Mẹ tôi và mẹ nó

NGUYỄN THÀNH CÔNG 10/07/2013 08:07 GMT+7

TTCT - Tôi thường xuyên vào cửa hàng nọ để mua sắm lặt vặt nên quen với chị chủ và có khi nán lại chuyện phiếm. Toàn những chuyện nói cho có, nói cho vui. Nhưng một hôm đang chuyện dở thì thấy một thanh niên gầy nhom, đen đúa, dáng người lao động chân tay vất vả, bế một cháu bé cũng gầy nhom vào mua sữa.

Phóng to
Tranh: Lê Thiết Cương

Bán sữa xong, chị chủ tần ngần hỏi thăm: “Độ rày mẹ cháu có về thăm không chú?”. Cậu thanh niên, tôi đoán là người cha, nói nhỏ xíu như thoảng qua: “Không chị ạ, chỉ có mẹ tôi đến thường chứ không có mẹ nó”.

Tôi tần ngần nhìn cha con họ. Câu hỏi trắc ẩn của chị chủ bán hàng và cái cách trả lời nhẹ như sương của người cha trẻ thế mà cũng đủ để diễn đạt lại cả một câu chuyện buồn thương chẳng hiếm ở những xứ miệt đồng còn nhiều nghèo khó này. Hẳn là vợ chồng nọ (còn rất trẻ) chia tay, người cha nuôi con và người mẹ đi biệt. Thay vì người phụ nữ “mẹ nó” thường xuyên đến thăm con thì lại là “mẹ tôi”, tức là bà nội qua thăm nom cháu.

Tình cảnh này cũng điển hình lắm, trong xã hội được cho là hiện đại ngày nay. Từ những mệnh danh giải phóng, tự do tình cảm tình dục và trăm thứ phóng khoáng khác, người trẻ yêu vội sống vội... Hậu quả là gánh nặng chất lên xã hội ngày càng nặng nề. Nạo phá thai với số ca mà khi công bố người đọc người nghe bị sốc, tỉ lệ ly hôn rất cao và không có đà giảm, trẻ nhỏ bị bỏ rơi ngày càng tăng...

Trong các xã hội phát triển cao về mọi phương diện, hậu quả này của sự giải phóng sẽ được giải quyết tương đối: hệ thống các trung tâm nuôi nấng trẻ vô thừa nhận được duy trì với nguồn kinh phí nhận được từ nhiều nguồn hảo tâm, hoạt động nhân đạo từ thiện và trợ giúp xã hội hùng hậu, được tổ chức bài bản sẽ giúp làm vơi đi những đớn đau của sự đổ vỡ, nhất là hỗ trợ nuôi nấng chăm sóc những trẻ nhỏ là nạn nhân của sự chia tay...

Còn ở ta, nhất là khi những khó khăn của tình hình phát triển kém về kinh tế nói chung ngày càng lớn, sự trợ giúp xã hội không thể so với xứ người, thì số phận những trẻ nhỏ bất hạnh như trong trường hợp đang nói đến sẽ rất nặng nề. Cái phanh vốn có của gia phong lễ giáo, sự khe khắt của dư luận... không còn hữu hiệu như xưa, mà sự “giải phóng” lại diễn ra và được đón nhận quá nhanh chóng.

Những người trẻ phóng khoáng, vô tư đã dễ dàng từ chối trách nhiệm, bổn phận. Thay vào đấy, “mẹ tôi” - những phụ nữ thế hệ trước còn giữ gìn những giá trị truyền thống, còn chưa “giải phóng” vẫn cứ là những người làm luôn vai trò “mẹ nó”: chăm sóc cháu. Trái bóng đã bị trả về tuyến sau. Âu đó cũng là may mắn, vì nếu tất cả cùng được “giải phóng” thì sẽ như thế nào?

Chuyện “mẹ tôi”, “mẹ nó” chắc chắn không ít, mà lúc nào cũng rất đau lòng. May mà những phụ nữ còn gìn giữ giá trị truyền thống đã chứng minh một lần nữa (với đời cháu của mình) sự hi sinh, tận hiến vô bờ của họ. Một lần nữa, cái chân kiềng vững vàng của các giá trị truyền thống lại đưa ra đỡ đần cho những hấp tấp, vội vàng, chông chênh của không ít “giá trị mới”.

Những đứa trẻ ấy được bù đắp thế nào còn chưa rõ, mà một câu hỏi nhức nhối nữa lại ập tới: những “mẹ nó” ơi, biết đâu rồi các bạn, các em sẽ lại thành những “mẹ tôi” và rồi lúc ấy các bạn, các em sẽ là những “mẹ tôi” thế nào đây?

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận