Làm ăn với Trung Quốc: Những nghịch lý khó hiểu

CẦM VĂN KÌNH 19/06/2014 03:06 GMT+7

TTCT - “Chúng tôi luôn nói với Nhà nước rằng Chính phủ đã có hai quyết định về sử dụng vật tư trong nước. Ta đề ra chính sách nhưng lại không kiểm tra, kiểm soát nên nhiều nơi không làm” - ông Nguyễn Văn Thụ, chủ tịch Hiệp hội Cơ khí, nói với TTCT.


Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam đã sản xuất và xuất khẩu được nhiều sản phẩm cơ khí. Trong ảnh: sản xuất cơ khí tại Công ty cổ phần kim khí Thăng Long (Hà Nội) - Ảnh: Cấn Dũng

* Các nhà thầu Trung Quốc thường nói do nhà thầu Việt Nam không đáp ứng...

- Họ đúng là có đặt hàng doanh nghiệp Việt Nam nhưng với giá quá thấp, không ai làm nổi. Từ chối thì họ lại nói ta không làm được. Họ ký với chủ đầu tư của mình một đằng, nhưng lại đặt hàng mình giá khác để ăn chênh lệch. Mặt khác, đó còn là cái cớ để gạt doanh nghiệp Việt Nam ra.

* Nhiều chủ đầu tư không muốn ưu tiên doanh nghiệp Việt Nam. Ở đây có yếu tố hoa hồng không?

- Tôi nghĩ là đương nhiên. Tất cả đều biết nhưng không nói ra. Song cũng có yếu tố khác nữa. Các ban quản lý cũng không đủ sức bóc tách ra cái nào có thể sản xuất trong nước, cũng có tư duy không tin tưởng doanh nghiệp trong nước, thậm chí ngại phiền hà, tách ra phức tạp.

Đầu tư công rất muốn có anh tổng thầu làm tất, không phải can thiệp quá trình làm nhà máy, chỉ cần biết sản phẩm cuối cùng, dễ rũ trách nhiệm. Nên theo tôi, quy định phải sử dụng hàng trong nước đã có, cần chế tài nghiêm để đảm bảo thực hiện. 

 Ta đi vay nhưng cuối cùng tiền ta phải trả, nên tiền đầu tư thực tế là của Việt Nam. Nếu để họ làm cả thì ta không kích cầu được sản xuất cơ khí trong nước. Đó là một nghịch lý, vì Việt Nam càng đầu tư thì càng kích cầu nước ngoài" 

* Theo ông, doanh nghiệp Việt Nam có thể làm bao nhiêu phần trăm các dự án lớn?

- Nói chung, các nhà máy công nghiệp có 60-70% khối lượng kết cấu thép, chiếm 20-30% giá trị. Phần đó chắc chắn Việt Nam có thể làm được, ta đã làm được cả các thiết bị phi tiêu chuẩn như khung lò, cầu trục, ngay giàn máy cả ngàn tấn ta cũng đã làm được (ở thủy điện Sơn La).

 Nếu doanh nghiệp Việt Nam được làm sẽ giảm được 20-30% giá trị nhập khẩu các nhà máy công nghiệp. Đó là con số không nhỏ vì mỗi nhà máy có giá đầu tư rất lớn.

Ông Nguyễn Văn Thụ - Ảnh: C.V.K.

Chính sách còn nghịch lý

* Khuyến khích sản xuất trong nước nhưng chính sách của Việt Nam là nhập khẩu thiết bị đồng bộ thì lại được hưởng thuế nhập khẩu bằng 0%?

- Đấy là một nghịch lý nữa. Nhập khẩu thiết bị đồng bộ cho một nhà máy thì được hưởng thuế nhập khẩu 0%, trong khi doanh nghiệp Việt Nam mua vật tư để chế tạo thiết bị này thì lại bị VAT và thuế nhập khẩu. Vậy chắc chắn là khuyến khích người ta đi nhập. Không đồng bộ chính ở chỗ này. Ta làm được hàng xuất khẩu cơ khí rồi. Đương nhiên chất lượng hàng hóa phải có giám sát của chủ đầu tư. Ta hoàn toàn có thể tăng giám sát, tăng chất lượng, vấn đề là phải cho làm đã.

Việt Nam gia nhập WTO nhưng không có nghĩa cái gì cũng phải hi sinh. Thái Lan không dùng hàng cơ khí Trung Quốc, Ấn Độ không bao giờ nhập kết cấu thép ở nước ngoài... Họ khuyến khích đầu tư công nghệ vào nước họ và làm vậy mới được hưởng lợi từ đất nước họ. Ta thì đưa nhiều chính sách nhưng không thực tiễn. Tôi tham gia ban chỉ đạo cơ khí của Nhà nước nhưng thấy làm không đến đầu đến đũa. Thực tế tỉ lệ nội địa hóa ngày càng giảm.

Nhập siêu của Việt Nam cứ nói chủ yếu là máy móc thiết bị nhưng thật ra có một phần không đáng phải nhập siêu. Trong một nhà máy nhiệt điện có tuôcbin, máy phát... ta chưa làm được, nhưng quanh cái tuôcbin là biết bao nhiêu đường ống, làm mát, hệ thống tuần hoàn... hoàn toàn có thể làm được trong nước. Nhưng chủ đầu tư không bị chế tài, cứ đấu thầu quốc tế.

Cuối cùng thì phải nhập khẩu, trong khi một nhà máy nhiệt điện Việt Nam có thể làm được 30-40% giá trị nhà máy, tức 300-400 triệu USD/nhà máy 1.200 MW. Với 400 triệu USD, khoảng 8.000 tỉ đồng, là khối lượng lớn đáng để quan tâm. Doanh nghiệp giờ kiếm được hợp đồng 100 tỉ đồng đã mừng lắm. Thế mà ta có lại để nước ngoài làm...

Những điều cần sửa chữa

* Theo ông, phải đấu tranh cho doanh nghiệp Việt Nam ra sao?

- Dứt khoát phải đấu tranh để có tỉ lệ sản xuất trong nước. Trước đây Nhật, Pháp làm Nhà máy điện Phú Mỹ, chúng tôi chính là bên làm hầu hết các kết cấu thép ở đó, Phả Lại II chúng tôi làm cũng được đánh giá cao. Khi đó chưa có Luật đấu thầu. Từ khi có Luật đấu thầu ưu tiên giá rẻ thì doanh nghiệp Việt Nam mất dần việc. Luật đấu thầu mới ra đã có tiến bộ, nhưng cần phải chờ hướng dẫn.

Chúng tôi đã kiến nghị về sự bất lợi của Luật đấu thầu khi đặt giá thầu thấp làm tiêu chí hàng đầu - điều mà gần như chỉ Trung Quốc thắng, cả thế giới này thua. Thứ hai là yêu cầu phải liên doanh, liên kết với các nhà thầu phụ trong nước, yêu cầu họ đưa ra giá bằng giá họ đã trúng với chủ đầu tư Việt Nam, không được để họ đưa giá quá thấp rồi lại nói doanh nghiệp Việt Nam không làm được.

Việt Nam cần nâng cao nội lực, ta đã có cơ chế khuyến khích. Nhưng khuyến khích thế nào đi nữa thì người sản xuất phải có hợp đồng mới nuôi được bộ máy, mua máy móc, nâng được tay nghề, kỹ năng quản lý. Ta cứ nói cho vay tiền, nhưng không có đầu ra thì ai dám vay tiền? Vấn đề của ngành cơ khí là phải có đơn hàng.

Chính phủ đã có hai chỉ thị về sử dụng hàng hóa trong nước, nhưng thực tế không được thực hiện nghiêm. Cần có một bộ phận tham mưu, bóc tách xem cái gì Việt Nam không làm được thì cho phép nhập, cái nào Việt Nam đã sản xuất được thì phải đặt hàng trong nước. Khi đã tách được ra thì ngay từ hồ sơ đấu thầu phải xác định cái đó doanh nghiệp Việt Nam làm.

Nếu Bộ Công thương làm việc này, phối hợp với Hiệp hội Cơ khí bóc tách việc cho doanh nghiệp Việt Nam sẽ giúp được rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam. Doanh nghiệp trong nước khi đó vừa có việc làm cho công nhân, vừa đóng thuế, lại giúp giảm giá thành đầu tư.


Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận