Lẩu Thập Cẩm

Lắt léo chữ nghĩa: Sáng tỏ vài từ tiếng Việt trong Lục Vân Tiên

LÊ MINH QUỐC

Đăng lúc 18:05 | 25/08/2022

Cách sử dụng vốn từ của cụ Đồ Chiểu hoàn toàn không phải "gieo vần lạ", "sai lệch về ngữ âm" gì cả.

Nhân dịp kỷ niệm 200 năm ngày sinh của Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Đình Chiểu, UBND tỉnh Bến Tre chủ trì, tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu trong thời đại ngày nay. Các bài tham luận trong hội thảo này đã được Nhà xuất bản Chính Trị Quốc Gia chọn in trong tập sách cùng tên với chủ đề hội thảo.

Trong số đó, khi bàn về "Các hình thức ngôn từ nghệ thuật trong Lục Vân Tiên", PGS.TS Trần Đức Ngôn đánh giá: "Cách gieo vần này có vẻ như gượng ép, nhiều từ dùng để gieo vần có vẻ như bị làm sai lệch về ngữ âm, để cho phù hợp với vần chân và vần lưng. Sau đây là một vài ví dụ (SĐD, tr. 640).

Nay, ta thử xét các thí dụ đã nêu ra trong tham luận này, liệu có phải "sai lệch về ngữ âm"?

"Trong khăn lụy nhỏ chứa chan / Cảm thương phận tớ mắc nàn khi không". Mắc nàn là mắc nạn, cách phát âm của người miền Nam mà Đại Nam quấc âm tự vị (1895) ghi nhận, giải thích: "Tai hại, đồng nghĩa với tiếng nạn", dẫn chứng "Nghèo nàn, tai nàn, mắc nàn, phải nàn, gặp nàn...". Vậy, không có sự sai lệch về ngữ âm ở đây, khi người miền Nam hiểu và phát âm như thế.

"Ngư rằng làm đạo rể con / Cũng như sợi chỉ mà lòn trôn kim". Lòn là luồn, hiểu theo nghĩa: "Cúi xuống mà đi qua, đưa qua, tron vào", tron có nghĩa là xen vào, đút vào, xỏ vào, và dẫn chứng: "Sợi chỉ lòn trôn kim: Sợi chỉ xỏ qua lỗ cây kim, chỉ nghĩa chịu lòn hết cách", tuy nhiên tự vị này cũng ghi nhận "Luồn: Lòn qua, tron vào, xuyên qua". Nếu câu thơ trên thay bằng từ "luồn" của cách nói toàn dân như "Xe chỉ luồn kim", ắt câu thơ sái vần.

"Thỏ vừa ló bóng gà đà gáy tan / Bao giờ cho tới bắc phang". Phang là phương, bắc phang là bắc phương. Tự vị trên cũng cho biết "Phang: (coi chữ phương) cùng nghĩa là hiểu theo nghĩa: "Một xứ, một hướng, một phía...". Rõ ràng, cụ Đồ Chiểu gieo vần chính xác, phù hợp với lời ăn tiếng nói của người miền Nam, không hề có sự "sai lệch về ngữ âm".

Do không hiểu rõ cách phát âm, thổ âm thổ ngữ của người Nam, ông Ngôn đã dẫn tới ý kiến khác: "Những ví dụ sau đây chứng tỏ rằng, hiện tượng gieo vần lạ của Nguyễn Đình Chiểu là cố ý".

Ta thử xét các thí dụ đã nêu ra, liệu có phải "hiện tượng gieo vần lạ"?

"Vân Tiên ngơ mặt chẳng nhìn / Nguyệt Nga liếc thấy càng thìn nết na". Thìn là từ cổ, Đại Nam quấc âm tự vị (1895) giải thích: "Sửa sang, răn, giữ". Hơn 600 năm trước, Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi (1380 - 1442) đã sử dụng: "Hiềm kẻ say chưng bề tửu sắc / Họa người thìn được thói cha ông"... Như thế, cụ Đồ Chiểu gieo thìn bắt vần với gìn là một lẽ tự nhiên, phải là thế, chứ không thể chọn từ nào khác trong ngữ cảnh này.

Lắt léo chữ nghĩa: Sáng tỏ vài từ tiếng Việt trong Lục Vân Tiên - Ảnh 1.

Người Việt ta có các câu tục ngữ "Thìn lòng sửa tính" hoặc cách nói phổ biến trong lời ăn tiếng nói mà Việt Nam từ điển (1931) đã ghi nhận và giải thích: "Thìn: Gìn giữ tính nết cho được tốt, được hay", văn liệu: "Thìn lòng, Thìn tính, Thằng bé này tính nết thìn lắm"?

"Thiếp thưa chưa dứt chàng đà làm ngơ / Của này là của vất vơ". Từ "vất vơ" là "Lang thang, lông bông: đi vất vơ ngoài đường", theo Đại từ điển tiếng Việt (1999); và người miền Nam còn hiểu là: "Dật dờ, ngã qua ngã lại". 

Đặt trong ngữ cảnh sau khi Lục Vân Tiên ra tay "Khác nào Triệu Tử phá vòng Đương Dương" cứu Kiều Nguyệt Nga bị cướp cạn, nàng rút trâm đưa chàng "để cầm làm tin". Nàng nói nhún là "của vất vơ" - hiểu theo nghĩa bóng là vật tầm thường, không giá trị gì. Cách nói này phản ánh tính cách khiêm tốn của người Việt nói chung.

Tương tự, nghe nàng nói nhún, vốn văn võ song toàn, chữ nghĩa "đầy mình", Lục Vân Tiên thừa hiểu cách nói thanh lịch ấy, nên đáp ngay: "Của này rất sang". Từ "vất vơ" trong ngữ cảnh này là hiểu theo nghĩa bóng của cách nói tiêu biểu trong phép xã giao lịch sự của người Việt từ Bắc chí Nam, chứ cụ Đồ Chiểu không hề "cố ý" "gieo vần lạ".

"Ngửa trông lượng rộng văn nhân thế nào? / Vân Tiên xem thấy ngạt ngào". Với từ này, hẳn ta dễ dàng liên tưởng đến một câu trong ca từ của Đoàn Chuẩn - Từ Linh: "Nhớ tới mùa thu năm xưa, gửi nhau phong thư ngào ngạt hương". 

Đại từ điển tiếng Việt (1999) cho biết: "Ngạt ngào như ngào ngạt": "Có mùi thơm bốc lên lan tỏa rộng và kích thích vào khứu giác". Như vậy, bài thơ mà Kiều Nguyệt Nga viết "tám câu năm vần" (thơ Đường luật) không chỉ được viết trên giấy thơm, giấy quý mà còn hàm nghĩa thơ hay, do đó Vân Tiên mới ngạc nhiên: "Ai dè sức gái tài cao bực này".

Rõ ràng, cách sử dụng vốn từ của cụ Đồ Chiểu hoàn toàn không phải "gieo vần lạ", "sai lệch về ngữ âm" gì cả. Thiết nghĩ, cách hiểu và đánh giá trong tham luận trên cần có sự trao đổi, góp ý lại.

Lắt léo chữ nghĩa: Giỗ hậu thầy đìa Lắt léo chữ nghĩa: Giỗ hậu thầy đìa Lắt léo chữ nghĩa: Tình bằng có cái trống cơm... Lắt léo chữ nghĩa: Tình bằng có cái trống cơm... Messi và chuyện lắt léo chữ nghĩa Messi và chuyện lắt léo chữ nghĩa
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
X
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Tin mới Lẩu thập cẩm