25/05/2018 10:50 GMT+7

Lỗ hổng trong quản lý đường ngang

HÀ ĐỒNG - TUẤN PHÙNG  - ĐỨC PHÚ
HÀ ĐỒNG - TUẤN PHÙNG - ĐỨC PHÚ

TTO - Hiện toàn tuyến đường sắt quốc gia có 1.517 đường ngang hợp pháp. Nhưng theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, hầu hết các đường ngang có người gác vẫn chưa được lắp đặt thiết bị thông báo tự động cho nhân viên gác chắn biết tàu sắp đến gần.

Lỗ hổng trong quản lý đường ngang  - Ảnh 1.

Hiện trường vụ tai nạn - Ảnh: HÀ ĐỒNG

Trao đổi với Tuổi Trẻ, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ nhìn nhận: đường ngang này có rào chắn, có người gác vẫn xảy ra tai nạn là vấn đề mà ngành đường sắt phải làm rõ để phòng tránh, ngăn ngừa nguy cơ tai nạn, kể cả làm rõ trách nhiệm.

Quy trình đóng chắn khi tàu qua

Ông Đoàn Duy Hoạch - phó tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt VN - cho biết dàn chắn tại đường ngang xảy ra tai nạn giữa tàu SE19 với xe tải là loại dàn chắn đóng mở bằng điện hoặc sức người, hoạt động khi có người trực tiếp điều khiển.

"Nguyên nhân vì sao thì phải điều tra chứ không suy đoán. Cơ quan điều tra sẽ xem xét tất cả yếu tố kỹ thuật cũng như con người để đánh giá nguyên nhân" - ông Hoạch nói.

Về quy trình đóng chắn trước khi tàu qua, ông Hoạch cho biết cứ 4 tiếng một lần trực ban của ga ở hai đầu khu gian đường sắt liên lạc với các trạm gác chắn phổ biến kế hoạch chạy tàu trong 4 tiếng sắp tới.

Nhân viên gác chắn báo cáo với trực ban tên tuổi, vị trí gác chắn, thời gian làm việc và tiếp nhận kế hoạch chạy tàu qua vị trí gác chắn của mình, ghi cụ thể thời gian từng tàu chạy qua trong 4 tiếng tới.

Sau đó, trực ban thông báo tới tổ gác chắn biết trước từng chuyến tàu vừa chạy qua ga để trạm gác chắn chủ động đóng rào chắn phòng vệ trước khi tàu qua đường ngang.

"Quy trình rất chặt chẽ, nhưng để kết luận lỗi do đâu thì cần căn cứ vào kết quả của cơ quan điều tra" - ông Hoạch cho biết.

Theo một nhân viên gác chắn, sau khi nhận thông báo tàu đã qua ga, tổ gác chắn bấm hệ thống chuông, đèn cảnh báo và thực hiện đóng chắn.

Khi đã đóng chắn an toàn sẽ quay biển đỏ (biển báo màu đỏ, có đèn sáng ban đêm) chắn ngang phía trên đường ray ra ngoài để lái tàu biết đường đã an toàn để thông qua.

Lỗ hổng trong quản lý đường ngang  - Ảnh 2.

Sơ đồ vị trí tai nạn đường sắt và xe tải - Đồ họa: N.KHANH

Chưa đủ thiết bị thông báo tự động

Theo thống kê của Tổng công ty Đường sắt VN, hiện toàn tuyến đường sắt quốc gia có 1.517 đường ngang hợp pháp.

Theo khoản 1, điều 27 thông tư 62 quy định về đường ngang do Bộ GTVT ban hành năm 2015 nêu: "trong nhà gác đường ngang phải có thiết bị thông báo tự động cho nhân viên gác chắn biết tàu tới gần đường ngang".

Nhưng theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, hầu hết các đường ngang có người gác vẫn chưa được lắp đặt thiết bị thông báo tự động cho nhân viên gác chắn biết tàu sắp đến gần.

Đây là lỗ hổng cực kỳ nguy hiểm bởi hiện nay cơ chế đóng chắn được thông qua hình thức liên lạc trực tiếp giữa trực ban chạy tàu ga và nhân viên gác chắn.

Thông thường khi trực ban liên lạc báo tàu sắp qua chắn thì trung bình 10-15 phút tàu mới tới đường ngang. Trong quá trình chờ đợi tàu đến, nhân viên đường sắt có thể chủ quan lơ là sẽ dẫn đến việc quên đóng chắn.

Nhận thấy lỗ hổng này, một số đơn vị quản lý đường sắt từng phản ảnh và kiến nghị lắp đặt thiết bị nhưng kinh phí hạn hẹp nên chưa thể thực hiện.

Đầu tháng 3-2018, Công ty cổ phần Đường sắt Sài Gòn đã báo cáo Phân ban quản lý kết cấu hạ tầng đường sắt khu vực 3 (Tổng công ty Đường sắt VN) cần phải lắp ngay các thiết bị báo tàu đến gần trên các đường ngang nhằm cảnh báo cho nhân viên gác chắn.

Theo đó, công ty này đề xuất trước mắt lắp thiết bị cảnh báo tự động tại 18 đường ngang trên tuyến đường sắt thuộc địa bàn TP.HCM và Đồng Nai.

Các thiết bị báo tàu đến gần đường ngang sẽ được lắp dưới đường ray cách đường ngang vài kilômet. Khi tàu chạy qua điểm gắn thiết bị, bộ cảm biến sẽ truyền tín hiệu từ xa về làm nháy đèn, hú còi liên tục tại phòng trực và ngoài đường ngang để cảnh báo.

Thời gian thông báo trước lúc tàu qua gác chắn tính bằng phút, hạn chế việc nhân viên chờ tàu lâu quá mà chủ quan. Trường hợp trực gác đường ngang lơ là hay ngủ gật lúc nghe còi hú inh ỏi cũng phải bật dậy.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Đoàn Duy Hoạch cho biết ở một số đường ngang mới được đầu tư thì đúng theo tiêu chuẩn của thông tư 62, còn các đường ngang cũ chưa có thiết bị báo tàu đến gần cho nhân viên gác chắn.

Việc đầu tư cũng cần lộ trình vì có chi phí lớn, do đó chưa thể triển khai đồng bộ.

Lỗ hổng trong quản lý đường ngang  - Ảnh 3.

Đường ngang 1717+600 (P.Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức, TP.HCM) được Công ty cổ phần Đường sắt Sài Gòn đề xuất lắp thiết bị báo tàu tự động cho gác chắn khi tàu sắp tới gần - Ảnh: ĐỨC PHÚ

Đường ngang dân sinh cắt ngang đường sắt tại đây dẫn vào một mỏ đá nên lưu lượng xe cộ qua lại khá lớn. Do vậy, cách đây khoảng 5 năm, ngành đường sắt đã cho xây dựng trạm gác chắn tại điểm giao cắt này, cắt cử hai nhân viên túc trực 24/24 giờ để kéo rào chắn.

Đây là vụ tai nạn đầu tiên ở khu vực này.

"Vụ tai nạn đường sắt tại đây khiến người dân hết sức lo lắng, bởi đây là tuyến đường dân sinh huyết mạch nối xã Trường Lâm với quốc lộ 1, hằng ngày có hàng trăm lượt người và các phương tiện qua lại" - một người dân thôn Trường Thanh, xã Trường Lâm cho biết thêm.

Trước đó, lúc 0h30 cùng ngày, một xe tải cắt ngang đường sắt đã bị tàu hỏa tông. 6 toa tàu lật ngang. Lái chính và phụ tàu chết tại chỗ. 10 người bị thương.

Dự kiến hôm nay 25-5 mới khôi phục được toàn bộ đoạn đường bị hư hại và tàu chạy với tốc độ bình thường.


HÀ ĐỒNG - TUẤN PHÙNG - ĐỨC PHÚ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên