Mê viết và mê con

NGUYỄN THỊ THANH THƯ 24/06/2017 20:06 GMT+7

TTCT- Từ khi còn bé lắm, còn ở nhà với cha mẹ, các anh và các em, tôi đã nghe mẹ tôi nói: “Các bác (bạn văn, cùng đi kháng chiến với cha tôi) vẫn bảo: Nguyên Hồng chỉ có hai niềm đam mê, đó là mê viết và mê con”.

Nguyên Hồng và một cháu bé ở Liên Xô năm 1978
Nguyên Hồng và một cháu bé ở Liên Xô năm 1978

 

Hồi nhỏ, lời nhận xét ấy với tôi cũng chỉ như nhiều câu chuyện khác về cha tôi. Chúng tôi hồn nhiên sống bên sự viết lách cần cù, bền bỉ của cha, trong tình thương yêu, chăm sóc, lo lắng hằng ngày của ông mà coi đó như một sự đương nhiên. Đương nhiên như mặt trời thức dậy mỗi sớm mai vậy.

Cha hổ dịu dàng

Riêng điều này thì tôi phát hiện ra ngay từ hồi học cấp II: cha tôi là một con người đầy mâu thuẫn. Thường thì ông dịu dàng như một người mẹ, giọng nói của ông ấm và ngọt, chúng tôi vẫn bảo giống như giọng của cha cố khi giảng đạo.

Nhưng nếu đúng lúc ông cần một cuốn sách nào đó mà chúng tôi đã đánh mất hoặc đang cho ai mượn thì ông gầm lên như một con hổ. Có một lần như vậy, tôi lỉnh ra sau bếp đứng một mình và thầm nghĩ: “Thế mà hôm nọ viết thư về bảo nhớ và thương các con lắm!”.

Tôi thấy khi tả về cha tôi, mọi người thường vẽ nên hình ảnh một lão nông xuề xòa, nhưng chỉ trong gia đình tôi mới biết rằng lão nông ấy đã dạy dỗ những đứa con gái của mình hết sức tỉ mỉ.

Trong bữa ăn, ông dạy chúng tôi phải gắp rau như thế nào, chấm nhẹ vào bát nước chấm rồi đưa bát cơm hứng lấy, sau đó để miếng rau vào bát cơm rồi mới và vào miệng, chứ không được đưa miếng rau từ bát nước chấm thẳng lên miệng.

Khi chúng tôi lớn hơn, ông dạy cách quấn nem, phải quấn vừa tay, cái nem nhỏ thôi, nhiều lá, ít nhân thì khi ăn mới có độ giòn. Tôi nhớ có lần sau bữa ăn, tôi đưa khăn cho ông và nói: “Thày lau mồm đi ạ”, ông sửa lại ngay: “Con phải nói là lau miệng”. Thế đấy. Chúng tôi được cha rèn cho từng lời ăn tiếng nói.

Nhà văn Nguyên Hồng-Ảnh tư liệu gia đình

Cô em gái áp út Yên Thế, nhờ có sữa Liên Xô, là nhuận bút của cuốn Bỉ vỏ được dịch sang tiếng Nga, nên mũm mĩm, cao lớn nhất trong bốn chị em, bây giờ vẫn kể lể về nỗi thiệt thòi của mình.

Rằng cha tôi thương cô út Diệu (con gái rượu của bố mà!), nên trong bữa ăn cuối cùng của cha, mẹ và hai em gái tôi vào sáng ngày 2-5-1982 có món đỗ đũa xào. Vì thấy Diệu rất thích món này nên cha tôi cứ loay hoay sắp xếp lại các đĩa thức ăn trong mâm để cuối cùng thì đĩa đỗ xào đang ở gần Yên Thế chạy hẳn sang phía Diệu.

Cả mấy người đều bật cười sau động tác đó. Riêng cha tôi chỉ cười mủm mỉm. Đó là cái cười đặc trưng của ông. Và rất có thể là nụ cười cuối cùng của đời ông.

Bởi sau bữa cơm ấy, hai em tôi đều đến trường, ở nhà chỉ còn lại cha mẹ tôi. Và không ai ngờ được, cha tôi đã từ bỏ cuộc đời mà ông yêu đến tận cùng này chỉ mấy tiếng sau đó!

Bài thơ cho con

Năm 1964, anh trai cả Hồng Hà đi bộ đội, đóng quân tận Điện Biên. Những buổi tối mát trời, cha tôi nằm ngoài đồi phía trước cửa nhà, tôi và em gái Nhã Nam nằm hai bên nghe ông kể chuyện.

Ông kể rằng có một con chim đại bàng rất to, hạ cánh xuống đồi này, hai chị em Thư và Nhã trèo lên lưng đại bàng, thế là đại bàng vỗ cánh bay lên đưa Thư, Nhã vượt qua rất nhiều cánh đồng, làng mạc và núi non, lên tận Điện Biên để gặp anh Hà…

Chúng tôi thích lắm, tưởng như được đại bàng cõng và bay trong không trung thật, những đứa trẻ lên chín lên mười làm sao mà biết được trái tim cha mình đang thao thức hướng tới đứa con đầu lòng đang ở rất xa. Tôi nhận thấy cha tôi dành tình yêu thật đặc biệt cho anh cả Hồng Hà của chúng tôi.

Trong một bài thơ ông đã bao lần thốt lên “Hồng Hà/ tên con/ dòng sông bát ngát…”: “Hồng Hà - Ngẩng trán lên - Cha hôn… Cha đón con - Đêm ấy - Áo cũ bọc che - Sao khuya vời vợi trên đầu - Canh khuya đất thở - Trái đất từ đây trên tay cha ôm giữ - Có tên con và những nguồn thơ...”.

Anh em chúng tôi chẳng thể nào quên được mỗi lần cha tôi chuẩn bị đi Hà Nội, khi cặp bản thảo, túi quần áo, thức ăn đã được buộc gọn ghẽ trên chiếc xe đạp Liên Xô (cũng là nhuận bút của cuốn Bỉ vỏ được dịch sang tiếng Nga), ông gọi chúng tôi lại, đưa cho đứa lớn nhất khoảng hai, ba hoặc năm hào gì đấy toàn bằng tiền xu để chúng tôi ở nhà mua quà.

Quà hồi ấy chỉ là những cây mía tím chặt ngay trên ruộng nhà cụ Chương Long ở đầu xóm, hay là những quả sấu chín vàng nhà bà Lành mà chúng tôi phải tự trèo lên cây hái.

Sau này chúng tôi mới biết rằng sau khi bứng cả gia đình từ Hà Nội về lại ấp Cầu Đen, bỏ tem phiếu, bỏ việc bán sách của mẹ tôi ở hiệu sách Nhân dân Tràng Tiền, bỏ mọi tiện nghi cho việc học hành của các con để cả nhà bắt đầu sống cuộc sống của những người nông dân, cha tôi xót xa lắm.

Có vẻ ông tận dụng mọi cơ hội để “đền bù” cho chúng tôi. Mùa hè nào ông cũng cho chúng tôi “về Hà Nội chơi”. Anh Sơn tôi yêu âm nhạc, ông cho anh đi học nhạc, học đàn violin, đàn mandolin.

Thỉnh thoảng, chắc là những khi có nhuận bút, ông đưa chúng tôi đi ăn phở. Với chúng tôi hồi ấy, đó còn hơn cả sơn hào hải vị. Thậm chí ông còn cho chúng tôi vào cả nhà hàng Phú Gia bên Bờ Hồ.

Anh Sơn tôi kể có lần ông đưa hai anh đến Phú Gia, nhưng chỉ gọi hai bát phở cho hai anh, còn ông ngồi nhìn các con ăn. Hóa ra đứa nào cũng đã từng được bố đưa đến đây ăn phở, ăn bún. Không chỉ cho đi ăn, ông còn dẫn chúng tôi đi chơi vườn Bách Thảo, chỉ cho chúng tôi Bảo tàng Lịch sử, Văn Miếu, cổng Hoàng thành Thăng Long…

Một người cha chăm chút cho con đến vậy sẽ như thế nào khi tiễn con đi bộ đội, đi vào cuộc chiến tranh đang trong thời kỳ khốc liệt nhất ấy? Tôi còn nhớ lần anh trai thứ hai tôi là Nguyễn Vũ Giang lên đường nhập ngũ, tôi được theo ông đến buổi tiễn quân ấy.

Ông đã đọc bài thơ Tiễn chân con và khóc. Rất nhiều người có mặt hôm đó đã khóc. Còn tôi, mãi về sau, khi đã làm mẹ, đã ngộ ra nhiều điều, tôi mới khóc khi đọc bài thơ này:

Con chúng ta năm xưa võng ru - Mụ dạy cười mơ rồi nức nở - Chim hót, nắng bừng cũng giật mình bỡ ngỡ - Vú mẹ đêm này ấp ủ thịt măng tơ - Con chúng ta làng xóm đặt tên - Với mưa nắng sao trăng - Với hoa thơm quả chín - Với khoai sắn ruộng đồng - Với thú rừng cá biển - Với những chuyện thần kỳ với tên tuổi cha ông - Con chúng ta lớn lên - Tướt lẫy - mọc răng - tênh tênh - rồi chập chững - Lên ba - lên sáu - rồi mười sáu trăng tròn - Hôm nay đây mười tám thanh xuân…”.

Chị Thanh Thư - con gái nhà văn Nguyên Hồng-Ảnh tư liệu gia đình
Chị Thanh Thư - con gái nhà văn Nguyên Hồng-Ảnh tư liệu gia đình

 

Những chữ cái đầu tiên

Vì mồ côi cha từ bé, nhà lại nghèo, phải bỏ dở việc học nên sau này cha tôi hết sức trọng sự học hành. Ông coi việc học của chúng tôi cũng thiêng liêng như cái sự viết của ông vậy. Ông trân trọng từ thầy cô giáo đến các bạn học của chúng tôi.

Trong Cát bụi chân ai, nhà văn Tô Hoài đã viết đại ý rằng ở nhà tôi, nhất nhất đều nghe theo cha tôi “vì thầy nó bảo thế”. Nhưng tôi lại thấy cha tôi là người khá “dân chủ”. Ông cho phép anh em chúng tôi ngồi hóng chuyện mỗi khi các bạn văn đến nhà chơi.

Những buổi đàm đạo văn chương của các ông bao giờ cũng sôi nổi và có phần cao siêu đối với tụi trẻ con chúng tôi. Và các buổi chuyện trò ấy rất nhiều, với các bác Nguyễn Huy Tưởng, Kim Lân, Nguyễn Tuân, Xuân Diệu, Huy Cận, Hoàng Trung Thông…

Mùa thi, dù công việc ở hội có bận đến đâu ông cũng về nhà để chăm sóc chúng tôi. Năm tôi chuẩn bị tốt nghiệp lớp 10 cũng thế, ông ở nhà để nhắc nhở chúng tôi ăn, ngủ, học hành đúng giờ.

Ông chỉ sợ chúng tôi học khuya quá sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe. Năm ấy tôi đã là con gái lớn rồi, nhưng ông bảo “quần áo thay ra cứ để đấy, thày giặt cho”. Tất cả bảy anh em chúng tôi đều được cha cầm tay nắn nót những chữ cái đầu tiên.

Trong tất cả các bức thư ông gửi cho các con, dù chúng tôi ở đâu, bao nhiêu tuổi thì vẫn là sự lo lắng quan tâm như của một người mẹ. Ông ít khi nói ra những khó khăn về kinh tế để chúng tôi yên tâm học hành.

Mùa hè năm 1970, khi tôi chuẩn bị đi du học, ông đã viết trong nhật ký của mình: “20/7/1970 - Thứ hai, Giang, Thư đi sớm. Thư đi tàu điện. Giang đi cái xe đạp nhỡ. Khi Thư đi tôi thấy buồn buồn. Có thể 26 này nó đã đi rồi. […] Trong túi tôi chỉ còn đủ tiền tiêu khem khổ cho đến cuối tháng, nên chỉ mua cho Bé Diệu cái áo và không thể mua sắm cái gì cho Nhã”.

Nguyên Hồng và gia đình với nhà văn nước ngoài tại ấp Cầu Đen, 1971
Nguyên Hồng và gia đình với nhà văn nước ngoài tại ấp Cầu Đen, 1971

 

Tất cả lưu học sinh đoàn Hà Bắc cho đến tận bây giờ vẫn kể lại câu chuyện cha tôi đã dắt tay tôi vào tận ban tuyển sinh và nói: “Đây, tôi giao con gái tôi cho các anh đây nhé”. “Giao” xong ông vẫn ngồi đấy chờ, khi cả đoàn lên đường ra Hà Nội tập trung, ông đạp xe đi theo. Lúc ấy tôi xấu hổ lắm, vì chỉ có mỗi mình mình bị bố kèm như vậy...

Tôi nghĩ rằng cha tôi, dù sống cả một đời vất vả, thiếu thốn, nhưng là người hạnh phúc. Vì ông được sống suốt đời với người mẹ hiền từ và yêu dấu của mình.

Thực ra cả cha tôi và bà nội tôi đều ít nói, chỉ lặng lẽ làm việc, lặng lẽ yêu thương. Những khi ở nhà, buổi sáng dậy, cha mẹ tôi thường pha trà và ngồi trước hiên nhà thưởng thức. Nhưng bao giờ cha cũng bảo chúng tôi mang trà xuống mời bà trước.

Bà nội tôi mất năm 1973, cha tôi dặn cả nhà không cho tôi biết, sợ ảnh hưởng đến việc học của tôi, vì tôi vốn là đứa cháu được bà yêu nhất và tôi cũng là đứa cháu gắn bó với bà nhất.

Mãi về sau này, không hiểu sao trong một bức thư, trang thư của em Diệu, chắc vẫn tuân thủ lệnh của bố nên em viết “À, bà vẫn khỏe chị ạ”, nhưng đến trang của mẹ tôi viết, chắc do tôi hỏi về bà nhiều quá nên mẹ tôi đã phải nói thật về chuyện bà tôi mất. Sau đó tôi đã nhận được thư của cha tôi:

Hà nội, 29.5.74

Thanh Thư, con vô cùng thương yêu.

Thày vừa nhận được thư con. Bu đã báo tin bà chết. Thật ra, thày không muốn cho con biết, vì chính thày vẫn thấy bà không mất, mà đang ở đâu như bên cô Quế hay về Hải Phòng - Nam Định.

Sáng hôm 12 tháng chạp ta, bà còn ăn cháo thịt, rồi bà vào bếp thổi cơm, lúc ra còn rửa mặt, rửa chân, len lỏi qua các đống chậu, bát, rổ rá, thùng khiến thày và bu phải gắt lên sợ bà vấp ngã. Sau đó bà vào bế thằng Hào cho chị Hà đi giặt.

Lúc về, chị Hà đón cháu, bà về giường nằm thì xỉu đi. Từ đấy không còn tri giác. Y sĩ bảo bị xuất huyết não. Luôn 4 đêm thày nằm bên bà, nghe bà thở pho pho như mọi đêm ngủ ngon, da mặt càng đỏ hồng, thỉnh thoảng lại nhấp ừng ực từng thìa nước đường thày cố gạn vào miệng.

12 giờ đêm 15 tháng chạp thì bà thở rất mạnh, như người chạy mệt, toàn thở hắt ra rồi giật cục, nhỏ dần, nhỏ dần, lìm lịm. 12 giờ 10 thì thày gọi bà lần cuối, kéo chân tay cho bà rồi cùng bác Mai thay quần áo dài và lót chăn để bà nằm mãi mãi. Sáng ra mới đánh thức cả nhà dậy...

Con có nhắc thày, chuyến con về nhà thày không cho con sang bà và cô Quế, chính vì thày muốn giữ sức khỏe và sự yên tâm cho con cũng như bây giờ vậy, thày vẫn nhận lấy bất kỳ sự lo lắng vất vả nào cũng chỉ để cho các con được khỏe mạnh và yên tâm ăn học, cũng chỉ để cả nhà không phải khổ, phải lo và có nhiều thời giờ nhất chăm chút cho những công việc xã hội” […].

Trong sự sống có một cái gì đó không chết!

Với các con, cha tôi không chỉ lo lắng, quan tâm mà còn luôn chia sẻ như với những người bạn. Trong mỗi bức thư ông đều “báo cáo” những công việc mình đã làm, chia sẻ những dự định cho tương lai.

Trong thư viết cho tôi ngày 15-6-1978 có đoạn: “Cũng trong hai tuần nay, cả nhà đều mong con về. Nhất là thày. Vì thày chỉ đợi con để sắp xếp một số công việc. Thày đang sửa hai tiểu thuyết Hơi thở tàn và Quán Nải để chuẩn bị cho in toàn tập tác phẩm trước Cách mạng Tháng 8 cùng với Bỉ vỏ, Những ngày thơ ấu và một số truyện ngắn chưa in.

Vì thế thày phải ngừng viết Núi rừng Yên Thế (đã xong chương VIII, vẫn đều tay, cuốn hút). Có lẽ sang tháng 7, trung tuần tháng 8 này thì xong, đồng thời thày sẽ về Hà Nội sửa bản in Những nhân vật ấy đã sống với tôi, và xem tình hình xuất bản tuyển tập”.

Cha tôi coi việc viết văn thiêng liêng còn hơn cả một tôn giáo. Trước khi ngồi vào bàn viết, ông chuẩn bị rất cẩn thận, các bạn văn của cha tôi gọi đó là “dọn ổ đẻ”.

Ông trải chiếu ra nền nhà, cái bàn viết bằng gỗ nhỏ nhắn, chân thấp được sắp xếp gọn gàng. Giấy viết, bút, nghiên mực (cái nghiên mực bằng thủy tinh do một người bạn nào đó bên Liên Xô tặng), mà mực thường là mực tím, đôi khi ông còn đặt thêm một quả khế hay quả ổi lên bàn.

Mùa hè còn thêm một cái quạt nan nữa. Bao giờ ông cũng ngồi viết ở nhà ngang. Tất cả chúng tôi đều hiểu, khi ông đã ngồi vào bàn viết là không được gây tiếng động, không được làm bất cứ việc gì phiền đến ông. Nếu có khách đến thì người gác cổng là mẹ tôi. Bà sẽ tùy cơ ứng biến.

Có thể bà sẽ phải nói dối là cha tôi không có nhà. Cái vùng đất trung du bán sơn địa ấy, mùa hè thì nóng hầm hập, mùa đông lại rét buốt. Cha tôi ngồi viết, mồ hôi chảy từng giọt, từng giọt vào mùa hè. Còn vào mùa đông thì ông phải quấn thêm cái chăn. Lạnh hơn nữa thì đốt củi sưởi.

Chúng tôi không biết, nhưng khi đọc nhật ký của ông, tôi thấy ông rất hay kêu đau đầu. Vậy mà ông chỉ lặng lẽ chịu đựng. Tôi cũng không bao giờ quên hình ảnh ông xoài người trên một tấm bảng lớn cỡ bảng học trên lớp, trên đó là sơ đồ khối các chương trong tiểu thuyết Sóng gầm.

Ông phải làm vậy bởi có quá nhiều nhân vật. Mà ông vốn là người cẩn thận, chỉn chu. Để viết Núi rừng Yên Thế, ông đã phải cần mẫn thu thập tài liệu hàng mấy chục năm trời.

Từ năm 1962, trong nhật ký ông đã viết: “Ngày 29-30-1962. Tôi tranh thủ về để lấy tài liệu về Hoàng Hoa Thám. Tôi vào bà Cả Trọng. Bà Vui đương cấy ba giăng ở chân ruộng tát nước”.

Cha tôi được coi như thành viên trong gia đình của Hoàng Hoa Thám. Giỗ chạp, lễ tết nào ông cũng có mặt. Tôi đã được theo ông đến thăm nhiều đình, chùa của vùng Yên Thế như chùa Lèo, đồn Phồn Xương cũng như gia đình cháu con của Hoàng Hoa Thám.

Cha tôi có mối gắn kết thân thiết với các sư ông trụ trì ở các chùa đó. Tôi còn được đến cả nơi gọi là mộ của Hoàng Hoa Thám, nằm trong rừng, bên một con suối.

Khi lên cấp III, tất cả anh em chúng tôi đều phải đi trọ học. Và chúng tôi đều trọ ở nhà cụ Cả Huỳnh (cụ bà Cả Huỳnh là con của Cả Trọng, người con trai lớn của Hoàng Hoa Thám). Những lần nhà cụ Cả Huỳnh có giỗ, cha tôi hay mang xuống đôi chim bồ câu của nhà nuôi được.

Sau này, khi con gái của Hoàng Hoa Thám là bà Hoàng Thị Thế về nước, cha tôi và bà vẫn hay gặp nhau để nói chuyện về Đề Thám. Bà Thế gọi cha tôi là anh Nguyên Hồng. Tôi còn nhớ cái lần bà đến nhà tôi ăn cơm, cả bà nội và mẹ tôi đều nói chuyện với bà bằng tiếng Pháp, tự nhiên, thân thiết.

Cha tôi là thế. Rất xởi lởi, hồ hởi với mọi người. Từ con người ông tỏa ra một tình người nồng ấm, tươi trong. Ông hạnh phúc, bởi mặc dù phải trải qua bao nhiêu “tình cảnh, đoạn đời” nhưng ông đã sống và làm việc đúng như mình muốn.

Trong bất cứ hoàn cảnh nào, ông luôn là chính mình. Như một điềm báo, như một dự cảm, vào đúng nửa cuộc đời mình, ông đã viết trong nhật ký: “Năm nay tôi 32 tuổi. Tôi vừa thấy mình già sau mười lăm năm viết nhưng cũng thấy mình chưa làm gì cả, chưa viết gì cả.

Tình yêu của tôi có lẽ giờ mới rõ ràng và đằm thắm. Tôi đi dần đến sự sáng suốt mà yêu, bình tĩnh, sân si mà yêu. Và có lẽ tình yêu ấy là thấy trong sự sống có một cái gì đó không chết, không bao giờ chết, nó tiếp tục, nẩy nở và tươi đẹp hơn lên”.■

Kỳ tới: Nhà thơ Phạm Thị Ngọc Liên viết về cha: "Khi gió mùa xao xác..."

CHA: Nguyên Hồng (1918-1982), quê ở phố Hàng Cau (Nam Định), nhà văn. Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 1996 (đợt 1). Tác phẩm chính: Bỉ vỏ (ra đời năm 1938, khi ông 20 tuổi), Những ngày thơ ấu, Sóng gầm, Thời kỳ đen tối, Cơn bão đã đến, Khi đứa con ra đời... Tiểu thuyết cuối cùng của ông là Núi rừng Yên Thế (1980).

Sau năm 1957, sau vụ “rắc rối” ở báo Văn mà ông là chủ bút, Nguyên Hồng đưa cả gia đình trở lại ấp Cầu Đen (cách Hà Nội 75km, nơi trong kháng chiến chống Pháp gia đình ông đã ở). Mẹ già, vợ ốm yếu, một đàn con đang tuổi ăn học, ông một mình chống đỡ cho cả gia đình. Hơn 2.000 trang của bộ Cửa biển gồm 4 tập ra đời trong thời kỳ này, rồi hồi ký Bước đường viết văn, tập thơ Trời xanh, Truyện cái xóm tha hương ở cửa rừng Suối Cát và bộ sử thi đồ sộ Núi rừng Yên Thế... Và ông vẫn đạp xe từ nhà ra Hà Nội họp hành, đi mua bán và vẫn làm ông “Đốc Hồng” giảng bài cho các học sinh ở Trường bồi dưỡng lực lượng viết văn trẻ tại Quảng Bá.

CON: Nguyễn Thị Thanh Thư, sinh năm 1953, thạc sĩ điện tử viễn thông, dịch giả văn học Ba Lan (tác phẩm dịch: Cô đơn trên mạng, Tình nhân, Quan hệ không hợp pháp, Lâu đài cát, Trường học cho các bà vợ, Người đầu tiên trong danh sách...).

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận