Làng đại học: thừa quán nhậu, thiếu tiệm sách

TTCT - Làng đại học (ĐH) TP.HCM tập trung rất nhiều trường ĐH lớn với hàng chục ngàn sinh viên. Nhưng trái với sự tưởng tượng về một “thành phố trí thức”, làng ĐH là nơi mà hiệu sách nhường bước trước quán nhậu, karaoke, tiệm nét (Internet) chơi game… và hoạt động giải trí đỏ đen.


Hiệu sách của chị Lê Thị Bích Nương chủ yếu cho thuê truyện tranh dù có nhiều tựa sách triết học, văn học... và ít ai mua - Ảnh: L.P.


Chỉ một cung đường ngắn từ cổng ký túc xá ĐH Quốc gia vòng qua các trường Khoa học tự nhiên, Thể thao, Khoa học xã hội & nhân văn, Quốc tế…, chúng tôi dễ dàng đếm được 40 quán nhậu, karaoke, tiệm nét chơi game. Nhưng cũng con đường ấy, sáu hiệu sách lèo tèo hiện ra ở những vị trí ít ai ngờ nhất.

Sách sống nhờ nhu yếu phẩm

Nhà sách Nguyễn Văn Cừ hoành tráng nhất cả làng ĐH nhưng chỉ có chừng 20 kệ sách, 2/3 diện tích còn lại của nhà sách là bán quần áo, nước chấm, thịt đông lạnh, đồ dùng gia đình... 

Trong vòng 20 phút đứng tại nhà sách, chúng tôi chỉ thấy hai người mua sách cầm ra chỗ tính tiền, sáu người còn lại mua quà lưu niệm, xem thử đồ ở quầy quần áo và cầm ra tính tiền những món gia dụng. 

Ngay cả sách ở đây cũng được bày rất lộn xộn. Tại kệ, những tựa sách không hề liên quan chủ đề với nhau như Việt Nam - Tư liệu tóm tắt lại được xếp cạnh quyển truyện tranh Rio - chàng ngố và... 280 giải đáp cách phòng chữa các bệnh về kinh nguyệt. Tuy nhiên cách các kệ sách ấy chừng vài mét, quần áo, giày dép, nước chấm, mì gói… được trưng bày một cách rất chỉn chu.  

Bạn Đặng Thị Huyền, sinh viên năm 3 ngành quản trị kinh doanh, ĐH Tin học và ngoại ngữ HUFLIT, đã ở làng ĐH với chị gái từ năm đầu tiên vào ĐH cho biết: “Sách giáo trình tôi học do trường soạn, có tìm thêm sách của bạn bè cùng ngành ở trường khác. Tiểu thuyết khoa học viễn tưởng tôi chỉ tìm được ở các nhà sách tại quận 9, hoặc phải đi xe buýt xuống Biên Hòa”. 

Huyền không phải là trường hợp duy nhất phải chịu khó đến trung tâm thành phố cách làng ĐH 20km để có được cơ hội lang thang tìm sách trong một nhà sách thật sự.

Cách nhà sách hoành tráng này vài trăm mét là vài hiệu sách nhỏ. Bà chủ hiệu sách Trường Giang cho biết: “Ở đây sinh viên mua chính là giáo trình cũ, sách học tiếng Anh, rẻ mà, xài xong hết học kỳ bán lại”. Chính vì thế, bà kiêm luôn việc mua lại giáo trình photo, giáo trình cũ của tất cả ngành học. Hơn chục kệ sách trong tiệm chủ yếu là giáo trình photo, giáo trình triết học Mác - Lênin, sách ngữ pháp tiếng Anh căn bản... 

Các loại sách học thuật, nghiên cứu khác hầu như không có. Kệ sách văn học cũng chỉ có vài chục quyển kê sát tường ở góc ít người lai vãng đến.

Ngay ngã ba dẫn vào tòa nhà mới của ĐH Khoa học tự nhiên là một tiệm bán nón thời trang kèm bán sách. “Các bạn thích mua nhiều là mấy quyển Phải lấy người như anh, Rừng Na Uy, Anh sẽ đợi em trong hồi ức, Anh sẽ lại cưa em nhé, Kiếp sau, Tình dục của gấu trúc... Nói chung là chuyện yêu đương thôi!” - cô sinh viên bán thuê cho quán nói.

Lê Nguyễn Thu Thủy, sinh viên năm 3 ĐH Kinh tế luật - ĐH Quốc gia TP.HCM, kể: “Sách ở làng ĐH được cái rẻ hơn trong nhà sách, mua ngoài vỉa hè cũng có, nhiều nhất là mấy quyển của Quỳnh Dao, Tào Đình. Tôi đang đọc quyển Đắc nhân tâm cũng mua ngoài đó. Còn sách khoa học phải lên mạng tìm thôi”.

Trong một tiệm sách nhỏ nhắn tên Gia Hân, chị chủ tiệm tên Nương chỉ lên kệ sách nói: “Tôi chỉ bán được nhiều nhất là sách giáo trình photo vào đầu kỳ học hoặc mùa thi học kỳ thôi, mấy bạn đi tìm tài liệu ôn thi qua môn. Còn ngày thường cho thuê truyện tranh kiếm sống. Ở đây, các bạn đọc truyện tranh nhiều lắm”.

Như một nỗ lực, chị Nương cũng trưng bày sách lịch sử, triết học, kỹ thuật và văn học ra một số kệ bên ngoài, đẩy truyện tranh xuống các kệ dưới cùng. Nhưng người ngoài nhìn vào cũng dễ dàng thấy hàng trăm quyển truyện tranh “lép vế” nơi đáy kệ kia mới chính là thứ nuôi sống tiệm sách của chị Nương.

Địa điểm nhóm thanh niên đánh người, đập xe tại quán nhậu Đại Bình lúc 20g ngày 7-5 - Ảnh: Anh Bảo

Huyên náo về đêm

Là địa phận nhạy cảm khi nằm giáp ranh với địa bàn Thủ Đức, TP.HCM và tỉnh Bình Dương, làng ĐH từ lâu luôn là điểm nóng về an ninh khu vực. Ở đây người ta nói về những con đường nhậu nhẹt, quán karaoke vài chục ngàn đồng/giờ… Trước cổng ký túc xá ĐH Quốc gia giờ đây là bốn quán nhậu liền kề nhau. 

Ở cổng Trường Khoa học xã hội & nhân văn, những cậu sinh viên ngồi đánh bài cả ngày trong quán cà phê, đến tối khuya thì chực chờ một trận cá độ bóng đá xem trực tiếp trên tivi. Sau lưng một quán cà phê là dãy bàn bida dài sáng đèn cả ngày.

Nửa đêm 6-5, đèn đường đã tắt từ lâu nhưng hơn chục tiệm nét chủ yếu kinh doanh trò chơi trực tuyến trên đoạn đường kéo dài từ Trường ĐH Khoa học tự nhiên tới trước Trường ĐH Khoa học xã hội & nhân văn vẫn cho chơi game thâu đêm suốt sáng, dù giờ đóng cửa là từ 23g. Mỗi tiệm trung bình có 30-40 game thủ. Trong ánh đèn tối mờ, các sinh viên game thủ mình trần ngồi một dãy, phả khói thuốc mù mịt và liên tục chửi thề do thua game.

Thu hút sinh viên không kém là hàng loạt quán nhậu rải khắp làng ĐH. Nổi tiếng nhất là khu ăn nhậu ở ấp Tân Lập, P.Đông Hòa, thị xã Dĩ An, Bình Dương, luôn huyên náo về đêm. Khoảng 20g ngày 7-5, một tốp hai xe máy chở năm thanh niên tấp vào quán nhậu Đại Bình. Khoảng 30 phút sau, một thanh niên thấp lùn trong nhóm cởi phăng áo thách thức: “Đằng kia có chiếc xe nhìn thấy ghét, thằng nào ra đập xe tao bao chầu nhậu”. 

Vừa nghe xong, một thanh niên lấy cục gạch trước cửa quán tiến lại đập vỡ nát hai bên sườn xe. Khi chủ nhân chiếc xe Nouvo đỏ mang biển số 61 (Bình Dương) chạy ra can ngăn thì nhóm thanh niên trên nhảy vào đấm đá túi bụi. Một số người dân hô hoán, thấy không ổn nhóm thanh niên lao lên xe bỏ chạy về ngã ba Trường ĐH Khoa học xã hội & nhân văn mất dạng.

Lúc 1g sáng 6-5, bên trong một tiệm nét trước cổng Trường ĐH Khoa học tự nhiên vẫn nhộn nhịp sinh viên chơi game, dù ngoài cửa tiệm ghi giờ mở cửa từ 7g-23g - Ảnh: Chính Thành

Đỏ đen, trộm cắp hoành hành

Ở làng ĐH có cả chục tụ điểm ghi đề phục vụ những sinh viên máu mê cờ bạc. Cứ tầm 15-16g, họ lục tục kéo tới các mối để ghi phơi đề. Để đề phòng công an bất ngờ kiểm tra, những điểm này chỉ ghi đề cho sinh viên quen mặt, người lạ phải có bảo lãnh. Một sinh viên rành số đề cho biết: “Chơi bao nhiêu cũng được. Nếu quen biết có thể ghi thiếu từ 300.000 tới 1 triệu đồng”.

Ông Huỳnh Tấn Long, trưởng Công an P.Linh Trung, Thủ Đức, cho biết có một số điểm ghi đề, cá độ bóng đá mới hoạt động bên phường chưa nắm hết được. Tháng 3 năm nay, phường đã mời một hộ dân ở tổ 3, khu phố 6 tổ chức cho sinh viên ghi đề lên làm cam kết không tái phạm. 

Chỉ riêng tháng 4-2012, công an phường đã bắt hai đối tượng trộm cắp tại phòng trọ sinh viên, thu giữ một laptop trả lại cho chủ nhân. Đặc biệt, công an phường đã bắt gọn sáu thanh niên sử dụng ma túy trong một phòng trọ về đêm tại khu phố 6, P.Linh Trung.

Một đặc điểm chung là hầu hết đối tượng vi phạm đều là những thanh niên ăn chơi từ các nơi khác vào làng ĐH. Để hạn chế tội phạm ở làng ĐH, mỗi đêm từ 19g-5g sáng phường cử một cảnh sát khu vực, hai công an cơ động và hai bảo vệ dân phố đi tuần tra. “Nhưng do tính chất nhạy cảm của P.Linh Trung nằm giáp ranh với P.Đông Hòa, Bình Dương nên an ninh nhìn chung vẫn còn rất phức tạp”- ông Long thừa nhận.

Bên phía P.Đông Hòa, Bình Dương, trung tá Nguyễn Vân Hây, trưởng công an phường, cho biết do làng ĐH không đủ sân chơi nên hầu như sinh viên muốn giải trí chỉ biết vào quán nhậu, cà phê, tiệm nét, bida sau giờ học. Các loại hình cờ bạc, lô đề, cá độ bóng đá… phát sinh từ đó.

Trung tá Hây cho biết tại các tiệm nét, quán nhậu về khuya, công an phường phối hợp với bộ phận văn hóa - thông tin thường xuyên tuần tra, xử phạt hành chính các quán hàng vi phạm hoạt động quá giờ. Tuy nhiên, do mức xử phạt theo quy định quá thấp nên không răn đe được.

PGS.TS Huỳnh Ngọc Sang, giám đốc Trung tâm Quản lý và phát triển khu đô thị ĐH - ĐH Quốc gia TP.HCM, cho rằng làng ĐH tập trung đến 52.198 sinh viên (số liệu tháng 4-2011) nhưng cơ sở hạ tầng, khu vui chơi thiếu thốn, chưa đồng bộ. 

Để củng cố tình hình an ninh trật tự trong khu đô thị ĐH, hướng đi sắp tới là sẽ liên hệ giữa trung tâm điều hành ĐH Quốc gia với địa phương, giao nhiệm vụ cho Đoàn thanh niên và ban quản lý sinh viên của các trường ĐH hợp sức tuyên truyền đảm bảo an ninh, văn hóa lành mạnh tới toàn bộ sinh viên.

Trên địa bàn khu phố Tân Lập (Đông Hòa, Dĩ An, Bình Dương) hiện có 7 tiệm bida, 12 quán karaoke, 18 quán cà phê, 18 tiệm nét, trong đó nhiều tiệm nét thường xuyên vi phạm hoạt động quá giờ, quán nhậu khuya không có biển hiệu hoạt động đến 2-3 giờ sáng. 

Đầu năm 2012 đến nay, Công an P.Đông Hòa đã bắt hai vụ cướp giật tài sản (điện thoại), 12 vụ trộm tài sản (xe gắn máy, điện thoại, laptop...), bắt 17 tên, bốn vụ bắt sáu đối tượng mang theo vũ khí thô sơ, xử lý bảy vụ gồm 17 đối tượng gây rối trật tự công cộng.


Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận