Kiểm soát quyền lực bằng quyền lực

SỸ PHU 30/01/2018 03:01 GMT+7

TTCT - Giám sát của người dân là “cái lồng” hữu hiệu nhất để nhốt quyền lực, không cho ai dám lạm quyền.

Các vụ kỷ luật và xét xử một số cán bộ Đảng và Nhà nước cao cấp gần đây càng làm cho vấn đề kiểm soát quyền lực trở nên bức bách.

Trong bối cảnh đó, Ban Tổ chức trung ương đã đưa ra dự thảo chuyên đề “Kiểm soát quyền lực và phòng chống chạy chức, chạy quyền trong công tác cán bộ” với mong muốn lấy được nhiều ý kiến để xây dựng một cơ chế với đầy đủ công cụ để kiểm soát quyền lực.

Chỉ có các quy định là không đủ

Nhưng nếu chỉ gắn chuyện kiểm soát quyền lực với các vụ việc đã xảy ra và đang được tòa án xét xử, rất dễ rơi vào suy nghĩ cần rà soát lại các quy định hiện hành để bịt các lỗ hổng từng bị lợi dụng để cá nhân biến quyền lực được giao thành quyền lực của chính mình và dùng quyền lực đó để tung tác.

Chúng ta đã từng phân định trách nhiệm và thẩm quyền của chủ tịch hội đồng quản trị một doanh nghiệp nhà nước để những việc quan trọng cần phải có sự đồng thuận của cả hội đồng.

Thế nhưng, quy định tưởng chặt chẽ này đã bị vô hiệu hóa bằng các cách thức sơ đẳng như dùng món mồi lợi ích, dụ dỗ, đe dọa hay mua chuộc... Ngay cả việc bổ nhiệm các quan chức cấp cao, tưởng đã rất chặt chẽ vì phải có sự đồng thuận của nhiều cơ quan khác nhau, cũng đã bị “qua mặt” để từ đó mới có hiện tượng chạy chức.

Chỉ với các quy định, dù chặt chẽ đến đâu, cũng là không đủ. Sự sốt ruột dẫn tới việc siết lại quy định chưa chắc đã lấp hết các khe hở mà lại có khả năng làm bộ máy bị tê liệt trong nhiều trường hợp.

Cũng sẽ rất dễ rơi vào các biện pháp thường được nêu ra để triệt tiêu các biểu hiện của tham nhũng quyền lực như chạy chức, chạy quyền, tham nhũng, bè phái, bảo vệ lợi ích nhóm.

Các biểu hiện này chỉ là hệ quả của việc quyền lực không được kiểm soát đúng cách chứ không phải là biện pháp căn cơ. Thậm chí như đã thấy, người làm sai có thể trắng trợn biện bạch theo kiểu cả đời chạy xe ôm hay bán chổi đót để thanh minh cho các tài sản bất thường.

Một trong những đặc điểm của bộ máy nhà nước là phải có sự trao quyền, một thứ quyền lực đôi lúc mơ hồ nhưng phần lớn là rất thực, để từ đó bộ máy mới hoạt động được.

Quyền lực này được người dân và xã hội giao phó, hiểu theo nghĩa người dân tự hạn chế quyền [sống theo bản năng] của mình, trao nó cho nhà nước để nhà nước thay mặt người dân tổ chức cuộc sống.

Anh cảnh sát giao thông khi cầm cây gậy chỉ huy là đằng sau anh có quyền lực rất lớn của nhà nước tạm giao để anh có thể điều tiết dòng xe đông đúc. Quyền đó đã bao hàm ý nghĩa có kiểm soát, nếu anh điều tiết bậy, chắc chắn người dân sẽ phản ứng, tước quyền tạm giao.

Như vậy, kiểm soát quyền lực trước tiên phải hiểu nó áp dụng ngay cho những người đang đau đáu suy tính cách kiểm soát, không một ai được đứng lên trên, đứng ngoài phạm vi kiểm soát. Chính vì vậy mà người ta hay nói luật là để áp dụng cho bộ máy nhà nước chứ không chỉ cho người dân.

Nhìn lại cơ chế kiểm soát hiện có

Thật ra cơ chế kiểm soát quyền lực đã được nêu rõ trong Hiến pháp. Điều 2, Hiến pháp 2013 có đoạn: “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”.

Mấu chốt của cơ chế này là các cụm từ “phân công”, “phối hợp” và “kiểm soát”. Quyền lực là thống nhất nhưng nếu một ông thủ tướng ban hành một nghị định sai luật, đi ngược lại với ý chí của người dân thể hiện qua nghị quyết của quốc hội, ngay lập tức quốc hội có quyền vô hiệu hóa nghị định này và xử lý kỷ luật ông thủ tướng này.

Ở địa phương cũng vậy, ông chủ tịch tỉnh đâu phải muốn làm gì thì làm, đâu phải muốn giao dự án phát triển một khu đô thị hoành tráng cho doanh nghiệp của gia đình ông thì giao. Cơ chế HĐND quyết định một số loại dự án chính là công cụ kiểm soát quyền lực ông chủ tịch tỉnh.

Về phía Đảng, văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII cũng ghi rõ:

Xác định rõ cơ chế phân công, phối hợp thực thi quyền lực nhà nước, nhất là cơ chế kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp trên cơ sở quyền lực nhà nước là thống nhất; xác định rõ hơn quyền hạn và trách nhiệm của mỗi quyền”.

Như vậy chỉ cần thực thi một cách thực chất yêu cầu của Hiến pháp và văn kiện của Đảng cũng đã có cơ chế kiểm soát quyền lực một cách cơ bản.

Thế nhưng vì sao cơ chế đã có, sự kiểm soát quyền lực vẫn còn lỏng lẻo? Ở đây có một điểm tuy nhỏ nhưng tác động không nhỏ lên tâm lý của người thực thi.

Trong quy định 102 về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm có đề cập hình thức khai trừ nếu đảng viên “đòi thực hiện thể chế tam quyền phân lập”.

Sự phân công, phối hợp, kiểm soát khi thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp ở nước ta không phải là thể chế “tam quyền phân lập” nên rất cần các phân tích chỉ rõ sự khác nhau giữa hai bên, chứ không việc gì phải né tránh nó.

Sự xác định “quyền hạn và trách nhiệm của mỗi quyền” trong thực tế chưa được làm đến nơi đến chốn. Hành pháp nay vẫn đang soạn luật cho lập pháp thông qua. Lập pháp chưa làm tốt vai trò giám sát vì nhiều thành viên lập pháp vẫn đóng thêm vai hành pháp khi Quốc hội hết họp.

Ngược lại, do cách giải thích không cặn kẽ nên nhiều lúc xảy ra tình huống chồng chéo giữa các quyền với nhau. Ví dụ, gần đây báo chí đưa tin với nội dung rằng Bộ Chính trị sẽ quyết định nhiều chức danh bên Nhà nước và Chính phủ, chẳng hạn có báo ghi “Bộ Chính trị quyết định chủ tịch HĐND, UBND TP.HCM và Hà Nội”.

Ghi như thế là không chính xác với tinh thần của quy định 105, bởi trong trường hợp này Bộ Chính trị chỉ quyết định giới thiệu người nào ra ứng cử chức vụ chủ tịch HĐND hay UBND mà thôi. HĐND, theo luật, mới chính là cơ quan bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm chủ tịch HĐND hay UBND...

Vấn đề là cho đến nay không thấy giải thích cho rõ, cho chính xác điểm tế nhị có thể gây hiểu nhầm này.

Làm sao để dân giám sát?

Cơ chế kiểm soát quyền lực muốn phát huy tác dụng phải đi liền với sự giám sát. Sự giám sát đó có thể ở ngay trong mỗi quyền như luật quy định Quốc hội “giám sát tối cao” hoạt động của Chính phủ.

Nhưng sự giám sát thường xuyên không mệt mỏi phải dựa vào tai mắt người dân. Nếu trao quyền cho cán bộ nhà nước để họ hoạt động hiệu quả thì để kiểm soát quyền lực, phải giao quyền giám sát cho người dân chứ không thể nói chung chung.

Giao quyền giám sát có thể thể hiện dưới nhiều hình thức như cơ chế hội đoàn, hiệp hội nghề nghiệp, tôn trọng vai trò của báo chí, biết gạn lọc thông tin từ các mạng xã hội nhưng quan trọng vẫn là một cơ chế cụ thể.

Luật hay quy định của các nước, mặc dù nhắm đến các bên bị quản lý như nhà nhập khẩu, nhà sản xuất đồ chơi trẻ em chẳng hạn, nhưng luôn luôn ở phần cuối đều có mục “khiếu nại công bằng”, trong đó cơ quan quản lý nhà nước phải ghi rõ nếu bên bị quản lý không đồng tình thì có thể khiếu nại ở đâu, cấp nào, trình tự giải quyết ra sao.

Nếu người dân được giao quyền giám sát bằng cơ chế tương tự, thiết nghĩ người có quyền lực cũng phải e dè, không dám lạm quyền vì biết sẽ bị khiếu nại lên cấp cao hơn họ. Chúng ta thường nói đến lợi ích nhóm nhưng cũng cần hiểu bên cạnh nhóm lợi ích này luôn có nhóm lợi ích khác.

Dùng các nhóm lợi ích để giám sát lẫn nhau cũng là một phương thức các nước áp dụng để giám sát quyền lực.

Ông chủ tịch tỉnh ưu ái dự án cho một doanh nghiệp sân sau, nếu doanh nghiệp cạnh tranh có được cơ chế khiếu nại mà không sợ bị trả đũa, ắt họ sẽ lên tiếng. Một hãng thuốc tây thấy đối thủ đưa được thuốc vào bệnh viện không qua đấu thầu công khai sẽ đòi hỏi sự công bằng...

Chính “thiên la địa võng” giám sát của người dân là “cái lồng” hữu hiệu nhất để nhốt quyền lực, không cho ai dám lạm quyền vì quyền lực của người dân là quyền lực tối thượng.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận