạng thiếu nước vùng hạ lưu do các đập thủy điện ngăn nước phía thượng lưu, Bộ NN-PTNT phải nghiên cứu các phương án bổ sung nước cho vùng hạ lưu bằng cách nghiên cứu xây dựng các hồ chứa nước trên các sông Boung, sông Đăk Mi, sông Giằng (thuộc hệ sông Vu Gia - Thu Bồn) với nhiệm vụ cấp nước là chính (phát điện là thứ yếu). Và để tránh cảnh “sứ quân”, cần sớm thành lập ủy ban lưu vực sông Vu Gia và quy hoạch lưu vực sông Vu Gia. Cuối cùng, nên hạn chế tình trạng quy hoạch, xây dựng thủy điện tràn lan như hiện nay.

GS-TS Phạm Ngọc Đăng, chủ tịch Hội Môi trường xây dựng Việt Nam, khuyến cáo: thủy điện không thải ra chất gây ô nhiễm môi trường, nhưng nó làm thay đổi toàn bộ môi trường về nhiều phương diện, kể cả nguồn nước. Theo GS Đăng, khi làm thủy điện buộc phải ngăn đập để tích trữ nước. Điều này dẫn đến tất cả chất hữu cơ, dinh dưỡng ở hạ lưu sẽ bị cạn kiệt và khi ấy các sinh vật thủy sinh, trong đó có cá, sẽ không sống nổi. Tất nhiên, khi ấy việc kiếm sống bằng nguồn lợi tôm, cá của dân chài ven sông cũng khó khăn hơn gấp bội.

Trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ do Chủ tịch TP Đà Nẵng Trần Văn Minh ký ngày 25-5-2009 có đoạn: “UBND TP Đà Nẵng hoàn toàn ủng hộ chủ trương khai thác tài nguyên nước sông Vu Gia đa mục tiêu, trong đó có mục tiêu thủy điện. Tuy nhiên dự án Đăk Mi 4 đã không góp phần cải thiện dòng chảy mùa kiệt mà còn làm suy thoái, cạn kiệt nguồn nước sông Vu Gia, là hành vi bị nghiêm cấm theo quy định của Luật tài nguyên nước”.

Năm 2008, khi thủy điện A Vương chặn dòng tích nước đã khiến vùng hạ lưu Vu Gia khô kiệt nước, dẫn đến hơn 6.000ha lúa bị hạn, Nhà máy nước Cầu Đỏ cấp nước cho toàn TP Đà Nẵng bị nhiễm mặn nghiêm trọng.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận