Khủng hoảng từ vụ chuyến bay MH370

DANH ĐỨC 15/03/2014 04:03 GMT+7

TTCT - Vụ chuyến bay MH370 của Hãng Malaysia Airlines mất tích cho thấy trong một cuộc khủng hoảng lớn có khi lại xảy ra những “sự vụ khủng hoảng” khác.


Ông Zamani Zakaria, 56 tuổi, cha của một hành khách trên chuyến bay MH370 mất tích, trả lời các phóng viên tại khách sạn ở Putrajaya ngày 12-3 - Ảnh: Reuters

Những thủ tục tìm kiếm và báo động đã được đưa ra ngay sau khi tín hiệu của chiếc Boeing 777-200ER mang ký hiệu MH730 của Hãng Malaysia Airlines (MAS) biến mất khỏi màn hình rađa của trung tâm kiểm soát không lưu đường dài khu vực TP.HCM (ACC HCM) vào thời điểm chỉ một phút trước khi chiếc máy bay này vào vùng kiểm soát bay TP.HCM (FIR HCM) vốn đang chuẩn bị nhận bàn giao chuyến bay này từ ACC Kuala Lumpur (ACC KUL).

ACC HCM đã thông báo ngay với ACC KUL về việc chiếc máy bay này đã mất toàn bộ liên lạc, tín hiệu rađa chỉ một phút trước khi (lẽ ra) chiếc máy bay này vào FIR HCM lúc 0g22 phút (giờ Việt Nam, tức 1g22 phút giờ Malaysia).

FIR HCM không ngừng nỗ lực tìm kiếm

FIR HCM đã khởi động các nỗ lực tìm kiếm ngay từ lúc đó với tất cả tính chuyên nghiệp và tinh thần trách nhiệm. FIR HCM đã liên lạc với phi công của một chiếc Boeing 777 khác, bay trước chiếc máy bay mất tích nửa giờ, đang trực chỉ Narita (Nhật Bản), yêu cầu sử dụng tần số cấp cứu để cố liên lạc cho được chiếc máy bay MAS nọ.

Viên phi công này cho biết: “Chúng tôi đã tìm cách thiết lập liên lạc với MH370 ngay vào thời điểm sau 1g30 sáng (giờ Malaysia)... Giọng nói bên kia có thể là của cơ trưởng Zaharie (Ahmad Shah, 53 tuổi) hoặc cơ phó Fariq (Abdul Hamid, 27), song tôi chắc là cơ phó. Có rất nhiều âm nhiễu (tiếng rè), song tôi có nghe tiếng nói không rõ ràng từ đầu dây bên kia. Đó là lần cuối tôi nghe được từ họ, sau đó là mất liên lạc... Sau đó nhà chức trách Việt Nam lại yêu cầu cố thiết lập liên lạc với họ (MH370)”.

Có thể thấy giới hữu trách FIR HCM chỉ đành chịu mất hẳn tin tức về chuyến bay này từ sau cú điện đàm lúc 1g30 phút (giờ Malaysia) này với chuyến bay MH370.

Những nghi ngờ

1g19 phút sáng thứ hai 10-3 (giờ Bắc Kinh), tức 48 giờ sau khi chuyến bay MH370 mất tích, Hoàn Cầu Thời Báo đưa lên mạng một bài xã luận mang tựa đề “Phải quan tâm bám sát sự sống còn hơn mọi việc khác”.

Hoàn Cầu Thời Báo không giấu giếm mối nghi ngờ của mình: “Tai nạn máy bay thường xảy ra trong quá trình cất cánh và hạ cánh chứ ít khi đang bay. Vụ chuyến bay MH370 mất tích đã diễn ra trên trời cao, điều đó làm cho chúng tôi rất nghi ngờ”.

Nếu có phải nghi ngờ thì đó chính là câu hỏi vừa nêu trên: Trong suốt 1g10 phút này chuyến bay MH370 ở chỗ nào, đi đâu, có ai biết và đã làm gì với những thông tin về giờ giấc mất liên lạc đó?

Quả là Hoàn Cầu Thời Báo cũng có lý phần nào khi trách tiếp: “Đây là sự cố hàng không gây chấn động và bí ẩn nhất trong những năm gần đây... Cho đến hôm qua (tức 9-3), phía Malaysia thậm chí còn đã không thể đảm bảo thông tin chính xác về các hành khách”.

Thông tin trong một trường hợp khủng hoảng luôn là một công việc đòi hỏi rất nhiều bản lĩnh nơi êkip truyền thông với công chúng (PR). Đúng là đã có những thông tin không đầy đủ từ phía nhà hữu trách như về khoảng trống 1g10 phút nêu trên.

Song từ chính báo chí cũng đã có những động tác giựt gân. Đến thứ ba 11-3, một nhật báo địa phương của Malaysia, tờ Berita Harian, còn đưa tin:

Tư lệnh không quân hoàng gia Malaysia khẳng định rằng căn cứ không quân Butterworth đã phát hiện vị trí tín hiệu của chiếc máy bay như là dấu chỉ cho thấy chiếc máy bay đó đã quay đầu từ hướng ban đầu trở lại theo hướng Kota Baru, và điều đó được hiểu là đã bay xuyên qua không phận các khu vực bờ biển phía đông và phía bắc của bán đảo. “Lần cuối cùng máy bay được tháp kiểm soát không lưu phát hiện là ở trong vùng lân cận đảo Pulau Perak của eo biển Malacca lúc 2g40 sáng trước khi tín hiệu biến mất, không còn dấu vết gì” - viên tướng này phát biểu”.

Tờ Berita Harian đã bị tướng Rodzali Daud, tư lệnh không quân Malaysia, lên án kịch liêt. Trên tờ The Malaysian hôm sau, thứ tư 12-3, tướng Rodzali Daud quả quyết:

Tôi muốn nói rằng tôi đã không đưa ra bất cứ loan báo nào như thế. Phóng viên tờ Berita Harian có hỏi tôi rằng liệu đã xảy ra sự kiện như vậy không, tôi đã không trả lời câu hỏi đó. Thay vào đó, tôi nói với nhà báo đó rằng: “Hãy tham khảo thông báo tôi đã đưa ra hôm 9-3-2014, trong cuộc họp báo ở khách sạn Sama-Sama, sân bay quốc tế Kuala Lumpur. Và điều tôi đã loan báo ở cuộc họp báo là: không quân hoàng gia Malaysia không loại trừ khả năng chiếc máy bay đó có thể quay đầu ngược lại với hướng ban đầu, trước khi biến mất khỏi rađa, và điều này dẫn đến các hoạt động tìm kiếm và cứu nạn đang được mở rộng đến khu vực lân cận Penang”.

Không dừng ở đó, tư lệnh không quân Malaysia “yêu cầu việc tường thuật sai này phải bị trừng phạt nhằm ngăn ngừa mọi diễn dịch xa vời hơn nữa cái tường thuật rõ ràng là không chính xác và không đúng đắn đó”.

Bí ẩn, nếu có

Thông báo đầu tiên của Hãng hàng không Malaysia Airlines lúc 7g24 phút sáng thứ bảy 8-3 (giờ Malaysia): “Chuyến bay MH370 mất liên lạc với đài kiểm soát không lưu Subang lúc 2g40 phút hôm nay ngày 8-3-2014”. Phát biểu của tướng tư lệnh không quân Malaysia trong cuộc họp báo chiều chủ nhật 9-3 và trên báo chí sáng 12-3 cũng lấy thời điểm “2g40 sáng thứ bảy, trước khi tín hiệu biến mất, không còn dấu vết gì”.

So với thời điểm mà FIR HCM mất mọi tin tức về chuyến bay MH370, tức sau cú điện đàm lúc 1g30 phút (giờ Malaysia) nêu trên, với thời điểm 2g40 phút mà Malaysia Airlines loan báo chuyến bay MH370 mất liên lạc với đài kiểm soát không lưu Subang, có một khoảng trống dài đến 1g10 phút. Điều gì đã diễn ra trong khoảng 70 phút đó? Và đây chính là một bí ẩn chưa được giải đáp. Và đó cũng là lý do phía Việt Nam đã và vẫn không ngừng nỗ lực tìm kiếm trong khu vực trách nhiệm của mình.

Trở lại với vụ tìm kiếm, tướng tư lệnh không quân Malaysia cho biết “mọi hoạt động tìm kiếm hiện nay đang tiến hành vẫn là bao phủ mọi khu vực mà chiếc máy bay có thể đã hạ xuống, nhằm đảm bảo rằng không bỏ qua một khả năng nào... Các nỗ lực hiện thời của chúng tôi đang tập trung vào việc tìm cho ra chiếc máy bay càng sớm càng tốt”.

Có thể thấy từ cuộc họp báo hôm chủ nhật 9-3, nhà hữu trách Malaysia đã loan báo chi tiết cuối cùng chuyến bay bị nạn ở phía eo biển Malacca và xem đó như là một trong những hướng tìm kiếm. Cũng thế, việc Việt Nam mở rộng địa bàn tìm kiếm cũng là để bao phủ mọi khu vực mà chiếc máy bay có thể đã hạ xuống nhằm đảm bảo rằng không bỏ qua một khả năng nào.

Bực dọc răn đe

Không chỉ trách móc Malaysia, Hoàn Cầu Thời Báo còn nói với thế giới: “Nếu đó là do một số yếu tố tự nhiên hoặc không kiểm soát được, tất cả các hãng hàng không trên toàn thế giới, bao gồm cả Malaysia Airlines, nên rút ra một bài học”, và riêng các nước Đông Nam Á: “Các tuyến đường giữa các thành phố quan trọng ở Đông Nam Á như Kuala Lumpur và Bắc Kinh trực tiếp liên quan đến sự an nguy của du khách Trung Quốc. Tai nạn phải được lấy làm gương cho toàn bộ khu vực.

Hi vọng rằng các hãng hàng không trong khu vực Đông Nam Á sẽ tiếp tục cảnh báo cao và xem xét nghiêm túc các yêu cầu của công chúng”.

Lý do của phản ứng này là gì? Giải thích của Hoàn Cầu Thời Báo: “Hơn một nửa số hành khách là người Trung Quốc và chúng tôi quan tâm nhất đến sự an nguy của họ... Trung Quốc đứng đầu thế giới về số lượng khách đi du lịch hằng năm, nên bất kỳ thảm họa dẫn đến thương vong lớn đều có thể liên quan đến người Trung Quốc... Do đó, chúng tôi đặc biệt chú ý đến tình hình an ninh của các quốc gia mà người dân Trung Quốc muốn đến du lịch... Chúng tôi đòi hỏi an toàn thực phẩm, không khí, nước cũng như chuyên chở”.

Thật ra, cũng dễ hiểu và đồng cảm những bức xúc này khi có đến 152 người dân Trung Quốc bị nạn. Nước nào cũng quan tâm đến sự an nguy của các công dân mình khi ra nước ngoài và của du khách đến nước mình. Riêng ở châu Á, không phải ở đâu, lúc nào cũng hội đủ điều kiện ngang bằng với các nước công nghiệp tiên tiến.

Ngay cả Trung Quốc cũng chưa hẳn đã an toàn thực phẩm hay an ninh tuyệt đối, nhất là khi gần đây đã xảy ra một số vụ “liều chết” có thể đe dọa sinh mạng các du khách nước ngoài đến Trung Quốc, cũng như những tai tiếng về an toàn thực phẩm... Không phủ nhận rằng Hãng Malaysia Airlines, nhất là văn phòng ở Bắc Kinh, trong thời điểm sáng sớm thứ bảy 8-3, đã không khéo léo kịp thời xử lý khủng hoảng (khách quan mà nói cũng khó xoay trở trong đêm khuya đó và khi chưa đủ thông tin).

Tuy nhiên, những thiếu sót của một hãng hàng không, cho dù là “quốc gia”, không nhất thiết đương nhiên là của chính phủ nước đó. Việc giới hữu trách Malaysia xin báo chí đừng suy diễn quá nhiều chẳng qua cũng trong phạm vi của đạo đức báo chí.

Ngay sau thông tin chuyến bay MH370 của Hãng Malaysia Airlines bị mất tích, các nước ASEAN đã khởi động bộ máy tìm kiếm. BBC cho biết ngay trong ngày thứ bảy 8-3 đó, quân đội Malaysia đã tung ra một đợt trực thăng và tàu bè thứ nhì sau khi đợt tìm kiếm đầu tiên không phát hiện được gì. Philippines triển khai ba máy bay của không lực và ba tàu tuần tiểu hải quân.

Việt Nam cũng đã phái tàu bay và tàu bè đến, trong khi ngư dân Việt Nam được lệnh báo cáo bất cứ dấu hiệu ngờ là của chiếc máy bay mất tích. Bộ Quốc phòng Singapore loan báo đã phái hai tàu chiến, hai tàu hỗ trợ và cấp cứu, cùng hai máy bay vận tải C-130, một trực thăng hải quân. Thái Lan cũng phái chiến hạm HTMS Pattani, trong đó có 9 người nhái cùng một trực thăng và một máy bay thám thính tham gia...

Trong ngày 12-3, Việt Nam vẫn tiếp tục tìm kiếm theo kế hoạch với hai máy bay AN26, hai máy bay tuần thám biển CASA và trực thăng, thủy phi cơ DHC6. 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận