![]() |
Thí sinh dự thi kỳ thi tuyển sinh 2005 |
- Trường ĐH Luật Hà Nội chỉ tuyển thí sinh có hộ khẩu từ Thừa Thiên - Huế trở ra và các tỉnh Đắk Nông, Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum.
Nếu bạn có hộ khẩu tại các tỉnh, thành nêu trên thì bạn có thể dự thi vào ĐH Luật Hà Nội với điều kiện bạn phải được hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM cho phép. Vì sinh viên không được phép đăng ký nhập học cùng lúc hai ngành (trường). Sinh viên chỉ có thể học hai ngành của hai trường khác nhau khi điểm tổng kết năm học thứ nhất của bạn từ 9.0 trở lên.
Nếu bây giờ bạn thi ĐH thì sẽ thuộc diện thí sinh tự do. Theo quy định, thí sinh tự do phải xuất trình bản chính của bằng tốt nghiệp THPT khi vào phòng thi. Nếu bằng tốt nghiệp THPT của bạn đã nộp cho trường đang theo học thì làm sao bạn thi ĐH?
Nếu bạn trúng tuyển ĐH Luật Hà Nội thì bạn cũng không thể học tiếp năm II tại trường này, nghĩa là bạn phải học lại từ đầu.
* Em quê ở Nam Định nhưng đang làm việc tại TP.HCM, năm nay em muốn thi lại ĐH nhưng không thể về quê làm hồ sơ được. Vậy em có thể làm hồ sơ trong đây và có thể nộp trong đây không. Điều kiện ? (Hoàng Dương, hoangduong_hcmcity@)
- Theo quy định, bạn phải về quê để đưa cho công an phường, xã nơi bạn ở xác nhận vào hồ sơ đăng ký dự thi vào ĐH.
* Nếu làm bài theo cách khác mà vẫn đúng thì có được chấm đúng điểm theo ba-rem không? Ở trong lớp học, em thường làm bài theo cách khác đáp án, kết quả vẫn đúng nhưng thường bị chấm sót. Em thắc mắc với thầy cô thì được lên điểm. Không biết khi thi ĐH sẽ như thế nào? (Trần Văn Hòa, tvhoa3287@)
- Theo nhiều giáo viên chấm thi ĐH, nếu thí sinh có cách giải khác với đáp án, nhưng có kết quả đúng thì vẫn được điểm. Đối với các bài toán, nếu thí sinh có nhiều cách giải và viết vào trong bài làm thì một trong số những phương án đó chính xác vẫn được tính điểm tối đa.
Nếu thấy kết quả thi các môn thi không tương xứng với bài làm và đáp án, bạn có thể nộp đơn phúc khảo kèm theo lệ phí cho trường trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày công bố điểm. Một khi đã xin phúc khảo, điểm số mà bạn nhận được là điểm sau khi đã chấm lại. Cũng có trường hợp điểm chấm phúc khảo thấp hơn điểm ban đầu.
* Cho em biết, ngành Chế biến và bảo quản thực phẩm khác với ngành Chế biến và bảo quản lương thực như thế nào? Ngành Kiểm tra chất lượng lương thực phẩm sẽ học về cái gì? Những ngành này khi học xong có thể ra làm việc ở đâu? (Trọng Tuấn, nttuan88@)
- Chế biến và bảo quản thực phẩm đào tạo chuyên về chế biến sữa, chế biến nước giải khát, sản xuất bột ngọt... Ngành Chế biến và bảo quản lương thực đào tạo chuyên về chế biến nông sản, bảo quản nông sản, sản xuất mì...
Ngành Kiểm tra chất lượng lương thực thực phẩm sẽ học các môn: Hóa lý hóa keo, hóa sinh, vi sinh, kiểm tra vi trùng, động vật hại, kiểm nghiệm lương thực thực phẩm, bảo quản lương thực thực phẩm.
Ngành Kiểm tra chất lượng lương thực thực phẩm sau khi ra trường, sinh viên sẽ làm việc tại các công ty chế biến sữa, nhà máy rượu bia, công ty chế biến nước giải khát, công ty chăn nuôi, công ty mía đường...
Sinh viên tốt nghiệp ở các trường ĐH sẽ công tác tại các vị trí quản lý và nghiên cứu. Sinh viên tốt nghiệp ở các trường THCN có thể công tác tại các vị trí như: tổ trưởng, trưởng ca hoặc trực tiếp tham gia sản xuất...
* Em đang học lớp12. Em muốn học cả hai trường ĐH cùng khối A. Vậy em phải làm những thủ tục gì? (Trần Thúy Vân, samacmenthuong@)
- Theo quy định của Bộ GD-ĐT các trường khối A chỉ thi một đợt trong hai ngày 4 và 5-7. Do đó bạn chỉ có một trường duy nhất tương đương với nguyện vọng 1 bạn đăng ký dự thi. Nếu không đậu nguyện vọng 1 bạn có thêm hai cơ hội xét tuyển, nhưng kết quả thi phải bằng hoặc cao hơn điển sàn ĐH.
* Em nghe nói, học kinh tế ra khó có việc làm, nhất là nhiều anh chị em quen khi ra trường đi buôn bán chứ không đi làm đúng nghề. Em đang muốn học ngành Quản trị kinh doanh nhưng không biết ra trường sẽ làm gì? (Châu Yến Ngọc, xuka2809@)
- Hiện tại có một số sinh viên ngành kinh tế của ĐH Kinh tế nói riêng và các ĐH khác nói chung khi sinh viên tốt nghiệp ra trường không tìm được việc làm đúng chuyên môn. Có nhiều nguyên nhân, trong đó cũng có nguyên nhân do đào tạo những ngành xã hội chưa cần nhiều và cũng do các bạn “thất nghiệp tự nguyện” vì chê lương thấp không chịu làm. Nhảy việc, xin việc hiện nay là hiện tượng ở hầu hết sinh viên.
Ngành Quản trị kinh doanh đào tạo cán bộ quản lý doanh nghiệp, ra trường sẽ công tác trong các doanh nghiệp nhà nước, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty liên doanh, công ty tư nhân...
Các bậc phụ huynh và các bạn học sinh có những yêu cầu thắc mắc về tuyển sinh 2006, thắc mắc các ngành học, học phí... có thể gửi email đến Tuổi Trẻ Online tại địa chỉ: tuyensinh@tuoitre.net.vn Tuổi Trẻ Online sẽ trả lời thắc mắc của bạn đọc trong thời gian sớm nhất. Để chính xác về nội dung, vấn đề cần hỏi, bạn đọc vui lòng gõ chữ có dấu (font chữ unicode). |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận