Kỳ vọng gì ở lãnh đạo?

DIỆP VĂN SƠN 03/03/2016 18:03 GMT+7

TTCT - Gần đây công luận và người dân bàn nhiều đến phong cách thực thi công vụ của các tân lãnh đạo trẻ như Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Hưởng hay Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh... Tất cả đang nổi lên như một “hiện tượng”.

“Vi hành” để giám sát việc thực thi công vụ của cấp dưới lâu nay ít diễn ra. Trong ảnh: giám đốc Sở GTVT Gia Lai Nguyễn Hữu Quế (phải) đột xuất đi kiểm tra việc thực thi công vụ và phát hiện nhiều vấn đề -Thái Bá Dũng
“Vi hành” để giám sát việc thực thi công vụ của cấp dưới lâu nay ít diễn ra. Trong ảnh: giám đốc Sở GTVT Gia Lai Nguyễn Hữu Quế (phải) đột xuất đi kiểm tra việc thực thi công vụ và phát hiện nhiều vấn đề -Thái Bá Dũng

 

Lãnh đạo phải hiểu dân

Phong cách lãnh đạo của cán bộ lãnh đạo, quản lý là mẫu hành vi mà người lãnh đạo, quản lý lựa chọn nhằm tác động một cách có hiệu quả đến đối tượng lãnh đạo, quản lý nhằm thực hiện những mục tiêu và nhiệm vụ lãnh đạo, quản lý đề ra.

Đúng là nhân dân mong chờ lâu nay ở người lãnh đạo sát dân, hiểu được tâm tư, nguyện vọng, những điều bức xúc thường nhật của họ. Lãnh đạo năng động không rề rà, nói đi đôi với làm, mà đã làm thì làm quyết liệt, làm tới cùng.

Lãnh đạo không tránh né, dám chịu trách nhiệm, tuyên chiến với cái xấu, cái tiêu cực nhũng nhiễu, trì trệ của công chức và cơ quan công quyền. Xa lạ với kiểu “đóng cửa bảo nhau”, “xử lý nội bộ”... mà công khai minh bạch, công tội rành mạch.

Căn bệnh quan liêu xa rời dân là căn bệnh đồng hành với mọi chính quyền và với không ít lãnh đạo. Vấn đề ở đây là phải xây dựng ý thức cầm quyền thế nào để không tạo khoảng cách giữa chính quyền, quan chức với dân, như vậy mới thật sự là bản chất chính quyền của dân, do dân và vì dân, bằng không mãi mãi chỉ là khẩu hiệu.

Những chuyến “vi hành” của những người đứng đầu chính quyền có phải là biện pháp đánh bóng tên tuổi, vị thế chính trị? Nếu thực hiện một cách chân thật, năng “vi hành” cũng là một biện pháp hữu hiệu để sát dân, gần dân, hiểu được những bức xúc của dân, như kênh thông tin để nắm bắt những tâm tư nguyện vọng của nhân dân, những bức xúc của xã hội.

Không “vi hành” thì không hiểu dân, xa dân, chỉ lý thuyết suông, nhưng chỉ khi “vi hành” không cần báo trước, không cần tiền hô hậu ủng mới thấy được cuộc sống muôn màu của người dân, sắc màu sáng tối, những góc khuất cuộc đời, tránh được chuyện bị nghe cán bộ các cấp báo cáo láo, báo cáo sai...

Phải thực thà xem “vi hành” là nhằm giúp thẩm định tính xác thực các thông tin thu nhận được mà chưa rõ ràng, còn hồ nghi. “Vi hành” chính là gửi đi thông điệp cho cấp dưới về sự giám sát thường xuyên của cấp trên, cái mà chúng ta đang thiếu khi đang ỷ lại vào những cái gọi là “quy trình” mang nặng tính hình thức.

Phong cách dám hành động, dám chịu trách nhiệm, không tránh né là đòi hỏi của cuộc sống, của nền công vụ ngày nay đối với phong cách lãnh đạo các cấp. Trong hoạt động công vụ lâu nay, trách nhiệm cá nhân không rõ ràng, không được đề cao thật ra cũng là điều dễ hiểu.

Đề cao trách nhiệm cá nhân

Từ sâu xa trong quá khứ, một thời ta đề cao chủ nghĩa tập thể một cách thái quá, ngày nay đã tỏ ra không còn thích hợp. Hệ lụy của nó là triệt tiêu cá nhân, làm thui chột suy nghĩ, sáng kiến, bản sắc của từng cá nhân.

Giờ đây, việc khôi phục chế độ trách nhiệm cá nhân nhất định gặp khó khăn. Thành tích là của tôi, thiếu sót là do tập thể, do cấp dưới, thậm chí còn do chỉ đạo của cấp trên. Phải điều chỉnh lại từ cơ chế đề bạt, bổ nhiệm, đào tạo, bố trí và làm quen với cách chức, từ chức. Phải thiết lập chế độ trách nhiệm người đứng đầu.

Quy định trách nhiệm người đứng đầu đã được ban hành, tuy nhiên ở nhiều người đứng đầu vẫn chưa hình thành thói quen nhận trách nhiệm và chịu trách nhiệm. Bộ máy hành chính nói riêng và cơ quan nhà nước nói chung hiện còn hạn chế vì có sự chồng chéo, đối lập về thẩm quyền, mối quan hệ phức tạp, ngang dọc chưa có sự phân công, phân nhiệm giữa các cơ quan với nhau.

Đó là một nền công vụ khó quy trách nhiệm... Tất cả những yếu tố trên tổng hợp lại đã gây khó khăn nhiều trong việc xác định trách nhiệm thuộc về ai.

Lãnh đạo là dẫn đường, hoạch định kế hoạch, vạch phương hướng để hướng các thành viên trong tổ chức đi theo tầm nhìn chú trọng đến đạt được mục tiêu. Nhưng lãnh đạo còn phải là người truyền cảm hứng, giúp phát triển những người khác, thách thức hiện trạng và có tầm nhìn xa.

Chính vì vậy, người dân mới hi vọng phong cách thực thi công vụ của các tân lãnh đạo trẻ đem đến luồng gió mới thổi bay những khuyết tật trì trệ, nhóm lên ngọn lửa, một sức sống mới cho xã hội, cho nền công vụ để bước sâu vào thời kỳ hội nhập.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận