Khung cửa sổ mùa đông

TRẦN ANH 10/02/2012 03:02 GMT+7

TTCT - Đẩy tấm kính để nhìn rõ những hạt mưa đang rơi bao lâu trong một ngày đông lạnh. Tán rộng của cây bàng rủ xuống vườn treo của sân thượng thư viện. Một mảnh trời có cây xanh trước mặt mình.

Phóng to
Minh họa: Lê Thiết Cương

Mắt nhìn màn hình laptop. Trang chủ của các tờ báo hiện lên những tin tức mới, nóng. Có sự lan tỏa thông tin toàn cầu. Cảm giác như mình không lạc lõng giữa bất cứ sự kiện của thì hiện tại. No nê buổi sáng.

Có thể cắm tai phone để nghe những tình khúc bất tử của các danh ca huyền thoại. Có thể nghe ai đó đọc lại bài diễn văn xúc động của luật sư George Graham Vest viết dành cho chú chó trong một phiên tòa... Xa lơ xa lắc so với chỗ mình đang ngồi, thời mình đang sống nhưng bình yên, lòng lạc quan tràn về. Khung cửa sổ mùa đông bớt đi ít gió.

Tiếng mưa rỉ rả trên lá. Tiếng chim hót lạ lùng sáng nay nghe như một sự tìm kiếm sum vầy giữa mùa lạnh. Chim như là lữ khách tha phương nhớ cố hương muốn về sau muôn trùng cách trở. Đó là âm thanh không gắn ổ cắm điện, là thứ hiếm hoi của một sáng mùa đông yên lành. Nghe cho hết tiếng gọi đàn bên ngoài cửa sổ để thấy mình đang có chút tinh khôi.

Vội vã làm chi lũ chim nhỏ kia? Vội vã làm chi để thôi không ri rích. Vội vã quá chừng để cái phép tính nợ công, nợ xấu trên bản nháp thuộc về tất bật mưu sinh cho ta, cho người bị tắc nghẹn. Không phải vì ta quên đi một vài chỉ số tài chính, mà đã ngưng đọng vì biết mình thèm nghe tiếng chim trời.

Có nhà ai trong phố mở toang cánh cửa mùa đông không? Kín mít để khỏi mưa bay gió lùa. Nếu thói quen đó có thể thay đổi, xin ai hãy mở cửa sổ đi nhé. Để nghe một tiếng chim trời...

Về với mạ đi con

Bến xe Đông Hà một sáng mùa đông. Một bà mẹ già áo quần phong phanh, trên tay cầm chiếc nón quai nhung ngả màu hớt hải như tìm ai. Tiếng còi xe, tiếng nháo nhác của mấy gã lơ xe bắt khách làm bà rối mắt. Dì bán bánh mì rong bến xe nói thấy bà già này ở đây mấy hôm rồi, chẳng biết tìm ai mà như người mất hồn.

Sáng nào bà cũng đến đây mua ổ bánh mì rồi hỏi dì bán bánh mì: “O có thấy thằng bé chừng 15 tuổi, ngón tay phải bị cụt hay lui tới chỗ này không?”. Dì bán bánh mì lại lắc đầu: “Nhiều đứa lắm, chẳng ai để ý đến ngón tay cái bị cụt mà nhận dạng cả”.

Mấy ngày trôi qua, dì bán bánh mì là chỗ thân cận với một người mẹ kham khổ. Người mẹ này kể cho dì bán bánh mì nghe về đứa con trai của mình bỏ đi mấy tháng liền. Còn kể ngón tay cái bị cụt là do hồi nhỏ nghịch mấy vật nổ sót lại dưới đất với mấy đứa trẻ ở làng. May cho thằng con trai của bà là chỉ cụt ngón tay, còn mấy đứa ngang nó chết và bị thương nặng lắm.

Thằng con tên Tý, ở dưới biển, bỏ học, ở nhà buồn quá nên lên thành phố kiếm ăn. “Mới 15 tuổi đầu làm sao mà tự kiếm sống. Nghe mấy người dưới quê lên buôn bán ở đây nhìn thấy nó mách lại với tui, tui mới biết nên mấy ngày nay trực ở đây để bắt nó về” - bà mẹ buồn buồn kể.

Nghe vậy dì bán bánh mì chợt nhớ ở bến xe và ở chợ có đám thanh niên mới lớn chuyên móc túi, ăn trộm vặt nhưng chẳng dám chắc có thằng Tý con trai người mẹ tảo tần này không.

Chiều, bến xe vắng người dần và lạnh hơn. Thằng Tý xuất hiện với đám choai choai ngang nó. Bà mẹ nhìn thấy đã thét lên: “Tý ơi, về với mạ đi con”. Thằng Tý nghe thấy bỏ chạy. Chạy một đoạn rồi núp sau chiếc xe. Bà mẹ hớt hải chạy theo, vội vã quá vấp ngã. Bà ngồi dậy nhưng không buồn chạy nữa. Bà khóc: “Khổ lắm con ơi...”. Dì bán bánh mì chạy theo thằng Tý, mới đi được nửa chừng thì nó chạy lại phía bà mẹ. Bà mẹ lại khóc: “Ba con ốm nặng, sắp hết năm rồi, con về với mạ đi”.

Những người hiếu kỳ đến xem, đỡ bà mẹ dậy. Có ai đó nói ừ, thôi về đi con.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận