Lộ trình nào cho những bài toán "nhận chìm" ?

NGUYỄN ĐĂNG ANH THI 13/08/2017 16:08 GMT+7

TTCT - Để xem xét bất kỳ một dự án nào cho mục đích phát triển kinh tế, cần đứng ở cả ba góc độ người dân, nhà nước và doanh nghiệp, trong đó người dân phải được đặt vào vị trí trung tâm.

Các nhà khoa học và chuyên gia môi trường  khuyến cáo bất kỳ dự án nào cũng phải lưu ý đến sinh kế của người dân.  -Ảnh: Đông Hà
Các nhà khoa học và chuyên gia môi trường khuyến cáo bất kỳ dự án nào cũng phải lưu ý đến sinh kế của người dân. - Ảnh: Đông Hà

 Ngày 31-7-2017, hội đồng phản biện khoa học tạp chí Năng Lượng Việt Nam đã gởi tổng hợp các bài báo đăng trên tạp chí này về việc nhận chìm chất nạo vét ở cảng biển Vĩnh Tân thành một báo cáo gửi tới Thủ tướng Chính phủ.

Báo cáo này được đăng trên tạp chí Năng Lượng Việt Nam ngày 31-7-2017 có tiêu đề “Kiến nghị Thủ tướng giải quyết vấn đề nạo vét cảng biển Vĩnh Tân” và được đăng trên báo Tài Nguyên Và Môi Trường (TN&MT) ngày 2-8-2017 với tiêu đề “Phản biện khoa học về việc nhận chìm chất nạo vét ở cảng biển Vĩnh Tân”.

Theo công bố trên báo TN&MT, các thành viên lập báo cáo gồm các ông Phan Quốc Tuấn (tổng biên tập tạp chí Năng Lượng Việt Nam), ông Nguyễn Thành Sơn (tiến sĩ), ông Nguyễn Cảnh Nam (PGS.TS, Hội Khoa học và công nghệ mỏ Việt Nam), ông Bùi Huy Phùng (PGS.TS, chuyên gia về năng lượng - môi trường) và ông Vũ Thanh Ca (PGS.TS, thành viên nhóm chuyên gia môi trường biển của Liên Hiệp Quốc, vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế và khoa học công nghệ, Tổng cục Biển và hải đảo thuộc Bộ TN&MT).

Dựa trên những phân tích đưa ra, báo cáo này kết luận:

“Việc Bộ TN&MT cấp phép cho Công ty TNHH Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 nhận chìm chất nạo vét đáy biển ra khu vực biển đã xác định ngoài khơi là hợp lý: đủ cơ sở pháp lý và thực tiễn; khả thi về mặt kỹ thuật và môi trường; hiệu quả về kinh tế và phù hợp với thực tế của địa phương”, và kiến nghị “kính mong Thủ tướng Chính phủ xem xét cân nhắc để chỉ đạo giải quyết vấn đề nạo vét cảng biển ở Vĩnh Tân một cách khách quan, khoa học, khả thi và mang lại hiệu quả chung để đảm bảo phát triển bền vững nền kinh tế đất nước”.

Tác giả bài viết này muốn trao đổi về những luận cứ mà những người lập báo cáo này đưa ra, nhằm có thêm góc nhìn khác và đề xuất lộ trình giải quyết những bài toán “nhận chìm”.

Đừng quên sinh kế của người dân

Trước hết, cần thống nhất rằng những dự án có tính “khả thi và mang lại hiệu quả chung để đảm bảo phát triển bền vững nền kinh tế đất nước” và “những hoạt động kinh tế bình thường để phát triển đất nước” đã, đang và sẽ luôn được mọi người dân ủng hộ, vì ai cũng hiểu rằng phát triển bền vững là sự phát triển hài hòa, vừa đảm bảo sinh kế lâu dài và sự thịnh vượng cho người dân, vừa góp phần vào sự lớn mạnh của đất nước.

Như vậy, để xem xét bất kỳ một dự án nào cho mục đích phát triển kinh tế, cần đứng ở cả ba góc độ người dân, nhà nước và doanh nghiệp, trong đó người dân phải được đặt vào vị trí trung tâm.

Một dự án không thể gọi là phát triển bền vững nếu chỉ quan tâm đến lợi ích của doanh nghiệp mà quên đi nguồn sống và bỏ qua sinh kế của người dân.

Hãy nhìn vào báo cáo gửi Thủ tướng kể trên, có khảo sát nào của chủ đầu tư và của Bộ TN&MT tại vùng biển Vĩnh Tân và vùng phụ cận cho biết hiện có bao nhiêu người dân mà sinh kế của họ gắn vào đó?

Có bao nhiêu lượng thủy hải sản được nuôi trồng, đánh bắt hằng năm trong vùng biển này? Có bao nhiêu tấn thủy hải sản xuất phát từ đây được xuất khẩu ra thế giới?

Giá trị tính bằng tiền của tất cả các hoạt động kinh tế tại vùng biển Vĩnh Tân và vùng phụ cận (thủy sản, làm muối, du lịch, khách sạn...) hằng năm là bao nhiêu?

Quan trọng hơn, giá trị kinh tế của toàn bộ hệ sinh thái khu vực Hòn Cau, của vùng biển Vĩnh Tân và vùng phụ cận được lượng hóa như thế nào?

Phải hiểu được những giá trị này để biết trân quý những người dân khu vực này, để biết trân quý nguồn tài nguyên của đất nước mà tạo hóa đã ban cho và tổ tiên đã dày công khai phá nhằm có thái độ ứng xử thận trọng trước khi đưa ra một quyết định.

Báo cáo này nói rằng “phải đảm bảo khu vực nhận chìm không phải là khu vực có tầm quan trọng cao về môi trường, sinh thái và hoạt động nhận chìm ở biển không được gây ra những tác động có hại tới các khu vực biển có tầm quan trọng cao về môi trường sinh thái ở xung quanh khu vực nhận chìm”.

Vậy, phải chăng hội đồng phản biện “xếp hạng” khu bảo tồn biển Hòn Cau, nơi có hệ sinh thái rạn san hô có vai trò dự trữ sinh học đa dạng, mang lại các giá trị kinh tế khoảng 600.000 USD/năm trên mỗi km2 rạn san hô theo thông tin của PGS.TS Võ Sĩ Tuấn (Viện Hải dương học, Viện hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam) dẫn từ số liệu của Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc (UNEP), nơi mà vành đai bảo vệ chỉ cách khu đổ bùn chưa đến 2km, “không phải là khu vực có tầm quan trọng cao về môi trường, sinh thái”?

Vậy, phải chăng hội đồng phản biện “xếp hạng” khu vực nước trồi ở vùng biển Ninh Thuận - Bình Thuận, một trong 18 vùng nước trồi quan trọng trên thế giới, trung tâm của nguồn tài nguyên hải sản rất lớn của Việt Nam, “không phải là khu vực có tầm quan trọng cao về môi trường, sinh thái”?

Vấn đề pháp lý của giấy phép “nhận chìm”

Báo cáo của hội đồng phản biện cho rằng: “Luật pháp quốc tế và luật pháp Việt Nam đều cho phép nhận chìm ở biển. Mục đích là để quản lý tốt hơn và giảm thiểu tác động môi trường do nhận chìm ở biển, đồng thời giảm chi phí nhận chìm, đổ thải, tạo điều kiện để phát triển kinh tế biển một cách hiệu quả nhất”.

Cần nói rõ ở đây là luật pháp quốc tế, cụ thể là Công ước London 1972 và Nghị định thư London 1996, hoàn toàn không có khái niệm gọi là “nhận chìm ở biển”, họ gọi đúng bản chất là “xả thải xuống biển” (sea dumping).

Và cũng cần phân biệt rõ rằng nhiệt điện than không phải là ngành kinh tế biển, nên không thể nói rằng nhận chìm bùn cát của nhà máy nhiệt điện “để phát triển kinh tế biển một cách hiệu quả nhất”...

Nếu xét về quy trình pháp lý mà Bộ TN&MT cấp phép cho Vĩnh Tân 1 “nhận chìm” thì thấy rằng bước đầu tiên là UBND tỉnh Bình Thuận đề nghị một khu vực nhận chìm có diện tích 300ha thuộc vùng biển Vĩnh Tân, tiếp đó báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của dự án đầu tư xây dựng bến chuyên dùng phục vụ Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 được bộ trưởng Bộ TN&MT phê duyệt tại quyết định số 1571/QĐ-BTNMT ngày 24-7-2014.

Trên cơ sở ĐTM này, Vĩnh Tân 1 lập hồ sơ xin cấp giấy phép nhận chìm ở biển, được Bộ TN&MT tổ chức thẩm định và cấp giấy phép số 1517/GP-BTNMT ngày 23-6-2017.

Cần nhắc lại, Luật bảo vệ môi trường năm 2005 “nghiêm cấm mọi hình thức đổ chất thải trong vùng biển nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” và việc cho phép “nhận chìm, đổ thải” chỉ được đưa vào trong Luật bảo vệ môi trường năm 2014 (thay thế Luật bảo vệ môi trường năm 2005), có hiệu lực từ ngày 1-1-2015.

Sau đó Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo số 82/2015/QH13 có hiệu lực từ ngày 1-7-2016 mới cụ thể hóa quy định về “nhận chìm ở biển”.

Như vậy, liệu báo cáo ĐTM dự án đầu tư xây dựng bến chuyên dùng phục vụ Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 (được phê duyệt ngày 24-7-2014), trong đó cho phép nhận chìm xuống biển khi mà Luật bảo vệ môi trường năm 2005 (còn hiệu lực cho đến hết ngày 31-12-2014) nghiêm cấm có phải là một việc làm vi phạm Luật bảo vệ môi trường năm 2005 hay không?

Theo Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo số 82/2015/QH13 có hiệu lực từ ngày 1-7-2016, điều 57, khoản 3: “Khu vực biển được sử dụng để nhận chìm phải phù hợp với quy hoạch sử dụng biển, quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ”.

Tuy nhiên, khu vực 300ha mà UBND tỉnh Bình Thuận đề nghị làm khu vực nhận chìm chưa hề nằm trong quy hoạch quốc gia để sử dụng cho việc nhận chìm, và Việt Nam đến nay cũng chưa có quy hoạch các vùng đủ an toàn môi trường cho hoạt động nhận chìm.

Với những khúc mắc trên, và trong hồ sơ xin cấp phép lại có nhà khoa học bị mạo danh, liệu rằng có thể nói việc Bộ TN&MT cấp phép cho Vĩnh Tân 1 nhận chìm ở biển là “đúng quy định pháp lý”?

Việc Bộ TN&MT chỉ thành lập đoàn khảo sát sau khi đã tổ chức thẩm định và cấp giấy phép cho Vĩnh Tân 1 thể hiện đang áp dụng một quy trình ngược với quy định pháp lý hiện hành.

Liệu có thuyết phục?

Báo cáo nêu đầu bài viết viện dẫn trường hợp của bãi biển Palm (Florida), “là bãi biển đẹp và đắt giá nhất Hoa Kỳ” được dùng cát nạo vét ở cuối bãi, chở lên “nhận chìm” ở đầu bãi để chống xói lở như là một “thí dụ rất điển hình về nhận chìm” để chứng minh rằng “nhận chìm chất nạo vét xuống biển được luật pháp nhiều nước trên thế giới cho phép và thực hiện rất phổ biến”.

Nhưng “vật chất” nạo vét từ khu vực thi công nhà máy nhiệt điện đã hơn 2 năm nay, nằm trong một trung tâm điện lực đã xây dựng và hoạt động gần 10 năm nay với nhiều vấn đề về môi trường... có thể đem ra so sánh với cát của “bãi biển đẹp và đắt giá nhất Hoa Kỳ” hay không?

Theo báo cáo nói trên, thông tin thành phần của chất nạo vét ở Vĩnh Tân 1 và số liệu khảo sát hiện trường mà hội đồng phản biện dùng để viết bài phản biện hoàn toàn được lấy từ báo cáo dự án nhận chìm do chủ đầu tư cung cấp, không phải là những số liệu độc lập khách quan, nhưng từ đó nhận xét rằng “vấn đề cần quan tâm khi nhận chìm chất nạo vét chỉ là nước đục chứ không phải là hàm lượng của các chất độc hại”.

Ông Vũ Thanh Ca, thành viên hội đồng phản biện, cũng dùng chính những thông tin này để chạy mô hình toán nhằm dự báo tác động có thể có của hoạt động nhận chìm tới môi trường bãi cạn Breda và khu bảo tồn biển Hòn Cau.

Mô hình toán mà ông Vũ Thanh Ca sử dụng là mô hình Princeton Ocean Model (POM), là mô hình toán của Đại học Princeton (Hoa Kỳ), được áp dụng để mô hình hóa các dòng hải lưu, nhiệt độ, độ mặn và các chỉ tiêu chất lượng nước.

Tuy nhiên, ông Vũ Thanh Ca chỉ dùng POM để tính toán dòng chảy, sau đó phân tích cơ chế gây đục nước do bùn gây ra, kết hợp hai điều này với nhau để kết luận rằng “bùn trong dòng nước đục do hiện tượng nhận chìm chất nạo vét gây ra sẽ bị vận chuyển lên phía đông bắc, ra ngoài xa và nhanh chóng lắng đọng xuống đáy biển và không thể tồn tại lâu dài để bị vận chuyển qua lại và lắng đọng xuống khu bảo tồn biển Hòn Cau cũng như các khu vực khác có tầm quan trọng về môi trường, sinh thái cao”.

Để đánh giá chất lượng nước biển, cần áp dụng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước biển (QCVN 10-MT:2015/BTNMT), trong đó vùng biển ven bờ (trong vòng khoảng 5,5km) quy định 25 chỉ tiêu, vùng biển gần bờ (trên 5,5km đến khoảng 44km) quy định 16 chỉ tiêu và hoàn toàn không có quy định về độ đục.

Vậy thì, muốn đánh giá mức độ ô nhiễm của việc xả bùn xuống biển đến chất lượng môi trường nước cần phải chạy mô hình lan truyền ô nhiễm với 25 chỉ tiêu cho vùng biển ven bờ và 16 chỉ tiêu vùng biển gần bờ.

Trong phân tích của mình, ông Vũ Thanh Ca chỉ dựa vào một chỉ tiêu độ đục, chỉ tiêu hoàn toàn không quy định trong Quy chuẩn chất lượng nước biển.

Vậy, có thể kết luận “việc nhận chìm chất nạo vét ở Vĩnh Tân không có gì đáng lo ngại và nếu được kiểm soát tốt sẽ không gây hại cho khu bảo tồn biển Hòn Cau, bãi cạn Breda và các khu vực lấy nước nuôi tôm giống ven bờ”?

Đó là chưa kể bất kỳ mô hình toán nào cũng cần có bước hiệu chỉnh mô hình bằng cách khảo sát, đo đạc hiện trường để chuẩn hóa các giả định về số liệu đầu vào.

4 bước giải bài toán “nhận chìm”?

Từ những phân tích trên đây, lộ trình hợp lý để giải quyết đề nghị “nhận chìm vật chất” của nhiệt điện Vĩnh Tân 1 cần theo những bước sau:

1. Lựa chọn, lập quy hoạch và trình duyệt quy hoạch về các khu vực an toàn cho hoạt động xả thải xuống biển.

2. Lập và thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC) của quy hoạch về các khu vực an toàn cho hoạt động xả thải xuống biển.

3. Lập và thẩm định báo cáo ĐTM của khu vực dành cho xả thải xuống biển của Vĩnh Tân 1.

4. Lập lại hồ sơ xin phép “nhận chìm” và thẩm định cấp phép “nhận chìm” của Vĩnh Tân 1, trong đó bao gồm cả phân tích chi tiết về lựa chọn những phương án thay thế và giảm thiểu chất thải thay cho “nhận chìm”.

Phải thực hiện đầy đủ tham vấn cộng đồng trong cả bốn bước trên vì đây là hoạt động không thể thiếu như yêu cầu đã được quy định cụ thể trong Luật bảo vệ môi trường 2014.

Sẽ còn những nhà máy nhiệt điện than khác muốn đổ chất nạo vét xuống biển trong thời gian tới.

Sẽ không ai muốn xảy ra một tiền lệ xấu để phải tốn công sức và tiền của cho việc khắc phục hậu quả, một khi vẫn còn có cơ hội để đánh giá và cân nhắc thật kỹ các lựa chọn khác nhau trước khi đưa ra quyết định về bài toán cân bằng giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường.

Chân lý khoa học chỉ được sáng tỏ nhờ tranh luận và phản biện công khai, qua đó mới có thể vận dụng tối đa tri thức và kinh nghiệm để giải quyết vấn đề, hướng tới xây dựng xã hội ngày càng tốt đẹp hơn. ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận