Lời khẳng định một trật tự mới?

HẢI MINH 31/07/2017 20:07 GMT+7

TTCT - Biên giới Trung Quốc - Ấn Độ vốn chưa bao giờ hoàn toàn yên tĩnh sau suốt hơn nửa thế kỷ tranh chấp, bao gồm cuộc chiến tranh ngắn ngày đẫm máu năm 1962, lại vừa dấy lên những căng thẳng mới.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi bên một chiếc máy dệt. -Ảnh: scmp.com
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi bên một chiếc máy dệt. -Ảnh: scmp.com

 

Cả hai siêu cường đang lên của châu Á có vẻ đều muốn tìm kiếm một trật tự an ninh mới.

Cao nguyên không yên tĩnh

Mọi chuyện bắt đầu khi vương quốc tí hon nằm trên dãy Himalaya là Bhutan, với hơn 700.000 dân, rung lên hồi chuông báo động: các binh sĩ Trung Quốc xuất hiện với xe ủi đất và xe đào, tiến hành xây dựng một con đường trên núi cao gần biên giới với Ấn Độ - ở khu vực mà hai gã khổng lồ châu Á đã tranh chấp nhau nhiều thập niên.

Ấn Độ đáp lại báo động của Bhutan bằng cách đưa quân đội tới xua nhóm công binh của Trung Quốc khỏi cao nguyên Doklam (Trung Quốc gọi là Động Lãng).

Trong vòng vài ngày, truyền thông Ấn Độ công bố các đoạn băng cho thấy binh sĩ hai bên xô đẩy lẫn nhau trên một vùng bình nguyên cỏ rậm. Vụ việc đã trầm trọng hơn kể từ đó, làm gia tăng quan ngại ở cả Bắc Kinh và New Delhi về một cuộc xung đột quy mô lớn.

Cả hai phía đều đã lớn tiếng dọa nạt bên cạnh những lời kêu gọi đàm phán. Bộ Ngoại giao Mỹ đã hối thúc hai bên kiềm chế và tìm kiếm một giải pháp hòa bình.

Tuần trước, Ấn Độ thông báo với Trung Quốc rằng nước này sẵn sàng tổ chức đàm phán nếu cả hai bên cùng rút lực lượng ra khỏi khu vực tranh chấp.

Nhưng thứ hai, ngày 24-7, Trung Quốc đáp lại với lời khẳng định rằng con đường được xây trên “lãnh thổ chủ quyền” của họ và cảnh báo Ấn Độ “đừng đùa với vận may của mình”.

Ấn Độ, bất ngờ vì động thái leo thang, nói hai chính quyền từng đạt được thỏa thuận vào năm 2012 rằng tình trạng của khu vực Doklam sẽ được xác quyết thông qua tư vấn với tất cả các bên liên quan.

Ấn Độ và Trung Quốc đã thường xuyên gặp trục trặc ở vùng biên này kể từ cuộc chiến đẫm máu năm 1962, kết thúc với việc Trung Quốc chiếm đóng một số vùng lãnh thổ.

Quân đội hai phía vẫn thường xuyên tuần tra ở những vùng chưa được phân giới cắm mốc, dù đã không có nổ súng trong vài thập niên qua. Những cuộc thương lượng từ năm 1985 nhằm dàn xếp vấn đề biên giới đã không mang tới mấy kết quả.

Vùng lãnh thổ mà hai nước đang tranh giành có diện tích 269km2 ở một cao nguyên thưa thớt dân cư tại tây Bhutan, nước không có quan hệ ngoại giao với Trung Quốc và xử lý các quan hệ với Bắc Kinh thông qua New Delhi.

Nhưng trong tranh chấp rộng hơn, Ấn Độ và Trung Quốc cùng tuyên bố chủ quyền nhiều vùng lãnh thổ khác nhau trên dãy Himalaya, bao gồm 90.000km2 mà Ấn Độ gọi là bang Arunachal Pradesh, còn Trung Quốc gọi là “Nam Tây Tạng” cùng một vùng khác rộng 38.000km2 ở cao nguyên Aksai Chin.

Bhutan cho biết con đường mà Trung Quốc đang xây dựng chạy từ thị trấn Dokola tới doanh trại quân đội của Bhutan ở Zompelri.

Bộ Ngoại giao Bhutan nói động thái này “vi phạm trắng trợn” các thỏa thuận đạt được năm 1988 và 1998 duy trì hòa bình và kiềm chế các hành động đơn phương trong khu vực tới khi đạt được một thỏa thuận cuối cùng.

Bhutan hi vọng duy trì nguyên trạng ở khu vực Doklam” - chính phủ nước này tuyên bố ngày 29-6. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lu Kang (Lục Khảng) nói tuần trước rằng lính biên phòng Ấn Độ, đáp lại lời kêu gọi hỗ trợ từ Bhutan, đã “xâm nhập bất hợp pháp vào lãnh thổ Trung Quốc” khi họ đối đầu với đội công binh Trung Quốc.

Với Ấn Độ, đảm bảo an ninh cho cao nguyên Doklam được coi là tối quan trọng để duy trì sự kiểm soát của nước này với một hành lang trên bộ nối đại lục Ấn Độ cùng những bang đông bắc xa xôi của nước này.

New Delhi nói dự án làm đường của Trung Quốc đe dọa điều đó, trong khi Bắc Kinh nêu câu hỏi tại sao Ấn Độ lại quan tâm tới một vấn đề lẽ ra là song phương giữa Trung Quốc và Bhutan.

Mặc dù không nhiều người nghĩ xung đột quy mô lớn sẽ xảy ra, cả hai bên đều đã “rung kiếm trong vỏ” dữ dội.

Tham mưu trưởng quân đội Ấn Độ, tướng Bipin Rawat, đã tới thăm vùng này và tuyên bố quân đội của ông đủ sức “chiến đấu trong hai cuộc chiến tranh rưỡi” nếu cần phải bảo vệ biên giới.

Về phía Trung Quốc, người phát ngôn Bộ Quốc phòng, đại tá Wu Qian (Ngô Thiến), nói Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) sẽ bảo vệ chủ quyền quốc gia “bằng mọi giá” và cảnh báo Ấn Độ “dời non chuyển núi còn dễ hơn thách thức PLA”.

Từ Ấn Độ, các nhà phân tích nói Trung Quốc có vẻ đang tìm cách áp đặt một thực tế mới với sự hiện diện ở Doklam, trước khi tiến hành các đàm phán tiếp theo.

Trung Quốc trong một thời gian dài đã tìm cách đạt được một lợi thế chiến lược ở vùng này với sự hiện diện quân sự áp đảo dọc biên giới Ấn Độ ở Ladakh và Arunachal Pradesh - chuyên gia an ninh Uday Bhakar, cựu sĩ quan hải quân Ấn Độ, nói với AP - Trung Quốc không ngờ sự đáp trả cương quyết như thế từ Ấn Độ và đó là lý do của vụ đụng độ”.

Tranh cãi này từng được trao đổi, nhưng không đạt tới thỏa thuận nào giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 vào đầu tháng 7-2017 ở Hamburg, Đức.

Những trao đổi dự kiến tiếp diễn trong thời gian tới giữa các phái đoàn an ninh và ngoại giao cấp cao hai nước, nhưng tình hình trước mắt không hứa hẹn gì sáng sủa.

Áp đặt một trật tự mới

Vụ đụng độ ở Doklam chỉ là vụ mới nhất trong hàng loạt khúc mắc ngoại giao giữa hai nước đông dân nhất thế giới.

Trong nhiều năm qua, Ấn Độ đã lo lắng chứng kiến việc Trung Quốc lôi kéo Bhutan và nhiều nước nhỏ hơn khác vốn trong tầm ảnh hưởng truyền thống của Ấn Độ, như Nepal, Sri Lanka và Myanmar, về gần hơn với Bắc Kinh.

Trung Quốc đang ở trong một trạng thái dân tộc chủ nghĩa cao độ, với mục tiêu thiết lập trật tự đơn cực ở châu Á” - chuyên gia về các vấn đề đối ngoại, nhà ngoại giao Ấn Độ đã nghỉ hưu G. Parthasarthy nói.

Tuy nhiên, phía Trung Quốc không nhìn nhận như thế. Long Xingchun (Long Hưng Xuân), giám đốc Trung tâm nghiên cứu Ấn Độ ở ĐH Sư phạm Tây Hoa, nói với Tân Hoa xã rằng dựa trên lập luận “được Bhutan nhờ vả” của Ấn Độ thì “quân đội một nước thứ ba” cũng có thể vào vùng tranh chấp Kashmir nếu được Pakistan yêu cầu!

Ngay cả nếu Ấn Độ được yêu cầu bảo vệ lãnh thổ Bhutan, điều này cũng chỉ có thể giới hạn trong lãnh thổ của họ, chứ không phải trong vùng lãnh thổ tranh chấp”.

Lời răn đe này của ông Long chính là để hợp ý tứ với tuyên bố về hai cuộc chiến tranh rưỡi của tướng Bipin Rawat kể trên khi nếu chiến tranh nổ ra, Ấn Độ có thể dễ dàng rơi vào thế lưỡng đầu thọ địch, bởi những xung đột dai dẳng giữa họ và Pakistan - đồng minh chiến lược của Trung Quốc trong khu vực - cũng chưa có hồi kết.

Dẫu vậy, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Arun Jaitley đã chỉ ra rằng Ấn Độ hiện giờ không còn là Ấn Độ của năm 1962 nữa. Từ khi thua cuộc chiến đó, quân đội nước này đã được hiện đại hóa mạnh mẽ. Các tên lửa Agni và Prithvi hiện có tầm bắn phủ kín gần như toàn bộ lãnh thổ Trung Quốc.

Phi đội các máy bay Sukhoi, Mirage và MiG-29 cũng rất mạnh, không hề thua kém không quân Trung Quốc.

Nhưng Trung Quốc bây giờ cũng không còn là Trung Quốc 1962 nữa. “Trung Quốc đang cố gắng đưa ra một tuyên bố là đã tới lúc Ấn Độ điều chỉnh lại các ưu tiên đối ngoại, nhất là trong những vấn đề liên quan tới Trung Quốc” - Jagannath Panda, giám đốc Trung tâm Đông Á thuộc Viện nghiên cứu và phân tích quốc phòng ở New Delhi, nói trên báo Ấn Độ The Hindu.

Rajeev Ranjan Chaturvedy - chuyên gia ở Viện nghiên cứu Nam Á, ĐH Quốc gia Singapore - khẳng định Trung Quốc đã khơi mào vụ xung đột và chiến lược “tằm ăn dâu” kiểu này không có gì xa lạ.

Kiểu lấn dần lãnh thổ đó của Trung Quốc không có gì mới và không hề ngẫu nhiên - ông nói với South China Morning Post - Trung Quốc khó chịu vì Ấn Độ đứng ra bảo vệ Bhutan, họ có lẽ không chờ đợi điều đó”.

Jagannath Panda lưu ý rằng Bhutan là trọng tâm về an ninh của Ấn Độ ở tiểu vùng Himalaya và trong khi tranh chấp vùng lãnh thổ hiện giờ chính thức là giữa Trung Quốc và Bhutan, Panda tin rằng sẽ là ngây thơ và cố tình phớt lờ thực tế nếu bỏ qua bản chất vấn đề là mối quan hệ tay ba Bhutan - Ấn Độ - Trung Quốc.

Ấn Độ lo lắng Trung Quốc sẽ có lợi thế chiến lược nếu thương lượng biên giới giữa Trung Quốc và Bhutan thành công - Panda phân tích - Bhutan đã tiến hành thương lượng song phương với Trung Quốc, nhưng các cuộc thương lượng đó gắn bó chặt chẽ với lợi ích quốc gia của Ấn Độ ở vùng đông Himalaya”.

Cho tới tận cuối những năm 1970, nền kinh tế nghèo nàn và lạc hậu về công nghệ của Trung Quốc, cộng với điều kiện địa hình - khí hậu khắc nghiệt, đã khiến nước này khó mở rộng ảnh hưởng ở vùng Nam Á. Nhưng ngày nay, tình hình đang thay đổi nhanh chóng.

Sáng kiến “Một con đường - Một vành đai” của Bắc Kinh, mà Ấn Độ đã từ chối, cùng với sự đầu tư mạnh mẽ cho hải quân của Trung Quốc đang làm thay đổi thực trạng địa chính trị Á - Âu.

Cuộc cách mạng đường sắt và đường cao tốc ở nội địa Trung Quốc và nhất là miền tây vốn trước kia hoang vu, cũng làm cục diện không còn như xưa. Công nghệ mới giờ giúp quân đội Trung Quốc có thể có mặt với quy mô cực lớn ở Urumqi, Kashgar, Lhasa và Côn Minh chỉ trong tích tắc.

Trên biển, họ đã có căn cứ đầu tiên ở nước ngoài tại quốc gia nhỏ bé thuộc vùng Sừng châu Phi Djibouti, đồng thời thuê nhiều hải cảng ở Sri Lanka, Đông Nam Á, vùng Vịnh... chuẩn bị cho con đường tơ lụa trên biển và chiến lược “Chuỗi ngọc trai”, khiến Ấn Độ Dương không còn là “ao nhà” của Ấn Độ nữa.

New Delhi tất nhiên nhận ra điều đó và hợp tác hải quân Ấn Độ - Mỹ - Nhật Bản đã đặc biệt được tăng cường trong mấy năm qua, với các cuộc tập trận thường niên từ năm 2007, ngày càng lớn hơn về quy mô và độ phức tạp.

Nhưng Ấn Độ rất có thể ở vào tình thế “nước xa không cứu được lửa gần”. Không giống Nhật Bản, họ không phải là đồng minh có hiệp ước với Mỹ và bản thân nước này đã luôn muốn duy trì một chính sách đối ngoại độc lập.

Toàn bộ bối cảnh có thể “khiến Bắc Kinh kết luận rằng New Delhi là mắt xích yếu nhất trong thế trận chống Trung Quốc”, theo lời giáo sư John W.

Garver của Trường quan hệ quốc tế, ĐH Georgia, Mỹ. Khá giống ở Biển Đông, Mỹ có thể phản đối Trung Quốc tại Nam Á, nhưng về cơ bản không thể làm gì để thay đổi kết quả và cục diện. Một trật tự mới có thể đang hình thành ngay trước mắt ở châu Á, bắt đầu từ tuần lễ nhiều biến cố vừa rồi ở Bhutan.■

Đằng sau tất cả những căng thẳng đó, trong một tình hình tương tự ở gần như mọi quốc gia có biên giới chung với Trung Quốc, là nỗi nghi ngờ sâu sắc với sự vươn lên mạnh mẽ của Bắc Kinh cả về kinh tế lẫn quân sự.

“Sự bất an về mặt chiến lược và những động thái mạnh bạo của Trung Quốc đã buộc Ấn Độ phải chơi trò cân bằng quyền lực và xây dựng quan hệ gần gũi hơn với Mỹ, Úc và Nhật Bản - Megha Rajagopalan, chuyên gia về Trung Quốc người Ấn Độ, nói với Reuters - Trung Quốc đã tỏ ra rất mạnh tay trong cách tiếp cận với tất cả các nước láng giềng, chứ không chỉ mình Ấn Độ. Bắc Kinh cần nghĩ lại xem đây có phải là cách tiếp cận đúng hay không”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận