Cần đổi mới cách học lý thuyết
Trong sách giáo khoa (SGK), bài học được trình bày theo từng chương, mỗi chương có nhiều mục và trong một mục có nhiều đoạn. Chúng ta phải học từng đoạn, trong mỗi đoạn phải nắm chắc định nghĩa, định luật, đặc tính, ứng dụng... Không cần học thuộc lòng mà chú ý đến các chi tiết quan trọng. Trong đề thi tốt nghiệp, ta cũng thấy một câu hỏi liên quan đến tần số ánh sáng. Một đặc tính quan trọng của ánh sáng đơn sắc là tần số không đổi trong mọi môi trường mà SGK không nêu ra. Vì vậy có nhiều TS không chọn đúng câu trả lời. Thế nhưng, nếu TS có làm bài tập về giao thoa ánh sáng trong môi trường khác không khí thì phải dùng đặc tính nói trên để chứng minh bước sóng ánh sáng giảm đi. Rõ ràng đây là câu hỏi nâng cao, bắt buộc TS phải làm toán đầy đủ mới chọn đúng câu trả lời. Học sinh nào chọn đúng đáp án câu này và đạt điểm 10 là xứng đáng.
Cần nhớ rằng thi theo kiểu tự luận, khi viết một đoạn văn ta có thể quên hoặc không hiểu một vài từ quan trọng vẫn được một số điểm. Nhưng trong một câu trắc nghiệm nếu ta quên hay không hiểu chỉ một từ thôi là mất trắng điểm của câu đó.
Ưu tiên cho những bài toán ngắn, nhưng vẫn phải làm những bài toán dài và khó
Với thời lượng 1 phút 48 giây cho một câu hỏi thì bài toán nào phải thực hiện quá ba bước tính toán để tới đáp số là không phù hợp. Trong đề thi tốt nghiệp, ta thấy nội dung các bài toán đều được nêu ra bằng một câu hỏi rất ngắn và cũng chỉ dùng hai bước tính là tới kết quả. Bài toán của đề thi tuyển sinh ĐH sẽ khó hơn, do đó TS vẫn cần phải làm những bài toán phức tạp, giúp ta rèn luyện tư duy và kỹ năng tính toán. Có những bài toán quá hay, giáo viên nào cũng thích, bỏ thì tiếc mà học e rằng vô bổ, không phù hợp với đề trắc nghiệm.
Tuy vậy, chúng ta không nên bỏ qua. Thí dụ trong các bài toán điện, có bài toán tìm điện dung C của tụ điện để hiệu điện thế Uc cực đại (hoặc tương tự) hay đến nỗi xuất hiện rất nhiều lần ở các kỳ thi tuyển sinh ĐH trong vòng tám năm trở lại đây. Liệu có nên cho TS học thuộc công thức, đáp số để làm đúng câu hỏi như thế này? Và làm như thế có bị kết tội là dạy TS học vẹt, học tủ không? Cũng có một số ý kiến cho rằng với TS khá giỏi tuy phải thực hiện nhiều bước, vẫn có thể tìm được kết quả trong một thời gian ngắn. Hơn nữa, có một số bài toán giải bằng phép vẽ còn nhanh hơn giải bằng phương pháp đại số. Những bài toán loại này vẫn có thể chọn làm một câu trắc nghiệm để nâng cao độ phân hóa của đề thi.
Tóm lại, nhờ học có phương pháp, TS sẽ chọn đúng một câu lý thuyết chỉ trong thời gian 48 giây. Giả sử đề thi có 25 câu hỏi lý thuyết (50%) thì TS có thừa 25 phút dành cho các bài toán. Về toán, càng làm toán nhiều dạng với nhiều mức khó, càng có nhiều kiến thức bổ sung cho lý thuyết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận