19/06/2013 10:36 GMT+7

Luật hay khẩu hiệu?

LÊ VĂN CUÔNG(nguyên đại biểu Quốc hội)
LÊ VĂN CUÔNG(nguyên đại biểu Quốc hội)

TT - Hòa cả làng. Có thể nhận xét như vậy sau bảy năm Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí có hiệu lực thi hành. Thảo luận của các đại biểu Quốc hội cho thấy lãng phí gây hại như tham nhũng, nhưng chưa ai bị xử lý vì tội lãng phí.

Xem toàn bộ nội dung kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIII

wgRD2Yyx.jpgPhóng to
Ông Lê Văn Cuông - Ảnh: Việt Dũng

Vì sao vậy? Nguyên nhân là từ chính quy định luật. Tám năm trước khi xây dựng luật này, không ít đại biểu Quốc hội đã nhận xét nhiều quy định của luật “như khẩu hiệu” và cảnh báo nguy cơ rồi sẽ “hòa cả làng”. Nguy cơ thành hiện thực. Và đến hôm nay, các đại biểu Quốc hội tiếp tục cảnh báo nguy cơ ấy: nhiều điều khoản của luật quy định chung chung, mang tính hô hào, thiếu biện pháp thực hiện, thiếu địa chỉ trách nhiệm, thực hiện cũng không “chết” ai mà không thực hiện cũng không ai “chết”.

Cũng vì xu hướng khẩu hiệu, hô hào trong xây dựng Luật thực hành tiết kiệm, nên dẫn đến chuyện thay vì chỉ điều chỉnh các đối tượng sử dụng vốn, tài sản, thời giờ nhà nước và tài nguyên quốc gia thì luật lại điều chỉnh ra toàn xã hội, đến cả tiền túi của dân thường.

Để luật đi vào cuộc sống, tạo nên chuyển biến thật sự, các quy định, biện pháp, chế tài cũng phải cấp bách và có sức mạnh trấn áp tương xứng với tình trạng và hậu quả mà nó gây ra.

Đừng quá tham vọng xây dựng một đạo luật bao trùm toàn xã hội mà hãy hướng đến các đối tượng cần kiểm soát nhất, tập trung vào những lĩnh vực đang xảy ra lãng phí nhiều nhất: đó là quy hoạch, đầu tư xây dựng cơ bản, định mức tiêu chuẩn của cán bộ công chức, sử dụng tài sản nhà nước, các loại lễ khởi công, khánh thành, hội họp và một bộ máy nhà nước cồng kềnh mà có người nói rằng cần phải loại bớt 30% công chức... Xác định được lĩnh vực đột phá, đưa ra được quy định khả thi, xử lý nghiêm những trường hợp sai phạm thì chắc chắn luật sẽ có sức răn đe, tạo nên chuyển biến, lan tỏa ra toàn xã hội.

Có đại biểu nói rằng: “Nhìn ra nước ngoài thì thấy người ta có muốn lãng phí cũng không lãng phí được”. Vì sao vậy? Vì luật pháp nước ngoài quy định rất rõ ràng, cụ thể, chặt chẽ hệ thống định mức, tiêu chuẩn cho các đối tượng thụ hưởng ngân sách, nếu ông nào sử dụng vượt ra ngoài định mức, tiêu chuẩn thì chắc chắn phải bỏ tiền túi ra đền, ngoài ra còn bị phạt, bị báo chí, dư luận lên án. Họ “không thể lãng phí được” bởi từng đồng tiền chi tiêu, từng dự án, quy hoạch đều được thực hiện, công bố rất công khai, minh bạch, chịu sự giám sát chặt chẽ của nhân dân, báo chí.

Tuyên chiến với lãng phí cũng giống như với tham nhũng, muốn có hiệu quả không nên chỉ dừng lại ở việc hô khẩu hiệu.

LÊ VĂN CUÔNG(nguyên đại biểu Quốc hội)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên