Mảnh ghép còn thiếu của mục tiêu kép

HỒ QUỐC TUẤN 29/06/2021 17:00 GMT+7

TTCT - Mục tiêu kép vừa chống dịch vừa duy trì tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vẫn còn thiếu một mảnh ghép quan trọng.

Theo chỉ thị 10 do chủ tịch UBND TP.HCM ban hành vừa qua, tất cả các loại hình kinh doanh dịch vụ không thiết yếu dừng hoạt động, các chợ tự phát phải tạm giải tán để tăng cường biện pháp phòng chống COVID-19 trên địa bàn thành phố. 

Cả dịch vụ như xe buýt, xe vận tải khách theo tuyến cố định liên tỉnh và taxi cũng phải tạm dừng. Bên cạnh đó, nhiều công nhân các cơ sở sản xuất bị xác định là F0, F1 đều phải đi cách ly.

 
 Ảnh: The New Yorker

 Giãn cách xã hội lấy gì sống?

Những bài viết, bài điều tra trên các phương tiện truyền thông khi phỏng vấn những người bị ảnh hưởng gần như đều phản ánh cùng một thông điệp: nỗi lo cơm, gạo. “Giãn cách xã hội lấy gì người ta sống?”. 

Đây là câu cảm thán của một người bạn tôi kinh doanh lĩnh vực nhà hàng. Bạn cho biết nhà bạn thì dễ thôi, có tích lũy, vợ chồng thậm chí nếu cần có thể về quê vợ ở miền biển để lánh nạn. 

Nhưng hàng trăm nhân viên sẽ ra sao? Họ phải trang trải tiền chợ búa, tiền nhà trọ, lo cho con cái, gửi tiền về quê. Nhiều người phải chật vật làm mấy công việc mới lo nổi bao nhiêu là thứ đó. Đùng một cái tất cả dừng lại, giờ họ không biết phải làm sao.

Trạng thái giãn cách xã hội kéo dài trong khi người dân “không biết lấy gì sống” sẽ dẫn đến một số tình huống không tốt. Trước tiên là tình trạng “phá rào” vì người ta vẫn phải sống. 

Theo phản ánh trên phương tiện truyền thông và mạng xã hội, ở một số nơi, các chợ tạm vẫn còn hoạt động. Tình trạng này có thể dẫn đến kế hoạch khống chế dịch phá sản khi mà các rủi ro ổ dịch trong cộng đồng sẽ tiếp tục hình thành. 

Nhưng có thể hoàn toàn trách những người “phá rào” đó không, khi họ phải kiếm tiền lo cho gia đình. “Chết dịch” hay “chết đói” thì đều là chết cả, một anh nhà báo kỳ cựu đã nói như vậy với người viết.

Vấn đề thứ hai là sức khỏe tinh thần. Khó khăn kinh tế, cô lập, hạn chế hoạt động bên ngoài có thể dẫn đến những diễn biến phức tạp về tâm lý. 

Đây là một trong những vấn đề nổi bật và được truyền thông Anh, nơi tôi sống, phản ánh liên tục trong một năm qua và các trường đại học đã chi ra hàng chục triệu bảng Anh để hỗ trợ sinh viên về vấn đề này, nhưng vẫn có những vụ việc kết thúc sinh mạng đáng tiếc do trầm cảm và khó khăn.

Bên cạnh đó, việc nhiều cơ sở y tế phải tạm dừng tiếp nhận bệnh nhân do ảnh hưởng của dịch cũng có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe cộng đồng. 

Như phản ánh của một số phương tiện truyền thông, nhiều bệnh nhân được lên lịch phẫu thuật và chữa trị đã được thông báo rằng phải về nhà chờ thông tin. Trong quá trình đó, nếu bệnh tình chuyển biến xấu thì cũng đành chịu.

Vì vậy, cách nói “chết dịch” hay “chết đói” có thể thậm xưng, nhưng thực tế là có thể có những cái chết khác, dù không trực tiếp, nhưng gián tiếp do COVID-19 gây ra, dựa trên những gì người viết biết được ở Anh. Nó là hệ quả trực tiếp của tình trạng giãn cách xã hội kéo dài.

Một trong những con số phản ánh điều này là số tử vong bất thường (excess death) ở Anh - số người chết cao hơn “mức tử vong bình thường”. 

Mức tử vong bình thường là ước tính về số tử vong với giả định không có COVID-19 trong cùng thời điểm. 

Ở đỉnh điểm của đợt dịch bệnh vừa qua vào tháng 5-2020 và tháng 1-2021, mặc dù số người được ghi nhận tử vong hằng tuần do dịch COVID-19 khoảng 7.000 - 8.000 người, số tử vong bất thường lên đến 9.000 - 11.000, theo số liệu của Chính phủ Anh. 

Điều đó có nghĩa khoảng 20% số người tử vong bất thường không phải trực tiếp vì COVID-19 mà do nguyên nhân khác, bao gồm tình trạng trầm cảm, sức khỏe tinh thần suy giảm, không được điều trị các loại bệnh khác hay suy kiệt kinh tế.

Thường thì nhóm người nghèo nhất trong xã hội cũng là nhóm dễ tổn thương nhất, nhưng những câu chuyện của họ không dễ gì lên được các thảo luận chính sách, vì lý do khách quan là đa số người làm chính sách và những người xung quanh họ thuộc tầng lớp trung lưu trở lên, có thể yên tâm ở nhà chống dịch và chờ vaccine.

Điều đó đặt ra sự cần thiết cho một gói cứu trợ kinh tế khẩn cấp và thực tế.

Tổ chức một gói cứu trợ kinh tế

Trong những tranh luận tôi thấy xung quanh chuyện chống dịch và tổn hại kinh tế, luận điểm thường thấy là một trong hai thái cực. 

Thứ nhất, chống dịch như vậy thì người dân không có việc làm, gặp nhiều khó khăn kinh tế trong khi nhiều người phải chạy ăn từng bữa thì phải làm sao. 

Thái cực còn lại là nếu dịch bệnh lan rộng thì cũng không làm ăn được, kinh tế cũng bị tổn hại thôi, phải cố gắng cầm cự cho “hết dịch”. Nhưng bao lâu thì “hết dịch”? Đã hơn một năm rồi, chưa có dấu hiệu gì sẽ hết dịch cả. Số biến chủng virus thì ngày càng phức tạp: Ấn Độ vừa công bố hai biến chủng mới của Delta.

Thật ra, chúng ta đâu phải chỉ có giải pháp một chọn sức khỏe, hai chọn “đói”. Vẫn có một tấm đệm có thể hài hòa cả hai, đó là chi tiêu chính phủ. 

Ví dụ, nước Anh đã chọn chi thêm 16,3% GDP so với dự toán ngân sách để hỗ trợ kinh tế trong dịch bệnh. Đây là mức chi bất thường, không lên kế hoạch trước chưa từng có của chính phủ trong nhiều thập niên.

Đây không phải con số phần trăm GDP vô hồn, nó thực sự là tấm đệm đỡ giúp hàng chục triệu người ở Anh vượt qua khó khăn. 

Tấm lưới an sinh xã hội về trợ cấp thất nghiệp này giúp Chính phủ Anh đã bỏ ra hơn 50 tỉ bảng Anh để giúp 1,3 triệu công ty có thể trả lương cho hơn 11 triệu lao động phải nghỉ, giãn việc trong thời gian phong tỏa kinh tế.

Ngoài ra gói cứu trợ doanh nghiệp bao gồm một loạt gói hỗ trợ không hoàn lại, cho vay, miễn thuế để doanh nghiệp có thể tồn tại. 

Theo ước tính của Bộ Tài chính Anh, gói hỗ trợ này còn đạt được hiệu quả vượt trội làm số doanh nghiệp phá sản giảm đến 27% so với giai đoạn trước dịch. 

Riêng số khoản vay ưu đãi cung cấp cho doanh nghiệp Anh là 1,5 triệu khoản vay với 70 tỉ bảng Anh. Còn tiền mặt chi trực tiếp hỗ trợ doanh nghiệp không hoàn lại với thủ tục đơn giản là 20 tỉ bảng Anh. Số hỗ trợ hoãn thuế thì là 10 tỉ bảng Anh.

Tính tổng cộng các gói hỗ trợ kinh tế và chi tiêu công cho giai đoạn 2020 - 2022, nước Anh dự kiến sẽ chi ra tổng cộng 407 tỉ bảng Anh, mức chi tiêu lớn nhất từ sau Thế chiến II, một số khoản chi vẫn kéo dài đến tận bây giờ, khi phần lớn nền kinh tế đã quay lại hoạt động bình thường.

Gói chi tiêu hơn 16% GDP này có thể là lớn (theo ước tính chỉ đứng sau Mỹ), nhưng nếu nhìn vào những nước Âu - Mỹ khác, thì ngay cả nước được xem là “nghèo” hơn như Tây Ban Nha cũng chi ra gần 5% GDP để hỗ trợ kinh tế.

Nói như vậy để thấy, chi tiêu công mạnh tay là một cách để kéo Mỹ và Anh khỏi vũng lầy thất nghiệp, suy thoái kinh tế và bất ổn xã hội do dịch COVID-19. 

Đây đang là hai nền kinh tế dự kiến bật dậy mạnh mẽ trong quý 2-2021 này (riêng Mỹ dự kiến tăng trưởng còn nhanh hơn nhiều nền kinh tế đang phát triển trong năm nay).

Việt Nam có lẽ không đủ sức chi ra hơn chục phần trăm GDP như Anh, Mỹ, nhưng theo cách liệu cơm gắp mắm, Chính phủ vẫn có thể chi tiêu thêm khoảng 3% GDP, mức mà một nền kinh tế nợ nần nhiều như Tây Ban Nha còn có thể gánh nổi. 

Con số này ở Việt Nam sẽ tương đương khoảng 6,8 tỉ USD (dựa trên số liệu GDP 340 tỉ USD mà Bộ Tài chính công bố năm ngoái), tức hơn 150 nghìn tỉ đồng.

Đây sẽ là một cú hích quan trọng cho nền kinh tế trong khi vẫn có thể đảm bảo tài chính công của Việt Nam ổn định.

Đâu phải chúng ta không có tiền. Mặc dù ngân sách căng thẳng, vốn đầu tư phát triển của các chương trình mục tiêu quốc gia được Quốc hội phân bổ 16.000 tỉ đồng đến nay chưa được giao kế hoạch, không có khả năng giải ngân trong những tháng cuối năm 2021. 

Mặt khác, tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư trong 6 tháng đầu năm chỉ đạt 34,15% kế hoạch, thấp hơn cùng kỳ năm 2020.

Điều đó nghĩa là Việt Nam còn những khoản “dự định chi” nhưng chưa được chi có thể điều chỉnh. Hơn nữa, nếu cần thiết, Chính phủ có thể vay thêm nợ, bớt đi những lãng phí, di chuyển những khoản tiền định đầu tư vào một số dự án khổng lồ mà không giải ngân được sang cứu trợ kinh tế trước đã. 

Khi lãi suất đang thấp kỷ lục, đây là thời điểm hợp lý để vay thêm nợ đầu tư công.

Theo một khảo sát về tình hình hoạt động của doanh nghiệp cả nước do Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam tiến hành, có đến 87,2% doanh nghiệp bị ảnh hưởng tiêu cực bởi COVID-19, trong đó 72,3% là doanh nghiệp tư nhân và 74,5% là doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). 

Đây là thành phần tạo ra việc làm lớn nhất của nền kinh tế, có nghĩa là lực lượng lao động chủ chốt của nền kinh tế đang đối mặt với khó khăn. Gói cứu trợ kinh tế là không thể chậm trễ nữa.

Và nó phải hiệu quả hơn những gói cứu trợ trước kia, vốn đã để lại nhiều bài học. Khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp vừa rồi, đã có đại biểu chỉ ra rằng các gói hỗ trợ không đến được những đối tượng cần nhận. 

Lần này phải đảm bảo quy trình đơn giản, chỉ tiêu hỗ trợ rõ ràng để không có tình trạng trục lợi chính sách và xử lý nghiêm khắc những trường hợp trục lợi chính sách. 

Các gói cứu trợ kinh tế này không phải là cơ hội để “chia bánh”. Thông điệp này phải được truyền tải một cách rõ ràng và cứng rắn với quyết tâm và dũng khí cao nhất.

Dịch bệnh này được một số nước đang tận dụng để biến khó khăn thành cơ hội, làm mới nền kinh tế của mình với hạ tầng mới, xanh và hiện đại, cơ chế làm việc mới, nâng cao năng suất lao động và đổi mới kỹ năng của người dân (như Singapore đang tích cực chuyển một lượng nhân lực của các ngành nghề bị dịch bệnh ảnh hưởng như hàng không, nhà hàng sang lĩnh vực phân tích dữ liệu và lập trình).

Nhưng chưa nói tới chuyện xa xôi đó, làm sao để người dân không phải đặt câu hỏi “giãn cách xã hội lấy gì sống?”, và để không ai bị bỏ lại phía sau, về sức khỏe tinh thần, chăm sóc y tế cho những căn bệnh khác, và cả sinh kế.

Đã qua rồi giai đoạn Việt Nam có thể vừa chống dịch, vừa tăng trưởng kinh tế mà không phải trả giá gì cả. Hy sinh mục tiêu nợ công là cái giá thấp nhất rồi. Nếu chi tiêu công mà tiền đến trực tiếp tay người dân như ở một số nước thì không có gì phải sợ cả.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận