28/10/2008 08:34 GMT+7

Lại kẹt mặt bằng!

TẤN THÁI
TẤN THÁI

TT - Dự án đường nam sông Hậu dự kiến đến cuối năm nay là thông xe kỹ thuật, nhưng chủ đầu tư cảnh báo có nguy cơ chậm tiến độ ở nhiều nơi.

tFXhNO0k.jpgPhóng to
Cầu Hưng Lợi chỉ thi công phần dưới sông, còn hai bên bờ bị vướng mặt bằng - Ảnh: Tấn Thái
TT - Dự án đường nam sông Hậu dự kiến đến cuối năm nay là thông xe kỹ thuật, nhưng chủ đầu tư cảnh báo có nguy cơ chậm tiến độ ở nhiều nơi.

Công trình cầu Hưng Lợi bắc qua sông Cần Thơ nối liền hai quận Ninh Kiều và Cái Răng là một trong những cây cầu có quy mô lớn nằm trên tuyến đường nam sông Hậu. Những ngày cuối tháng mười, các công nhân đang thi công cho biết hiện nay chỉ làm được phần dưới sông, còn hai bên bờ nhà cửa của người dân vẫn san sát cho nên không thể thi công được vào bờ.

Giải thích lý do chưa di dời giao mặt bằng cho đơn vị thi công, ông Huỳnh Văn Giảng, nhà ở đường Tầm Vu (phường Hưng Lợi, quận Ninh Kiều), nói: “Tôi mới được giao nền tái định cư nhưng chưa vào cất nhà vì từ khi nhận tiền bồi hoàn đến nay đã gần ba năm, trong thời gian dài như vậy vật liệu xây dựng tăng giá chóng mặt nên gia đình gặp rất nhiều khó khăn khi vào khu tái định cư làm nhà”. Tương tự trường hợp ông Giảng, nhiều hộ dân bị ảnh hưởng công trình cầu Hưng Lợi vẫn còn “án binh bất động”.

Điện chưa dời

Dự án đường nam sông Hậu nằm trên địa bàn TP Cần Thơ không chỉ vướng mặt bằng ở cầu Hưng Lợi mà đoạn đường đầu tuyến khoảng 1km (từ đường 30-4 đến đường 3-2 - giáp với quốc lộ 91B) cũng “tắc”. Xung quanh công tác giải phóng mặt bằng dự án đường nam sông Hậu vào cuối tháng bảy đã có cuộc “tranh cãi” giữa chủ đầu tư và Điện lực Cần Thơ. Ban quản lý dự án Mỹ Thuận cho biết tại phía nam cầu Hưng Lợi và đường 3-2, đường 30-4 Điện lực Cần Thơ đã không nhanh chóng di dời đường dây điện và bàn giao mặt bằng. Ban quản lý Mỹ Thuận đã có nhiều văn bản “đưa đi đưa lại” nhưng không giải quyết được. Tuy nhiên, đại diện ngành điện Cần Thơ lại cho rằng sẵn sàng di dời nhưng với điều kiện phải có khoảng cách an toàn cho lưới điện.

Qua bốn tỉnh thành

Dự án đường nam sông Hậu khởi công tháng 5-2005 với kinh phí trên 2.100 tỉ đồng bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Con đường có chiều dài 165km đi qua bốn tỉnh, TP là Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng và Bạc Liêu.

Ông Nguyễn Đình Viễn, phó tổng giám đốc Ban quản lý dự án Mỹ Thuận, nói: “Hồ sơ kỹ thuật con đường, bao gồm cả hệ thống điện chúng tôi đã thiết kế cả. Chúng tôi cam kết về hành lang an toàn lưới điện là không vướng gì nhưng do ngành điện không chịu làm”.

Theo báo cáo của Ban quản lý dự án Mỹ Thuận, tại thời điểm này trên địa bàn TP Cần Thơ gói thầu số 9 thuộc phường Hưng Lợi (quận Ninh Kiều) còn 53 hộ chưa giao mặt bằng, đoạn từ đường 30-4 đến đường Tầm Vu (giáp ranh giữa gói thầu số 9 và 10) cũng còn đến 48 hộ chưa giao mặt bằng. Gói thầu số 10 và gói thầu số 11B gặp khó khăn tương tự...

Ông Viễn cho biết: “Từ đó đến nay các vướng mắc trên chưa được tháo gỡ nhiều, hiện chỉ mới giải phóng mặt bằng khoảng 300m thì chúng tôi đưa phương tiện vào thi công ngay. Tuy nhiên mặt bằng lại loang lổ và chắp vá nên rất khó trong việc triển khai thi công”.

Khó đúng tiến độ

Gần đây, đoàn công tác khảo sát phát hiện và đề xuất tháo gỡ vướng mắc trong các dự án đầu tư xây dựng giao thông khu vực phía Nam đã làm việc tại Cần Thơ. Ông Nguyễn Ngọc Long - cục trưởng Cục Giám định và quản lý chất lượng công trình (Bộ Giao thông vận tải) - nhấn mạnh: “Mục tiêu của chúng tôi là cuối năm 2008 hoàn thành đường nam sông Hậu. Vì vậy phải giải quyết mặt bằng gấp mới đảm bảo tiến độ”.

Từ đó đến nay những khó khăn trong việc giải phóng mặt bằng dù đã được địa phương làm “hết sức những gì có thể” nhưng vẫn chưa đạt yêu cầu đề ra. “Hai gói thầu số 9 và 10 trên địa bàn TP Cần Thơ chúng tôi đã ký hợp đồng thi công gần ba năm nay. Nhà thầu cũng đã hai lần đưa phương tiện vào thi công nhưng chờ mấy tháng trời không có mặt bằng nên cuối cùng phải đưa ra. Chúng tôi rất sốt ruột vì hiện công trình sắp thông xe nhưng nếu cứ tiếp tục chậm trễ giao mặt bằng đoạn đầu tuyến thì khó có khả năng hoàn thành đúng tiến độ. Vì tính cấp bách của dự án, chúng tôi vừa có công văn gởi các tỉnh, thành yêu cầu sớm giao mặt bằng”- ông Viễn cảnh báo.

Theo ông Viễn, trên tuyến này còn hai cây cầu là Cái Trăm và Cái Côn (huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng) đang giẫm chân tại chỗ do không có mặt bằng, dù hai cầu này đã thi công khoảng 90% khối lượng.

TẤN THÁI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên