15/06/2019 14:33 GMT+7

Lãnh đạo Hong Kong dừng thông qua dự luật dẫn độ

D. KIM THOA
D. KIM THOA

TTO - Bà Carrie Lam, trưởng đặc khu hành chính Hong Kong, vừa thông báo sẽ hoãn vô thời hạn việc thông qua dự luật dẫn độ gây tranh cãi.

Lãnh đạo Hong Kong dừng thông qua dự luật dẫn độ - Ảnh 1.

Người biểu tình giơ cao biểu ngữ phản đối dự luật dẫn độ tội phạm về Trung Quốc đại lục bên ngoài tòa nhà Hội đồng lập pháp Hong Kong, Trung Quốc ngày 14-6 - Ảnh: REUTERS

Đài CNN cho biết bà trưởng đặc khu hành chính Hong Kong thừa nhận dự luật đã "gây ra quá nhiều chia rẽ trong xã hội".

Theo hãng tin Reuters, nhà lãnh đạo Hong Kong, bà Carrie Lam hôm nay (15-6) đã tuyên bố trì hoãn vô thời hạn dự luật cho phép dẫn độ những người phạm tội về xét xử tại Trung Quốc đại lục sau nhiều ngày biểu tình kéo dài tại đặc khu hành chính này.

Trong động thái được đánh giá là sự “xuống thang” đáng kể của chính quyền đặc khu kể từ khi Hong Kong được trả về Trung Quốc năm 1997, bà Lam cho biết hội đồng lập pháp thành phố sẽ dừng mọi công việc liên quan tới dự luật. 

Lãnh đạo Hong Kong dừng thông qua dự luật dẫn độ - Ảnh 2.

Bà Carrie Lam phát biểu tại cuộc họp báo chiều 15-6 - Ảnh: REUTERS

Các bước tiếp theo sẽ được thảo luận sau khi tiến hành tham vấn với các bên liên quan khác nhau.

Quyết định này được xem là để hạ nhiệt cơn giận công luận trong mấy ngày qua với cuộc biểu tình lớn trong nhiều ngày.

Chủ nhật tuần trước (9-6), theo số liệu của những người tổ chức tuần hành, khoảng 1 triệu người đã diễu hành qua các tuyến phố tại Hong Kong để phản đối dự luật. Cảnh sát đã phải dùng tới đạn cao su và súng hơi cay để trấn áp dòng người biểu tình, cả thành phố rơi vào hỗn loạn.

Không lâu trước khi nhà lãnh đạo Hong Kong chính thức công bố việc tạm dừng vô thời hạn dự luật dẫn độ, báo New York Times dẫn nguồn tin từ những người nắm rõ các kế hoạch chi tiết của sự việc, trong đó có cả các cố vấn của bà trưởng đặc khu hành chính Hong Kong, cho biết để hạ nhiệt cơn giận công luận, nhà lãnh đạo Hong Kong đang chuẩn bị thông báo tạm ngừng vô thời hạn việc thông qua dự luật dẫn độ gây tranh cãi.

Các nguồn tin của New York Times cũng nói bà Carrie Lam đã tham vấn các cấp trên của bà tại Trung Quốc đại lục về vấn đề này. Do tính chất nhạy cảm của vấn đề và vì không có thẩm quyền phát ngôn về sự việc, mọi nguồn tin của NYT đều giấu tên.

Lãnh đạo Hong Kong dừng thông qua dự luật dẫn độ - Ảnh 3.

Người dân Hong Kong theo dõi cuộc họp báo của bà Carrie Lam ngày 15-6 - Ảnh: REUTERS

Như vậy, đây là sự đảo ngược rất đáng kể với nhà lãnh đạo ủng hộ chính quyền tại Bắc Kinh, bà Carrie Lam. 

Trước đây, bà Lam từng tuyên bố sẽ đảm bảo việc thông qua dự luật này trong tiến trình thời gian rút ngắn bất thường, kể cả khi hàng trăm ngàn người dân Hong Kong đổ ra đường biểu tình phản đối tuần này.

Một cuộc biểu tình lớn khác phản đối dự luật cho phép dẫn độ những người phạm pháp về xét xử tại Trung Quốc đại lục đã được lên kế hoạch vào ngày mai, 16-6. Các nhân vật chủ chốt trong lực lượng biểu tình cho biết việc chỉ trì hoãn dự luật này vẫn là chưa đủ với họ.

Giới lãnh đạo thành phố hi vọng việc trì hoãn phê chuẩn dự luật sẽ giúp xoa dịu cơn giận của công chúng và tránh bớt xung đột bạo lực.

Cũng theo các nguồn tin nêu trên, bà Lam cũng như các lãnh đạo cấp cao hơn tại Bắc Kinh dĩ nhiên không muốn rút bỏ luôn dự luật dẫn độ như yêu sách của những người biểu tình, nhưng ngay lúc này họ vẫn chưa có những kế hoạch khác để thúc đẩy việc thông qua nó.

Một nhóm các quan chức Trung Quốc cấp cao và các chuyên gia đã nhóm họp ngày 14-6 với bà Carrie Lam tại thành phố Thâm Quyến, thành phố thuộc Trung Quốc đại lục giáp biên giới với Hong Kong, để đánh giá tình hình.

Trong quá khứ chính quyền Hong Kong cũng đã từng phải rút bỏ hoàn toàn những dự luật đề xuất sau khi vấp phải phản ứng mạnh mẽ của người dân. Đó là dự luật an ninh quốc gia năm 2003 và dự luật giáo dục lòng yêu nước bắt buộc năm 2012.

Đại gia Hong Kong chuyển tài sản ra nước ngoài vì sợ luật dẫn độ Đại gia Hong Kong chuyển tài sản ra nước ngoài vì sợ luật dẫn độ

TTO - Một số tài phiệt Hong Kong bắt đầu chuyển tài sản cá nhân ra nước ngoài do lo ngại chính quyền đặc khu sẽ thông qua dự luật dẫn độ mới, cho phép các nghi phạm có thể bị dẫn độ sang Trung Quốc đại lục.

D. KIM THOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0