Masanobu Fukuoka: Lão nông độc đáo

L.V.S. 12/12/2017 21:12 GMT+7

TTCT - Chính con người, do ngu dốt, ngạo mạn và tham lam vô độ đã làm đất trồng trở nên bạc màu, kiệt quệ sức sống... Đó là nguyên nhân canh tác không hiệu quả, sản phẩm nông nghiệp không bổ dưỡng, không an toàn cho sức khỏe...

Bìa sách

Tôi vừa đọc xong hai cuốn sách Cuộc cách mạng một-cọng-rơm Gieo mầm trên sa mạc của tác giả người Nhật Masanobu Fukuoka(*). Vốn thành phần bần cố nông, đọc sách bị “nhập”, tôi đánh bạo thử trình bày ra đây một số băn khoăn (và cả bâng khuâng) về những gì mà lão nông đồng chủng, đồng văn của chúng ta đã viết.

Masanobu Fukuoka là ai và làm nông thế nào?

Trước khi trở thành người nông dân không giống ai và nổi tiếng thế giới, M.Fukuoka là cử nhân khoa học ngành bệnh học cây trồng, làm cán bộ trong hệ thống Chính phủ Nhật Bản. Nghĩa là ông được đào tạo khoa học, làm công việc khoa học, và đương nhiên, tin vào khoa học.

Rồi một cơ duyên đến như tiền định: ông mắc bệnh, bỏ việc, đi lang thang suy nghĩ về ý nghĩa cuộc đời, bị ngất đi suýt chết và tỉnh dậy bởi một tiếng diệc kêu, thế là, như ngôn ngữ nhà Phật, ông “đốn ngộ”. Cả thế giới lật nhào, hay nói đúng hơn, một thế giới mới, thế giới với bản thể đích thực của nó hiện ra.

Kể từ đó đến lúc chết, ông không còn tin và hết sức chống lại thứ người đời gọi là “khoa học”. Và cũng từ đó, ông dành cả phần đời còn lại sống và thực hành việc làm nông tự nhiên theo niềm tin và triết lý nhân sinh thức dậy bởi tiếng kêu của con diệc lúc hừng đông hôm ấy:

Tự Nhiên là một tổng thể cân bằng hài hòa, con người là, và chỉ là, một phần của Tự Nhiên, và cách duy nhất đúng là tuân theo Tự Nhiên trong mọi hoạt động sống chứ không chỉ trong làm nông nghiệp.

Cách làm nông nghiệp tự nhiên của M.Fukuoka rất đơn giản, dễ thực hiện vì chẳng yêu cầu phương pháp “khoa học kỹ thuật” cao siêu nào. Ông tập trung nói nhiều đến việc trồng cây lương thực (lúa gạo, lúa mì, lúa mạch các loại phổ biến ở Nhật Bản), các loại cây rau, đậu, khoai tây, củ cải... thì còn dễ hơn nhiều.

Chỉ cần tuân thủ bốn nguyên tắc: không cày xới đất, không bón phân (kể cả phân hóa học lẫn phân ủ/phân xanh), không làm cỏ (kể cả bằng cách cày xới, cào hay dùng thuốc diệt cỏ), không dùng hóa chất để diệt trừ sâu bệnh hay côn trùng phá hoại.

Thật dễ như ăn chuối, bởi làm nông như vậy gần như chẳng phải làm gì! Chẳng tốn công, cũng chẳng tốn tiền cho vật tư nông nghiệp, lại đỡ nguy cơ mang bệnh vào người vì nhiễm độc. Ai cũng làm được, khỏe re.

Tất nhiên phương pháp “Không cần làm gì” của ông không phải là chỉ nằm khểnh trong chòi chờ lúa chín, không đụng chân đụng tay việc gì, mà vẫn phải làm một số việc: chăm sóc ban đầu, theo dõi sự thích ứng, can thiệp, nghiên cứu tương thích giống cây trồng với tính chất đất, tiến trình hồi phục của đất đai, tìm hiểu chu trình sinh trưởng của cây trồng và cỏ dại hay sâu bệnh bản địa nhằm tìm ra cách gieo hạt xen canh, gối vụ tối ưu để cây trồng có được ưu thế tốt nhất trong mùa vụ...

Người ta có thể học được gì từ M. Fukuoka?

Muốn học được gì, trước hết ta phải đồng ý với quan điểm của M. Fukuoka cái đã: rằng đất đai trước đây từng rất màu mỡ, giàu sức sống, là môi trường của một quần thể hài hòa, thảm thực vật đa dạng cùng các động vật (tính cả con người), côn trùng và vi sinh vật sống cộng sinh.

Chính con người, do ngu dốt, ngạo mạn và tham lam vô độ đã làm đất trồng trở nên bạc màu, kiệt quệ sức sống, thậm chí gây ra hiện tượng sa mạc hóa nhiều nơi trên hành tinh này. Đó là nguyên nhân canh tác không hiệu quả, sản phẩm nông nghiệp không bổ dưỡng, không an toàn cho sức khỏe; và dễ thấy hơn ở tầm toàn cầu là môi trường sinh thái đang bị hủy hoại nghiêm trọng. Trái đất, ngôi nhà chung của toàn thể sinh giới đã không còn xanh như trước kia.

Như vậy, việc đầu tiên là phải “hoàn nguyên” cho đất sống trở lại bằng việc gieo trồng các loại cây phù hợp, tái bù đắp cho đất bằng chất hữu cơ dư thừa, vi sinh. Rồi Tự Nhiên sẽ làm việc của nó, đất đai sẽ lại màu mỡ.

Các chính phủ, các nhà khoa học môi trường có thể tìm thấy ở đây thêm một cách, nếu không muốn nói là cách tốt nhất, để gieo mầm trên sa mạc. Cây sẽ phủ xanh dần những đồi trọc, những trảng cát mênh mông thiếu vắng sự sống, và môi trường Trái đất hi vọng sẽ được cải thiện.

Nông dân, đặc biệt những hộ nhỏ lẻ có diện tích canh tác không lớn, có thể học được cách cải tạo đất trồng và tìm được cách làm nông nghiệp hữu cơ hiệu quả, tiến tới làm nông nghiệp tự nhiên hoàn toàn.

Nông nghiệp với quy mô sản xuất lớn thì khó hơn, tuy nhiên vẫn có thể áp dụng một số kinh nghiệm và hiểu biết của ông để sản xuất sản phẩm nông nghiệp hữu cơ với chất lượng tốt và lành mạnh hơn.

Những người còn lại, thực ra là tất cả chúng ta (bởi có ai sống được mà không sử dụng sản phẩm nông nghiệp?), có thêm một cơ hội để suy ngẫm về những cái ta ăn hằng ngày, về nền sản xuất nông nghiệp và thương mại nông nghiệp hiện nay, về y tế và sức khỏe của cá nhân và cộng đồng. Cũng đủ cả hỷ nộ ái ố, chẳng chơi đâu.

Mơ ước của M. Fukuoka có lẽ chẳng bao giờ thành sự thật

M. Fukuoka sống rất thọ, lúc tạ thế được 95 tuổi. Ngộ ra chân lý và thay đổi hoàn toàn nhân sinh quan và thế giới quan lúc 25 tuổi, ông dành 70 năm dài dằng dặc còn lại của đời mình để sống, thực hành, sửa chữa sai lầm và vượt qua thất bại, nếm trải những thành công trong việc làm nông nghiệp tự nhiên làm ông ngày càng tin tưởng sắt đá vào chân lý mà duyên phận khai sáng, dẫn lối cho ông từ lúc tuổi thanh xuân.

Ông không tiếc bao nhiêu thời gian, công sức truyền bá chân lý và tư tưởng giản dị mà chói sáng ấy ra khắp nước Nhật quê hương và nhiều nơi trên thế giới.

Ông đã thành công? Tôi nghi ngờ điều ấy. Thành công chút ít, thành công ban đầu thì chưa phải thật sự thành công, chưa đáp ứng khát vọng của ông.

Nông nghiệp tự nhiên của ông cho một năng suất ngang bằng và vượt trội so với các phương pháp canh tác khoa học tiên tiến nhất của Nhật Bản đương thời. Nhưng điều ấy không gây một tiếng vang đủ mạnh mẽ, không đủ làm nên một cuộc cách mạng trong nông nghiệp ở nước Nhật và trên toàn cầu.

Nó mới chỉ thu hút sự quan tâm của các chính phủ, các nhà khoa học nông nghiệp, môi trường, các hộ nông dân nhỏ và đặc biệt là giới truyền thông bởi tính kỳ lạ, đơn giản và độc đáo từ phương pháp nông nghiệp tự nhiên cũng như từ chính số phận và cuộc đời có một không hai của ông.

Tại sao vậy? Xin góp vài lời bàn.

Triết lý nhân sinh của ông đòi hỏi tư duy và quan niệm lại về Tự Nhiên và con người, từ đó khẩn thiết yêu cầu lựa chọn một lối sống khác, bao trùm tư tưởng và hoạt động sống của con người (trong đó có làm nông nghiệp tự nhiên) trên tinh thần sống tối giản, an vui trong Tự Nhiên. Xin thưa, điều này là bất khả.

Với các chính phủ, các chính trị gia, các nhà tư bản sản xuất nông nghiệp, chế biến và phân phối sản phẩm nông nghiệp, các nhà tư bản công nghiệp sản xuất máy móc thiết bị, vật tư nông nghiệp... thì nông nghiệp, trước tiên và quan trọng nhất, phải là một ngành sản xuất, phải phát triển và hiện đại hóa liên tục, gia tăng không ngừng lợi nhuận. Nông nghiệp tự nhiên của ông không giúp họ, mà thực ra là cản trở mục đích đó.

Những hộ nông dân cá thể có diện tích canh tác không lớn, sống trong nền kinh tế thị trường hiện nay, dù yêu lối sống an vui khoan hòa với Tự Nhiên, vẫn cần trước mắt đủ sống, sau nữa là gia tăng thu nhập nuôi dưỡng thế hệ sau (con cháu họ không bắt buộc nối nghiệp họ hoặc chọn lối sống như họ).

Vì vậy, họ thích thú nhưng ngập ngừng, thậm chí ngại ngùng, với nông nghiệp tự nhiên. Ông cũng xa gần chỉ ra lợi nhuận do nông nghiệp tự nhiên, đáng tiếc, không thuộc về nông dân mà bị các tầng lớp trung gian bòn rút hết. Vậy thì, chút đỉnh màu sắc nông nghiệp hữu cơ có lẽ tiện hơn chăng bởi nó đánh trúng tâm lý của xã hội tiêu dùng hiện đại?

Chỉ còn một ít, rất ít thôi: những người về hưu không quá câu thúc về tiền bạc, yêu thiên nhiên và nghề nông; những kẻ ở ẩn, hâm mộ Phật giáo, Lão giáo (và cả hâm mộ ông nữa), lánh đời ở nơi heo hút. Những hạng người này có thế sẽ rất vui sướng làm nông nghiệp tự nhiên và sống gần như tự cấp tự túc trong những căn chòi nhỏ vách đất, mái lợp rơm hoặc lá cọ - những vị thánh.

Vĩ thanh

Việt Nam rất nhanh nhạy, bắt kịp trào lưu sản xuất và tiêu dùng sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch đang diễn ra rộn ràng trên khắp thế giới.

Trên báo chí truyền thông, khắp các phố phường, các ngoại ô, ở đâu bạn cũng có thể gặp những thông tin quảng bá, những cửa hàng bày bán sản phẩm, những trang trại thực nghiệm của những kẻ khởi nghiệp trong lĩnh vực dường như “à la mode” này.

Tốt thôi. Không thể nghi ngờ, “hữu cơ” hẳn là tốt hơn “vô cơ”, “sạch” thì chắc chắn tốt hơn “bẩn”, hơn “không sạch”.

Nhưng các câu hỏi cơ bản như: “hữu cơ” là thế nào, “sạch” là thế nào, có thực sự an toàn không, rau thủy sinh và thực phẩm biến đổi gen có bổ dưỡng và an toàn không... cũng không dễ trả lời. Nghe câu trả lời cũng không dễ mà tin.

Hứa hẹn lợi nhuận cao, người ta lao vào sản xuất và bán ầm ầm. Hoang mang lo lắng bệnh tật, như chuột chạy cùng đường, người ta mua và xơi ầm ầm. Trong hai cuốn sách thượng dẫn, M. Fukuoka dành khá nhiều trang bàn về thực phẩm và sức khỏe, cũng là thêm một lăng kính cho độc giả coi xét vào những giờ phút trầm tư hiếm hoi trong cuộc đời bận rộn hối hả này.

Một đời người kéo dài qua hai thế kỷ, M. Fukuoka (1913-2008) rốt cuộc cũng phải ra đi mà chưa hoàn thành hết ước mơ đời mình (ông viết thế). Ông tham dự nhiều hội thảo khoa học trong nước và quốc tế, gặp gỡ các chính trị gia, quan chức các chính phủ, các nhà khoa học nông nghiệp và môi trường, những người nông dân (giàu có và nghèo khổ) nhiều nơi trên thế giới.

Ông đã làm tất cả những gì có thể.

Nằm trong căn chòi lá bên đồi, tôi chắc ông có đọc nhiều, như một trí thức chứ không phải người nông dân ít học. Tôi đoán ông theo dõi khá đầy đủ các sự kiện chính trị xã hội, các tiến bộ khoa học kỹ thuật đương thời với óc phê phán.

Có lẽ ông đọc rộng, không chỉ lịch sử, địa lý, chính trị mà còn tôn giáo, thơ ca, triết học, khoa học và thậm chí cả vật lý học. Ông phê phán thuyết tương đối của A. Einstein hồn nhiên như trẻ thơ. Ông dẫn Socrates và Descartes với những suy tư triết học của mình.

Mặc dù không dẫn, nhưng có đoạn ông nhắc lại ý của một triết gia quan trọng (mà tôi đoán ông yêu): Arthur Schopenhauer. Thật là vui, sang thế kỷ 21 rồi mà ông nhắc đến Utopia và vẫn mơ về thế giới đại đồng.

Những năm cuối đời, ông đóng cửa trang trại, không tiếp khách mà dành thời gian để dưỡng sức và suy ngẫm. Những tháng cuối cùng trước khi ra đi, ông yêu cầu thầy thuốc của ông dừng điều trị, ông muốn chết tự nhiên, như đã từng sống tự nhiên.

Đi, hay là “về”, với Tự Nhiên vĩ đại và duy nhất? M. Fukuoka lúc nhắm mắt xuôi tay không thực sự mãn nguyện, ông không nuối tiếc, ông buồn. Bởi ông đã “muốn” mà không sao đạt sở nguyện.

Bởi ông không thật sự hiểu biết con người với đặc tính và khuynh hướng xã hội hiện đại của nó.

Bởi thể hiện rõ ràng mình mến Phật giáo, gần gũi Lão giáo, ông lại ngây thơ để mình bị mắc kẹt trong thân phận một kẻ đã xuất thế, ngộ được Đại Đạo rồi lại nhập thế mong làm một cuộc cách mạng cứu chúng sinh thông qua một hoạt động thực tiễn mang tính nghề nghiệp.

Nhưng thôi, với tất cả lòng kính trọng đối với ông, tôi kết thúc ở đây. Vấn đề mà M. Fukuoka gợi ra và gây cảm hứng với nhiều hạng người thì còn rộng hơn nữa, không chỉ bó hẹp trong đề tài làm nông nghiệp tự nhiên hay phủ xanh sa mạc. Còn nhiều thứ đáng để nghĩ ngợi, bàn bạc, tranh luận.■

(*) Xanhshop và NXB Tổng Hợp TP.HCM ấn hành, lần lượt các năm 2015 và 2017.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận