Làm sao cảnh báo người từng tiếp xúc “F0”?

NGUYỄN VŨ 08/04/2020 06:04 GMT+7

TTCT - 130 nhà nghiên cứu ở châu Âu nghĩ giải pháp giúp người dân có thể dần ra khỏi nhà, cứu lấy nền kinh tế trong đại dịch.

 

 Ảnh: News Europe

Sử dụng điện thoại di động để lưu trữ thông tin về mọi tiếp xúc gần giữa người dùng với nhau, cảnh báo những người còn lại khi một trong số họ được xác định là F0, tức nguồn lây COVID-19. 

Đây là giải pháp mà 130 nhà nghiên cứu ở châu Âu kỳ vọng có thể giúp mọi người dần dần ra khỏi nhà, trở lại làm việc để cứu lấy nền kinh tế.

Người lây nhiễm COVID-19 có thể trải qua vài ba tuần chưa có triệu chứng nên có thể đi lại nhiều, tiếp xúc với nhiều người; đến khi phát hiện thì rất khó truy tìm lại những nguồn tiếp xúc để có biện pháp cách ly.

Dự án PEPP-PT hứa hẹn truy tìm mọi F1 rồi tự động thông báo cho họ, chính xác đến tận địa điểm tiếp xúc, thời gian tiếp xúc. Ai nhận cảnh báo sẽ phải tự cách ly 14 ngày ở nhà, còn không thì cứ sinh hoạt bình thường.

Khi người dùng tải về và cài đặt một ứng dụng phát triển dựa trên nền tảng mà dự án PEPP-PT đưa ra, họ sẽ được gán cho một mã số định danh ID mà chỉ có máy chủ trung tâm biết, làm cho mọi dữ liệu được ẩn danh. 

Ứng dụng sẽ ngẫu nhiên phát ra các đoạn mã gắn với ID này bằng công nghệ bluetooth, đồng thời lắng nghe các đoạn mã do các điện thoại xung quanh cũng đang phát. Nếu hai máy tiến gần với nhau dưới 2m chẳng hạn, ứng dụng sẽ ghi lại dữ liệu tiếp xúc, lưu lên cả hai máy trong vòng 21 ngày, dữ liệu trên 21 ngày, là thời gian đủ để người nhiễm COVID-19 phát triệu chứng rõ rệt.

Khi một người lây nhiễm phát bệnh đi bệnh viện, bác sĩ hay phòng xét nghiệm sẽ trao cho họ một mã số để người đó có thể kích hoạt thông báo họ dương tính. Thế là tất cả những tiếp xúc gần trong vòng 21 ngày qua sẽ được ứng dụng tự động thông báo với đầy đủ chi tiết về lần tiếp xúc.

Nhóm nghiên cứu PEPP-PT không xây dựng ứng dụng, mà chỉ thiết kế mã nguồn mở, làm máy chủ trung tâm, xây dựng nơi trao đổi dữ liệu toàn cầu… sẵn sàng hỗ trợ các nước dựa vào mã nguồn này để làm ứng dụng cho riêng từng nước. 

Đặc điểm của phương án này là dễ triển khai, nhân rộng, miễn phí và ẩn danh, là yếu tố quan trọng để người dân các nước quen với việc tôn trọng thông tin riêng tư đồng ý tham gia. Danh tính người nhiễm cũng như các F1 sẽ không bị tiết lộ, các bên biết nhau chỉ qua một ID là một dãy số.

Tuy nhiên, dự án vẫn còn một số trở ngại lớn cần vượt qua. Đầu tiên là khả năng bị kẻ xấu phá (như không bị nhiễm nhưng vẫn khai dương tính làm rối hệ thống). Họ đang nghiên cứu giải quyết vấn đề này bằng cách chỉ khi bác sĩ hay phòng xét nghiệm cấp mã số thì người dùng mới được thông báo họ dương tính.

Thứ hai là ứng dụng phải đạt mức 60% người dân sử dụng, đồng ý khai báo ban đầu và mở bluetooth thường xuyên mới có hiệu quả. Các nước châu Âu, Bắc Mỹ có tỉ lệ sử dụng điện thoại di động thông minh cao, nhưng ở các nước đang phát triển người dân vẫn còn sử dụng điện thoại bình dân, khó lòng cài ứng dụng. 

Tuy nhiên, những nhà nghiên cứu tham gia dự án PEPP-PT cho rằng chỉ cần 1% dân số sử dụng ứng dụng cũng đem lại sự khác biệt, giúp giảm con số lây nhiễm vì giúp thúc đẩy cách ly xã hội đúng người cần cách ly.■

 

 

Ứng dụng NCOVI của Việt Nam cũng là một trong những ứng dụng sớm ra đời để hỗ trợ người dân theo dõi tình hình dịch COVID-19. Trang web ncovi.vn có mục “Bản đồ vùng dịch”, đăng bản đồ kèm theo vị trí các ca bệnh đã xác định.

NCOVI cho phép người dùng có thể cập nhật thông tin dịch bệnh và bản đồ vị trí các ca để biết khu vực mình đang sống có gần các ca lây nhiễm không, nhưng không có chức năng thông báo tự động nếu người dùng trước đó có tiếp xúc với các ca lây nhiễm.

Nhà phát triển ứng dụng nên phối hợp với Bộ Y tế nghiên cứu cập nhật các chức năng mới, như cho người dân tự tạo mã QR để chứng minh mình không bị nhiễm, thay thế việc đo thân nhiệt, khai báo y tế hay xét “giấy thông hành” phiền phức. Lúc đó ắt người dân sẽ đua nhau cài NCOVI, chứ không cần nhắc nhở.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận