Ký sự: Một thời để sống Ai là công dân hạng hai? 

KIỀU BÍCH HƯƠNG 14/10/2015 18:10 GMT+7

TTCT - (xem TTCT từ số 38 ra ngày 4-10). Lớp học tiếng Hà Lan của tôi có một cặp vợ chồng người Syria. May mắn hơn đồng hương Syria đang chạy trốn nội chiến ồ ạt đổ vào châu Âu thời điểm này, Arma và chồng cô Fajr - gốc người Kurd - đã tị nạn tại Bỉ một năm nay, được sống trong căn hộ nhỏ ở ngoại ô thành phố Leuven và hưởng trợ cấp 1.100 euro/tháng.

Người tị nạn nhận thức ăn cứu trợ tại Brussels -US News
Người tị nạn nhận thức ăn cứu trợ tại Brussels -US News

Có đến 39% độc giả tham gia cuộc trưng cầu ý kiến của tờ Flanders Today đồng ý quan điểm Bỉ cần áp dụng vị trí xã hội đặc biệt nhằm giới hạn quyền lợi dân mới nhập cư, bởi “Tại sao kẻ mới đến lại hưởng quyền lợi như những người phải lao động và đóng thuế cả đời cho cơ chế xã hội này?”.

Nước mắt của Ray

Người nêu ý kiến áp dụng vị trí xã hội đặc biệt cho dân tị nạn này chính là Bart De Wever - chủ tịch Đảng N-VA (đảng lớn bậc nhất tại Bỉ) và cũng là thị trưởng thành phố Antwerp. Bộ trưởng Nội vụ Jan Jambon và Bộ trưởng Nhập cư Theo Francken cũng ủng hộ Bart De Wever.

Theo Bart De Wever, cung cấp dịch vụ nhà ở xã hội cũng như trợ cấp tiền hằng tháng cho dân tị nạn quả là khó công bằng đối với những người đã lao động cũng như đóng thuế cả đời cho cơ chế xã hội này.

May mắn vẫn còn đến 61% độc giả tham gia cuộc trưng cầu ý kiến này của Flanders Today phản đối Bart De Wever: ý tưởng này sẽ tạo ra thứ công dân hạng hai đầy miệt thị, thế khác nào người Bỉ chẳng học được gì từ cuộc khủng hoảng nhân đạo trong Thế chiến thứ hai?

Arma và Fajr đều học luật tại Syria, cái nghề danh giá ở bất cứ quốc gia nào. Nhưng nay đến Bỉ họ thuộc diện không nhà cửa, không việc làm. “Luật sư ở Bỉ thu nhập rất cao” - tôi nói với Fajr, anh vẩy vẩy cái bút trong tay: “Nhưng chả còn giá trị gì ở Syria nữa. Nội chiến liên miên, chết chóc cận kề, ai cũng chung giấc mơ duy nhất chạy khỏi quê hương, sức đâu nghĩ đến công bằng và quyền lợi nữa”.

Trong mắt 39% độc giả đồng ý xây dựng cơ chế công dân hạng hai, hẳn có cơ sở để lo những người như Fajr và Arma sẽ không quyết chí học tập và tìm việc làm: tội gì chấp nhận lao động chân tay nặng nhọc nếu hằng tháng có sẵn khoản trợ cấp xã hội 1.100 euro?

Cũng sống ở căn hộ ngoại ô thành phố Leuven như vợ chồng Arma và Fajr, bà Marie - một giáo viên - nay về hưu nhận mức lương 1.600 euro/tháng. Năm 1941-1942, để tránh Thế chiến thứ hai lan sang Bỉ, bà Marie mới 2 tuổi theo gia đình tị nạn sang Pháp.

Nay ngồi xem truyền hình thấy có người Bỉ chở một xe thức ăn, quần áo cũ và nhiều đồ dùng khác tặng dân tị nạn đang đổ về Brussels, họ chỉ nhận tã cho trẻ em và kem đánh răng, bà Marie nhớ lại: “Thời tị nạn ở Pháp, chúng tôi không được trợ cấp bất cứ cái gì, cũng chẳng ai cho thức ăn và quần áo. Ngày lo lính Đức tiến sát sau lưng, đêm đến mẹ tôi phải bồng con xin ngủ nhờ chuồng bò một trang trại”.

Không thể nói các khoản trợ cấp cho dân tị nạn hiện nay thật bất công với chính người lao động Bỉ. Vì chiến tranh, đói nghèo liên miên người ta mới phải bỏ nhà ra đi. Ối chao, nếu còn gọi đó là nhà” - Ray nhắc nhở.

Quen anh đã sáu năm nay nên tôi không còn ngỡ ngàng khi gọi điện đến nhà, bọn trẻ thường nhấc máy: “Bố cháu phải lên đồn cảnh sát rồi”. Tốt nghiệp đại học chuyên ngành tiếng Trung, Ray dạy học và làm thêm nghề phiên dịch. Sở cảnh sát thành phố hay mời Ray phiên dịch mỗi khi tóm được người nhập cư gốc Hoa phạm pháp.

Khách hàng gần đây của Ray là hai phụ nữ nhập cư có câu chuyện cuộc đời éo le dẫn đến phạm tội. Ray kể: “Thấy tôi tháo kính ra chấm khóe mắt, vị đồn trưởng bảo: anh cũng như tôi, tiếp xúc tội phạm kiểu này bao lần, nghe những chuyện lâm li bi thảm này bao lần, tưởng chai lì rồi chứ”. Ray thanh minh: “Mỗi người có cách kể chuyện đời họ khác nhau, rất khó cầm lòng. Biết làm sao được, chúng ta là con người mà”.

Thật ra, ngay cả khoản trợ cấp 1.100 euro hằng tháng cho mỗi gia đình tị nạn cũng phải tiêu tằn tiện mới đủ trang trải chi phí đời sống đắt đỏ ở Bỉ. Tổ chức Kind & Gezin (Gia đình và trẻ em) của Bỉ mới thống kê: cứ mười học sinh cấp II lại có một em “học lực quá yếu”. Nguyên nhân do gia đình tan vỡ và phần nhiều rơi vào trẻ em có nguồn gốc nhập cư.

Còn thông qua nghề phiên dịch cho cảnh sát, Ray tự thống kê: “Tội phổ biến nhất trong dân nhập cư là buôn lậu: buôn ma túy và buôn người”.

Hành trình của Khalid

Ở lớp học tiếng Hà Lan buổi tối, anh chàng Khalid (gốc Afghanistan) làm cả lớp nhiều khi như chợ vỡ vì thích phát biểu tranh phần người khác và di chuyển chỗ ngồi liên tục để nói chuyện. Khalid mới 21 tuổi.

Nhưng năm năm trước, hành trình của cậu trai 16 tuổi này từ Afghanistan qua Pakistan rồi sang Ấn Độ, Hi Lạp, Ý, Pháp, cuối cùng đến Bỉ có lẽ còn dài hơn cả sự dịch chuyển một đời người của học viên cao tuổi nhất lớp Tannay (65 tuổi, gốc Tây Tạng).

Khalid nhớ lại: “Cha mẹ chết, anh chị không thể lo cho tôi, họ cũng chẳng kham nổi đời họ nữa rồi. Tôi cùng mấy cậu bạn rủ nhau đi. Đến nước nào chúng tôi chưa biết, nhưng càng xa khỏi Afghanistan càng tốt. Ở lại sớm muộn chúng tôi cũng sẽ bị bắt đi lính. Chả đứa nào có tiền trong túi nên cứ thế đi bộ, may mắn thì có xe buýt cho đi nhờ, hoặc nhảy tàu tìm đường vào châu Âu”.

Khalid và nhóm bạn may mắn vào được châu Âu. Nay gia đình mới của Khalid chính là những người bạn đã được chấp nhận tị nạn ở Pháp, Hà Lan và Đức.

“Còn anh chị ruột thịt ở quê nhà thì sao, có phải giúp đỡ họ không?”, Khalid chặn ngay câu hỏi của tôi: “Tôi nay chỉ sống cho đời tôi. Đừng nói chuyện đạo Hồi, đạo Thiên Chúa hay đạo Phật với tôi. Bây giờ tôi là người dân chủ”.

Suốt năm năm qua tị nạn tại Bỉ, Khalid được bố trí chỗ ở tại Brussels, nhận trợ cấp 900 euro hằng tháng. Tháng 10 năm nay Khalid tìm được việc làm ở gần thành phố Leuven. Cậu hào hứng khoe: “Chúc mừng tôi bị cắt trợ cấp đi. Có việc làm tôi sẽ không còn là kẻ ăn bám xã hội trong mắt người bản xứ nữa”.

Nơi nhận cậu vào làm việc là một cửa hàng tạp hóa khá nổi tiếng. Từ nay, Khalid sẽ vận hành máy móc bốc dỡ hàng hóa vào kho. “Nhưng chủ yếu vẫn là xếp hàng lên giá bán, bắp tay tôi sẽ nở ra cho mà xem”, Khalid gõ nhịp chân liên hồi, có vẻ nôn nóng chờ ngày đi làm lắm rồi.

Tôi mong Khalid sẽ sớm khoe tháng lương đầu tiên kèm nụ cười hạnh phúc như gương mặt rạng rỡ của Gizlande Baddane (19 tuổi, gốc Morocco) vừa vượt qua 60 ứng viên đoạt giải Sinh viên lao động của năm 2015 tại Bỉ.

Giải thưởng trị giá một tháng lương. Gizlande đã dành cả mùa hè năm nay lao động cật lực trong tiệm bánh mì Raf ở vùng Boom (thuộc tỉnh Antwerp). Cô bắt đầu làm ở tiệm bánh lúc 16 tuổi (bằng tuổi Khalid khi rời bỏ Afghanistan) vào các chủ nhật, ngoại trừ kỳ thi.

Ngay cả dịp lễ Ramadan, không được phép ăn uống nhưng cô vẫn tích cực làm việc trong hơi nóng khủng khiếp của hiệu bánh. “Là người nhập cư nên Gizlande thường làm việc gấp đôi để chứng tỏ bản thân với những khách hàng địa phương cao tuổi - Sara Juliens, quản lý tiệm bánh Raf, nói với báo chí - Bây giờ chính những khách hàng này lại mê cô ấy”. Gizlande đã thôi việc từ tháng 9 năm nay để bắt đầu học nghề sư phạm.

Một trường học tại Bỉ tự hào về sự đa dạng văn hóa bằng cách in lời chào bằng nhiều thứ tiếng (trong đó có cả tiếng Việt) lên cổng trường-KBH
Một trường học tại Bỉ tự hào về sự đa dạng văn hóa bằng cách in lời chào bằng nhiều thứ tiếng (trong đó có cả tiếng Việt) lên cổng trường-KBH

Những “cuộc đời của Pi”

Một thượng tướng của Trung Quốc gần đây phát biểu lịch sử của phương Tây là nền lịch sử cải tà quy chính - từ ác trở thành thiện. Mong vị tướng này nhận định đúng. Rõ ràng thời điểm này phương Tây bất chấp nguy cơ Nhà nước Hồi giáo (IS) cài chiến binh vào dòng người tị nạn, vẫn đón nhận có kiểm soát một lượng lớn dân tị nạn từ Syria, Afghanistan, Iraq... vào lòng châu Âu.

Mọi rao giảng về văn minh, mọi tự hào về đa dạng văn hóa đều phải chứng minh bằng hành động cụ thể. Nếu không phải bây giờ thì bao giờ? Hơn nữa, nhìn vào khía cạnh tích cực, người tị nạn sẽ cung cấp cho châu Âu một lực lượng lao động khát khao cống hiến để chứng minh mình không phải gánh nợ.

Lớp học của tôi vừa đón thêm học viên mới - Samad, người Iraq. Cô giáo Latisha nhiệt tình hỏi: “Samad, ở Iraq anh làm nghề gì?”, “Tôi là thợ điện”, Latisha reo lên: “Chào mừng anh đến Bỉ, nơi này đang thiếu kỹ thuật viên lành nghề. Gắng học tiếng địa phương cho giỏi, anh sẽ sớm tìm được việc đúng sở trường”.

Hiện tại, người xin tị nạn vào Bỉ chỉ được phép làm việc sau sáu tháng đăng ký. Bộ trưởng Lao động liên bang Kris Peeters đang xem xét có thể cho phép dân tị nạn từ vùng có chiến tranh, đặc biệt là người tị nạn Syria, được làm việc sau bốn tháng vào Bỉ. Càng lao động sớm, quá trình hòa nhập xã hội càng nhanh.

Đừng quên Syria trước nội chiến là nền kinh tế khá mạnh, trình độ dân trí cao, một tạp chí kinh tế còn thống kê hơn một phần ba người dân tại Syria hành nghề tự kinh doanh.

Hẳn nhiều người tị nạn Syria đang ngủ lều trong công viên Maximilianpark giữa thủ đô Brussels kia có trình độ giáo dục cao, tay nghề kỹ thuật tốt, tiếng Anh thành thạo và sẵn sàng bắt tay vào tự kinh doanh nếu họ được phép. Những công ty luôn ở tình trạng thiếu lao động trong kỳ nghỉ dài ngày hẳn hoan nghênh thị trường lao động tị nạn mới đầy sinh lực này.

Gần một tháng kể từ khi xe bị đốt, tôi đã lấy lại được can đảm lái xe về nhà trên con đường quen thuộc, qua tiệm bánh nơi anh họ của D.K. làm việc. Thỉnh thoảng tôi liếc vào tiệm bánh, tự hỏi không biết D.K. có làm việc ở đây không? Tôi mong chẳng bao giờ phải thấy mặt hắn nữa.

Nhưng nếu tình cờ giáp mặt D.K. thì cũng nên trong tình huống anh ta đang chăm chỉ làm việc chuộc lại lỗi lầm. Ai cũng phải tự trả nợ bài học đời mình. Lịch sử không bao giờ cũ, lịch sử còn có tính lặp lại.

Hình ảnh cậu bé Aylan người Syria chết trên bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ vừa qua gây chấn động thế giới và người cha Abdullah Kurdi cũng đã từ chối đề nghị định cư ở Canada theo bảo lãnh của em gái - người trước đó đã chi 5.000 USD để gia đình ông tham gia chuyến vượt biển định mệnh. Chao ôi, lại miền đất hứa Canada.

Từ năm 2001, Yann Martel đã xuất bản tiểu thuyết Life of Pi (Cuộc đời của Pi) kể về thảm kịch tương tự: để tránh biến cố chính trị tại Ấn Độ giữa những năm 1970, gia đình cậu bé Pi mang theo vườn thú liều lĩnh vượt biển đến Canada. Chỉ Pi và con hổ Bengal sống sót.

Yann Martel đã lý giải: “Tại sao người ta rời bỏ quê hương? Điều gì khiến họ tự nhổ rễ và từ bỏ những điều thân thuộc để đến với sự xa lạ phía bên kia chân trời? Tại sao leo đỉnh Everest mà cảm thấy mình như kẻ ăn mày?... Câu trả lời luôn tương tự cho cả thế giới này: người ta rời đi vì hi vọng có cuộc sống tốt hơn”.

Vì thế, những “cuộc đời của Pi” còn tiếp diễn trong đời thực. May mắn như Khalid song hành bất hạnh như Aylan. Dáng nằm úp mặt của Aylan trên bờ biển như một dấu hỏi cảnh tỉnh thế giới này. Sao chuyện cũ cứ lặp lại? Cậu bé Pi cùng lúc theo cả đạo Hindu, đạo Hồi và đạo Thiên Chúa khi nghe cha mình thuyết phục rời bỏ Ấn Độ: “Rồi chúng ta sẽ cập bờ Canada như Columbus!” đã buồn rầu chỉ rõ rằng: “Nhưng cha ơi, thật ra Columbus lại hi vọng tìm thấy Ấn Độ”.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận