Luật pháp quốc tế trở lại Biển Đông?

DANH ĐỨC 31/10/2015 17:10 GMT+7

TTCT - Sự kiện tàu chiến Mỹ USS Lassen áp sát bãi đá ngầm Su Bi hôm thứ ba 27-10-2015 rồi vô sự rời đi là một dấu hiệu khẳng định rằng cuối cùng thì luật pháp quốc tế, trong đó có luật biển, cũng đã bắt đầu được “đếm xỉa” đến trên Biển Đông.

Tàu khu trục USS Lassen được Mỹ điều đến thực hiện quyền tự do hàng hải ở khu vực trong vòng 12 hải lý mà Trung Quốc xây “đảo nhân tạo” trái phép ở Biển Đông -Reuters
Tàu khu trục USS Lassen được Mỹ điều đến thực hiện quyền tự do hàng hải ở khu vực trong vòng 12 hải lý mà Trung Quốc xây “đảo nhân tạo” trái phép ở Biển Đông -Reuters

Trên bề nổi, nội vụ dễ được xem theo cái nhìn “chia phe đánh nhau” như là một vụ va chạm giữa Mỹ và Trung Quốc, qua đó “Mỹ muốn trấn an đồng minh của mình”, như cái nhìn của Helen Cooper và Jane Perlez trên New York Times (27-10).

Cũng trên bề nổi, nội vụ dễ được nhìn thấy như là một thể hiện tranh giành ảnh hưởng giữa siêu cường đang nổi lên (Trung Quốc) và siêu cường đang “già đi” (Mỹ), và từ đó dẫn đến thái độ “bàng quan” xem đó như là chuyện “trâu bò húc nhau” nên không chen vào...

Thế nhưng, “vấn đề của vấn đề” này lại khác và mang ý nghĩa sống còn đối với nhân loại: đây là va chạm không tránh khỏi giữa một bên cơ bản đang nhất quyết “mũ ni che tai” phủ định luật pháp quốc tế cùng tất cả những ký kết của mình, và bên kia là phần còn lại của thế giới không muốn luật pháp quốc tế bị xem thường mãi.

Vi Phạm luật pháp quốc tế cùng các ký kết

Có một thực tế là có sáu nước và lãnh thổ (Trung Quốc, Đài Loan, Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei) cùng tranh chấp Biển Đông vốn trải rộng từ Singapore tới eo biển Đài Loan và bao phủ một diện tích khoảng 3.500.000km².

Ý thức được những nguy cơ có thể xảy ra từ những tranh chấp đó, toàn thể các nước ASEAN đã đồng tâm ký với Trung Quốc vào ngày 4-11-2001 bản Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). 

Theo đó, “các bên khẳng định cam kết đối với mục tiêu và các nguyên tắc của Hiến chương Liên Hiệp Quốc, Công ước Luật biển năm 1982 của Liên Hiệp Quốc, Hiệp ước thân thiện và hợp tác ở Ðông Nam Á, năm nguyên tắc tồn tại hòa bình và các nguyên tắc phổ cập khác của pháp luật quốc tế”.

Tháng 5-2009, đáp ứng yêu cầu khai báo của Ủy ban ranh giới thềm lục địa thuộc LHQ, Malaysia và Việt Nam đã gửi cho ủy ban này một báo cáo chung gồm những khai báo liên quan đến thềm lục địa có đoạn chồng lắp của hai nước. Đây là một thí dụ điển hình của tinh thần thượng tôn luật pháp, hiếu hòa và thân thiện với nhau, đúng với tinh thần DOC.

Thế nhưng, Trung Quốc đáp trả bằng cách nộp ủy ban trên cái gọi là tấm bản đồ “đường 9 đoạn” (còn gọi là “đường lưỡi bò”). “Đường 9 đoạn” này bao phủ hầu hết Biển Đông và các đảo cùng các thực thể (bãi đá, đá nửa nổi, nửa chìm...) nằm trong Biển Đông.

Vấn đề là Trung Quốc đã không trưng ra bất cứ gì có thể giải thích nội dung của cái “lưỡi bò” đó, từ tọa độ đóng khung “lưỡi bò” đến văn kiện chủ quyền...

Để khỏa lấp sự mơ hồ đó, Bắc Kinh chỉ luôn khẳng định rằng “Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi đối với các đảo ở Biển Đông và các vùng biển lân cận, được hưởng các quyền chủ quyền và quyền tài phán trên các vùng biển liên quan cũng như đáy biển và lòng đất dưới đáy biển”. Một đơn phương khẳng định chủ quyền vượt quá khuôn khổ luật biển mà Trung Quốc cũng đã ký.

Từ sự công bố “đường 9 đoạn” đó, Trung Quốc chuyển qua “thực thi” cái gọi là chủ quyền của mình. Hành động mới nhất là việc tự ý bồi đắp bảy bãi đá ngầm rồi tự ý xem đó là những “hòn đảo” có lãnh hải là 12 hải lý với ý đồ từ đó “vẽ” ra luôn khuôn viên vùng đặc quyền kinh tế từ các “hòn đảo” đó...

Không quá đáng khi nói rằng nếu Trung Quốc cứ theo cách này mà làm, cứ hướng nam mà lấn chiếm rồi bồi đắp thành “đảo”, sẽ có ngày kéo dài “chủ quyền” đến tận châu Đại Dương, thậm chí Nam cực, y hệt quá trình “nhảy cóc” từ vụ cưỡng chiếm Hoàng Sa năm 1974, rồi thì các bãi đá Gạc Ma, Châu Viên... năm 1988 mà nay đã biến thành “đảo” của Trung Quốc sau hơn một năm ráo riết bồi đắp!

Một trong những vi phạm luật pháp quốc tế khác cũng như các ký kết của Trung Quốc là việc “cấm cửa” vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa (đặc biệt là bảy “đảo” mới mọc lên này), như có thể thấy qua việc Trung Quốc hằng năm tự ý “cấm đánh cá” hay húc đuổi, bắn trực diện tàu cá của ngư dân Việt Nam, thậm chí cả tuần trước ra mặt cản trở tàu cứu hộ của Việt Nam đang cứu cấp tàu ngư dân bị nạn!

Điều này xé toạc một cam kế trong DOC là “các bên khẳng định tôn trọng tự do hàng hải và tự do bay ở Biển Ðông như đã được quy định bởi các nguyên tắc phổ cập của pháp luật quốc tế, trong đó có Công ước Luật biển năm 1982”.

Thách thức “cấm đường”!

Hiếp đáp các nước nhỏ chưa đủ, Trung Quốc lấn tới “làm luật” với các nước khác. Bắc Kinh đã chọn lọc rõ rệt đối tượng cần “dằn mặt” trong tính toán đe được “hắn”, sẽ “đè” được tất cả. Bắc Kinh đã tính toán thời điểm, địa điểm để công khai “dằn mặt” trước cả thiên hạ là trong cuộc họp báo sau các cuộc họp chung giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Sau khi ông Obama thuật lại cho báo chí biết ông đã lên tiếng can ngăn (“Tôi đã gửi đến Chủ tịch Tập những quan ngại đáng kể của chúng tôi về việc bồi đắp, xây dựng và quân sự hóa các khu vực tranh chấp, khiến các nước trong khu vực khó khăn hơn trong việc giải quyết bất đồng một cách hòa bình...”), ông Tập Cận Bình đã thản nhiên trả lời rằng “các quần đảo ở Nam Hải (theo cách gọi của Bắc Kinh) từ thời cổ đại là lãnh thổ của Trung Quốc. Chúng tôi có quyền duy trì chủ quyền lãnh thổ của chúng tôi...”.

Câu trả lời thản nhiên đó của ông Tập Cận Bình trước báo chí và ống kính truyền hình quốc tế đã là “giọt nước làm tràn ly”, dẫn đến hậu quả mà New York Times giải thích là: “Tháng này qua tháng nọ, các dân biểu nghị sĩ, chuyên gia an ninh quốc gia đã thúc giục Tổng thống Obama đứng lên tỏ lập trường trước việc Trung Quốc bồi đắp ở Biển Đông.

Nay thì chính quyền Obama cuối cùng cũng đã làm. Bằng cách điều động một tàu khu trục trang bị tên lửa điều khiển đến, chính quyền Obama tìm cách thi hành điều gọi là quyền tự do hàng hải trên vùng biển quốc tế”. Đây là lần đầu tiên ông Obama tỏ ra quyết liệt.

Rơi vào cái bẫy của chính mình

Tổng thống Obama, vốn cẩn trọng và e dè trong đối ngoại (từ vụ vũ khí hóa học của Syria năm 2013 đến vụ Ukraine và Crimea năm ngoái, nay đến vụ Syria “tập 2”) đã buộc phải nêu vấn đề Biển Đông với ông Tập Cận Bình và đi đến quyết định dứt khoát sau đó.

Sự cố ngày 20-5 năm nay ngay trên bầu trời các bãi đá mà Trung Quốc vừa hóa thành “đảo”, khiến những đe dọa trở nên “thực tại” chứ không chỉ là “tiềm năng”... Một chiếc máy bay tuần thám P8-A Poseidon của Mỹ đang thực hiện một chuyến bay như thường lệ trên khu vực này thì bị kiểm báo viên Trung Quốc cảnh cáo: “Đây là hải quân Trung Quốc.

Đây là hải quân Trung Quốc. Hãy bay ra đi...”. Lời cảnh cáo đó được nhắc đi nhắc lại những tám lần với phi hành đoàn của chiếc P8-A Poseidon càng để khẳng định cái gọi là “chủ quyền” của họ ở các bãi đá hóa thành “đảo” đó.

Việc máy bay Mỹ hay của bất cứ nước nào khác bay trên khu vực đó hay tàu bè của mọi nước ra vào khu vực đó, vượt qua chu vi 12 hải lý lãnh hải vốn chỉ dành cho các đảo tự nhiên thật sự, là một điều hoàn toàn hợp pháp được ấn định trong Công ước Luật biển UNCLOS 1982, và ngược lại tự ấn định lãnh hải 12 hải lý quanh các “đảo” mới “mọc” đó là bất hợp pháp (xem box).

Cũng thế việc Trung Quốc, trước và sau vụ tàu USS Lassen tiến vào trong phạm vị 12 hải lý bãi Su Bi, cứ khăng khăng “đây là chủ quyền của Trung Quốc”, “làm như thế là vi phạm chủ quyền của Trung Quốc”, chính là rơi vào cái bẫy do chính thái độ “bất cần pháp lý quốc tế” vô hình trung giăng ra. 

Đến khi chiếc USS Lassen tiến vào, phản ứng duy nhất đã chỉ là la lối, không phải vì sợ đối đầu quân sự mà vì biết rõ rằng mình đã sai hoàn toàn khi bày trò “nhận vơ” rồi “cấm cửa”!

Những đợt công bố hình ảnh chụp cảnh bồi đắp, biến mỏm đá thành cầu cảng, đường băng máy bay hết do Jane’s Defense khởi xướng, đến những tường trình “độc quyền” của CNN về việc Trung Quốc “cấm cửa” bầu trời trên các bãi đá lấn chiếm đó đã chuẩn bị sẵn một dư luận xem hành động đó của Trung Quốc, nếu không là phi pháp, thì cũng là bất thường, hung hăng, hiếu chiến.

Song song đó, một loạt nghị quyết bày tỏ quan ngại của EU, G7... nâng phản ứng công luận lên đến cấp nhà nước. Việc hết nước này đến nước khác bày tỏ quan ngại không đơn giản chỉ là ngôn từ ngoại giao, mà là cuối cùng tạo nên một cảm nhận chung ác cảm với trò “anh cả trên biển”. 

Global Times hung hăng sáng hôm sau 28-10 chỉ biết “thụ động” giật tít: “Diễn sô xong rồi, tàu khu trục Mỹ đi đi”! Chẳng qua nay đã hiểu ra pháp luật là gì trên trường quốc tế! ■

“Đảo nhân tạo, cơ sở và công trình kiến trúc không có quy chế hải đảo. Chúng không có lãnh hải riêng, và sự hiện diện của chúng không ảnh hưởng đến việc phân định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa. Những công trình nhân tạo này và các bãi cạn lúc nổi lúc chìm ngoài biển, cách xa đất liền hay một đảo tự nhiên khác ở một khoảng cách trên 12 hải lý, đều chỉ có vùng an toàn bán kính tối đa 500m” 

(Điều 60 thuộc Phần V, Công ước Luật biển Liên Hiệp Quốc).

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận