Kinh doanh từ bé: Dạy về kinh tế trong trường học của một cường quốc kinh tế

ĐINH THU HồNG (*) 26/05/2022 01:05 GMT+7

TTCT - Các trường cấp 3 ở khắp nước Mỹ có các lớp học về kinh doanh, marketing, kinh tế. Theo số liệu của Everfi - tổ chức chuyên về giáo dục ở Mỹ, có tới gần một nửa (42%) số tiểu bang yêu cầu các trường THPT dạy môn giáo dục tài chính (financial education)

“Em có bộ sưu tầm thẻ Pokémon lên tới hàng trăm cái. Có những cái thuộc loại hiếm, trị giá vài trăm tới vài nghìn đôla. Hiện tại em chưa muốn mua đi bán lại. Em sẽ giữ bộ sưu tầm của mình để tăng giá trị, vì càng để lâu thì nhiều thẻ sẽ càng có giá hơn. Nhưng có thể về sau em sẽ thay đổi ý định và sẽ bán bớt đi” - đó là thổ lộ của M., một học sinh lớp 3 của tôi, một chia sẻ thể hiện lối tư duy thực dụng điển hình của người Mỹ - mong muốn làm giàu, biết tính toán, với những hiểu biết nhất định về các khái niệm kinh tế và quy luật của thị trường.

Trong lớp tôi, không chỉ M. có suy nghĩ mang tính kinh tế như thế. Hầu hết các bạn đều có thể thoải mái chia sẻ về những quyết định, lựa chọn, suy nghĩ của mình liên quan đến các nhu cầu, tiền nong hay kinh tế và thị trường nói chung. Đơn giản vì các em được làm quen với con số, số liệu, cách tính toán nói riêng, các khái niệm về kinh tế hay tài chính cá nhân từ khi mới bắt đầu đi học.

Ở nhà, các em cũng có cơ hội tiếp xúc và tìm hiểu về kinh tế tài chính khi theo bố mẹ đi mua sắm, lắng nghe những thảo luận về ngân sách gia đình…

Ở cấp 1, các em được học về bảng biểu, số liệu thống kê, cách thu thập thông tin cho bảng hỏi (survey), rồi đếm tiền từ lớp 1 trong các bài học môn toán. Những bài học về nhân chia cộng trừ thành thục luôn gắn liền với những tình huống và vấn đề thực tiễn trong đời sống hằng ngày. Sau đó, các em học về những khái niệm kinh tế căn bản - là một phần chủ đề quan trọng trong môn khoa học xã hội bậc tiểu học Hoa Kỳ.

Chẳng hạn, ở lớp 2, các em được học về hàng hóa và dịch vụ (goods and services), với những bài học chi tiết về phân biệt, so sánh giữa hàng hóa và dịch vụ; các cách phân bổ hàng hóa dịch vụ từ phân bổ theo đa số (majority rule), ưu tiên thứ tự (first come first served) đến chia đều (sharing)... Các em cũng được học những khái niệm như tiết kiệm, chi tiêu, thu nhập, ngân sách...

Ở lớp 3, sau khi ôn lại về hàng hóa và dịch vụ, các em học về những khái niệm như nhà sản xuất/người bán (producers), người tiêu dùng/người mua (consumers), cung - cầu (supply - demand), chi phí cơ hội (opportunity cost), cạnh tranh (compete)... Những hội thoại hay lựa chọn đơn giản như dành thời gian hay tiền bạc để ăn pizza hay đi xem phim cũng đã giúp các em hiểu rõ về chi phí cơ hội, ví dụ ăn pizza thì không xem phim được, hay ngược lại. 

Theo số liệu của Cục Thống kê lao động Hoa Kỳ (US Bureau of Labor Statistics- BLS), số lao động tuyển dụng trong các ngành nghề tài chính - kinh doanh dự đoán tăng 8% từ năm 2020 - 2030, tương đương 750.800 công việc mới. 

Mức lương trung bình hằng năm của nhóm ngành nghề này, theo số liệu tháng 5-2021, là 76.570 USD - cao hơn mức trung bình của những ngành nghề khác (45.760 USD). 

Hiện có hơn 9 triệu người (chính xác là 9.053.790) làm trong nhóm ngành này, chiếm 3% dân số Mỹ.

Khi học về kinh tế với những khái niệm này, việc đọc những trang định nghĩa, giải thích hay luyện bài tập chiếm thời lượng rất nhỏ. Phần lớn thời gian các em chuẩn bị và thực hiện dự án kinh tế: tự tay tạo ra sản phẩm để bán gây quỹ lớp.

Lên cấp hai, việc giáo dục về tài chính (financial literacy) càng được đẩy mạnh để giúp các em quản lý tiền bạc/tài chính cá nhân và đưa ra những quyết định tài chính có trách nhiệm. Đây cũng là một kỹ năng sống quan trọng được nhiều trường học chú trọng.

Các em tiếp tục học kỹ về phép nhân, tiết kiệm và đầu tư, tín dụng và các loại nợ, tính tỉ lệ lãi suất, mua sắm tiêu dùng thông minh (smart shopping) và bắt đầu tìm hiểu về các nghề nghiệp liên quan đến tài chính - kinh doanh.

Các trường cấp 3 ở khắp nước Mỹ có các lớp học về kinh doanh, marketing, kinh tế. Theo số liệu của Everfi - tổ chức chuyên về giáo dục ở Mỹ, có tới gần một nửa (42%) số tiểu bang yêu cầu các trường THPT dạy môn giáo dục tài chính (financial education). 

Ngoài việc mở rộng và đào sâu những khái niệm về tài chính kinh doanh mà các em đã được học từ cấp 1 và 2, học sinh còn được học về các mô hình kinh tế trên thế giới, lên kế hoạch kinh doanh, các loại hình kinh doanh, kế toán, nhân sự, điều hành, quản lý rủi ro, đạo đức kinh doanh và công nghệ thông tin. 

Cũng bắt đầu từ cấp 3, các học sinh dự định chọn học ngành kinh doanh - tài chính nhận được sự hỗ trợ từ nhiều cơ quan, tổ chức khác nhau, cả của Nhà nước và tư nhân. Trong đó, đặc biệt phải kể đến tổ chức phi lợi nhuận JA - Junior Achievement (có hơn 100 cơ sở trên khắp nước Mỹ) và FBLA- Future Business Leaders of America (hằng năm giúp hơn 230.000 thành viên chuẩn bị cho nghề nghiệp trong ngành kinh doanh).

Ở bậc đại học, theo số liệu của Trung tâm Quốc gia các dữ liệu giáo dục (National Center for Education Statistics), gần 20% sinh viên ở Mỹ chọn chuyên ngành kinh doanh. Cụ thể, trong tổng số 2 triệu cử nhân tốt nghiệp năm 2018 - 2019, khoảng 58% tập trung vào 6 ngành học mà đứng đầu là kinh doanh với 390.600 cử nhân. ■

(*) Thạc sĩ giáo dục, giáo viên lâu năm tại học khu Gwinnett, tiểu bang Georgia, Mỹ.

Một ví dụ về dự án kinh tế cho lớp 3 (kéo dài 4 tuần với vài giai đoạn khác nhau)

- Lên ý tưởng: Các em trả lời những câu hỏi như sản phẩm là gì, tên sản phẩm, giá thành thế nào, lãi bao nhiêu và thiết kế mẫu mã, hình thức. “Cuộc chơi” bắt đầu với những thảo luận trong lớp về những món đồ phù hợp với lứa tuổi và giá thành hợp lý. Khi chúng tôi thực hiện dự án này, các em nhỏ ở Mỹ đang lên cơn sốt làm slime (dạng chất dẻo đủ màu sắc làm từ hồ, bọt cạo râu, có thể cho thêm kim tuyến), nên rất nhiều em đăng ký làm slime. Tới đây, lại tiếp tục cuộc thảo luận thứ hai về sự cạnh tranh cao nếu cùng lúc nhiều người cùng làm một sản phẩm, cách chọn làm một sản phẩm khác biệt, cách “dụ khách mua” với những giá trị gia tăng như đóng gói đẹp hay tặng kèm món quà nhỏ...

- Làm tờ rơi quảng bá sản phẩm: Các em thiết kế tờ rơi rồi in ra với tên và hình ảnh sản phẩm, miêu tả sản phẩm và giá cả. Những tờ rơi này được in trên giấy A4, đính lên bảng tin trước cửa lớp khoảng 1 tuần trước khi bán sản phẩm. Học sinh trong trường đi qua lại khu vực trước hành lang cửa lớp có thể tha hồ nhìn, đọc, ngắm nghía, nghiên cứu về các sản phẩm khác nhau.

- Làm sản phẩm: Mua nguyên vật liệu rẻ tiền và sẵn có như que thủ công, cốc nhựa, hạt nhựa, dây chun, giấy màu, len... Chủ yếu các em mua ở chợ 1 đôla (dạng cửa hàng tạp hóa đồng giá 1 hoặc 5 USD), làm sản phẩm trong vòng 1-2 tuần và cập nhật tình hình hoàn tất sản phẩm cho giáo viên. Đây là giai đoạn háo hức nhất.

- Bán sản phẩm: Trong vòng 1 tuần, ngày nào các em cũng có dịp bày bán sản phẩm của mình. Để chuẩn bị cho tuần bán hàng này (cũng là tuần quan trọng nhất của dự án và tuần các em mong đợi nhất), tôi gửi email cho cha mẹ các em để thống nhất và thông báo rõ ràng về việc nên đưa bao nhiêu tiền mỗi ngày cho các em mua đồ của bạn, làm bao nhiêu sản phẩm thì vừa, đề nghị cha mẹ tới hỗ trợ lúc các gian hàng mở cửa... Khi bắt đầu bán hàng, mỗi em được giao một túi đựng tiền, ghi tên khách hàng của mình vào một tờ giấy để biết mình bán được bao nhiêu món đồ.

Các em được bán hàng vào lúc trước khi bắt đầu tiết đầu tiên trong ngày, sau khi ăn trưa xong và vào giờ chiều lúc tan học. Việc mua bán chỉ diễn ra trong phạm vi từng lớp. Riêng thứ ba và thứ tư, mỗi lớp chia thành hai nhóm, thay phiên nhau sang lớp bên cạnh mua đồ trong vòng 30 phút. Thứ năm và thứ sáu, các em được bán cho học sinh các khối lớp khác và toàn trường, tại lớp và tại căng tin trường, cũng vào ba khung giờ trên.

Đấy cũng là một quá trình mà giáo viên dạy các em về cung - cầu (nếu còn nhiều hàng quá thì hạ giá xuống, nếu hàng bán chạy thì nâng giá lên), kiềm chế cơn thèm mua đủ thứ (điều tiết nhu cầu cá nhân), đặt mục tiêu doanh số cho mỗi ngày, xử lý đồ “bán ế” (tặng cho bạn)…

Năm nay, lớp tôi thu về tổng cộng 312 USD, số tiền này dùng để chi tiêu cho tiệc liên hoan cuối năm. Năm sau, có thể chúng tôi sẽ bắt đầu dự án sớm hơn, cho bán nhiều ngày hơn để gây quỹ ủng hộ bệnh viện nhi hay một dự án từ thiện, dự án cộng đồng khác.

Sản phẩm của một dự án kinh tế của lớp 3. -Ảnh: Đinh Thu Hồng

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận