TTCT - Không một bác sĩ nào, kể cả những chuyên gia đầu ngành, gọi được tên bệnh mắt của Phương. Như một sự trớ trêu của số phận, Phương mắc phải nó vào giữa năm thứ tư đại học, khi chỉ còn vài tháng nữa cô sẽ ra trường.

Phóng to
Minh họa: Nguyễn Ngọc Thuần
TTCT - Không một bác sĩ nào, kể cả những chuyên gia đầu ngành, gọi được tên bệnh mắt của Phương. Như một sự trớ trêu của số phận, Phương mắc phải nó vào giữa năm thứ tư đại học, khi chỉ còn vài tháng nữa cô sẽ ra trường.

Sẽ được cầm tấm bằng tốt nghiệp đỏ chói, chắc chắn xác nhận học lực khá trên tay. Sẽ được tham dự kỳ thi tuyển công chức vào một bộ nọ, mà phần đỗ đạt Phương đã nắm chắc đến tám mươi phần trăm.

Nguyễn Thị Việt Hà là tác giả truyện ngắn Biết ngày nào nguôi đăng trên TTCN năm 2003, sau đó được đưa vào tuyển tập Truyện ngắn hay TTCN 2003-2005. Cô sinh năm 1980, tốt nghiệp khoa tiếng Pháp Đại học Ngoại ngữ Hà Nội, hiện cộng tác với nhiều tờ báo và đang học tiếng Anh. Bắt đầu viết truyện từ 1998, khi mới vào đại học Việt Hà đã có một số sáng tác đăng trên các báo, tạp chí.

Trong truyện ngắn Mắt, cái bóng đen của nỗi bất hạnh ghê gớm đã phủ lên hạnh phúc và ước mơ của hai kẻ yêu nhau. Dù vẫn là cái môtip quen thuộc vượt lên số phận, thể hiện qua lời một cô bé khiếm thị bẩm sinh, truyện ngắn này vẫn đủ sức khiến ta bùi ngùi, cảm động khi đọc đến những dòng cuối cùng.

N.C.

Không chỉ bởi chú cô là một người có vai vế lớn trong đó mà còn bởi vốn ngoại ngữ của cô cực kỳ “tanh”, khả năng lướt net cũng vào dạng “siêu cấp độ”, chưa kể vốn hiểu biết về lĩnh vực kinh doanh, thương mại cũng không đến nỗi nào. Với chừng ấy khả năng, có bị ném ra ngoài xã hội như người ta vẫn nói, Phương cũng chẳng lo thất nghiệp chứ đừng nói là chết đói.

Mà thôi, chẳng nói chuyện đó làm gì cho buồn thêm nữa. Học lực khá, vi tính, ngoại ngữ... để làm gì khi mà mắt cô lúc nào cũng mờ mờ ảo ảo; đến người yêu gọi cửa, đứng cách nhau có 1m mà Phương cũng phải vươn cổ cò mới nhìn thấy rõ. Không ai biết lý do tại sao. Chỉ biết một lần cách đây chưa lâu, chưa lâu lắm, sau một giờ luyện nghe tiếng Anh trực tuyến, như mọi lần, để thư giãn Phương nghịch ngợm điều khiển cho chiếc ghế đang ngồi kênh lên hai chân trước.

Để giữ thăng bằng, cô phải khom người, hai tay tóm lấy cạnh bàn, hai chân duỗi thẳng, mắc vào phía đáy hộc bàn, thế là tha hồ cập kênh chiếc ghế. Tất nhiên chỉ nhè nhẹ thôi. Cái trò đó Phương cá rằng hết thảy mọi người đều thực hiện nó ít nhất một lần trong đời.

Phương thì nghiện. Nó làm cho cô nhớ lại thời con trẻ, khi trường lớp chưa có nhiều bàn ghế học sinh đóng liền như bây giờ. Chỉ có những chiếc bàn và những chiếc ghế băng dài; giờ ra chơi, lũ trẻ trong lớp đua nhau ngồi kiểu đó và cập kênh ghế.

Nhiều đứa trượt tay, trượt chân, ngã ê đầu, dập mông mà vẫn không chừa. Và cái lần định mệnh đó, Phương trượt tay ngã về phía sau, đầu đập mạnh vào bức tường ngay sau đó. Tả lại thì thật dài, chứ khi ấy tất cả chỉ diễn ra trong vài tích tắc, Phương chỉ kịp biết mình bị ngã, rồi lịm đi không biết gì hết.

Phương tỉnh dậy trong bệnh viện. Không biết mình mê man bao lâu, chỉ biết mở mắt ra đã thấy cha mẹ và đứa em nước mắt lưng tròng đang ở cạnh. Gia đình Phương ở Hưng Yên, cách Hà Nội những 60km, đâu có gần, thế mà ba mẹ và em cô đã có mặt ở đây rồi. Cả nhà ai cũng mừng vì cô đã tỉnh lại và tất cả xét nghiệm, chiếu chụp đều cho kết quả khả quan. Thực tế cô cũng không có biểu hiện gì chứng tỏ ảnh hưởng của cú va đập.

Hai tuần sau - thời gian quá dài để gây một cú sốc - mắt Phương trở nên mờ ảo một cách kỳ dị. Có thời gian cô tưởng như trước mắt mình lúc nào cũng căng một tấm nilông mờ mờ, đục đục. Có thời gian cô lại thấy trước mắt mình luôn luôn có những cánh quạt trần quay quay mãi mãi. Phương phải nhìn mọi thứ: người thân, bạn bè, sách vở, đồ đạc... tóm lại là mọi thứ của cuộc sống, kể cả Nam, người yêu của cô, qua cái màng chắn quỉ quái ấy. Gia đình cô, cả họ hàng bên ngoại lẫn bên nội từ chục đời nay có ai mắc phải căn bệnh ma quái ấy đâu.

Phương khóc. Khóc trong đêm khuya. Khóc những lúc một mình. Khóc những lúc bên Nam. Làm sao có thể không khóc và oán trách số phận giáng xuống mọi trớ trêu khi Phương tưởng chừng như đã nắm chắc hạnh phúc trong tay. Tại sao nó - cái số phận bạc bẽo ấy - không cướp đi khả năng nhận rõ ánh sáng của cô ngay khi còn thơ bé? Để cô phải quen đi. Phải đau khổ chấp nhận bất hạnh đó trong đời. Mà giờ đây, sau khi đã hào phóng ban tặng cô nhiều ưu ái, mới phũ phàng giội xuống cô điều bất hạnh?

Nam hơn cô một tuổi, học cùng trường và vừa được nhận vào một công ty khá danh tiếng, có nhiều cơ hội cống hiến, học tập và thăng tiến. Nếu không có căn bệnh ấy, cuộc đời họ sẽ đi theo lập trình: Phương ra trường, đi làm hai năm rồi họ sẽ tổ chức đám cưới và có những đứa con như thiên thần. Nhưng căn bệnh quái ác ấy...

- Em lo gì, còn nước còn tát. Mình sẽ đi khắp các bệnh viện trong Nam ngoài Bắc, thậm chí ra cả nước ngoài để chữa trị.

Tập bệnh án của Phương dày cả xấp chẳng khác gì ngăn lưu trữ hồ sơ trong bệnh viện. Hơn một năm, sau khi tốt nghiệp, chân Phương đã in dấu hầu hết các bệnh viện trung ương, bệnh viện có hợp tác với nước ngoài tại Hà Nội, Huế và cả Sài Gòn. Nhưng tuyệt nhiên không một bác sĩ nào, kể cả những chuyên gia đầu ngành gọi tên được chính xác bệnh mắt của Phương, tuy ai cũng dự báo khả năng nhìn của cô sẽ ngày một kém đi. Mỗi lần nhận kết quả, cô cũng không còn khóc nữa. Vì quen rồi.

- Anh dành được mấy chục triệu, mình đi sang Sing thử xem. Biết đâu họ lại chữa được bệnh cho em thì sao.

Phương không đồng ý. Làm sao có thể bắt Nam hi sinh cho cô nhiều như thế khi Nam và cô chưa có ràng buộc gì đáng kể. Chỉ là tình yêu, mà bao người vẫn yêu nhau, bỏ nhau rồi lại yêu người khác ấy thôi. Nam tát yêu Phương. Em coi giá trị của tình yêu chỉ đáng thế thôi sao? Không, không phải thế. Chỉ là em muốn anh thật tỉnh táo để sau này không bao giờ hối hận thôi. Anh không bao giờ hối hận. Nam đã nói thế.

Và Phương đã muốn chết chừng nào trong phút giây nghe những chuyên gia đầu ngành nước bạn cho biết họ không xác định được nguyên nhân căn bệnh của cô. Nhưng có thể... có thể vài năm nữa cô sẽ không thể nhìn thấy ánh sáng nữa. Đã có vài trường hợp xảy ra như thế rồi. Tốt nhất là cô hãy chuẩn bị ngay từ bây giờ cho một cuộc sống không có ánh sáng. Họ đã tránh nhắc đến từ “mù” chứ tuyệt nhiên không phải vì sợ cô và Nam không hiểu được từ đó trong tiếng Anh.

Trên taxi ra phi trường và suốt quãng đường bay về nước, Nam nắm chặt tay Phương. Riêng cô, dù cố gắng vẫn không thể nào ngăn nổi dòng nước mắt lăn dài trên má. Thương mình và trên hết là thương cho Nam vô cùng. Giống như Nam, mẹ của cô đến tận giờ vẫn không muốn tin bệnh của Phương là sự thật. Không cậy nhờ được Tây y, bà quay sang cậy nhờ thần thánh và thế lực siêu nhiên. Hễ nghe ở đâu mách bảo “thầy này”, “thầy kia” cao tay, trừ tà, diệt ách siêu phàm lắm là bà lại khăn gói, đồ lễ lên đường.

* * *

- Em lên Hà Nội đi. Có một chuyên gia mắt người Pháp, trước đây từng có thời gian làm việc trên bệnh viện bay nổi tiếng thế giới đang sang làm công tác nhân đạo ở Việt Nam ít ngày. Anh đã liên lạc được với bà ấy rồi. Bà ấy sẽ khám cho em.

- Em không lên đâu. Chẳng có tác dụng gì đâu. Anh cũng đừng lo cho em quá.

- Em buồn cười thật đấy. Anh không lo cho em thì lo cho ai. Em phải lên. Anh cấm em không được nản chí. Bằng không anh sẽ về nhà lôi bằng được em lên.

- Nhưng...

Phương chưa kịp nói hết câu, đầu dây bên kia vang lên những tiếng tút dài vô nghĩa. Cô đang ở Hưng Yên. Mệt mỏi sau một thời gian dài lê bước khắp nơi tìm hiểu về căn bệnh quái quỉ mà mình mắc phải. Và một lý do khác quan trọng hơn: cô muốn xa Nam vì không muốn trở thành gánh nặng của anh. Dù Nam nói anh sẽ không bao giờ bỏ em. Nếu anh đã không yêu em thì thôi, nhưng nếu em đã là người anh yêu thì dù có chuyện gì xảy ra đi chăng nữa, anh cũng không bao giờ muốn vòng tay che chở cho em không phải là vòng tay của anh.

Phương biết Nam thật lòng. Ba năm trời yêu nhau, quá đủ để cô cũng như anh hiểu tường tận con người nhau. Nhưng Phương cũng biết Nam có một điểm yếu: anh không bao giờ muốn rời bỏ Hà Nội. Bởi vì chỉ có ở đây, với đầy đủ điều kiện, cơ hội học tập cũng như cạnh tranh mới giúp anh phát huy được hết năng lực của mình. Và Phương đã về Hưng Yên, để mong rằng không sớm thì muộn Nam sẽ chán chường cái cảnh cứ cuối tuần lại phải về Hưng Yên thăm cô. Nhưng hình như cô nhầm thì phải. Nam bảo:

- Anh chỉ muốn và cần em làm những công việc thông thường có thể mang lại hạnh phúc và sự thoải mái cho em và anh. Thế nên nếu thiếu đi một đôi mắt cũng không ngại gì. Anh sẽ bảo bọc em suốt cuộc đời.

-...

- Anh được cơ quan cho một suất học bổng du học ba năm bên Mỹ. Nhưng có lẽ anh sẽ không đi đâu. Hơn lúc nào hết anh cần ở nhà với em lúc này.

Phương ngồi yên trong vòng tay của Nam. Nam nói đúng, Phương đang cần Nam hơn lúc nào hết trong đời. Khi trước cô chủ động rời xa anh, nhưng thực lòng cô vẫn yêu anh và cần anh vô cùng. Bởi cô muốn anh suy nghĩ thật chín chắn về tình yêu của hai người, cũng như quyết định của chính anh. Nếu Nam sợ gắn bó với cô sẽ là một gánh nặng, đó sẽ là cơ hội để anh rời xa cô. Phương sẽ một mình gánh lấy nỗi đau trên con đường đời thăm thẳm, đen tối nhưng cô tin mình rồi sẽ vượt qua. Ngược lại, anh sẽ không bao giờ phải hối hận vì đã quyết định ở lại bên cô, cũng như cô không bao giờ phải mặc cảm là gánh nặng cho cuộc đời anh...

Còn giờ đây, chưa bao giờ Phương thấy cuộc sống đau khổ và bế tắc như lúc này. Tưởng tượng một sáng mai thức giấc, xung quanh cô toàn là bóng đêm đặc quánh, không thấy đường để đi, không thấy quần áo để mặc, đau khổ hơn là không xem được tivi, báo chí, mạng Internet, không tiếp xúc với thế giới bên ngoài, không thể làm gì nữa...

Trời ơi - tim Phương thắt lại. Đôi khi, cái ý nghĩ đen tối - giá như cô được chết quách đi có lẽ sẽ nhẹ gánh cho Nam và người thân - cứ lởn vởn trong đầu. Lạ lùng, sao nghĩ đến cái chết cô lại không thấy cảm giác sợ hãi, lạnh lẽo chạy dọc sống lưng như khi đôi mắt vẫn trong veo và tâm hồn tràn ngập niềm yêu đời, yêu người? Hình như Nam rùng mình, vòng tay siết chặt lấy cô hơn:

- Hay là mình cưới nhau đi. Anh muốn được thấy và lo cho em mỗi ngày, chứ thế này anh khổ tâm lắm.

* * *

- Chị ơi, em bấm phím này đã đúng chưa chị?

- Đúng rồi bé ạ.

- Đã hiện lên cửa sổ màu xanh rồi hả chị?

- Ừ.

- Màu xanh thế nào hả chị? Có dịu dàng không chị?

- Dịu dàng bé ạ.

- Vâng, mẹ em cũng bảo thế. Màu xanh dịu dàng như khi mẹ vuốt tóc em vậy, dịu dàng như khuôn mặt và bàn tay mẹ mà em đã thuộc rõ từng đường cong và những vết chai sần. Suốt đời em chỉ ước có phép thần tiên để một lần nhìn thấy gương mặt và đôi bàn tay mẹ. Để cảm nhận cái dịu dàng từ thị giác khác với cái dịu dàng em vẫn cảm nhận từ đôi tay như thế nào.

- ...

- Từ khi tiếp xúc với máy tính, biết những phần mềm tiện ích dành cho người khiếm thị, em còn ước giá như mình được sáng mắt cho đến khi biết hết cách sử dụng cái máy tính này thì hay biết mấy... Em tham lam chị nhỉ?

- ...

- Trước đây em sống mặc cảm mình là người cô đơn và vô dụng. Từ khi vào trung tâm này, được tiếp xúc với nhiều người cùng cảnh như mình, nhất là được những anh chị mắt sáng hơn giúp đỡ học chữ nổi, và gần đây là sử dụng máy vi tính vào Internet, em thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn rất nhiều chị ạ.

-...

- Mà sao chị lại vào đây? Chị có bị khiếm thị như em không?

- Chị vào khám bệnh, chỗ một chuyên gia người Pháp đang làm từ thiện ở đây. Chị cũng gần... khiếm thị như em rồi - Phương nghèn nghẹn.

- Có nghĩa là chị vẫn nhìn được nhưng mờ mờ phải không chị?

- Ừ.

- Nghe giọng nói em đoán chị chắc lớn tuổi hơn em nhiều. Chị có được đi học không? Có được học máy tính, có biết khai thác Internet không?

- Có em ạ. Chị đã học xong đại học và có thể vào Internet rất cừ. Nhưng cũng chẳng để làm gì nữa. Chị sắp... mù rồi. Sắp trở thành người vô dụng rồi.

Phương bỗng bật khóc nức nở. Lạch... cạch... hình như cô bé lần mở ngăn kéo đưa cho chị túi khăn giấy. Phải mất một lúc khá lâu, Phương mới lấy lại được bình tĩnh.

- Em cũng từng đau khổ như chị vậy - vẫn giọng nói nhỏ nhẹ của cô bé cất lên - Nhưng chị vẫn hạnh phúc hơn những người như em. Chị vẫn được nhìn thế giới, ba mẹ và những người thân yêu đến tận bây giờ. Còn em vẫn chưa một lần và có thể mãi mãi sẽ không có lần nào hết.

Hình như cô bé quay đi giấu hốc mắt bắt đầu đỏ lên. Phương vừa mới hay có những người khiếm thị khóc ra được nước mắt, nhưng có những người cả đời nước mắt chỉ chảy vào trong.

Có lẽ thời gian sẽ trôi đi mãi, nếu như cô bé không ngập ngừng cất lời phá tan sự im lặng giữa Phương và nó:

- Em nghĩ... chị có thể học chữ nổi và cách sử dụng máy tính dành cho người khiếm thị ngay từ bây giờ nếu sau này không may... Như ở trung tâm của em này, các anh chị mắt sáng hơn những người mù một chút, nghĩa là vẫn có thể nhìn thấy mờ mờ, sẽ giúp những người mù hẳn như em học chữ nổi, học cách sử dụng máy vi tính...

- Ừ, chị cảm ơn em.

Phương khe khẽ gật đầu. Nam ơi, em không ngờ cuộc gặp gỡ tình cờ giữa em và cô bé 14 tuổi sâu sắc này lại làm em tỉnh ngộ ra rồi. Học chữ nổi, học sử dụng máy vi tính, học cách chăm sóc bản thân và làm những việc đơn giản... như là mình không còn nhìn thấy nữa. Điều này em cũng nghĩ đến và anh cũng đã nói với em nhiều lần.

Nhưng em vẫn chưa thể bắt đầu vì chưa có ai đau khổ và oán trách cuộc sống, oán trách số phận thay cho em. Nhưng tất cả rồi sẽ khác. Có thể anh cứ sang Mỹ du học đi. Em sẽ không sao đâu mà. Em sẽ đợi anh. Và em tin rằng con tim anh sẽ luôn thuộc về em như em đã thuộc về anh.

Phương không biết rằng phía sau cô, từ một góc kín đáo, có một ánh mắt thân thuộc đang dõi theo cô. Con trai ít khi khóc lắm. Nhưng hình như Nam đã khóc...

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận