Lao động tự do và tự do lao động

TỊNH ANH 26/10/2021 18:10 GMT+7

TTCT - Theo báo Wall Street Journal, cuộc bỏ việc quy mô lớn “không phải là cuộc tháo chạy điên cuồng khỏi văn phòng mà là đích đến của một hành trình dài hướng đến tự do”. Sau một thời gian dài khao khát được tự do tự tại trong công việc và thực sự trải nghiệm sự linh hoạt trong thời COVID-19, nhiều người muốn tiếp tục được tự do như thế khi mọi thứ dần trở lại bình thường.

 
 Ảnh: Inc.com

Thăm dò trên 5.291 thành viên LinkedIn vào đầu tháng 3-2021 cho thấy 50% chọn tính linh hoạt về địa điểm và giờ giấc là ưu tiên hàng đầu khi chọn việc làm, tiếp theo là cân bằng giữa công việc và đời sống (45%), có bảo hiểm y tế (41%), tiền lương (36%) và văn hóa công sở (36%).

Khoảng 10 triệu người Mỹ đang muốn chuyển từ làm việc toàn thời gian sang làm việc tự do, và 73% trong số họ lấy lý do là muốn tiếp tục được làm việc từ xa và linh hoạt, theo một khảo sát gần đây của mạng việc làm Upwork. Đó không phải là ý tưởng tồi. Theo một thăm dò khác của Upwork, 53% doanh nghiệp được hỏi cho biết việc buộc phải chuyển sang làm việc từ xa trong đại dịch đã khiến họ sẵn sàng sử dụng lao động tự do hơn trước đây.

Theo Forbes ngày 15-10, những người bỏ việc thuộc thế hệ bùng nổ trẻ em ở Mỹ có lẽ đã chọn nghỉ hưu sớm vì tích lũy đủ tài sản, những lao động lớn tuổi hơn thì nghỉ vì muốn có cơ hội tốt hơn. Những người trẻ chọn học tập nâng cấp kỹ năng, hoặc chuyển sang ngành mới có nhiều cơ hội và thỏa mãn nghề nghiệp hơn, hoặc “chuyển hướng sang các loại công việc mới và tái định vị bản thân thành chủ doanh nghiệp hoặc nhà kinh doanh chứng khoán”.

Trở thành doanh nhân đang là xu hướng ở Mỹ, và “nói mình đang làm việc cho một startup giờ đây là một biểu tượng của thành công”. Mỹ đã chứng kiến một đợt “bùng nổ startup” và số lượng nộp đơn thành lập doanh nghiệp tăng mạnh; cả năm 2020 có 4,3 triệu hồ sơ được nộp còn 10 tháng đầu năm nay là 3,8 triệu, theo Business Insider.

Xu hướng này đã bắt đầu từ sớm và cuộc bỏ việc quy mô lớn chỉ làm tăng tốc tiến trình này mà thôi. Cụ thể, theo tạp chí chuyên về các doanh nghiệp nhỏ mới nổi Inc, trong những ngày đầu của đại dịch, Mỹ đã có số doanh nghiệp mới thành lập “nhiều hơn bất kỳ quý nào trong lịch sử”, riêng startup thì có 1,4 triệu công ty mới mở.

Trong khi đó, số lượng nhà đầu tư trẻ tuổi, mới chơi lần đầu cũng đã tăng mạnh trên các sàn và nền tảng giao dịch, đầu tư chứng khoán. Robinhood, ứng dụng giao dịch cổ phiếu nhắm đến thế hệ thiên niên kỷ và thế hệ Z, hiện có khoảng 22,5 triệu tài khoản được mở và đa số vẫn đang hoạt động tích cực. Tiền mã hóa và NFT - bỏ tiền để mua quyền sở hữu các tài sản kỹ thuật số - cũng là lựa chọn đầu tư của nhiều người vừa nghỉ việc.

Trong khi đó, làn sóng nghỉ việc ở Trung Quốc vốn đã bắt đầu từ trước, với phong trào “nằm thẳng” của người trẻ, tìm kiếm điều mới mẻ và làm các công việc khiến họ thấy “trọn vẹn”, có ý nghĩa hơn là vùi mình nơi công sở và theo truyền thống công việc, nhà cửa, hôn nhân ổn định. Những người nghỉ việc ở Trung Quốc và các thành viên làn sóng bỏ việc toàn cầu giống nhau ở chỗ cùng tìm kiếm sự tự do và linh hoạt.

Năm 2016, thăm dò của LinkedIn cho biết Trung Quốc có khoảng 30 triệu lao động tự do; năm nay con số do chính phủ cung cấp là hơn 200 triệu, gần 1/4 tổng lực lượng lao động Trung Quốc. Các công ty cũng sử dụng lao động tự do nhiều hơn. Theo báo cáo của Đại học Nhân dân Trung Quốc, 55% công ty ở nước này có dùng lao động tự do trong năm 2020.

South China Morning Post dẫn một báo cáo của nền tảng tuyển dụng online Zhaopin năm 2020 cho biết người Trung Quốc dưới 30 tuổi định nghĩa công việc hoàn hảo là “công việc mang lại sự tự do trong khi vẫn có thể theo đuổi đam mê”. Cũng trong báo cáo này, “chủ cửa hàng độc lập” và “nhiếp ảnh gia tự do” là 2 nghề được giới trẻ mong muốn nhất.

Nền kinh tế số trị giá 6.000 tỉ USD của Trung Quốc cung cấp sẵn nhiều nền tảng khác nhau để người trẻ thử sức với kinh doanh và khởi nghiệp, thay vì cố lấy cho được “bát cơm sắt” - công ăn việc làm với mức thu nhập ổn định và phúc lợi khi về già - như thế hệ trước. “So với thế hệ cha mẹ và ông bà (...) thế hệ trẻ cho rằng họ không cần việc làm chính thức hay một nghề thông thường để kiếm sống” - South China Morning Post nhận xét.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận