Miễn phí hoàn toàn giao thông công cộng: Không phải ảo tưởng

CHIÊU VĂN 04/04/2019 12:04 GMT+7

Hệ thống giao thông công cộng hoàn toàn miễn phí nghe như câu chuyện về một địa đàng không tưởng (utopia) ở các thành phố. Nhưng với sức mạnh của công nghệ và sự chia sẻ tốt hơn, điều đó gần hiện thực hơn chúng ta vẫn nghĩ.

Luxembourgh trở thành nước đầu tiên trên thế giới miễn phí hoàn toàn tất cả các phương tiện công cộng. Ảnh: Quartz
Luxembourgh trở thành nước đầu tiên trên thế giới miễn phí hoàn toàn tất cả các phương tiện công cộng. Ảnh: Quartz

“Nó khiến các đô thị nhân bản và hấp dẫn hơn” - Judith Dellheim của Quỹ Rosa Luxemburg tại Berlin, nói với ABC News. Làm việc cho một quỹ cánh tả khá cấp tiến, tiến sĩ Dellheim nhìn nhận giao thông công cộng miễn phí là quyền con người, chứ không phải là hàng hóa công: “Đó là một vấn đề dân chủ đáng được nêu ra vì giao thông công cộng chuyên chở con người thuộc nhiều nhóm xã hội rất khác nhau, nó giúp cải thiện sự gắn kết xã hội”.

Trong khi phần lớn các thành phố trên thế giới đều có sự hỗ trợ nhất định cho giao thông công cộng: trợ giá, đường ưu tiên, đầu tư công..., chưa vùng đô thị lớn nào thực sự loại bỏ hoàn toàn chi phí đi lại bằng phương tiện công cộng với người dân. Ngoại lệ là Luxembourg, quốc gia - thành phố sẽ miễn phí hoàn toàn vé đi lại trên xe buýt, tàu điện và tàu đường sắt đô thị cho 600.000 dân từ tháng 3-2020.

Nâng lên đặt xuống

“Đó có lẽ là ví dụ đầu tiên của cả một vùng, trong trường hợp này là một quốc gia - thành phố, miễn phí hoàn toàn đi lại bằng phương tiện công cộng - Tony Morton, chuyên gia về giao thông công cộng ở Úc, nói - Từng có các thử nghiệm trong quá khứ... nhưng Luxembourg là ví dụ đầu tiên ở quy mô này”.

Chính sách đó thành công tới đâu sẽ cần vài năm thử thách, nhưng cũng đã có một số bài học quá khứ. Năm 2013, thủ đô Estonian Tallinn quyết định miễn phí đi lại bằng phương tiện công cộng cho cư dân có đăng ký của thành phố, một động thái được lòng dân về chính trị, nhưng kết quả thì không hoàn toàn tích cực. Theo tiến sĩ Oded Cats của Đại học công nghệ Delft, Hà Lan: “Người dân đã sử dụng phương tiện công cộng thì sử dụng thường xuyên hơn, người ta cũng chuyển từ đi bộ và đi xe đạp sang đi xe buýt hay xe điện, điều tất nhiên không phải là một hiệu ứng đáng mong đợi”.

Ông cũng tiên đoán nhà chức trách Luxembourg chưa chắc đã thuyết phục được nhiều người dân hơn từ bỏ các phương tiện cá nhân. Về phần Morton - người hiện là chủ tịch Hiệp hội Người sử dụng phương tiện công cộng Melbourne, vấn đề với phương tiện công cộng thường không phải là giá vé, mà là chất lượng dịch vụ và sự đúng giờ. “Chúng ta vẫn chưa thực sự biến phương tiện công cộng thành một hình thức đi lại khả thi, hấp dẫn với những người sống ở các vùng đô thị - ông nói - Câu hỏi giá vé xe buýt hay xe điện là bao nhiêu thậm chí không quan trọng, vì dịch vụ xe buýt hay xe điện đó còn chưa tồn tại”.

Với tiến sĩ Cats, vấn đề còn phải là khiến việc đi xe hơi trở nên đắt đỏ hơn: “Điều đó gắn với phí đậu xe; trong trung tâm thành phố là việc thu các khoản tiền gây kẹt xe, thuế nhiên liệu, tất nhiên, đều là những biện pháp không được lòng dân, nhưng là hiệu quả nhất để giảm kẹt xe. Thứ hai là việc cải thiện chất lượng giao thông công cộng”.

Chuyên gia tư vấn giao thông quốc tế Jarrett Walker nhấn mạnh vào việc định giá đáp ứng nhu cầu ở những thành phố vốn đã đông đúc: “Nhà chức trách giao thông công cộng cần khuyến khích người ta đi lại ngoài giờ cao điểm bất cứ khi nào có thể vì dịch vụ trong giờ cao điểm rất đắt đỏ, trong khi ngoài giờ cao điểm công suất lại thừa”.

Theo đó, Walker cho rằng nên miễn phí vé trong những giờ không phải cao điểm nếu có thể, nhưng trong giờ cao điểm thì việc thu tiền để giảm bớt nhu cầu là cần thiết. “Đó là sự khác biệt giữa việc đi làm ở ngân hàng hay đi làm tại một tiệm thức ăn nhanh, nơi bạn có thể đi làm vào những giờ linh hoạt”.

Các dịch vụ đi lại gắn liền công nghệ mới xuất hiện gần đây như Uber hay Grab cũng không giúp ích nhiều cho việc giảm kẹt xe. Các công ty cung cấp dịch vụ qua ứng dụng này thường tự quảng cáo họ là câu trả lời cho kẹt xe và sự bổ trợ cho giao thông công cộng, nhưng Walker nhìn nhận bức tranh tổng thể kém lạc quan hơn. “Nếu một giải pháp đi lại mới khiến hai hay ba người dùng chung một chiếc xe thì điều đó tốt hơn là ba người mỗi người một xe, nhưng vẫn tệ hơn là ba người đó đi xe buýt” - Walker giải thích.

Một nghiên cứu mới ở Đại học Kentucky, Mỹ cũng cho thấy có sự tương quan giữa tăng trưởng của các ứng dụng gọi xe và sự suy giảm hành khách phương tiện công cộng tại Mỹ. Khảo sát của họ được thực hiện ở 22 vùng đô thị có dữ liệu trên toàn nước Mỹ. Theo đó, trong một giai đoạn 6 năm, các công ty Lyft và Uber làm giảm lượng đi lại bằng xe cá nhân khoảng 7,5%, nhưng số lượt đi xe buýt cũng giảm gần 10%, điều đồng nghĩa là nhiều giao thông hơn chứ không phải ít hơn.

Phí tổn và lợi ích

Luxembourg là một nước giàu, nhưng dân số đã tăng thêm khoảng 250.000 người trong 40 năm qua và tỉ lệ người nghèo đang tăng: 10% dân số nghèo nhất sống với mức 1.011 euro/tháng (1.144 USD), theo Văn phòng Thống kê quốc gia Luxembourg, 13% người lao động và gần 10% người nhận lương hưu sống chỉ ngay trên ngưỡng nghèo. Giao thông công cộng miễn phí chắc chắn mang lại lợi ích lớn cho nhóm này. “Đó là một ý tưởng tuyệt vời” - M’Barek Rabii, nhân viên bán hàng siêu thị, nói với BBC. Đã ly dị, có con 12 tuổi và sống bằng mức lương tối thiểu hợp pháp 1.770 euro, ông phải chi 900 euro cho tiền thuê nhà và 50 euro đi lại mỗi tháng.

Tuy nhiên, thuyết phục những người có xe hơi đi phương tiện công cộng lại là chuyện khác, ngay cả khi họ không khá giả gì. Fatima Braga, lao công kiêm luôn việc dọn nhà khi có người thuê, cũng sống với mức lương cơ bản. Bà chia sẻ: “Giao thông công cộng miễn phí giúp tôi tiết kiệm tiền nếu không dùng xe hơi nhưng vì phải đi làm theo giờ giấc ở nhiều địa điểm khác nhau, tôi sẽ phải mất một giờ rưỡi mỗi ngày nếu đi xe buýt, trong khi đi xe hơi thì mất 50 phút”.

Với những người có thu nhập cao và sở hữu xe hơi, bài toán lại càng rõ: dùng phương tiện công cộng là không kinh tế, ngay cả khi chúng là miễn phí. Giáo viên cấp III Anne Klein chỉ mất 30 phút nếu lái xe tới chỗ làm, trong khi “đi bằng tàu mất một giờ và tôi phải đổi tàu nữa, khiến tôi tới trường hoặc quá sớm hoặc quá trễ. Ngoài ra, tôi còn phải mang những túi đựng sách rất nặng. Ngay cả khi đi xe hơi đắt hơn, đấy vẫn là phương tiện thuận lợi nhất với tôi”.

Trên thực tế, với mục tiêu tăng 20% lưu lượng hành khách trên các phương tiện công cộng đến năm 2025, giao thông công cộng ở Luxembourg đã được trợ giá rất nhiều rồi, ngay cả trước đề án miễn phí: vé giá trị hai giờ cho cả thành phố giá 2 euro, vé cả ngày hạng nhì giá 4 euro và rất nhiều đối tượng vốn đã được miễn vé, bao gồm người dưới 20 tuổi, sinh viên dưới 30 tuổi, người sống dưới mức thu nhập tối thiểu...

Tổng tiền vé thu được từ các phương tiện công cộng hằng năm ở Luxembourg hiện giờ, 41 triệu euro, chỉ bù đắp được không tới 10% tổng chi phí vận hành các phương tiện, vào khoảng 491 triệu euro/năm.

Xe buýt ở Dunkirk, Pháp. Dòng chữ trên xe: 100% miễn phí, 7 ngày một tuần. Ảnh: AFP
Xe buýt ở Dunkirk, Pháp. Dòng chữ trên xe: 100% miễn phí, 7 ngày một tuần. Ảnh: AFP

Từ tháng 9-2013, thành phố Pháp Dunkirk cũng đã miễn phí xe buýt cho 200.000 cư dân ở đó. Một tháng sau, thị trưởng Dunkirk cho biết số lượng hành khách đã tăng 50% trên một số tuyến đường và tăng tới 85% ở một số tuyến khác. 

Dunkirk chỉ là một trong hơn 20 đô thị ở Pháp đã miễn phí giao thông công cộng ở nhiều dạng. Aubagne chẳng hạn, miễn phí 11 tuyến xe buýt phục vụ 100.000 cư dân ở đây từ năm 2009. Ở một số thị trấn, như Châteauroux, việc không thu tiền vé nữa (từ đầu những năm 2000) thậm chí đã giúp làm hồi sinh hệ thống vận tải.

Ở Dunkirk, tiền vé thu được trước khi miễn phí cũng chỉ bù đắp được 10% chi phí cho hệ thống giao thông công cộng. “Về cơ bản, ta không thể ra giá với quyền đi lại của người dân và công bằng xã hội” - thị trưởng thành phố này, Patrice Vergriete, nói với báo Anh The Guardian.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận