Lạm phát và quả trứng gà

TRUNG TRẦN 30/03/2022 01:00 GMT+7

TTCT - Khắp nơi mọi người đều nói đến nguy cơ lạm phát, từ những yếu tố vĩ mô của giá dầu mỏ thế giới đến tác động tiêu cực toàn cục bởi cuộc chiến Nga - Ukraine. Với những bà nội trợ, những người hằng ngày tham gia vào cái rổ CPI của tổng cầu xã hội kia, những người không biết và không cần hiểu đến lý thuyết kinh tế vĩ mô, câu chuyện lạm phát có thể cập nhật rõ ràng vào sự thay đổi giá cả của một sản phẩm, hầu như không thể thiếu trong ngăn mát của tủ lạnh mọi gia đình: quả trứng gà.

Giá một chục - 10 quả trứng gà loại thường - trên kệ siêu thị thời điểm này là vào khoảng 24.000 - 30.000 đồng, tức giá một quả là 2.400 đến 3.000 đồng. 

Vào cuối năm 2019, khi từ “corona” chưa phải là từ khóa xuất hiện nhiều trên mọi mặt báo, bảng giá này là khoảng 1.500 đồng. 

Trong chưa tới 3 năm, giá trứng gà đã tăng gần gấp đôi! Chuyện gì xảy ra xung quanh con số tăng giá 200% này? Và nó liên quan gì đến khái niệm đang hàng giờ đe dọa hầu bao của các bà nội trợ: lạm phát.

 
 Ảnh: Getty Images

Giá thành một quả trứng gà phụ thuộc vào… con gà. Trong chi phí để một quả trứng được đặt lên kệ bán hàng, con gà chiếm đến gần 70%, đấy là chi phí thức ăn và thuốc thang cho gà đẻ đúng, đẻ sai. Bột bắp, đậu nành là thành phần chính trong thức ăn cho gà. 

Cả ngô lẫn đậu nành, chúng ta đều phải nhập khẩu từ châu Mỹ do đây là sản phẩm Việt Nam không có lợi thế cạnh tranh, bất chấp việc chúng ta thấy ngô luộc, sữa đậu nành và tương chao là những sản phẩm được bày bán rất nhiều ở lề đường. 

Sản lượng đậu nành của Việt Nam chỉ đáp ứng chưa đến 10% nhu cầu trong nước, do đấy chỉ cần Mỹ và Mexico, những nhà cung cấp chính, hắt hơi sổ mũi - là giá trứng gà ở siêu thị lại rục rịch tăng. 

Giá ngô nhập khẩu năm 2019 là khoảng 6.000 đồng/kg và bây giờ là vào khoảng 9.000 đồng, tăng 50%. Sự tăng giá này, bản thân nền kinh tế Việt Nam không có khả năng can thiệp, nên giá trứng ở siêu thị vì thế phải thay đổi tăng vài mươi phần trăm, bất chấp sự ca thán của các bà nội trợ. 

Bởi thế nói rằng trứng gà là một sản phẩm mang tính toàn cầu không sai chút nào.

Giá của quả trứng gà, đến kệ, còn phụ thuộc vào cách nó được vận chuyển từ nơi nó được sinh ra đến nơi nó được bày bán. 

Trứng gà được đựng trong các hộp nhựa trong, hộp giấy tái chế theo từng lố 4-6-10-12… quả. Chi phí đóng gói cộng với chi phí vận chuyển là những thứ liên quan đến… dầu mỏ, khí đốt và giá xăng dầu thế giới. 

Một lần nữa, nhà sản xuất trứng không có khả năng can thiệp đưa mức giá này về mức năm ngoái, năm kia. 

Trong thời gian dịch bệnh năm ngoái, chi phí sản xuất thùng hộp carton trên thế giới tăng vì một nguyên nhân không có trong giáo trình quản trị sản xuất: Vì dịch bệnh nên rác giấy thải ra ít, nguồn nguyên liệu tái chế vì thế sút giảm nghiêm trọng. Trứng gà, vì vậy lại phải tăng giá.

Giá trứng gà tăng còn có nguyên nhân từ con người. Việc hạn chế ra đường và ở nhà sau dịch làm cho cơn cuồng “hand made” của các bà nội trợ trở thành thói quen, điều khiến số lượng quả trứng đập vào chảo nhiều hơn, dù nhu cầu ăn nó vào cơ thể không hề tăng lên. 

Cầu của sản phẩm trong trường hợp này tăng lên bởi một mục đích khác, không liên quan lắm đến quả trứng với tư cách là một thực phẩm giàu dinh dưỡng.

Mục tiêu lạm phát của Việt Nam năm 2022 là 4%, mục tiêu này có nguy cơ phá sản ngay trong 6 tháng đầu năm vì những bất định toàn cầu ngoài dự tính. 

Hai yếu tố quan trọng nhất của rổ CPI là giá nhiên liệu và giá lương thực thực phẩm bị ảnh hưởng hầu như trực tiếp khi bất ổn toàn cầu bùng nổ từ cuối tháng 2.

Trong khi những người hiểu biết đang bận tâm đến tính chính danh và hợp pháp của cuộc chiến lẫn những thay đổi đến trật tự thế giới thì giá quả trứng gà đã tăng khoảng 20% khi năm 2022 đi chưa được 1/4 chặng đường. 

Không cần đến một khóa học về kinh tế vĩ mô hay chính sách tài khóa tiền tệ cơ bản, người nội trợ bằng cách kiểm tra hóa đơn đi chợ hằng ngày cũng có thể cảm nhận được rằng đồng tiền trong tay mình đang mất đi điểm phần trăm ở mức hai con số, trong khi thu nhập của gia đình hằng tháng chưa có nhiều hi vọng tăng, dù chỉ là 5%. 

Mà để cuộc sống duy trì bình thường, chúng ta không chỉ cần có trứng. 

Chúng ta có thể ăn ít trứng hơn, thay bằng rau và đi làm bằng xe buýt hay xe đạp không? 

Giảm tiêu dùng là lời kêu gọi của những cộng đồng sống tích cực, truyền cảm hứng nhưng chưa bao giờ là cách mà xã hội mong muốn để giải quyết tình hình lạm phát, vì điều đấy dẫn đến giảm tốc độ tăng trưởng, thứ mà không một nhà hoạch định chính sách nào dám đánh đổi. 

Một nan đề giữa kinh tế tiêu dùng và triết lý sống có trách nhiệm mà một thái độ trung dung lại không đem lại giải pháp. Khi giá trứng so với năm ngoái đang tăng 20% - một chỉ dấu rõ ràng cho thấy lạm phát đã ngấp nghé lằn ranh nguy hiểm, bạn sẽ phải làm việc nhiều hơn hay sống chậm hơn?

Câu trả lời mà toàn xã hội cần chọn, ít ra là trong hoàn cảnh Việt Nam, phải là vế thứ nhất! 

Hiểu đơn giản hơn là ăn nhiều hơn trong đó có trứng để đủ sức làm việc nhiều hơn, để khi số lượng bán ra nhiều hơn thì giá trứng sẽ tăng chậm hơn, kéo theo là những gì liên quan đến việc quả trứng được đưa lên kệ, do đấy có thêm cơ hội tăng trưởng. 

Lý thuyết gọi là lạm phát tích cực, gây ra do cầu kéo. Còn với các bà nội trợ, đơn giản hơn: ăn nhiều vào để có sức mà làm nha!

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận