TTCT - Trong ba ngày bám theo “tàu mẹ” (tàu đánh bắt và bán hải sản) và “tàu con” (tàu bán nhu yếu phẩm và mua hải sản) giữa mênh mông sóng biển, tôi hiểu được nhờ đâu mà người dân xã Hải Bình, huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa) giàu lên trông thấy.

Phóng to

Từ khi xã Hải Bình trở thành làng dịch vụ hậu cần nghề cá trên biển với việc cung cấp xăng dầu, lưới, gạo... cho tàu đánh cá cách xa bờ hàng trăm hải lý và mua về hàng chục ngàn tấn hải sản mỗi ngày, hoạt động đánh bắt và kinh doanh hải sản ở đây mang một diện mạo mới.

Thu gom giữa đại dương

Tôi quá giang tàu con trọng tải 50 tấn của ông chủ trẻ Phan Thi rời cảng cá Hải Bình lúc 20g ngày 4-5, 12g hôm sau tàu đã vượt qua 100 lý (ngư dân Hải Bình quen gọi tắt hải lý là lý). Ra gần đến vùng biển cá, anh Thi liên lạc qua máy bộ đàm với một số tàu mẹ là bạn hàng thân thiết. Tàu vừa ra đến tọa độ đã hẹn nhau trên máy định vị bằng vệ tinh thì tàu mẹ của ông Đức ở Quảng Ngãi tiến lại gần. Những túi gạo, bì rau, thùng bia… từ tàu con được chuyển sang tàu mẹ và nhận lại những túi tôm, cá, mực. Công việc diễn ra chóng vánh.

Anh Thi nói to trong ầm ào gió biển: “Hễ tàu ra đây là có hàng ngay. Mua xong hàng của tàu này đi thêm sáu, bảy lý nữa mua tiếp hàng của tàu khác. Giữa đại dương mênh mông mà cứ như đi giữa chợ làng, nghĩa là thu gom mỗi tàu một ít cho đến khi đủ 50 tấn mới vào bờ”. Hai tàu vừa rời nhau thì tàu mẹ quay về ngư trường của mình tiếp tục giăng cất những mẻ lưới, các thuyền viên trên tàu con nhanh tay lựa từng loại cá, tôm… cho vào từng túi nilông chuyển xuống hầm ướp đá lạnh.

Suốt đêm hôm ấy đến trưa hôm sau, tàu của anh Thi mua được 50 tấn hải sản nên phải đưa hàng vào bờ ngay, thế là tôi nhờ anh liên lạc với tàu con khác vừa ra để tiếp tục cuộc hành trình.

Phóng to
Mẻ lưới trong đêm của tàu Quảng Ngãi - Ảnh: Vũ Toàn

Từ đó, tôi bám theo tàu của anh Nguyễn Thanh Hoàng, ông chủ 40 tuổi của chiếc tàu 80 tấn, trị giá 2,4 tỉ đồng, vừa mới xuất xưởng ở Quảng Ngãi. Là dân Quảng Ngãi, anh Hoàng trở thành cư dân Hải Bình sau khi lập gia đình với cô gái mua cá ở địa phương. “Những công dân “một chốn đôi quê” như tôi ngày một nhiều ở xã cá này” - anh giải thích.

Đang trò chuyện thì có tiếng gọi từ bộ đàm, anh Hoàng một tay chỉnh vòng lái, một tay cầm máy hỏi ngay: “79 đây. 38 ở tọa độ nào? Hàng nhiều hay ít?”. Khoảng 30 phút sau, tàu 79 giảm tốc độ để áp vào tàu 38 của chủ tàu Nguyễn Đen. Trước khi sang tàu ông Đen xem cá, anh Hoàng nói: “Ông Đen cũng quê Quảng Ngãi với tôi, tàu có 5 tấn hàng, bốc một lát là xong”.

Lúc ấy sóng biển cấp 5, gió thổi cồn cột. Cả tàu mẹ lẫn tàu con bị nhồi sóng liên tục. Những chiếc lốp máy cày to đùng làm “hàng rào bảo hiểm” bên mạn tàu con cọ xát kêu ken két. Thuyền viên trên hai tàu vừa cân hàng vừa chuyền hàng và đón hàng như một dây chuyền vận hành không nghỉ. Trong buồng lái, hai chủ tàu bấm máy tính thanh toán tiền nong.

Ông Đen nói: “Tôi chỉ lấy tiền tươi (tiền lẻ), còn tiền chẵn anh Hoàng vào bờ chuyển khoản cho vợ ở nhà. Cứ như thế, khi nào tài khoản đầy rồi vợ mới réo về”.

Phóng to
Chuyển hàng từ tàu con sang tàu mẹ - Ảnh: Vũ Toàn

Trở lại ghế lái, anh Hoàng tâm sự: “Ít nhất mỗi ngày đêm họ đánh được ba mẻ cá, có mẻ được cả chục tấn. Tài khoản của vợ các ông chủ này đầy có nghĩa là ngót nghét 1 tỉ đồng mỗi năm. Trước đây, khoảng mười ngày là họ phải vào Hải Bình một lần để bán cá và mua ngư cụ, nhu yếu phẩm ra biển đánh tiếp. Như thế vừa tốn thời gian chạy vào chạy ra, vừa giảm năng suất. Giờ thì họ cứ việc đánh cá hàng tháng trời ngoài biển vì tàu của Hải Bình liên tục thay nhau ra mua. Cách làm này tàu mẹ, tàu con đều có lợi”.

Máy bộ đàm lại vang lên tiếng gọi của bạn hàng. Anh Hoàng lộ vẻ vui mặc dù đêm nay thức trắng để di chuyển và mua khoảng 50 tấn hàng của sáu đôi tàu bạn. Thế là 13 thuyền viên trên tàu tranh thủ ăn mì gói, uống nước chanh để giữ sức đến 4g sáng mới ăn cơm. Họ làm quần quật suốt đêm, mỗi người một việc. Rời đôi tàu thứ sáu, anh Hoàng bảo: “Còn 30 tấn nữa sẽ mua trên đường về. Nhờ tàu nào cũng sẵn hàng nên chuyến này mình chỉ mất ba ngày”.

Ba ngày làm ăn sẽ lãi bao nhiêu? Anh nói: “Trừ 50 triệu đồng chi phí chuyến đi và tiền lương của 13 thuyền viên, lãi khoảng 20 triệu đồng/chuyến. Một tháng phấn đấu được 4-5 chuyến mới trụ được với nghề này”.

Phóng to
Bến cá Hải Bình hoạt động rộn rịp ngày đêm - Ảnh: Vũ Toàn

Bám biển làm giàu

Dịch vụ mua bán trên biển ngày càng ăn nên làm ra nên ngư dân xã Hải Bình chuyên tâm nghề này. Hiện xã có 65 tàu từ 50 tấn trở lên thường xuyên ra khơi đưa cá về khiến cảng cá nhộn nhịp cả ngày lẫn đêm.

Tàu anh Hoàng vừa vào bờ đã thấy rất đông khách hàng và xe đông lạnh chờ sẵn. Hàng chục nhân công xuống tàu chuyển cá lên, tạo thành dây chuyền mới với người cân cá, người gánh cá, người bốc cá lên xe chở về các cơ sở chế biến. Cùng lúc đó, những chuyến xe chở đá lạnh, xăng dầu, gạo, rau và lưới, chì đến cung cấp cho hàng loạt tàu con chuẩn bị ra khơi. Tiếng xe chở hàng, tiếng máy xay đá làm cho bến cảng thêm náo nhiệt.

“Dịch vụ hậu cần nghề cá và thu mua hải sản trên biển ở Hải Bình đã có sức lan tỏa khiến một số địa phương vùng biển khác trong cả nước học hỏi, làm theo để thoát nghèo. Đột phá này đã giúp Hải Bình trở thành xã giàu và là xã điểm về mô hình nông thôn mới của huyện Tĩnh Gia”.

Có mặt tại cảng cá, chủ tịch UBND xã Hải Bình Nguyễn Quốc Tuấn cho biết trước đây nghề khai thác hải sản chủ yếu đánh bắt gần bờ lại làm ăn nhỏ lẻ, manh mún, đó là chưa kể việc dùng kích điện, nổ mìn hoặc hóa chất để khai thác nên hủy diệt môi trường. Xã có 300 tàu công suất dưới 33 ngựa nên chỉ làm được 1.500 tấn cá/năm. Nếu chia bình quân cho 2.700 hộ (12.000 người) thì không đủ phục vụ đời sống của dân trong xã, nói chi tới chuyện tôm cá thành hàng hóa nội địa và xuất khẩu.

Từ năm 2001, khi đội tàu dịch vụ hậu cần nghề cá và thu mua hải sản trên biển ra đời, Hải Bình đạt sản lượng 60.000 tấn hải sản các loại/năm. “Kết quả này thật sự làm biến đổi đời sống ngư dân toàn xã vì “ăn theo” dịch vụ này là các xưởng sửa chữa tàu thuyền, cơ sở cung cấp lưới sợi, phụ tùng máy móc, sản xuất đá lạnh... Có thể nói đây là mốc lịch sử “cởi trói” cho nghề cá vốn dĩ nghèo khó ở Hải Bình” - ông Tuấn khẳng định.

Câu chuyện nghề cá càng hấp dẫn hơn khi nhà máy chả cá Surimi của Công ty Long Hải ra đời có hơn 1.000 công nhân là người địa phương, công suất 250 tấn/ngày. Sản phẩm chủ yếu xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, mang về 8,5 triệu USD riêng năm 2011. Đây là nhà máy chế biến hải sản tầm cỡ của miền Bắc.

Từ những dẫn chứng thuyết phục này, tôi ấn tượng thêm với câu nói của lão ngư Nguyễn Bền bên cảng cá: “Ở mô người ta úp tàu thuyền đi xuất khẩu lao động bên xứ người để kiếm đồng tiền mồ hôi nước mắt, chứ ở đây dân chúng tôi không ai màng tới chuyện đó. Dân Hải Bình không thích ở thành phố vì ngày đêm bám biển, bám làng cũng có của ăn của để, lại gìn giữ được an ninh vùng biển”.

Phóng to
Dịch vụ sửa chữa tàu của làng Hải Bình - Ảnh: Vũ Toàn

Ông “dịch vụ trên biển”

Đó là tên gọi thân mật của giám đốc Công ty Long Hải Nguyễn Văn Long, một trong ba người có ý tưởng thành lập đội tàu làm dịch vụ nghề cá và thu mua hải sản trên biển. Sinh năm 1962 ở Hải Bình, năm 1983 sau khi xuất ngũ chàng trai quê biển lại bám với nghề đánh cá. Bảy năm sau, anh lên bờ chuyển hướng làm thương mại với phương tiện lúc đó chỉ là chiếc xe máy chở cá đi 40 cây số nhập cho các đại lý ở TP Thanh Hóa. Sau hai năm làm ăn khấm khá, anh thuê ôtô chở cá lên các tỉnh biên giới phía Bắc như Lạng Sơn, Cao Bằng và vào Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu để bán.

Năm 1996, một lần thấy các chủ tàu Quảng Ngãi, Bình Định vào Hải Bình bán cá xong nhưng phải chờ 2-3 ngày mới mua được một ít đá lạnh để trở ra biển, anh và một người bạn hùn vốn xây dựng cơ sở sản xuất đá lạnh công suất 50 tấn/ngày. Từ đá lạnh, những đoàn tàu đánh cá có nhu cầu mua xăng dầu, ngư cụ, gạo và thực phẩm nhưng anh xoay không kịp. Biết vậy, các chủ tàu đánh cá hỏi “vì sao Hải Bình không đóng tàu mang đá, xăng dầu... ra biển bán cho tụi tui rồi mua cá về mà bán. Một công đôi việc sẽ có lãi to đấy”.

Như bừng tỉnh giấc mơ chinh phục cái nghèo, năm 2005 anh Long vào Quảng Ngãi đóng con tàu 50 tấn. Bốn tháng sau, anh đóng tiếp tàu 100 tấn. Năm 2007, anh bán tàu cũ, dồn sức đầu tư đóng tiếp bốn tàu mới. Lúc đó ngư dân Hải Bình lần lượt làm theo để có 65 tàu từ 50 tấn trở lên như hiện nay.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận