Phó An My và lửa từ những người rất trẻ

TUẤN KHANH 25/01/2015 04:01 GMT+7

TTCT - Phó An My xuất hiện ở Sài Gòn như một cơn lốc. Ngay cả chương trình Lửa mà cô mang đến với khán giả cũng là một cơn lốc của cảm nhận.

Phó An My trong đêm diễn Lửa tối 9-1-2015- TRẦN VIỆT ĐỨC

Sau buổi diễn đầu tiên thành công tại Nhà hát lớn Hà Nội vào cuối tháng 11-2014, Phó An My lại cùng nhóm nghệ sĩ vào Nam. Buổi biểu diễn duy nhất ở Saltus Rooftop - Gem Center (TP.HCM) vào ngày 9-1-2015 chỉ dành cho 250 khán giả đã không còn một ghế trống nào.

Một cuộc giao thoa

Phó An My vẫn bồn chồn, lo lắng như cách đây 10 năm, khi cô bắt đầu hành trình Đối thoại âm nhạc cùng với nhạc sĩ Đặng Tuệ Nguyên. Năm 2006, khi Phó An My mở đầu hành trình này, nhiều người đã thú vị nhận ra rằng họ - những người rất trẻ - đã tìm thấy một con đường riêng dù hết sức chông gai và kén chọn khán giả.

Cho tới nay dù có nhiều ý kiến khác nhau, nhưng cuối cùng thì đôi nghệ sĩ này vẫn có một chỗ đứng rất đặc biệt trong âm nhạc Việt Nam.

Trước buổi diễn ít phút, Phó An My tâm sự: “Tôi vẫn căng thẳng, vẫn háo hức như ngày đầu bước ra sân khấu”. Nhìn vẻ mặt của nghệ sĩ piano hết sức cá tính này, ít ai nghĩ cô có những giây phút xao xuyến như vậy sau bấy nhiêu năm biểu diễn. “Thế nhưng có những giây phút này mới gọi là sướng anh à” - Phó An My nói.

Lửa do Phó An My trình diễn, được nhạc sĩ Đặng Tuệ Nguyên biên soạn dựa trên vở tuồng cổ Ngọn lửa Hồng Sơn do cố giáo sư Hoàng Châu Ký viết cách đây gần một thế kỷ.

Vở tuồng kể về ông Tạ Ngọc Lân, từ quan về ở ẩn thời triều đình mạt vận. Nhưng hai con ông, một thì theo kẻ ác tàn hại dân lành, một theo cha lo việc nước. Tạ Ngọc Lân đã phải giết chính đứa con của mình để rồi bước vào thế sự, tìm lại chính nghĩa cho đời.

Tham gia Lửa, ngoài các nghệ sĩ tuồng với những trích đoạn, dàn nhạc ngoài piano của Phó An My còn có kèn bầu, trống chầu, timpani... Bên cạnh việc diễn đạt âm nhạc đồng hành cùng ngôn ngữ sân khấu, pha trộn giữa phương Tây và truyền thống, Lửa có phần mở đầu (Overture) hết sức ấn tượng về cuộc giao thoa giữa hai nền văn hóa Á - Âu.

Một cách thi vị, nhạc sĩ Đặng Tuệ Nguyên đã dựng phần dè dặt tìm hiểu nhau giữa các nền văn hóa trước khi vào cuộc chơi chung. Trống chầu và những tiết tấu tìm gặp đến piano, rồi khi cả kèn bầu và timpani đã cùng nhịp điệu thì âm nhạc hòa quyện thật sự, mở đường cho các phần trình diễn cùng diễn viên tuồng cổ.

Có cái gì đó khi xem âm nhạc của Lửa làm người ta liên tưởng đến xã hội Việt Nam, nơi truyền thống đang chen chân trong cuộc sống hiện đại. Mọi thứ đang phải tạo ra một ngôn ngữ mới để tự dung nạp lẫn nhau, để tồn tại. Lửa cho người ta thấy sự xung đột, sự chấp nhận cũng như một tương lai khác, khi những tư duy cũ - mới có thể cùng chung sống.

Dòng đối thoại ở Sài gòn

Đặng Tuệ Nguyên nói anh gặp rất nhiều bình luận, ủng hộ và phản đối... nhưng anh nghĩ mình đang đi trên một con đường không thể dừng lại cho cuộc tìm kiếm ngôn ngữ cũng như khán giả riêng của mình.

Nhiều người cho rằng Nguyên đang thể nghiệm, thế nhưng Nguyên thì khẳng định đang cố tạo ra một dòng mới, tạm gọi tên là “đối thoại”. Kể từ năm 2006, Phó An My và Đặng Tuệ Nguyên đã tạo nên rất nhiều tác phẩm biểu diễn độc đáo như piano với hò Huế, piano với hát cọi, piano với cồng chiêng Ê Đê, piano với nhạc Chăm và đặc biệt là tác phẩm đối thoại với chầu văn, tác phẩm mang tên Bóng đã chiếm trọn ba đêm diễn tại Hà Nội và Sài Gòn.

Buổi trình diễn của Phó An My và Đặng Tuệ Nguyên kéo dài chỉ hơn 60 phút. Thế nhưng đó là một cuộc tìm tòi, ấp ủ gần tám năm để chương trình ra mắt. Trọn phần trình diễn gồm năm chương (Khởi nhạc, Lão Tạ, Cha con, Quăng gươm, Lửa) dẫn dắt người xem qua nhiều sự nối kết giữa âm nhạc và hành động tuồng. Đặc biệt Lửa là một chương hoành tráng, với tiếng đàn của Phó An My.

Những ngày trước buổi diễn, Phó An My nói rằng cô không mong mình bán hết được vé trong hai tuần, thế nhưng chỉ bốn ngày không còn chiếc vé nào. My nói cô ngạc nhiên, vì Lửa rất mới và cũng kén chọn khán giả lắm.

Nhưng rõ ràng nghệ thuật được đầu tư công phu vẫn có khán giả tìm đến và chia sẻ. Sài Gòn vẫn là một trong những nơi chấp nhận mọi thứ và lại càng chào đón hơn nữa khi đó là nghệ thuật đúng nghĩa.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận