TTCT - Cách nay 10 năm, Ghislain de la Hitte mở tiệm sách cũ L’Opiomane ở Paris chuyên bán sách viết về châu Á. Anh bạn thân người Pháp này rất thích cho tôi xem những phát hiện mới nhất từ quá trình săn tìm ở các buổi đấu giá, hội chợ sách hoặc trên Internet, vì khó khăn chính của anh là “mua sách hiếm với giá tốt” chứ không phải bán lại nó.


Tắm con trẻ - Ký họa của Trường vẽ Gia Định năm 1935


Chỗ của Ghislain có một kệ sách được lưu giữ cẩn thận, chỉ để đọc vì giá trị tình cảm và độ hiếm của sách. Biết tôi thích tìm sách nhiếp ảnh và minh họa, anh giới thiệu một bộ bức vẽ có tựa Monographie dessinée de l’Indochine (Chuyên khảo vẽ về Đông Dương) với ghi chú Publications de l’Ecole d’Art de Giadinh (Ấn bản của Trường Mỹ nghệ Gia Định), năm 1935. Đó là những bức vẽ phong cảnh, công trình, đời sống sinh hoạt của miền Nam Việt Nam.

Lật xem những bức vẽ như ghi lại mọi khoảnh khắc cuộc sống, tôi cảm thấy đang trở về thời xa xưa bằng màu sắc, khác hẳn những ảnh chụp trắng đen cùng thời.

Ghislain cho biết: “Có tổng cộng tám bộ gồm 40 bức vẽ/bộ và đề tài riêng. Những ai am hiểu tranh ảnh Đông Dương sẽ nhận ra một số bức vẽ lấy từ đề tài các bưu thiếp hoặc ảnh chụp khá nổi tiếng được công bố 20-30 năm trước đó (khoảng năm 1900-1910). Số lượng phát hành không rõ bao nhiêu, nhưng để sở hữu những bức vẽ này là cực kỳ khó. Một hiệu sách chuyên ngành về thuộc địa Pháp có hơn 50 năm hoạt động cho tôi biết họ chỉ nhìn thấy trọn bộ các bức vẽ này một lần duy nhất”.

Năm 2012, tôi tìm đến Trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM với ý định thực hiện một bộ ảnh về các sinh viên. Qua trao đổi với thầy Nguyễn Quang Vinh, tôi được biết năm 2013 trường sẽ kỷ niệm 100 năm thành lập.

“Thời đó nó là trường chuyên vẽ, có tên gọi Trường vẽ Gia Định” - thầy Vinh nói. Vậy là tôi đã trở lại đúng nơi các tác giả những bức vẽ nói trên đã học nghề. Và những sinh viên trường mỹ thuật ngày nay vẫn còn áp dụng kỹ thuật vẽ theo xu hướng tự nhiên chủ nghĩa của Pháp: dùng bút chì vẽ từ người mẫu sống và ký họa bên ngoài.

Trường vẽ Gia Định thời gian đầu do kiến trúc sư André Joyeux điều hành. Từ 15 học viên đầu tiên, con số này tăng lên 160 vào năm 1940. Một hiệp hội các họa sĩ, thợ chạm khắc và in litô Gia Định được thành lập vào năm 1933 nhằm giúp các học viên bước vào thế giới nghề nghiệp. Chính tên của hiệp hội này ghi trên bìa bộ bức vẽ được những người đam mê lịch sử nghệ thuật Việt Nam săn tìm bấy lâu nay.

Để kỷ niệm 100 năm thành lập Trường vẽ Gia Định - Trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM (1913-2013), các hoạt động chào mừng sự kiện này đã và sẽ diễn ra đến hết năm nay, trong đó dự kiến lễ kỷ niệm sẽ được tổ chức trong tháng 11.


Những nhạc công đường phố - Ký họa của Trường vẽ Gia Định năm 1935


Cầu khỉ trên con rạch ở Sa Đéc - Ký họa của Trường vẽ Gia Định năm 1935


Sinh viên ĐH Mỹ thuật vẽ tranh - Ảnh: Quang Lâm


Những ký họa và phác thảo vẽ bằng than ở ĐH Mỹ thuật - Ảnh: Quang Lâm


Viếng mộ ngày giáp tết ở nghĩa trang Tân Sơn Nhất - Ảnh: Quang Lâm


Băng qua con rạch - Ký họa của Trường vẽ Gia Định năm 1935

 (QUANG THÁI chuyển ngữ)

Về những bức vẽ ký họa thường thấy ở những thời kỳ trước đây, chẳng hạn những bức vẽ trong bộ Chuyên khảo vẽ về Đông Dương nói trên, họa sĩ Nguyễn Lâm cho biết thêm: “Đây là những bức vẽ theo dạng tả chân xã hội, học viên của các trường mỹ nghệ thực hành ở Gia Định, Biên Hòa, Thủ Dầu Một trước năm 1975 đều được dạy. 

Học viên ngày trước thường gọi là giờ học ký họa chiều thứ bảy, bởi từ thứ hai đến thứ sáu họ học vẽ trong phòng học, thứ bảy mới ôm cặp giấy tìm phong cảnh bên ngoài để ký họa rồi đem về cho thầy sửa bài. 

Đề tài thường là sinh hoạt dân gian, phong cảnh, thể hiện bằng lối vẽ mộc mạc, ký họa bằng bút sắt rồi vẽ màu nước. Nhìn chung, tranh ký họa dạng này ở mức trung cấp, sau đó học viên sẽ bước qua giai đoạn sáng tác là phá vỡ hình, đi xa hơn nữa trong các kỹ thuật, trường phái hội họa cao hơn”.

Q.THI

 



Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận