Lẩu Thập Cẩm

Lắt léo chữ nghĩa: Giỗ hậu thầy đìa

LÊ MINH QUỐC

Đăng lúc 08:18 | 09/08/2022

Tục ngữ có câu: 'Không thầy đố mày làm nên'. Thầy thì có nhiều loại thầy. Thế nhưng chỉ khi đi vào miền Nam, mới nghe nói đến thầy đìa.

Một cách nói phổ biến trong dân gian, mà chưa thấy từ điển ghi nhận giải thích. Với từ đìa, chắc nhiều người nhớ đến nỗi lòng éo le của anh chàng nọ:

Công anh đốn ráng thả đìa

Một mai cá cựu biết vìa tay ai?

Vìa là về - một cách phát âm của người miền Nam. Còn ráng là "cây mọc thành bụi ở bờ kinh rạch. Lá mọc hai hàng hai bên một cọng dài có cặp thêm lá phụ nguyên phiến... Cọng lá khô thì cứng và lâu mục nên dùng làm bó chổi, làm chà thả xuống ao đầm nuôi cá", theo Phương ngữ Nam Bộ của Bùi Thành Kiên.

Thế chà là gì? Hiểu nôm na, chà là các nhánh cây khô đã thả/ cắm/ cặm sâu dưới đìa, ao, sông cạn, kinh rạch... nhằm tạo môi trường yên tĩnh dụ cá vào sinh sống, sinh đẻ ở trong đó; khi muốn thu hoạch, người ta vây lưới xung quanh, dỡ chà bắt cá. Tục ngữ có câu "Động chà cá nhảy" hoặc câu hát huê tình:

Động chà con cá lội ra

Nên duyên chồng vợ hai ta không thành

Một khi nhắc đến đìa, ta nhớ đến đầm và ngược lại. Vậy, đầm và đìa này khi kết hợp lại, thí dụ, tâm trạng của Kim Trọng lúc biết tin về Thúy Kiều:

Vật mình, vẫy gió, tuôn mưa

Đầm đìa giọt ngọc, thẩn thờ hồn mai

Liệu "đầm đìa" có liên quan gì đến đầm và đìa - vốn chỉ chỗ đất trũng, vũng nước sâu làm cá trú ở đó vào mùa khô? Tôi nghĩ là có. Nếu đầm đìa nghĩa là "Ướt nhiều, ướt sũng", theo Đại từ điển tiếng Việt (1999) thì bản thân từ đìa, còn hiểu theo "Nghĩa rộng: Nhiều: Công nợ đầm đìa; ướt đìa"; và đầm: "Ướt nhiều: Mồ hôi đầm đìa" - Việt Nam tự điển (1931) giải thích. 

Sự kết hợp từ sự vật/ sự việc đã có như trường hợp giữa đầm và đìa đã tạo ra nghĩa "đầm đìa" như ta đã hiểu; còn có thể nhìn thấy qua từ "gấu ó": "Con gấu, con ó, chỉ nghĩa là gây gổ, rầy rạc", theo Đại Nam quấc âm tự vị (1895).

Lắt léo chữ nghĩa: Giỗ hậu thầy đìa - Ảnh 1.

Có câu cửa miệng: "Nay tát đầm, mai tát đìa, ngày kia giỗ hậu", ngụ ý chê cười ai đó viện cớ lý tro lý trấu, vì chuyện này chuyện kia mà bỏ bê, bê trễ công việc chính của mình.

Trong câu nói trên, có từ khó hiểu với nhiều người là "giỗ hậu". Ta có thể hiểu, muốn được giỗ hậu thì người đó phải đặt hậu, mua hậu. Hậu có hai nghĩa: "1. Sau: Cửa hậu; 2. Con cái nối dõi: Vô hậu là bất hiếu. 

Nghĩa rộng: Việc thờ cúng sau khi chết: Người không có con phải mua hậu ở đình", Việt Nam tự điển (1931) giải thích. Nhìn sâu xa hơn, "giỗ hậu" chính là quan niệm về sự giỗ quẩy, thờ cúng sau khi mình đã mất đi mà không có con nối dõi tông đường.

Khi tát đìa, ở trong Nam có lệ bất thành văn, là nếu chỗ đó chủ nhà đã bắt rồi, đã đi qua, nhưng con cá nào vọt ra phía sau hoặc sót lại, là đã thuộc về quyền của bọn con hôi lúc nhúc bám theo sau... Cũng là một tính cách rộng rãi, chịu chơi của người miền Nam. 

Tạm suy luận, "con hôi" trong ngữ cảnh trên là từ "hôi" mà ra. "Hôi" có nghĩa là mót, nhặt bắt những thứ sót lại; dần dần "hôi" mang nghĩa xấu như hôi của, đánh hôi... Nguyên nghĩa của từ "con hôi" là thế này: "Tiếng gọi chung những đứa làm nghề đi bắt cá sót"; "Đi hôi: Đi bắt mót, lấy sót, thường nói về sự đi theo sau kẻ làm nghề đăng sáo mà bắt cá sót; cũng có nghĩa là đi theo quan quân mà lấy của người ta bỏ lại trong lúc đánh giặc, khi ấy kêu là đi hôi của", ông Huình Tịnh Paulus Của giải thích.

Có thể nói, hầu hết trong tâm thức của nhiều người vẫn còn nhớ đến cảnh lúc tát đìa, nếu họ sống ở nông thôn. Ngày xa xưa, có thể chủ nhà đã mời thầy đìa đến cho chắc ăn. Thầy đìa là ai?

Nhà văn Phan Trung Nghĩa, người sống ở Bạc Liêu đã chứng kiến thầy đìa từ thập niên 1960 của thế kỷ 20, cho biết: "Họ giống như những nhà ngoại cảm, đứng trên bờ nhìn trời, nhìn đất, nhìn sông rạch, nhìn hướng gió thổi... mà biết được ở dưới nước, đến mùa nước rút, cá sẽ đi đường nào. 

Có những ông thầy đìa khi đêm đến thì lập bàn hương án dưới bến sông để khấn vái âm binh, thủy thần, sau đó thì xõa tóc, lặn một hơi xuống nước để nghe "âm thủy" mách bảo, rồi lên chỉ cho gia chủ nơi định vị một khẩu đìa. 

Chuyện này linh ứng đến cỡ nào thì tôi không biết, chỉ biết rằng cũng cùng hướng miệng đìa ra một con rạch, nhưng có khẩu đìa tát vài ngàn ký cá, có khẩu đìa chỉ thu được ít trăm ký. Thầy đìa được trả công rất hậu, nhưng họ chỉ lấy tiền vào mùa tát đìa năm sau, vừa tạo điều kiện cho gia chủ, vừa để chứng minh sự tài hoa của mình" (Khách thương hồ - NXB Văn Hóa Văn Nghệ - 2012, tr. 121).

Lắt léo chữ nghĩa: Tình bằng có cái trống cơm... Lắt léo chữ nghĩa: Tình bằng có cái trống cơm... Khán giả đòi đổi tên phim Hương vị tình thân vì quá drama, lắt léo Khán giả đòi đổi tên phim Hương vị tình thân vì quá drama, lắt léo Messi và chuyện lắt léo chữ nghĩa Messi và chuyện lắt léo chữ nghĩa
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
X
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Tin mới Lẩu thập cẩm