Kinh tế vĩ mô: Những gam màu lẫn lộn

NAM MINH 12/11/2022 15:40 GMT+7

TTCT - Đối diện nguy cơ suy thoái của kinh tế thế giới, liệu Việt Nam có đủ sức kháng cự xu hướng chung, như đã vẫn ít nhiều làm được hai năm qua?

Kinh tế vĩ mô: Những gam màu lẫn lộn - Ảnh 1.

Ảnh: The New York Times

Kinh tế quý 3 tăng trưởng khá cao, nhiều thành phố biển đông đúc với lượng lớn khách du lịch nội địa quay trở lại. 

Nhưng trong bức tranh vĩ mô nhiều điểm sáng vẫn còn không ít khoảng tối: chứng khoán lao dốc, giảm một mạch từ 1.500 xuống dưới 1.000 điểm chỉ trong 6 tháng; bất động sản có thể rơi vào suy thoái khi lượng giao dịch giảm mạnh trong quý 3, hàng loạt doanh nghiệp tái cấu trúc, các dự án tạm dừng thi công và hàng nghìn nhân sự bị cho thôi việc.

Nhiều tín hiệu cảnh báo

Căng thẳng gia tăng khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) liên tục tăng lãi suất để kìm chế lạm phát và neo giá tiền đồng. Chỉ số tiêu dùng CPI tháng 9 tăng 3,9% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do áp lực tăng giá nguyên vật liệu và gián đoạn trong chuỗi cung ứng xăng dầu.

Kết quả là mặt bằng lãi suất huy động ở các ngân hàng đã tăng thêm 1-2% so với hồi đầu năm, lãi suất cho vay nhảy vọt lên 12-13%. Room tín dụng siết chặt, chi phí vay vốn gia tăng tạo thêm gánh nặng cho doanh nghiệp, trong khi đầu ra trở nên khó khăn.

Trong ngành thép - lĩnh vực được xem là bánh mì cho nền kinh tế, Tập đoàn Hòa Phát bất ngờ công bố khoản lỗ kỷ lục 1.800 tỉ đồng trong quý 3 do nhu cầu thép cả trong nước và thế giới suy yếu, giá nguyên vật liệu, đặc biệt là giá than, tăng cao gấp ba. 

Tín dụng thắt chặt, tỉ giá và lãi suất tăng mạnh cũng ảnh hưởng tiêu cực đến công ty. Hệ quả là giá cổ phiếu Hòa Phát đã mất 65% so với cách đây một năm.

Trên thị trường ngoại hối, cơ quan điều hành đã quyết định mở rộng biên độ tỉ giá USD/VND giao ngay từ 3% lên 5%. 

Hãng Vndirect nhận định tỉ giá hối đoái sẽ tiếp tục chịu áp lực do NHNN có ít dư địa hơn để hỗ trợ. Dự báo tiền đồng sẽ mất giá khoảng 6-8% so với đồng USD trong năm 2022.

Cần nhấn mạnh những khó khăn đó không diễn ra riêng với Việt Nam. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) mới đây cảnh báo nền kinh tế toàn cầu có thể tăng trưởng chậm lại vào năm 2023.

Theo các chuyên gia, có năm yếu tố đặc biệt quan trọng với khả năng đề kháng của một quốc gia trước những cú sốc kinh tế nghiêm trọng: 

(1) Một thị trường tài chính phát triển lành mạnh; 

(2) Các tổ chức tài chính được điều hành theo tiêu chuẩn quốc tế; 

(3) Chiến lược tài khóa thận trọng với đặc điểm là nợ công thấp, đặc biệt là nợ nước ngoài được quản lý chặt chẽ; 

(4) Thâm hụt tài khoản vãng lai không đáng kể; 

Và (5) ngân hàng trung ương có quyền tự chủ, áp dụng tỉ giá hối đoái linh hoạt để kiểm soát lạm phát.

Xét 5 nhóm yếu tố này, Việt Nam có thể ít nhiều tự tin chống chịu được, duy trì nền tảng vĩ mô ổn định và sự bình ổn của thị trường tài chính, dù phải nhấn mạnh đây là giai đoạn hết sức nhạy cảm, đòi hỏi sự điều hành kinh tế phải chính xác hơn bao giờ hết.

Ngưỡng an toàn của nợ công

Dưới áp lực tăng lãi suất liên tục ở Mỹ, đồng tiền hầu hết các nước châu Á đều mất giá sâu. Đồng bath của Thái Lan đã giảm 10% so với hồi đầu năm, đồng yen Nhật lao dốc 25%, đồng won Hàn Quốc mất 18%, nhân dân tệ của Trung Quốc cũng giảm 12%. So với các quốc gia khác, tiền đồng Việt Nam thuộc loại tương đối bình ổn.

Quan trọng không kém, nợ công đang ở mức thấp hơn các quốc gia khác. Dự báo của Bộ Tài chính cho biết năm nay, mức nợ công được dự tính tương đương năm 2021, khoảng 43-44% GDP. 

Nợ chính phủ, nợ chính phủ bảo lãnh và nợ chính quyền địa phương cũng giảm dần. Một số quốc gia trong khu vực có tỉ lệ nợ công cao hơn Việt Nam là Lào (77%), Malaysia (63%), Philippines (60%), Thái Lan (48%).

Xét về cơ cấu vốn, nguồn vay của Chính phủ hiện phần lớn từ các kênh trong nước, chiếm khoảng 90%, giúp giảm áp lực thanh toán nợ bằng ngoại tệ. Mới đây, hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings đã tiếp tục xếp hạng Việt Nam ở mức BB, tức triển vọng tích cực.

Ngành sản xuất cơ bản ổn định dù càng về cuối năm, thực trạng thiếu đơn hàng càng trầm trọng ở những ngành thâm dụng lao động như gia công quần áo, da giày, đồ gỗ và nội thất. 

Chỉ số nhà quản trị mua hàng ngành sản xuất (PMI) tháng 10 tiếp tục tăng (50,6 điểm), dù mức tăng thấp hơn đáng kể so với tháng 9. 

Theo ông Andrew Harker, giám đốc kinh tế tại S&P Global Market Intelligence, dữ liệu PMI tháng 10 cho thấy những dấu hiệu đầu tiên của sự suy yếu nền kinh tế toàn cầu đang bắt đầu ảnh hưởng đến tăng trưởng của các nhà sản xuất Việt Nam - cả đơn đặt hàng mới và xuất khẩu đều tăng ở mức thấp nhất trong 13 tháng.

Dòng vốn đầu tư công nghệ cao đang được kỳ vọng là bệ đỡ gia tăng sức chịu đựng của nền kinh tế trong giai đoạn khó khăn này. Samsung, nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất của Việt Nam, thông báo sẽ bắt đầu sản xuất các bộ phận bán dẫn và Apple bắt đầu sản xuất đồng hồ Apple và MacBook ở Việt Nam.

Các nghiên cứu kinh tế chỉ ra tăng cường năng lực trong sản xuất sản phẩm phức tạp là công cụ dự đoán tốt nhất về tăng trưởng kinh tế của một quốc gia. 

Do đó Quỹ đầu tư VinaCapital vẫn đánh giá cao kinh tế Việt Nam, thậm chí còn nói tới sự tương đồng giữa nền kinh tế Việt Nam những năm 2020 và Nhật Bản giai đoạn cất cánh những năm 1970, khi quốc gia này bước lên các nấc cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu, mở ra giai đoạn tăng trưởng thần kỳ sau đó.

Giới điều hành kinh tế Việt Nam cũng đã có kinh nghiệm hơn. Sau cú sốc đau thương năm 2008, có vẻ như hiện Chính phủ đã sẵn sàng can thiệp nếu cần. 

Theo Tổng cục Thuế, thu ngân sách nhà nước 9 tháng đầu năm ước đạt 1,3 triệu tỉ đồng, tương đương 94% kế hoạch cả năm. Nguồn thu ngân sách dồi dào sẽ là dư địa để triển khai các chính sách tài khóa phù hợp, nhưng chỉ với điều kiện nguồn lực hết sức quý báu đó được triển khai hiệu quả.■

So với giai đoạn 2007-2008 hay 2011-2012, hệ thống ngân hàng cũng đã lành mạnh hơn. Tổng kết hoạt động quý 3, ngoài một ngân hàng bất ngờ báo lỗ, lợi nhuận tổng thể của ngành vẫn tăng khả quan.

Thậm chí lũy kế 9 tháng, có tới 7 ngân hàng lọt vào "câu lạc bộ" lợi nhuận trước thuế trên 10.000 tỉ đồng: Vietcombank (24.940 tỉ đồng), Techcombank (20.800), VPBank (19.840), MBBank (18.190), BIDV (17.680), VietinBank (15.760) và ACB (13.500).

Dù quy mô nợ xấu có xu hướng phình lên nhưng nhìn chung, một số ngân hàng đã chuẩn bị sẵn nguồn lực cho kịch bản xấu nhất khi nỗ lực gia tăng tỉ lệ bao phủ nợ xấu lên hơn 100%.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận