Mã vạch cho "những món hàng người"

CÁT KHUÊ THỰC HIỆN 07/06/2012 03:06 GMT+7

TTCT - Nhiếp ảnh gia tự do Na Sơn đã có hàng trăm bức ảnh đăng trên Tuổi Trẻ. Cứ mỗi cuối năm, cùng những người bạn của mình, Na Sơn lại “cõng” gạo thịt lên cho một số bản nghèo ở vùng cao phía Bắc.

Những chuyến đi ấy rất “nổi tiếng”. Nhưng cái cớ để TTCT tiếp cận anh lại khác, vẫn là câu chuyện vùng cao nhưng lý do thì đau lòng hơn...

Hoàng Thị Dìa (sinh năm 1989 ở Bảo Lâm, Cao Bằng) bị đối tượng Hầu Thị Dở ở Xín Chải, xã Pú Lũng, huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang lừa bán cho các đối tượng Trung Quốc ngày 5-5-2011 với giá 2.000 nhân dân tệ - Ảnh: Na Sơn

Phía sau số mã vạch 893

* Một ngày duy nhất cho công chúng được tiếp cận triển lãm Mã vạch trong khuôn khổ triển lãm chống nạn buôn người MTV Exit, nhưng đằng sau đó là bao nhiêu ngày tính từ thời điểm anh theo đuổi đề tài này?

- Là nhiều năm ấp ủ đề tài này kể từ thời điểm 2006-2007 khi các vụ bắt cóc trẻ em, thậm chí còn sát hại người lớn, đã xảy ra tại vùng giáp biên của tỉnh Hà Giang gây chấn động dư luận. 

Như đêm 10-12-2006, tại một xóm sát biên của xã Sủng Cháng, huyện Yên Minh, bọn buôn người đã đột nhập vào nhà giết hại anh Giàng Pà Giáo và vợ rồi cướp hai con nhỏ là Giàng Mí Pó và Giàng Thị Máy mang sang bên kia biên giới, rồi mấy vụ tiếp theo trong năm 2007 cũng xảy ra ở khu vực Yên Minh. Và tôi đã có ý định phải làm một cái gì đó... 

Nhiếp ảnh gia Na Sơn - Ảnh: Bích Hồng

Shane Lee - giám đốc truyền thông của MTV Exit - nói Mã vạch là một trong những tác phẩm triển lãm ấn tượng nhất từ trước đến nay mà tổ chức này từng làm! Trong thời gian triển lãm, họ cũng gửi thư xin phép dùng ý tưởng cầm bảng mã vạch che mặt của tôi cho một video âm nhạc họ sắp quay với sự góp mặt của nhiều nghệ sĩ Việt Nam tuyên truyền phòng chống buôn bán người.

Hiệu quả tuyên truyền mà Mã vạch mang lại đã khiến MTV Exit quyết định mở cửa cho công chúng đến xem thay vì một ngày duy nhất mà là ba ngày tiếp theo.

* Triển lãm Mã vạch cho thấy ý tưởng đã mạnh hơn tác phẩm. Những mã vạch hàng hóa với con số đầu là 893 để biết “món hàng” này xuất xứ từ Việt Nam đã làm gai người những ai hiểu câu chuyện... Ý tưởng này được nghĩ ra như thế nào?

- Tôi cho rằng một tấm ảnh phải có ý tưởng mạnh mới thật sự trở thành tác phẩm được. Mà không chỉ nhiếp ảnh, tác phẩm trong lĩnh vực nghệ thuật nào cũng phải được xây dựng từ ý tưởng. 

Cách thể hiện thì khá đơn giản nhưng để nghĩ ra, xâu chuỗi lại, đặt trong một không gian chung đã khiến tôi mất rất nhiều thời gian. Trước đó tôi đã đi vài chuyến, đã chụp nhưng chưa thật sự cảm thấy hài lòng.

Những tấm ảnh mới chỉ đơn thuần là ghi chép nhưng những thông điệp, cảnh báo điều tôi muốn truyền tải vẫn chưa thật sự đủ mạnh và làm tôi thỏa mãn. 

Chỉ khi tình cờ nhìn thấy bảng mã vạch dán ở đằng sau một cuốn sách mới mua, tôi mới chợt nảy ra ý tưởng cho loạt ảnh triển lãm này. Những bảng mã vạch có những con số riêng biệt, lạnh lùng được “dán” lên những - món - hàng - người như cách tương tự đã xảy ra cho họ trong thực tế trước kia.

* 20 bức ảnh trong số hàng ngàn, hàng chục ngàn thân phận tương tự. Lý do nào để chọn ra 20 bức ảnh trong số ấy?

- Những tấm ảnh triển lãm đều là ảnh chụp những nạn nhân là trẻ em và phụ nữ dù trong thực tế nạn nhân của buôn bán người có thể là bất cứ ai, kể cả đàn ông. Nhưng với trẻ em và phụ nữ, những câu chuyện về họ chắc chắn sẽ mang lại cảm xúc và ấn tượng mạnh hơn cho công chúng. Đó là những số phận khi đặt cạnh nhau, bức tranh u ám của thực tế được vẽ lên.

* Nếu bây giờ tôi muốn biết ngay rằng số phận của những nhân vật trong 20 bức hình triển lãm hiện tại ra sao, anh nói được chính xác không? Số phận nào ám ảnh anh nhất?

- 20 tấm hình là hình ảnh 19 nạn nhân mà thông tin và hoàn cảnh họ bị bắt cóc, dụ dỗ bán qua biên giới đã được chú thích rất cụ thể dưới từng bức ảnh. Trong đó ám ảnh tôi nhất vẫn là hai gương mặt của anh em Vàng Mí Lình (sinh năm 2003) và Vàng Mí Ly (sinh năm 2006) ở Pú Lũng, huyện Yên Minh, hiện sống tại Trung tâm Bảo trợ xã hội Hà Giang.

Rạng sáng 28-2-2007, một tốp người lạ đã vào nhà giết hại dã man cha mẹ các em và bắt các em sang bên kia biên giới. Khi tôi đến thăm chúng ở trung tâm, các em đang ngồi học bài trong phòng, cạnh cửa sổ, giữa lúc đang mưa và mất điện. Căn phòng tối chỉ có hai đứa trẻ ngồi đó, ngây thơ, vô tư trò chuyện...

Còn khi tôi đi tìm chị em Giàng Thị Thò và Giàng Thị Po ở một thôn sát biên giới của xã Phố Cáo, huyện Đồng Văn, tôi lại ghi sai tên bố của các em. Mà tên người Mông thì trùng nhau nhiều, sai một chữ là rất mệt. Tôi chạy xe vào sâu mãi trong bản, hỏi mãi mà chả ai biết cả. 

Vốn tiếng Kinh của bà con cũng không nhiều mà vốn tiếng Mông của tôi càng ít hơn. Thế nào mà tôi đi lạc đúng vào nhà của đối tượng đã lừa, bắt cóc các em (Tráng Thị Say, 1977) cũng là hàng xóm ở sát vách. Đây là thực tế đau lòng: thủ phạm hầu hết là những người quen biết, hàng xóm, thậm chí họ hàng, người thân...

Triển lãm MTV Exit lần này cũng chỉ là một phần trong dự án Mã vạch của tôi, còn rất nhiều nạn nhân nữa tôi đã và đang chụp để hoàn tất dự án này. Hi vọng trong năm nay, tôi sẽ lại được có cơ hội giới thiệu đến công chúng một bức tranh đầy đủ hơn về nạn buôn bán người ở dọc tuyến biên giới phía Bắc.

Vàng Mí Lình (sinh năm 2003, trái) và Vàng Mí Ly (sinh năm 2006) đang được nuôi dưỡng tại Trung tâm Bảo trợ xã hội Hà Giang. Rạng sáng 28-2-2007, các đối tượng đột nhập vào nhà, giết hại bố mẹ và bắt cóc các em mang qua biên giới. Hai anh em được các lực lượng biên phòng giải cứu - Ảnh: Na Sơn

Những bức ảnh phận người

* Hà Giang, Lào Cai, Sa Pa... những địa danh như mỏ vàng của dân nhiếp ảnh. Anh từng đến rồi quay lại, quay lại nhiều hơn. Lần đầu tiên và những lần sau đó, cảm thức nghệ sĩ trong anh thay đổi ra sao?

- Càng đi nhiều càng hiểu nhiều, tôi lại thấy thêm nhiều điều khác ngoài vẻ đẹp hoang sơ, kỳ vĩ của thiên nhiên, sắc màu rực rỡ của cuộc sống nơi đây. Đó chính là con người. 

Tôi yêu cuộc sống hồn nhiên, vô tư và thân thiện của những con người tuy nghèo khó nhưng lúc nào cũng giàu tình cảm. Ảnh tôi chụp cũng ngày càng khác hơn, hướng đến đời sống, con người và những phận người nhiều hơn những tấm ảnh đẹp thuở ban đầu.

* Kevin Carter - nhiếp ảnh gia đoạt giải Pulitzer với bức ảnh nổi tiếng Kền kền chờ đợi - từng nhận nhiều chỉ trích khi bức ảnh được đăng trên The New York Times (26-3-1993)... Không cố ý liên tưởng, nhưng tôi muốn hỏi trên hành trình theo đuổi đề tài đau xót này, anh có cơ hội nào giúp các nạn nhân của nạn buôn người không?

- Kevin Carter đi cùng một đoàn cứu trợ, họ chỉ ở đó trong thời gian ngắn và tại đó có hàng trăm em như thế. Sau đó ông đã tự vẫn, không hẳn do áp lực dư luận mà tôi cho rằng chính hình ảnh kinh khủng của tấm ảnh ông chụp đã ám ảnh ông, khiến ông lâm vào sự tuyệt vọng. 

Tôi cũng từng gặp và nói chuyện với một số phóng viên chiến trường trên thế giới, họ cũng thường lâm vào trạng thái khủng hoảng tâm lý sau mỗi đợt đi về từ vùng chiến sự, sau những gì kinh khủng mà họ trải qua.

Câu chuyện của tôi thì hơi khác, các nạn nhân của tôi dù sao cũng còn may mắn được giải cứu về, đã và đang trở lại cuộc sống hằng ngày. Tôi từng làm phóng viên chiến trường, hay chụp những đề tài về thiên tai, tai nạn thảm khốc..., đã chứng kiến những cảnh khủng khiếp mà bình thường chắc không phải ai cũng có can đảm nhìn hay cầm lấy máy để chụp, thế nhưng phóng viên ảnh cũng phải biết giữ “một cái đầu lạnh bên cạnh một trái tim nóng” để thực hiện công việc của mình.

Tôi nghĩ việc chụp và triển lãm ảnh của tôi cũng góp phần nào đó, tuy nhỏ, vào việc nâng cao ý thức và cảnh báo đến cộng đồng, góp phần vào việc phòng chống nạn buôn bán người.

Sắp tới, tôi sẽ cùng đoàn khảo sát của Vụ Hợp tác quốc tế - Bộ VH-TT&DL trở lại Hà Giang để khảo sát một số hoàn cảnh nạn nhân mà tôi đã chụp trong Mã vạch. Bên vụ muốn tài trợ một mô hình phát triển kinh tế nhỏ như kiểu hợp tác xã để giúp một số nạn nhân có thêm thu nhập, phát triển kinh tế.

Ngoài ra tôi cũng nhận được một số lời hứa từ các nhà tài trợ mong muốn hợp tác để giúp đỡ các nạn nhân này.

* Cảm ơn anh Na Sơn.

Trung tuần tháng 5, một triển lãm nghệ thuật mang tính tương tác cao kêu gọi phòng chống nạn buôn người được khai mạc tại Hà Nội, với sự tham gia của ba nghệ sĩ là Phan Ý Ly, Doãn Hoàng Kiên và nhiếp ảnh gia Na Sơn.

Chương trình do Tổ chức MTV Exit (Chấm dứt mua bán người) phối hợp với Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ, Úc, Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á tổ chức với sự hỗ trợ của Bộ VH-TT&DL, Trung ương Đoàn và Hội LHPN VN. Các nghệ sĩ tham dự triển lãm đưa ra những thông điệp về tình hình buôn bán người ở VN thông qua phim ảnh, âm nhạc, nghệ thuật sắp đặt, nhiếp ảnh...

Những bức ảnh Mã vạch của nhiếp ảnh gia Na Sơn đã gây được sự chú ý đặc biệt của công chúng bởi mỗi nhân vật của anh đều được che mặt bằng một bảng mã vạch - loại mã vạch hàng hóa, như một thông điệp mang tính cảnh báo về tình trạng mua bán người tại miền núi cao Hà Giang.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận