Liệu ông Trump còn ra tranh cử lần nữa?

XÊ NHO 30/08/2022 05:26 GMT+7

TTCT - Khác với báo Mỹ, chuyên đề "Donald Trump sẽ tranh cử nữa thôi?" trên tờ The Economist có thể cung cấp một góc nhìn tương đối không thiên vị.

Liệu ông Trump còn ra tranh cử lần nữa? - Ảnh 1.

Người ủng hộ Donald Trump bên ngoài tòa án liên bang ở West Palm Beach, Florida, nơi cựu tổng thống Mỹ đệ đơn kiện FBI vì vụ khám nhà riêng, ngày 18-8-2022. Ảnh: AP

The Economist là một tờ báo của Anh. Sở dĩ phải nói chuyện này ngay từ đầu là bởi đề cập đến cựu tổng thống Donald Trump, báo chí Mỹ khó lòng giữ được sự khách quan cần thiết; trong khi The New York Times muốn dìm tên tuổi ông này xuống bùn thì Fox News hay New York Post lại đề cao ông tận mây xanh. Vì thế chuyên đề "Donald Trump sẽ tranh cử nữa thôi?" trên tờ The Economist có thể cung cấp một góc nhìn tương đối không thiên vị.

Trước khi đề cập đến cuộc tranh cử tổng thống Mỹ vào năm 2024, tức còn hơn hai năm nữa mới diễn ra, thiết nghĩ cần nhìn vào cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào tháng 11 năm nay khi dân Mỹ sẽ đi bỏ phiếu chọn lại toàn bộ 435 dân biểu Hạ viện và 35 trong số 100 thượng nghị sĩ cùng nhiều vị trí quan trọng khác. Hiện nay hai đảng chính trị Mỹ là Dân chủ và Cộng hòa đang chọn người ra tranh cử trong các cuộc bầu chọn sơ bộ và mọi sự chú ý đang đổ dồn vào cách cử tri của Đảng Cộng hòa chọn người.

The Economist cho biết trong 10 dân biểu Hạ viện từng bỏ phiếu đồng ý luận tội ông Trump vì vai trò của ông này trong cuộc bạo loạn ở trụ sở Quốc hội Mỹ vào ngày 6-1-2021, đến 8 người hoặc là bỏ cuộc không ra tranh cử nữa hoặc bị thua cuộc trong vòng bầu cử sơ bộ, tức không được cử tri Đảng Cộng hòa chọn ra tranh cử nữa.

Nhân vật nổi bật nhất trong 8 người này là bà Liz Cheney, vừa thua cuộc tại vòng bầu cử sơ bộ ở bang Wyoming. Nay đại diện cho Đảng Cộng hòa ra tranh cử vào tháng 11 sẽ là Harriet Hageman, một ứng cử viên được ông Trump hậu thuẫn. Bà Cheney thua cuộc bởi không những bà bỏ phiếu đồng ý luận tội ông Trump mà còn nhiều lần lên tiếng phản đối ông này cũng như làm phó chủ tịch Ủy ban điều tra vụ tấn công ngày 6-1.

Sự thất bại của Liz Cheney tô đậm một sự thật: hầu như tất cả những ứng cử viên được ông Trump ủng hộ đều thắng vòng bầu cử sơ bộ, tức cử tri Đảng Cộng hòa chọn người theo ông Trump, không thể nào nói khác đi được. 

Một cuộc thăm dò xem thử cử tri Đảng Cộng hòa muốn chọn ai ra tranh cử tổng thống vào năm 2024 cho thấy đến 50% muốn chọn ông Trump. Đây là một tỉ lệ rất cao bởi từng có nhiều cuộc thăm dò như thế mà người được 30% cử tri chọn đều chiến thắng trước các đối thủ khác. 

Trước đây vài tháng từng có dư luận cho rằng ông Ron DeSantis hiện đang là thống đốc bang Florida sẽ là ứng cử viên tổng thống hàng đầu của Đảng Cộng hòa; nay The Economist cho rằng ông này có cơ may vào Nhà Trắng hơn cả nếu đứng chân làm ứng cử viên phó tổng thống cho ông Trump.

Như vậy, The Economist tạm kết luận, trừ phi ông Trump không muốn ra tranh cử nữa hay bị ngăn cản vì một lý do nào đó, khả năng ông tranh được vị trí ứng cử viên chính thức của Đảng Cộng hòa là rất rõ. Từ đó câu hỏi thứ nhì được đặt ra: có điều gì có thể ngáng chân ông Trump?

Nhìn bề ngoài, ông Trump đang gặp nhiều rắc rối với cơ quan điều tra như vụ khám xét nhà ông ở Mar-a-Lago để tìm các tài liệu mật ông đem về từ Nhà Trắng. Tuy nhiên, ở đây các cơ quan liên quan như Bộ Tư pháp Mỹ hay FBI đều đang ở vào thế khó. Làm tới thì bị giới Cộng hòa lên án dữ dội là chính trị hóa một câu chuyện hành chính. Từng có một tiền lệ khi bà Hillary Clinton bị điều tra vì sử dụng email cá nhân cho công việc chính thức, có thể làm lộ tài liệu mật nhưng sau đó Bộ Tư pháp Mỹ từ chối truy tố bà.

Ba cuộc điều tra khác, gồm chuyện ông Trump có trốn thuế hay không, ông Trump có phạm pháp trong sự kiện ngày 6-1-2021 hay không, ông Trump có tham gia một âm mưu trái phép lật ngược kết quả bầu cử ở hạt Fulton, bang Georgia vào tháng 11-2020 hay không... đều rơi vào tình huống tương tự. Ông Trump từng thoát ra những tình huống gay cấn hơn nhiều như cuộc điều tra của Muller, cuộc luận tội lần thứ nhất và lần luận tội thứ hai nên không thể nói trước người ta có làm gì được ông không.

The Economist cho rằng chính các rắc rối này là động lực lớn buộc ông Trump phải nhảy ra tranh cử tiếp tục. Nếu ở ngoài vòng ganh đua chính trị, ông Trump có thể chỉ là một công dân bình thường, chịu rủi ro bị pháp luật truy tố. Nhưng trong vai trò ứng cử viên tổng thống, ông sẽ có sự hậu thuẫn của 74 triệu cử tri từng bỏ phiếu cho ông vào kỳ tranh cử gần nhất. Nếu bị đưa ra xét xử, thậm chí bị buộc tội càng làm cử tri chú ý đến ông Trump hơn và ông này càng có lý do cáo buộc đối thủ chơi đòn thù chính trị.

The Economist cũng nói rõ lập trường của họ khi kết luận: Ông Trump vận động rất dữ để xóa đi sự đáng tin cậy của thùng phiếu bởi ông biết thùng phiếu có thể đánh bại ông ta. Nhưng có lẽ với cử tri Mỹ thì câu kết luận chưa hẳn là rõ ràng như thế báo nói.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận