16/04/2021 21:36 GMT+7

Lạc đà cũng được xét nghiệm thường xuyên phòng đại dịch mới bùng phát

DẠ THẢO
DẠ THẢO

TTO - Lạc đà nằm trong danh sách các loài động vật có khả năng gây đại dịch trong tương lai. Chính vì vậy, lạc đà đang được giám sát đặc biệt ở Kenya.

Lạc đà cũng được xét nghiệm thường xuyên phòng đại dịch mới bùng phát - Ảnh 1.

Lấy mẫu lạc đà trong khu bảo tồn thiên nhiên Kapiti để xét nghiệm PCR - Ảnh: AFP

Con lạc đà cao 2m, nặng 300kg gầm gừ, vùng vẫy trong lúc bị ba người ghìm chặt cổ, miệng và đuôi để bác sĩ thú y nhanh chóng lấy mẫu.

Bác sĩ Nelson Kipchirchir làm việc trong khu bảo tồn thiên nhiên Kapiti ở miền nam Kenya giải thích: "Lấy mẫu từ động vật rất khó vì bạn không biết chuyện gì có thể xảy ra. Nếu bạn làm nó đau, nó có thể đá hay cắn bạn".

Vào buổi sáng mù sương hôm ấy, một người không thoát khỏi cú đá dữ dội của lạc đà trong lúc lấy mẫu dịch mũi và máu trên 10 con trong 35 con lạc đà để đưa đi xét nghiệm PCR tìm virus hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS-CoV), chứng bệnh thuộc nhóm virus corona tương tự COVID-19.

GS bệnh truyền nhiễm Eric Fèvre ở ILRI và Đại học Liverpool (Anh) trao đổi với hãng tin AFP: Khi đại dịch COVID-19 xảy ra, giới khoa học quan tâm nhiều hơn đến mọi thứ liên quan với virus và các bệnh lây truyền từ động vật.

MERS được phát hiện đầu tiên tại Saudi Arabia năm 2012, sau đó bùng phát thành dịch làm hàng trăm người chết từ năm 2012 - 2015, chủ yếu ở Saudi Arabia.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã xác định virus MERS-CoV lây truyền sang người thông qua tiếp xúc gần với lạc đà.

Điều đáng lo ngại là MERS-CoV gây ra các triệu chứng tương tự COVID-19 nơi người (sốt, ho, khó thở) nhưng gây tử vong cao hơn (1/3 số bệnh nhân đã tử vong).

Đây là lý do vì sao Viện Nghiên cứu chăn nuôi quốc tế (ILRI) thường xuyên lấy mẫu lạc đà trong khu bảo tồn thiên nhiên Kapiti.

Mẫu vật lấy từ lạc đà ở nhiều địa phương được đưa về phòng thí nghiệm của ILRI ở thủ đô Nairobi.

Tại đây, nhà sinh vật học Alice Kiyonga sử dụng ống bơm hút, thuốc thử và máy móc phân tích từng mẫu để tìm kiếm virus MERS-CoV.

Dự án nghiên cứu do chị phụ trách từ năm 2014 cho thấy kháng thể với MERS tồn tại trong 46% số lạc đà lấy mẫu nhưng chỉ 5% nơi những người tham gia thử nghiệm (6 ca dương tính trong 111 người nuôi lạc đà và công nhân lò mổ).

Nhà nghiên cứu Alice Kiyonga kết luận: "MERS-CoV ở Kenya hiện nay không dễ lây sang người so với MERS-CoV ở Saudi Arabia".

Lạc đà cũng được xét nghiệm thường xuyên phòng đại dịch mới bùng phát - Ảnh 2.

Hình ảnh kính hiển vi điện tử quét cho thấy các hạt virus MERS-CoV bám trên bề mặt một tế bào bị nhiễm - Ảnh: NIAID

Điều ám ảnh giới nghiên cứu là bệnh MERS ở Kenya có thể dễ lây sang người hơn một khi xuất hiện các biến thể.

GS Eric Fèvre giải thích: "COVID-19 có các biến thể như biến thể B.1.1.7 (biến thể ở Anh). Đối với MERS cũng vậy, virus luôn biến đổi theo thời gian".

Năm ngoái, nhóm chuyên gia về đa dạng sinh học của Liên Hiệp Quốc (IPBES) đã cảnh báo đại dịch sẽ xảy ra thường xuyên hơn và gây tử vong nhiều hơn trong tương lai do quá trình tiếp xúc giữa động vật hoang dã, gia súc và con người ngày càng tăng vì môi trường bị tàn phá.

GS Eric Fèvre cảnh báo: "Điều quan trọng bây giờ là phải duy trì giám sát để chúng ta luôn sẵn sàng một khi dịch bùng phát".

WHO cảnh báo Campuchia bên bờ vực thảm họa đại dịch COVID-19 WHO cảnh báo Campuchia bên bờ vực thảm họa đại dịch COVID-19

TTO - Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Campuchia cảnh báo Campuchia, láng giềng với Việt Nam, đang bên bờ vực thảm kịch quốc gia do dịch COVID-19 và kêu gọi người dân đón tết Khmer tại nhà.

DẠ THẢO
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên