Lúa thơm trên đồng nước mặn

DƯƠNG THẾ HÙNG 28/11/2011 21:11 GMT+7

TTCT - Tại Festival lúa gạo VN lần 2 diễn ra ở Sóc Trăng vừa rồi, giống gạo thơm “ST 20” được bình chọn ngon nhất. Trước đó, tháng 10-2011, đại diện Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học - công nghệ) đã trao giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “Gạo thơm Sóc Trăng” cho Sở NN&PTNT - đơn vị đã dày công xây dựng thương hiệu này suốt 20 năm qua.

Phóng to
Kỹ sư Hồ Quang Cua (bìa trái) hướng dẫn nông dân Trần Văn Chính kỹ thuật chăm sóc lúa thơm trên cánh đồng ấp Hòa Đê, xã Hòa Tú 1 - Ảnh: D.T.H.

Trở lại vùng đất sản sinh ra giống lúa thơm nổi tiếng này, khó hình dung nơi đây từng là vùng nhiễm mặn, cây lúa xác xơ, đời sống khó khăn, có lúc bà con phải bỏ xứ mà đi.

Từ cánh đồng mặn...

Đó là cánh đồng rộng 17.500ha của sáu xã (Hòa Tú 1, Hòa Tú 2, Ngọc Tố, Ngọc Đông, Gia Hòa 1, Gia Hòa 2) thuộc huyện Mỹ Xuyên, chạy dài theo sông Nhu Gia rồi nối liền sông Dù Thoa, sông Mỹ Thanh đổ ra biển. Chính cái chỗ gần biển này đã làm khổ người dân thời đó (từ năm 2005 trở về trước): mỗi năm làm ruộng chỉ được một vụ lúa mùa kéo dài đến sáu tháng mới thu hoạch.

Ông Trần Văn Chính, lão nông ấp Hòa Đê, xã Hòa Tú 1, kể: “Chú coi, cày cục cả năm mà chỉ thu hoạch lẹt đẹt 3 tấn/ha thì biểu sao hổng thiếu ăn. Ở vùng trên người ta làm 2-3 vụ, vùng này một năm nước mặn vô hết sáu tháng nên chỉ làm được một. Mà là lúa mùa, năng suất thấp mới ngặt chớ”.

Cũng thời điểm đó, bà con dẫn nước mặn vào đồng để “nhử” con tép bạc, tép đất rồi bao ruộng lại nuôi theo kiểu dân gian. Tới mùa hết mặn thì xổ ra, thu hoạch tép. Một vụ được 200-300kg tép, nhưng cũng chỉ đủ ăn. Năm 1990, con tôm sú xuất hiện trên đồng ruộng Mỹ Xuyên, trong đó “vùng sáu xã” được coi là trọng điểm. Giá 1kg tôm lúc đó bằng giá của 80-100kg lúa nên cây lúa bị bỏ rơi, năm 2005 diện tích lúa từ 16.840ha giảm còn 4.500ha. Khi con tôm bắt đầu “chảnh”, nhiễm bệnh chết liên miên thì người nuôi nợ nần tứ giăng (năm 2008, vùng tôm sáu xã nợ ngân hàng trên 300 tỉ đồng).

...tới vùng “giác ngộ”

Trước tình cảnh đó, năm 2006, bí thư Huyện ủy Mỹ Xuyên - ông Phan Thanh Ngàn kêu gọi “phải lấp lại cây lúa sau vụ tôm”. Nhiều cuộc họp khẩn diễn ra giữa huyện và ngành nông nghiệp tỉnh để tìm giải pháp, nhưng vấn đề cơ bản là làm sao thuyết phục nông dân “giác ngộ” trở lại với cây lúa, trong khi nhiều người chỉ muốn “lấy tôm gỡ nợ”.

Kỹ sư Hồ Quang Cua, phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng, nhớ lại: “Lúc đó bà con không biết rằng từ hơn 100 năm trước, cây lúa vùng Sóc Trăng này đã lừng danh ở đất Hương Cảng. Người Hoa kiều năm nào cũng đưa tàu buôn cặp cảng Bãi Xàu (Mỹ Xuyên ngày nay) lùng mua bằng được lúa gạo xứ này xuất bán về bển. Chính vùng đất nhiễm mặn này lại tạo nên một tiền chất của tính thơm là proline, đóng vai trò chính trong tính chống chịu mặn ở lúa. Cho nên khi cây lúa sống được trên vùng đất này thì nó sẽ thơm ngon kỳ lạ, là sản phẩm đặc thù ở vùng ven biển không nơi nào sánh được”.

Từ năm 1991, kỹ sư Hồ Quang Cua cùng các đồng sự (lúc đó công tác tại Phòng nông nghiệp huyện Mỹ Xuyên) đã dày công sưu tầm và tiếp nhận các giống lúa thơm Khao Dawk Mali từ các nhà khoa học của Đại học Cần Thơ. Họ âm thầm tuyển chọn và lai tạo thành những giống lúa thơm đặc sản như ST1, ST2... đến ST10 cho nông dân vùng ven biển Vĩnh Châu, Trần Đề canh tác. Họ phát hiện những giống lúa này đặc biệt thích hợp trồng luân canh với nuôi tôm trên vùng đất mặn nên đề xuất với huyện Mỹ Xuyên thuyết phục nông dân canh tác.

Ban đầu chỉ vài hộ ở ấp Hòa Phước, xã Hòa Tú 1 hưởng ứng vì đa số còn vương vấn với con tôm. “Chỉ sau khi nghe kỹ sư Cua giải thích trồng lúa này vừa ngắn ngày, vừa bán có giá, năng suất cao mà quan trọng là vẫn nuôi tôm được thì bà con mới chịu làm” - chủ tịch UBND xã Hòa Tú 1 Lê Ngọc Hòa nói.

Nhờ thấy rõ cây lúa không làm “úa” con tôm, trái lại còn hỗ trợ con tôm phát triển nên số hộ áp dụng tăng dần lên vài ba chục. “Tui để ý thấy có cây lúa trên đồng thì nước nuôi tôm sạch hơn, do nó hút hết chất hữu cơ, cặn bã của thức ăn, phân tôm còn sót lại, như vậy đỡ xài phân hóa học. Sau khi thu hoạch lúa, thả tôm xuống thì thấy tôm sống mạnh hơn, mình tôm bóng đẹp. Nó lại ăn những loài vi sinh còn bám trên gốc rạ nên mau lớn. Tóm lại là nhờ có cây lúa mà con tôm sống khỏe nên nông dân tụi tui khoái làm” - ông Trần Văn Chính đúc kết.

Sau vài vụ luân canh lúa - tôm có hiệu quả, bà con phấn chấn rủ nhau trồng lúa trên vuông tôm. Vùng sáu xã “có màu” trở lại. Năm 2007, diện tích lúa trồng lại là 8.500ha, năm 2008 tăng lên 10.514ha, trong đó gần 5.000ha là lúa thơm ST. Năng suất từ 4 tấn tăng lên 5,5 tấn/ha, năm 2010 có hộ như bà Nguyễn Thị Tươi (ấp Hòa Nhạn), Võ Chí Tâm (ấp Hòa Đê) đạt kỷ lục 9-10 tấn/ha, thu lợi 10-12 triệu đồng/ha. Bà con lúc này đã “giác ngộ” với hạt lúa thân thương gắn bó với mình từ bao đời và cứu họ trong lúc sa cơ thất thế.

Phóng to
Khách hàng tìm hiểu gạo thơm ST tại Festival lúa gạo VN từ ngày 8-11 tại Sóc Trăng - Ảnh: Hoàng Thạch Vân

Làm thương hiệu gạo thơm ST

Giữa tháng 11-2011, chúng tôi quay lại vùng sáu xã. Vừa bước chân lên con đường bêtông của ấp Hòa Đê đã cảm nhận hương lúa thơm ngào ngạt từ cánh đồng xanh mênh mông. Đồng lúa ở đây cũng rất khác, mỗi ô ruộng được bao quanh bằng một bờ đất cao. Đó cũng là bờ của vuông tôm khi mùa nước mặn tràn về, bà con be lại cho chắc chắn để tránh lỗ mọi, bể bờ con tôm đi mất. Còn cây lúa thì cao tới ngực, bụi to, đặc biệt không thấy có dấu vết của rầy hoặc sâu bệnh.

Kỹ sư Hồ Quang Cua phân tích: “Khi người nông dân chịu trồng giống lúa thơm thì tụi tui nghĩ tới chuyện nâng chất lượng hạt gạo và giữ nó sạch, thân thiện với môi trường. Với nhận thức giống là khâu cốt lõi, giống cho gạo ngon thơm hảo hạng là tiền đề xây dựng thương hiệu, chúng tôi đặc biệt quan tâm khâu chọn giống. Với định hướng là chọn theo tiêu chuẩn gạo thơm Thái B.E.2541, chúng tôi chọn được các giống có ưu thế hơn là: hạt gạo dài hơn, lúa cao sản không cảm quang, tích hợp được mùi hương dứa và hương cốm, và là lúa cao sản dạng hình mới.

Kế đó, chúng tôi đưa gen kháng côn trùng, kháng bệnh và năng suất cao từ Đại học Kyushu và Nagoya (Nhật) vào cây lúa thơm. Dần dần chúng tôi nâng cao phẩm chất, phát triển giống có nhiều ưu điểm nhất, đánh số từ nhỏ đến lớn và đặt tên từ ST1 đến ST20. Chữ “ST” có nghĩa là Sóc Trăng. Cả tỉnh đều nhất trí lấy tên tỉnh làm tên giống lúa và chỉ chọn những giống phù hợp với tiêu chí mới đặt tên ST”.

Năm 2009, Sở NN&PTNT Sóc Trăng bắt đầu xây dựng dự án chứng nhận nhãn hiệu “Gạo thơm Sóc Trăng”. Để củng cố giá trị của thương hiệu, sở phải tổ chức hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn Global GAP. Và một đội ngũ đông đảo kỹ sư, cán bộ kỹ thuật được đưa xuống các hợp tác xã để tập huấn, chuyển giao kỹ thuật cho nông dân.

Ông Ngô Văn Công, chủ nhiệm Hợp tác xã Hòa Lời (xã Ngọc Đông), cho biết: “Nông dân bắt đầu tập làm việc theo nhóm, giữ gìn môi trường không bị ô nhiễm do phân heo, gà, chuồng trại xung quanh. Cầu “tõm” dẹp hết, thay vào đó là nhà vệ sinh tự hoại; phân, thuốc tập trung vô nhà kho hết, muốn pha chế phải có địa điểm cách ly. Trước khi làm gì phải rửa tay sạch sẽ trên bồn. Đặc biệt là ghi chép sổ sách. Bữa nào xuống giống, giờ nào bón phân, ngày nào pha thuốc... đều phải ghi rõ và đầy đủ để “truy vết nguồn gốc”. Lúc đầu bà con bị “vật” tơi bời vì những công việc không quen, nhưng nhờ cán bộ kỹ thuật tới tận nơi hướng dẫn nên dần dần làm được”.

Khi được hỏi “sao gọi là gạo thơm”, ông Chính cười: “Nói nôm na vầy: khi chú ăn thịt con gà công nghiệp thì chú chê nó bở phải hông. Ăn trái táo Trung Quốc hoặc bất cứ trái cây nào mà bự quá thì thịt nó xốp, ăn nhám xàm. Con tôm nuôi công nghiệp ăn lúc nào cũng bở, thịt không dẻ, không ngon như con tôm nuôi tự nhiên. Hạt gạo thơm cũng vậy. Nó được trồng không dùng phân hóa học, không thuốc trừ sâu là đã “chắc, ngon” rồi, lại thêm trồng trên đất mặn, giống có “nêm” hương dứa, hương cốm tự nhiên nữa thì hổng thơm mới lạ”.

Tháng 7-2010, Hợp tác xã Hòa Lời được chứng nhận đạt tiêu chuẩn Global GAP, tạo tiền đề cho việc phát triển lúa chất lượng cao và xây dựng thương hiệu. Hiện gạo thơm ST đã được đóng bao bì bắt mắt loại 2kg, 5kg/gói bán rộng rãi ở các chợ và siêu thị. Trong vụ đông xuân 2011-2012 này đã có nhiều cánh đồng rộng hàng ngàn hecta tập trung sản xuất lúa thơm ST.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận