Cha mẹ: không chỉ “trực thăng”, mà còn... “cắt cỏ”!

CAM LY 02/11/2014 05:11 GMT+7

TTCT - LTS: “Cha mẹ trực thăng” là đề tài không mới ở phương Tây. TTCT giới thiệu bài viết từ Mỹ về hiện tượng đặc trưng của “thế hệ thiên niên kỷ”.

Mấy hôm trước, tôi nhắn cho B., một người bạn vừa là hàng xóm vừa là phụ huynh của bạn của con tôi: “Tôi vừa mới đọc được một bài báo ở Việt Nam về các phụ huynh “cha mẹ trực thăng”!”. Người bạn tôi hồi đáp tức thì: “Ơ, thế đến giờ này phụ huynh Việt Nam mới thành trực thăng à? Hóa ra trẻ con Việt Nam trước đây sướng nhỉ!”.

Điều quan trọng nhất là “chọn lấy chiến trường” trong “cuộc chiến” giáo dục con cái

“Cái cuống nhau dài nhất thế giới”

Khái niệm “cha mẹ trực thăng” đã xuất hiện ở Mỹ từ hơn một thập niên trước, khi “thế hệ thiên niên kỷ” bắt đầu bước vào ngưỡng cửa đại học - đồng nghĩa với việc bước vào tuổi trưởng thành.

Các trường đại học Mỹ thời đó đã phải vất vả “xử lý” với các bậc phụ huynh của thế hệ này - những người ngồi ở nhà vẫn nhấc máy điện thoại đánh thức con mình đang ở ký túc xá dậy đi học kẻo trễ, than phiền với các giáo sư vì sao con mình điểm thấp.

Kỷ nguyên thông tin càng làm tình trạng “trực thăng” này trầm trọng hơn, khi phụ huynh có nhiều điều kiện để thâm nhập đời sống của con mình bất kể khoảng cách địa lý. Giáo sư Richard Mullendore của Đại học Georgia thậm chí đã khôi hài ví von rằng điện thoại di động chính là “cái cuống nhau dài nhất thế giới”.

Đề tài tưởng như đùa thế nhưng tốn kém của nước Mỹ khá nhiều giấy mực và ngân sách nghiên cứu. Mười mấy năm qua, hàng trăm cuốn sách dựa trên các nghiên cứu khoa học xã hội đã được phát hành, từ cẩm nang hướng dẫn làm phụ huynh, sách phân tích tâm lý trẻ em, đến tài liệu y học chuyên ngành.

Báo giới cũng xoay đi xoay lại vấn đề này từ mọi góc cạnh, cứ vài tháng lại có một chuyên đề thảo luận nhân một sự kiện báo chí nào đó có liên quan.

Thậm chí gần đây còn xuất hiện khái niệm “hậu cha mẹ trực thăng” trên báo chí, có tên gọi là “phụ huynh cắt cỏ”, để chỉ những phụ huynh không chỉ quanh quẩn quản lý con mình mà còn dọn đường cho con từ bé đến lúc đi học, đi làm, có gia đình riêng, thậm chí đến tận lúc con cái họ trở thành phụ huynh của thế hệ kế tiếp.

Những phụ huynh Mỹ như B. đã trải qua nhiều năm trong một xã hội có nhiều “trực thăng” và cũng có nhiều hình thức phụ huynh khác.

Nhiều lần trò chuyện với cô và một số phụ huynh khác có con cùng lứa tuổi con tôi, tôi đều nhận ra với họ, phương cách dạy con là lựa chọn cá nhân, tùy thuộc nhiều vào bản tính của con, điều kiện sống của gia đình và quan điểm về điều gì là thiết yếu trong việc giáo dục một đứa trẻ.

“Chẳng có cẩm nang nào có thể hướng dẫn chúng ta hằng ngày, hằng giờ” - ông K., một phụ huynh tuổi đã cao (gần 60) có con chưa đến tuổi vị thành niên, tâm sự với tôi.

Ông kể đời mình đã trải gần hết mọi thăng trầm, vậy mà đến lúc làm cha của hai đứa trẻ vẫn thấy không có kinh nghiệm sống nào chuẩn bị cho mình đủ mọi kỹ năng “đối phó” với tâm lý biến đổi liên tục của trẻ con.

Ông bảo cùng một phương pháp dạy học mà chỉ thành công ở một đứa con, với đứa còn lại thì chẳng ăn thua! Rồi thì không phải lúc nào ông cũng kiên định được một lập trường dạy con.

“Có hôm tôi làm cha trực thăng, có hôm tôi lại làm mẹ Hổ, còn hôm nào mệt quá thì nói thật là chúng nó (hai đứa con ông) có vẽ bậy lên tường thì tôi cũng không quan tâm” - ông nói nửa đùa nửa thật.

“Trực thăng” tùy lúc, tùy việc

Với một số gia đình, đôi khi việc cha mẹ có trở thành “trực thăng” hay không lại phụ thuộc vào môi trường và hoàn cảnh của riêng cha hoặc riêng mẹ. R. và C., mẹ và cha của bạn thân nhất của con gái tôi, đến từ hai đời sống hoàn toàn khác nhau. R. là dân nhập cư từ Nga, đến Mỹ vào đúng tuổi vị thành niên.

Mẹ của R., một phụ nữ Nga truyền thống, vì e ngại những ảnh hưởng đột ngột của môi trường sống mới, đã ấp ủ con gái mình tận tình, đến mức việc can dự vào cuộc sống riêng của con trở thành một nhu cầu kéo dài đến tận hôm nay. C. lại là người Mỹ, con trai của một gia đình thế hệ hippy.

C. kể với tôi rằng trong suốt thời gian phổ thông, cha mẹ hoàn toàn không biết con mình học giỏi hay dốt. Đến khi C. được học bổng của một đại học danh tiếng ở tiểu bang khác, họ mua cho C. chiếc vali và bảo: “Chúc may mắn!”.

Sự khác biệt về hoàn cảnh riêng này khiến phương pháp dạy con của R. và C. trái ngược nhau, gia đình thỉnh thoảng lại xào xáo vì bất đồng quan điểm - từ chuyện có cho con đi chơi và ngủ lại ở nhà bạn hay không, đến chuyện con phải tự làm bài tập hay cần được người lớn trợ giúp.

Cô bạn B. mà tôi kể từ đầu hiện cũng có người bạn trai tên R. là công dân Mỹ nhưng thuộc một gia đình Nhật Bản thuần túy (từng sống ở Hawaii). Có lần cô kể hai người cãi nhau to chỉ vì R. không chịu nổi khi nhìn thấy con trai cô đánh răng xong mà không chịu rửa sạch bàn chải.

R. bảo khi B. dễ dàng cho qua một chi tiết như thế, cô đã gieo vào con mình một “hạt giống mất vệ sinh”, và tính cẩu thả sẽ làm hại cậu bé về lâu dài. B. kể rằng cô đã mất bình tĩnh khi nghe bạn trai nhận xét như thế: “Tôi bảo, anh điên à, cái gì mà to tát thế, nó chỉ là một đứa trẻ con!”.

Về sau, khi bình tĩnh lại, họ ngồi nói chuyện với nhau và B. đã nói với R. rằng điều quan trọng nhất mà cô học được khi làm mẹ là việc “chọn lấy chiến trường” trong “cuộc chiến” giáo dục con cái.

Cô kể lại câu chuyện này trong một buổi họp mặt cùng ba gia đình khác, trong đó có gia đình tôi, khi bọn trẻ con đang chạy quanh đống lửa chơi trò đuổi bắt.

Cô nói: “Trong một xã hội đòi hỏi nhiều ở chúng ta (phụ huynh) như hiện nay - vừa phải dạy con cho thành công, vừa phải đi kiếm cơm cho chu đáo, lại vừa phải gìn giữ hạnh phúc lứa đôi - tôi nghĩ chúng ta cần phải lựa chọn việc gì là thiết yếu nhất trong lúc hướng dẫn con cái”.

Với B., dạy con lòng từ tâm là trọng điểm, quan trọng hơn tất cả yếu tố khác trong giáo dục trẻ con. “Tôi sẽ làm trực thăng ở tất cả mọi thứ liên quan đến lòng từ tâm của chúng, để bảo đảm bọn trẻ không trở thành những kẻ bàng quan và ích kỷ. Ngoài lĩnh vực này ra thì trực thăng là hoàn toàn không cần thiết!” - B. khẳng định.

__________________________

Góc chuyên gia

Để không trở thành “siêu cha mẹ”

Nhà báo Mỹ Pamela Druckerman (tác giả quyển sách Bringing up Bébé: one American mother discovers the wisdom of French parenting) trên tờ New York Times số đề ra ngày 14-10 đã cho biết hiện tượng “cha mẹ trực thăng” không phải là chuyện chỉ của người Mỹ hay Anh! TTCT trích giới thiệu.

Tôi vừa gặp một số nhà làm phim Na Uy đang thực hiện bộ phim tài liệu về việc nuôi dạy trẻ em ở Pháp. Vì sao một trong những quốc gia được cho là thành công nhất thế giới cũng gặp vấn đề “cha mẹ trực thăng” này?...

Hỏi ra thì vị đạo diễn phim, người cha của ba đứa con, chia sẻ: “Ở Na Uy chúng tôi có những đứa trẻ ích kỷ, những ông vua con, và nhiều người chúng tôi khổ vì là... siêu cha mẹ. Chúng tôi đang làm hư con cái mình. Người Pháp đòi hỏi nhiều ở con cái họ, và đó có thể là nguồn cảm hứng cho chúng tôi”.

...Tôi cứ ngỡ là nạn “cha mẹ trực thăng” chỉ có ở người Mỹ hay Anh. Hóa ra nó đã thành xu hướng của thế giới, từ Brazil, Chile, đến Đức, Ba Lan, Nga... Những người mẹ tận hiến nhưng vẫn luôn có cảm giác tội lỗi, buồn phiền vì cảm thấy mình chăm con chưa đủ, đã trở thành một biểu tượng toàn cầu!

Làm thế nào để thoát khỏi tình trạng “cha mẹ trực thăng”? Tôi cho rằng không nên cố xóa bỏ chúng, mà chỉ nên ngăn chặn. Dựa trên những nghiên cứu của mình, tôi đề nghị các bậc cha mẹ hiện đại một số điều then chốt:

● Trẻ nhỏ không phải hoàn toàn không hiểu biết. Trẻ tập đi đã có thể hiểu lời nói của bạn trước khi chúng biết nói. Như vậy bạn có thể dạy chúng không được ném cà rốt vào bạn trong giờ ăn tối, làm cho đời bạn dễ thở hơn.

Theo như tác giả Emma Jenner của quyển sách Hãy bình tĩnh mà dạy con (Keep camp and parent on) thì trẻ có thể đáp ứng những kỳ vọng cao, cũng có thể chìm luôn nếu bạn kỳ vọng quá thấp.

● Các bậc cha mẹ nên tận hưởng thời gian rỗi mà không thấy có lỗi. Vấn đề của “cha mẹ trực thăng” nằm ở chỗ nó (việc chăm bẵm con quá mức) có hại cho cha mẹ chứ không hại gì con cái họ. 

● Đừng chỉ dạy con về tương lai mà hãy dạy cho chúng hiện tại. Con bạn có thể sẽ không vào được một trường nổi tiếng hay giành được học bổng thể thao. Ở tuổi 24, nó có thể quay trở lại căn phòng ấu thơ trong nợ nần cùng thành tích đại học tầm thường.

Hãy dạy con sao cho cả khi điều đó xảy ra thì những điều bạn dạy chúng vẫn đáng ghi nhận. Một người cha Hà Lan đã nói về hướng tiếp cận đầy tính Phật giáo: Dành hết mình cho quá trình, còn kết quả ra sao thì cứ bình thản với nó. 

● Kiệt sức gây ra nhiều vấn đề, nên hãy dành thời gian để thư giãn, phục hồi như tắm gội, đọc sách, ngủ nghỉ. 

● Đừng ôm đồm quá. Sự lộn xộn tạo nên hỗn loạn.

● Đừng lo lắng về việc lên quá nhiều lịch cho con mình. Trẻ tham gia hoạt động ngoại khóa thường có điểm cao hơn và tự tin hơn những đứa không tham gia, theo một báo cáo năm 2006 của Viện Nghiên cứu cho sự phát triển của trẻ. 

● Dạy cho con bạn trí tuệ xúc cảm, giúp chúng trưởng thành hơn về mặt cảm xúc. Dạy cho chúng biết là không phải ai cũng yêu thích chúng. Theo Rachel Simmons thì các bé gái khi mới gặp một người thường có xu hướng cố làm người đó thích mình, trước cả khi cô bé biết mình có thích người đó hay không.

Vậy nên hãy dạy con gái bạn đổi thứ tự lại: trước hết phải xem con bé có thích người đó không rồi hãy bận tâm đến chuyện người đó nghĩ gì. 

VỸ ANH trích dịch

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận