Lại một chướng ngại trên Biển Đông

NHẬT ĐĂNG 15/09/2021 17:00 GMT+7

TTCT - Đằng sau các sửa đổi trong Luật an toàn giao thông hàng hải của Trung Quốc (hiệu lực từ ngày 1-9) là những gì?

Giới quan sát đang tập trung vào việc Trung Quốc yêu cầu tàu nước ngoài vào “vùng lãnh hải” Trung Quốc phải báo cáo thông tin về tàu và hàng hóa cho các cơ quan quản lý hàng hải của nước này.

Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, một trong nhiều thực thể trên Biển Đông bị Trung Quốc chiếm đóng, bồi đắp và xây dựng trái phép thành căn cứ quân sự. Ảnh: Getty Images

 

Hiểu luật theo cách khác

Yêu cầu “xét giấy đi đường” nêu trên được áp dụng với các phương tiện ngầm, tàu hạt nhân, tàu chở vật liệu phóng xạ, hóa chất, dầu, khí đốt hóa lỏng và các chất độc hại khác, cũng như các tàu khác được coi là “mối đe dọa đối với an toàn giao thông hàng hải” của Trung Quốc.

Xét về luật, Trung Quốc đã bày một thế trận “hư hư, thực thực” khi khai thác tối đa quyền của những quốc gia ven bờ, được quy định trong Công ước Liên Hiệp Quốc về luật biển (UNCLOS) 1982, và dĩ nhiên diễn giải nó theo hướng có lợi cho mình.

Nhìn thoáng qua, những quy định mới này không có vấn đề bởi vì các yêu cầu về giấy tờ hay hướng dẫn hải trình tỏ ra hợp lý. Lấy ví dụ, UNCLOS 1982 có trao một số quyền nhất định cho quốc gia ven bờ nhằm bảo vệ an toàn hàng hải. 

Theo đó, tàu ngầm muốn thực hiện quyền “đi lại vô hại” (innocent passage) cũng phải trồi lên, hiển thị cờ khi đi ngang “vùng lãnh hải” của quốc gia ven bờ. Tuy nhiên, nói như tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên trưởng ban biên giới quốc gia, Trung Quốc đã “vận dụng quá mức” các điều khoản trong UNCLOS 1982.

Tiến sĩ Trần Công Trục và tiến sĩ Seta Makoto, phó giáo sư luật quốc tế tại Đại học Yokohama (Nhật Bản), đều có cách hiểu khác về các điều khoản dành cho quyền đi lại vô hại, vì hiển thị cờ không đồng nghĩa với nghĩa vụ báo cáo hay xin phép - những điều vốn không hề được đề cập trong UNCLOS 1982.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Cuối Tuần, tiến sĩ Seta cho rằng xu hướng luật hóa gần đây của Trung Quốc phần nào phản ánh cách Trung Quốc “hiểu” luật quốc tế. 

Mặc dù vậy, “Trung Quốc tuyên bố yêu cầu tàu nước ngoài phải báo báo hoạt động đi lại trong vùng lãnh hải của mình, và việc này có lẽ vi phạm quyền đi lại vô hại theo cách hiểu của đa số. 

Vì thế, chúng ta có thể thấy rằng Trung Quốc đang hiểu quyền đi lại vô hại theo cách khác với quan điểm đa số. 

Trong trường hợp này, điều mà cộng đồng quốc tế và các quốc gia khác nên làm là làm rõ với Trung Quốc về cách hiểu của đa số (và rất có thể là cách hiểu đúng), đồng thời yêu cầu chia sẻ quan điểm đó (cách hiểu về quyền đi lại vô hại đó)” - ông nói.

Màn khiêu khích

Khi bàn về những quy định mới này, đa phần các chuyên gia không nhắm vào những điều khoản của luật. Thay vào đó, họ chú ý tới phạm vi bao phủ của nó, một vấn đề sẽ chạm tới bản chất của câu chuyện: tuyên bố chủ quyền.

Theo ông Greg Poling, giám đốc Sáng kiến minh bạch hàng hải (AMTI, thuộc CSIS), luật này là động thái mới nhất trong các nỗ lực của Trung Quốc nhằm “bình thường hóa” các tuyên bố chủ quyền sai trái của họ trên những vùng biển tranh chấp.

“Bản thân quy định mới này không phải vấn đề, và nó có thể phù hợp với UNCLOS nếu áp dụng trong vùng lãnh hải không có tranh chấp của Trung Quốc. 

Vấn đề chỉ nằm ở chỗ Trung Quốc nhiều khả năng sẽ áp dụng quy định trên các khu vực không chỉ đang tranh chấp mà còn ở những nơi Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền bất hợp pháp một cách trắng trợn, ví dụ các đường cơ sở xung quanh Hoàng Sa hoặc các đường cơ sở trong tương lai xung quanh Trường Sa”, ông Poling nói với Tuổi Trẻ Cuối Tuần.

Nhà nghiên cứu Ấn Độ Pooja Bhatt (Đại học Jawaharlal Nehru), trong khi đó, lưu ý phạm vi bao phủ mơ hồ của luật này vì trong quá khứ Trung Quốc đã sử dụng thuật ngữ “các vùng nước liên quan”, “vùng biển tài phán” trong những tuyên bố đề cập tới Biển Đông mà không nêu rõ các cụm từ ấy có nghĩa gì theo quan điểm của Bắc Kinh.

“Theo UNCLOS, lãnh hải thể hiện phạm vi 12 hải lý cho quốc gia ven biển, nơi quốc gia ấy có thể thực thi chủ quyền. Trung Quốc, với tư cách thành viên UNCLOS, đã chọn lọc và dùng những điểm có lợi cho mình, đồng thời bác bỏ những điểm bất lợi. Bên cạnh đó, tuyên bố từ phía Trung Quốc dường như không nói tới vấn đề về các thực thể được đề cập rõ ràng ở Biển Đông (ngoài khu vực đại lục), nơi Bắc Kinh muốn mở rộng phạm vi của luật này” - bà Bhatt nói.■

Cũng tương tự Luật hải cảnh hồi đầu năm nay, giới quan sát còn phải theo dõi việc thực thi của Trung Quốc để đưa ra kết luận sâu hơn về mục đích của việc làm lần này. 

Tuy nhiên, dư luận Trung Quốc lại không ngần ngại khẳng định tính răn đe của các quy định mới trên biển.

Trong bài viết ngày 29-8, tờ Hoàn cầu Thời báo (Global Times) dẫn lời nhà bình luận quân sự Song Zhongping cho rằng Cơ quan an toàn hàng hải Trung Quốc (MSA) có quyền xua đuổi, từ chối một tàu nước ngoài đi vào “vùng biển Trung Quốc” nếu con tàu đó bị phát hiện “đe dọa an ninh quốc gia Trung Quốc”.

Bài viết trên không đề cập tên một nước cụ thể nào, nhưng các nhà phân tích cũng không che giấu đích ngắm sẽ là Mỹ và các đồng minh. 

Một phó giáo sư tại Đại học Tế Nam (Quảng Châu, Trung Quốc) hồi đầu tuần trước viết: “Phương tiện ngầm, tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân và các tàu có thể gây nguy hiểm cho an toàn giao thông hàng hải của Trung Quốc... thật khó để người ta không liên hệ các khái niệm này với tàu quân sự của Mỹ, Anh, Nhật Bản đi trong khu vực biển Hoa Đông, Biển Đông hay eo biển Đài Loan”.

Trong các bài viết về Luật an toàn giao thông hàng hải mới sửa đổi của Trung Quốc, báo chí những nước quan tâm như Nhật hay Ấn Độ đều khẳng định đây là động thái có thể gây thêm căng thẳng của Bắc Kinh.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận