​“Lều chõng” tân thời!

HỮU NGHỊ 15/07/2015 23:07 GMT+7

Ngày xưa, sĩ tử lều chõng lên kinh dựng lều đặng thi Hương, thi Hội. Ngày nay, sĩ tử nếu không cư ngụ tại tỉnh, thành nào có cụm thi cũng phải khăn gói lên đường tìm phòng trọ để vừa có thể dự thi tú tài đồng thời vừa “thi” vào đại học.

Tranh: Lê Thiết Cương

So với trước đây thi tú tài xong mới thi tuyển sinh đại học, nay chỉ thi một lượt như thế đã là “giảm tải” phân nửa, song liệu có cần phải nhiêu khê cả cho thí sinh lẫn gia đình thí sinh cùng bộ máy giáo dục liên quan và xã hội đến thế?

Có bao nhiêu thí sinh phải di chuyển từ quê mình đến một trong 38 cụm thi liên tỉnh để dự thi khi mà nếu chỉ phải thi ở quê nhà mình một kỳ thi chung, chấm thi xong, kết quả vừa để công bố vừa để chuyển về trường đại học chủ sự cụm thi đó làm cơ sở xét tuyển? Có bao nhiêu gia đình phải cắt người đi theo con, em? Còn xã hội phải góp thêm bao công sức?

Hội nghị triển khai kỳ thi THPT quốc gia 2015 tại cụm thi số 25 do Đại học Vinh chủ trì sáng 29-6 ở thành phố Vinh (Nghệ An) đã cho thấy tránh được “vỏ dưa” hai kỳ thi các năm trước, “vỏ dừa” một kỳ thi chung năm nay như thế nào đối với các thí sinh và gia đình cùng xã hội.

Hiệu trưởng Đại học Vinh Đinh Xuân Khoa cho biết để hỗ trợ hơn 37.000 thí sinh của hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Trung tâm hỗ trợ sinh viên đã kêu gọi được 5.000 suất cơm miễn phí, 3.500 suất cơm hộp, 1.600 suất ăn tại nhà ăn Đại học Vinh, huy động hơn 4.500 nhà trọ miễn phí và phòng trọ ký túc xá của một số trường trên địa bàn để phục vụ thí sinh và người nhà.

Rồi ông lo lắng: “Hiện tại mới có chưa đầy 5.000 chỗ ở miễn phí, trong khi đó rất nhiều thí sinh có hoàn cảnh khó khăn ở các vùng nông thôn”.

Phó giám đốc Sở GD-ĐT Nghệ An Thái Huy Vinh thừa nhận: “Năm đầu tiên thực hiện kỳ thi mới nên có nhiều khó khăn đối với học sinh, phụ huynh và cả những người làm công tác thi”. Mới chỉ một cụm thi mà đã bao nỗi truân chuyên như trên, thế thì 38 cụm thi liên tỉnh sẽ là bao nhiêu?

Lý do gì khiến Bộ GD-ĐT phải tổ chức các cụm thi liên tỉnh nếu không phải do bộ không tin rằng tất cả địa phương đều có đủ năng lực và nhất là độ khả tín để có thể tự đứng mũi chịu sào tổ chức ngay tại các trường trong địa phương mình, như vẫn tổ chức thi tú tài trước đây? Chính do thêm yếu tố tuyển sinh đại học nên yêu cầu thứ nhì này càng được đặt nặng, cũng chỉ vì không tin các địa phương đủ trung thực.

Thế nhưng “lều chõng” thi tập trung theo cụm như thế, với sự huy động nhân sự cao độ như thế liệu có đảm bảo sự trung thực cần thiết cho kỳ thi? Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Tĩnh Nguyễn Xuân Trường cho rằng sẽ “dễ xảy ra sự mất công bằng” nếu khâu coi thi ở các điểm, cụm không nghiêm túc.

Ông phải tha thiết kiến nghị bộ “chỉ đạo các cụm thi của cả nước, nhất là các cụm thi xét tốt nghiệp cộng đại học diễn ra nghiêm túc, công bằng, đúng thực chất. Nhìn lại những năm đầu của phong trào “hai không”, những tỉnh nào làm “rắn” thì kết quả thấp, bây giờ mà lại để xảy ra tình trạng nơi làm chặt, nơi làm lỏng như thế sẽ dẫn đến tình trạng mất công bằng giữa thí sinh các cụm”.

Đáp lại, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cho biết rút kinh nghiệm những năm trước, đúng là khâu coi thi vẫn là khâu yếu nhất mà để cứu vãn, và rằng “các ban ngành vào cuộc giúp chúng ta rất nhiều” nhưng nòng cốt “vẫn là ngành giáo dục, là lực lượng cán bộ quản lý, là đội ngũ cán bộ giáo viên”.

Có thể thấy rõ nguyên nhân của những bĩ cực của thí sinh, cha mẹ các em và cả xã hội chính là do sự thiếu trung thực của hội đồng thi các địa phương. Vấn đề đặt ra không còn là chuyện thi cử mà là nhân cách các giám thị như thế nào mà nay không đáng được tin trong nhiệm vụ coi thi?

Tại sao có “nạn” thống kê tốt nghiệp 90% trở lên, thậm chí có nơi đến 99% để rồi liên tiếp các đời bộ trưởng giáo dục đều phải vội vã húc vào bức tường thành thi cử gian đó rồi gặp phản ứng? Phải chăng do “hệ thống hàng ngang” lấn át “hệ thống hàng dọc” nên bất cứ chính quyền địa phương cấp nào cũng có thể “lệnh cho” giám đốc hay trưởng phòng sở giáo dục địa phương đó?

Đến đây thì vấn đề đã ra khỏi khuôn khổ các cuộc “lều chõng” tân thời rồi, mà là vấn đề của cả hệ thống hành chính! 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận