Marcelino Trương - nỗi ám ảnh thiếu quê hương

VÕ TRUNG DUNG (PHÁP) 12/06/2011 23:06 GMT+7

TTCT - Mang hai dòng máu Việt - Pháp, họa sĩ Marcelino Trương thành công trong lĩnh vực truyện tranh và vẽ minh họa tại Paris (Pháp). Chỉ sống ba năm ở quê cha, hầu như không nói được tiếng Việt, nhưng Việt Nam là chủ đề làm nên tên tuổi của ông.

Ông tự nhận: “Đất nước và văn hóa Việt luôn ám ảnh tâm trí tôi! Có thể vì tôi không có cơ hội sống và trưởng thành ở quê hương chăng? Nhưng tôi cảm nhận đó là sự thiếu thốn của chính mình"...

Marcelino Trương trong xưởng vẽ tại quận 12, Paris (Pháp)

1. Paris đầu xuân. Tôi tìm đến xưởng vẽ của họa sĩ Marcelino Trương ở quận 12 “bình dân”, nơi giá nhà đất còn tương đối rẻ, lại giáp với khu La Bastille rất mốt. Xưởng vẽ của ông nằm ở sân sau một chung cư. Trước đây có lẽ là một xưởng làm mộc. 

Marcelino mở cửa, tay gạt mồ hôi, tay cầm búa. Ông bảo: “Tôi đang chuẩn bị xây cái gác lửng để khi về già và nếu nghèo quá thì dọn về đây ở cho đỡ tốn kém!”.

Hàng trăm cuốn sách, sử liệu, tuýp màu bột, giấy vẽ dở dang vây quanh một máy vi tính, máy scan và máy in. Trên tường, từ trần đến sàn, hàng chục tấm tranh phủ kín những khoảng trống còn lại. 

Marcelino đẩy một chồng tạp chí để tìm cho tôi một chỗ ngồi: “Thấy bừa bộn vậy nhưng tôi nhớ hết cái gì nằm ở chỗ nào! Cái xưởng của tôi cũng giống như cuộc đời riêng của tôi và nghệ thuật: tùm lum...”.

Tôi nhìn quanh. Ba tấm tranh có lẽ đã được vẽ cách đây khá lâu vì bụi đóng khá dày, nhưng chưa hoàn tất. Như đoán được tôi nghĩ gì, ông nói: “Tôi vừa sáng tác truyện tranh, cả kịch bản lẫn vẽ, vừa minh họa báo chí, vẽ bìa sách. Những hàng đặt này tôi làm nhanh lắm vì phải giao đúng hạn. Tôi cũng vẽ tranh để bán ở các gallery. Đó là những tác phẩm thể hiện 100% tâm hồn của tôi. Vì vậy, khi nào có hứng tôi mới có thể vẽ được. Nhiều khi hứng lắm nhưng cũng để đó vì có nhiều thứ đặt hàng phải ưu tiên làm...”. 

Marcelino thú thật nhiều khi rất rảnh rỗi nhưng chỉ thích ngồi mơ mộng nhìn qua cửa sổ, chẳng làm gì. Có thể mộng mơ lãng đãng là cốt lõi của sáng tạo chăng? 

Ông chia sẻ: “Thành công về nghệ thuật và sống được với nghề vẽ là điều cực kỳ khó. Vì hội họa không có tiêu chuẩn để phán đoán thế nào là đẹp, thế nào là xấu - tất cả đều tùy thuộc đôi mắt của người xem. Đó là chưa nói đến phong trào và xu hướng. Tranh có lúc được hoan nghênh, có lúc chẳng ai thèm nhìn đến!”.

Vẽ truyện tranh

Sinh năm 1957, họa sĩ - tác giả truyện tranh Marcelino Trương đam mê hình họa từ bé nhưng ông vẫn nghe lời khuyên của cha mẹ học để có “một nghề vững chắc”. Sau khi tốt nghiệp Đại học Khoa học chính trị Paris và trường sư phạm với bằng thạc sĩ tiếng Anh, ông đi dạy ở trường đào tạo sĩ quan hàng hải nhưng chỉ được một năm, để rồi “đầu mùa xuân 1983, một sáng thức dậy tôi tự nói với mình: điều quý báu nhất trong đời là làm những gì mình thích, mà mình chỉ có một cuộc đời, tại sao lại bỏ qua?”. Thầy giáo Marcelino Trương từ chức và lao vào cuộc phiêu lưu nghệ thuật...

2. Marcelino vào nghề không dễ dàng. Ông là họa sĩ tự học. Buổi đầu ông vẽ về đêm để luyện tay nghề, ngày đi làm thêm - dạy tiếng Anh cho các gia đình giàu có để kiếm tiền - và đi xem triển lãm, từ các phòng tranh đến các bảo tàng, để phân tích và học hỏi nét cọ của đàn anh, đàn chị.

Ông kể: “Đại đa số họa sĩ tốt nghiệp trường mỹ thuật chỉ đi làm giáo viên. Sáng tạo cần thời gian và kinh nghiệm sống. Cần có sự thành thục. Đâu phải nắm vững kỹ thuật là có thể truyền được những gì mình có trong đầu qua nét vẽ, qua sắc màu”. 

Sinh ra ở Manila (Philippines), biết đi lẫm chẫm ở Washington (Mỹ), học những chữ đầu tiên ở Sài Gòn (nơi gia đình ông sống những năm 1960-1963), tiếp đó là London (Anh), Saint-Malo ở miền đông nước Pháp và cuối cùng là Paris, chưa kể vài năm sống lãng du ở Nam Mỹ... 

Marcelino Trương hay đùa: “Tôi tốt nghiệp trường mỹ thuật của cuộc đời” và tự nhận mình là “một công dân toàn cầu vì may mắn được va chạm nhiều nền văn hóa, ngôn ngữ, con người và phong cảnh rất khác nhau. Lúc còn nhỏ, cuộc sống “lang thang” như vậy không hề đơn giản. Mỗi khi đến một nước mới lại phải học ngôn ngữ, xây dựng mối quan hệ bạn bè. Bây giờ mới thấy quý vì nhờ những va chạm văn hóa đó tôi như được giáo dục trực quan, rất quan trọng cho tư duy sáng tạo của mình ngày nay”.

Sau chín năm “ăn độn”, uống nước lã, cộng tác với những tạp chí truyện tranh nổi tiếng như Griffon, Métal Aventure, vẽ minh họa cho báo Libération, đầu năm 1992 tên tuổi ông bắt đầu được biết đến với các tác phẩm Le Dragon de bambou (Con rồng tre) kể về vợ chồng nhà văn André và Clara Malraux (*) trong hành trình ở Đông Dương vào những năm 1920-1930, Fleur d’eau (Hoa nước) tường thuật cuộc sống hằng ngày ở Hội An thế kỷ 19 và một chuỗi truyện cổ tích trong tập Carambole d’or (Quả khế vàng) với đồng tác giả Yvéline Féray. 

Tất cả được vẽ đơn giản với màu sắc nổi bật như những bức tranh của Paul Gauguin, mỗi hình vẽ có thể tồn tại như một tranh riêng lẻ.

Marcelino tâm sự: “Cái khó nhất của truyện tranh mà họa sĩ sáng tác phải vượt qua là luôn luôn giữ được sự gắn kết hình tượng các nhân vật từ trang đầu tiên đến trang cuối cùng. Đã không biết bao lần tôi ngồi vò đầu trước tờ giấy trắng, tự hỏi mình phải vẽ gì đây... Nhiều lúc tôi tự trách là mình ngu ngốc bỏ nghề thầy giáo an nhàn để lao vào cảnh cô đơn và khổ cực này...”. 

Bí quyết thành công của họa sĩ vẽ truyện tranh Marcelino là gì? “Cách vẽ của tôi không có gì gọi là đặc biệt, mới mẻ hoặc khác người. Tôi cố ý vẽ đơn giản, nhân vật không có quá nhiều hành động như manga của Nhật Bản. Điểm đặc trưng trong truyện tranh của tôi là sự nghiên cứu tỉ mỉ lịch sử, từ y phục đến phong cảnh trong thời đại của cốt truyện. Nhưng tác phẩm của tôi cũng không phải là sách sử, vì vậy vẫn có hư cấu và tưởng tượng...”.

3. Chiều xuống. Chúng tôi rời xưởng vẽ, đi bộ tới quán bar quen thuộc Đôi Giày Gỗ chuyên bán rượu vang. Quán bình dân, bày vài cái bàn và ghế khập khiễng trên vỉa hè. Chúng tôi nói với nhau: “Xứ Tây, xứ Việt có nhiều điểm giống nhau. Chúng ta đều thích ngồi lề đường... Nào, nâng ly, chúc sức khỏe!”.

Loạt tranh Phụ nữ Việt Nam của Marcelino Trương

__________

(*): xem http://nhavan.vn/index.php?mod=article&cat=NVsukien&article=1327.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận