Lãnh địa của tướng Soleimani

HỮU NGHỊ 11/01/2020 23:01 GMT+7

TTCT - Sáng thứ bảy 4-1, các kênh 1, 2, 4, và 5 của Đài truyền hình nhà nước Iran IBTV đồng loạt chạy dải băng tang tưởng niệm viên tướng Qasem Soleimani. Đài Al Masar Al Oula của Iraq cũng dán ảnh ông này cùng viên phó tướng Abu Mahdi al-Muhandis của Lực lượng vận động quần chúng Iraq (PMF) bên góc trái. Hai góc nhìn trên truyền hình đó phần nào cho thấy lãnh địa một thời của ông Soleimani.

Cả triệu người đã dự đám tang ông Soleimani ở Tehran. Ảnh: CNN
Cả triệu người đã dự đám tang ông Soleimani ở Tehran. Ảnh: CNN

Cả ngày 4-1, Đài Al Masar Al Oula trực tiếp cảnh dân chúng Iraq xuống đường tuần hành dài cả cây số, tay phải nhịp nhàng đấm ngực theo kiểu Hồi giáo Shia. Đôi lúc đài này tiếp sóng trực tiếp chương trình của IBTV 1 chiếu cảnh dân Iran xuống đường bày tỏ thương tiếc ông Soleimani. 

Cảnh tượng đó tiếp diễn suốt cuối tuần sang tận thứ hai, 6-1, với lễ tang viên tướng nay được xem là tử đạo, mà éo le thay, người đã góp tay “phong thánh” cho ông Soleimani chính là Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Mãnh lực Soleimani

Các bộ phim tư liệu chiếu trên IBTV về viên tướng một thời oanh liệt cho thấy hai mặt hoạt động của ông này. Những phóng sự ông thanh sát tiền tuyến, chỉ trỏ trên các bản đồ quân sự là chuyện đã đành; những phóng sự quay ông hùng hồn diễn thuyết hàng giờ trước đủ mọi cử tọa từ quân nhân cho tới dân sự, càng cho thấy vai trò chiến lược gia và tướng chỉ huy trận tiền trên cả hai mặt trận ngoại giao và quốc phòng vượt quá cái lon thiếu tướng của ông.

Cái lon thiếu tướng khiêm tốn này (Sarlashgar) đánh lừa những ai không hiểu biết về quân đội Iran thời Cách mạng Hồi giáo. Tuy trong danh mục cấp tướng còn có cấp trung tướng (Sepahbod) là cao nhất, song cho tới nay chỉ phong tới cấp thiếu tướng và hiện chỉ có 14 thiếu tướng trên cả nước, bốn trong quân đội chính quy đông đến gần cả triệu người (523.000 hiện dịch và 350.000 dự bị), 9 trong lực lượng Vệ binh cách mạng (120.000 người) và một không nhiệm sở, theo Wikipedia. Tình hình càng căng, tướng lãnh càng hiếm và tinh nhuệ.

Kế đến, cái tên Vệ binh cách mạng (IRGC) cũng dễ gây hiểu lầm đây là lực lượng thứ yếu bên cạnh quân đội chính quy, trong khi đây mới chính là lực lượng tinh nhuệ và trung thành bậc nhất, có nhiệm vụ bảo vệ chế độ Hồi giáo cả trong và ngoài nước.

Dân Iran gọi tổ chức này một cách ngưỡng mộ là Sepāh-e Pâsdârân (Đội quân của những người bảo vệ). IRGC bao gồm cả một lực lượng không quân và tên lửa riêng, mà đáng ngại nhất là các đơn vị máy bay không người lái và tên lửa, vốn kiểm soát tên lửa chiến lược của Iran gồm các tên lửa đạn đạo có tầm bắn trên 1.000km như Fajr-3 MIRV đa đầu đạn có khả năng tránh tên lửa phòng không, Shahab-3, Ghadr-110, Ashoura, Sejjil…

Vụ tấn công vào các cơ sở lọc dầu của Saudi sáng sớm 14-9-2019 với 18 máy bay không người lái và 7 tên lửa đạn đạo từ khoảng cách hơn 1.000km rất có thể là “tác phẩm” của lực lượng này (phe Houthi nhận họ là “tác giả”, song Mỹ nhất định cho rằng Iran mới là thủ phạm; cho dù phe Houthi có là “tác giả” thì càng cho thấy nếu “đệ tử” Houthi đã đánh đấm dữ dằn như vậy, “sư phụ” IRGC công phu còn tới đâu).

Trên tất cả là thiếu tướng Soleimani, nhất là khi lực lượng Quds của ông này trực tiếp dưới quyền đại giáo chủ Khameinei, không thông qua bất cứ bộ trưởng nào. Trong cơ cấu quyền lực, vũ khí trang bị, nhiệm sở và nhiệm vụ của Quds, mà The New Yorker cho là tương đương với CIA và lực lượng đặc biệt Mỹ gộp lại, rõ ràng tướng Soleimani đã âm thầm tự ấn định, chỉ đạo và thực thi đường lối quốc phòng đối ngoại, bởi thế có biệt danh là tư lệnh trong bóng tối.

Cựu giám đốc CIA David Petraeus từng kể một câu chuyện chứng minh tầm ảnh hưởng của Soleimani. Khi còn là tướng chỉ huy chiến dịch của Hoa Kỳ tại Iraq năm 2008, Petraeus nhận được một tin nhắn từ Soleimani do một lãnh đạo cấp cao của Iraq chuyển: “Tướng Petraeus, ông nên biết rằng tôi, Qasem Soleimani, kiểm soát chính sách đối với Iraq, Lebanon, Gaza và Afghanistan.

Ngay cả đại sứ của chúng tôi ở Baghdad cũng là một thành viên của lực lượng Quds. Và người sẽ thay thế ông ta cũng là một thành viên của lực lượng Quds” (The Hindustimes, 6-1).

Mặt trái của tấm mề đay

Tuy nhiên, bất chấp những hình ảnh trên truyền hình Iraq, ông Soleimani không hẳn là được lòng dân ở đó. Từ đầu tháng 10-2019 đã nổ ra nhiều cuộc biểu tình ở Iraq phản đối sự hiện diện của quân đội Iran khiến hơn 250 người Iraq bị chết và hàng ngàn người bị thương, theo Al Jazeera 2-11-2019.

Tướng Soleimani cũng hôm 2-11 đó bực dọc trả lời: “Iran chẳng dòm ngó gì nước nào, song chúng tôi sẽ triển khai lực lượng nếu kẻ thù muốn sử dụng một địa điểm để tấn công Iran, và chúng tôi sẽ hủy diệt địa điểm đó.

Tầm hoạt động của chúng tôi ra khỏi biên giới nước chúng tôi, tới bất cứ nơi nào mà kẻ thù định âm mưu chống chúng tôi”. Theo tờ The Stateman 3-1, chính tướng Soleimani đã “bảo” Chính phủ Iraq bắn vào những người biểu tình.

Các bản tin trên trùng hợp với một số tài liệu bị lộ mà The New York Times cùng The Intercept cùng công bố, theo đó tướng Soleimani trở lại thủ đô Baghdad của Iraq vào giữa tháng 10-2019 trong bối cảnh Thủ tướng Iraq Adil Abdul Mahdi đang đối mặt sức ép lớn vì các cuộc biểu tình liên tục tố cáo ông tham nhũng và quá chiều ý ngoại bang. Báo chí phương Tây nói ông Soleimani đến Baghdad để “vãn hồi trật tự” và vận động giữ ông Mahdi lại ghế thủ tướng.

Các tài liệu trên cũng cho biết sau khi quân đội Mỹ rút quân khỏi Iraq vào năm 2011, Iran nhanh chóng chiêu mộ các tay chân cũ của Mỹ, đặc biệt là các “thông tín viên” cũ của CIA. Những người này được cho là có thể cung cấp thông tin tình báo về các kế hoạch của Chính phủ Hoa Kỳ tại Iraq, dù là để đối phó Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) hay bất kỳ hoạt động bí mật nào khác.

Tất nhiên còn có cộng đồng người Iraq theo Hồi giáo Shia gắn bó với Tehran vì lý do tôn giáo (Lực lượng vận động quần chúng PMF quy tụ 40 tổ chức dân quân tại Iraq đông đến 150.000 người, không chỉ hoạt động tại Iraq từ khi ra đời vào năm 2014 mà còn cả ở Syria).

Đó là đôi điều về những gì ông Soleimani làm ở Iraq. Còn trước đó, ông rất năng tới lui Syria để cứu Bashar al Assad. The New Yorker 23-9-2013 bình luận về giai đoạn đầu cuộc nội chiến Syria, bắt đầu từ năm 2012: “Nếu Assad sụp đổ, chế độ Iran sẽ mất mối liên kết với Hezbollah, căn cứ tiền phương chống Israel.

Trong một bài phát biểu, một giáo sĩ người Iran đã nói: “Nếu chúng ta mất Syria, chúng ta không thể giữ được Tehran… Mặc dù người Iran gặp khó khăn nghiêm trọng bởi các lệnh trừng phạt của Mỹ…, họ vẫn không nề hà trong nỗ lực cứu Assad. Iran đã mở rộng một khoản vay trị giá 7 tỉ đôla nhằm củng cố nền kinh tế Syria…

Họ coi việc mất Assad là một mối đe dọa đối với sự tồn tại của đất nước Iran. Còn với Soleimani, cứu Assad có vẻ là điều đáng tự hào, đặc biệt nếu điều đó phân biệt người Iran với người Mỹ”.

Số tiền 7 tỉ đôla đó, ngoài việc cho thấy phạm vi quyền hạn rất lớn của Soleimani, đối với Iran cùng Syria lúc đó chính là hỗ trợ đồng minh. Song ở bên kia chiến tuyến thì giới chức phương Tây gọi là “tài trợ khủng bố”.

Không dừng ở giúp đỡ tiền bạc, Soleimani còn hỗ trợ trực tiếp trên chiến trường. The New Yorker thuật lại rằng từ cuối năm 2012, phương Tây đột ngột thấy các chuyến bay tiếp tế của Iran đến Damascus tăng từ vài chuyến mỗi tuần lên nhiều chuyến hằng ngày, chở vũ khí đạn dược và cả các sĩ quan lực lượng Quds của Soleimani sang làm cố vấn huấn luyện và tác chiến hỗ trợ Assad.

Tình báo phương Tây cho biết có đến cả ngàn chuyên gia Iran được tung ra khắp Syria, bao gồm cả cấp tướng, như tướng Hassan Shateri dưới quyền Soleimani, tử trận trên đường từ Beirut sang Damascus vào tháng 2-2013.

Có phải tướng Soleimani do sùng đạo mà kịch liệt chống “quỷ dữ” Mỹ và Israel ở khắp Trung Đông? Ryan Crocker, đại sứ Mỹ tại Iraq từ 2007 tới 2009, vốn gián tiếp “biết” viên tướng này qua lời kể của một số lãnh đạo Iraq hay qua lại Tehran, cho biết có lần ông hỏi một lãnh đạo Iraq: “Soleimani có sùng đạo lắm không?”, và được trả lời: “Không hẳn. Tôn giáo không thôi thúc ông ta, mà là tinh thần quốc gia dân tộc, và sự yêu thích chiến đấu”.

Chính vì vậy mà ông Soleimani bị cáo buộc xua các nhóm dân quân Kata’ib Hezbollah và PMF của Iraq vây hãm tòa đại sứ Mỹ tại Baghdad hôm 31-12-2019 và 1-1-2020, tạo cảm giác sắp dẫn đến một vụ Bengazhi thứ nhì (tòa đại sứ Mỹ ở Libya bị tấn công, đại sứ Mỹ bị sát hại vào tháng 9-2012).

Có thể Baghdad là lãnh địa của ông Soleimani, song tòa đại sứ Hoa Kỳ lại là lãnh thổ Mỹ. Trong đầu óc ông Trump, một vụ Benghazi thứ nhì không được phép xảy ra, một vụ chiếm đóng và giữ làm con tin 55 nhân viên sứ quán Mỹ suốt 444 ngày như hồi tháng 11-1979 càng không thể tái diễn. Ông Soleimani, như rất nhiều người khác, có vẻ đã “căn” sai đầu óc ông Trump.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận