Khổng Tử phán rằng...

LÊ QUANG 15/12/2021 18:00 GMT+7

TTCT - Nhiệm kỳ thứ tư của nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel đã qua, nhưng dấu chân bà để lại trong chính trường và xã hội Đức sau ba thập kỷ làm chính trị sẽ còn làm tốn nhiều giấy mực. Ít nhất thì về quan hệ kinh tế giữa Đức - chắc chắn là một cường quốc kinh tế - với một Trung Hoa đang có tham vọng nổi lên dẫn đầu thế giới, hôm nay đã có thể lược ra vài nét sơ kết mang màu sắc Merkel.

Giao tiếp với người Đức những năm gần đây, chợt nhận ra mỗi khi cần mở đầu chủ đề gì sâu xa là họ có cách vào đề mới: “Khổng Tử đã phán rằng ...”; cho dù đôi khi kèm ý bông đùa, nhưng không hẳn vô cớ. 

Mà cũng không phải phỏng đoán xa xôi, các con số thực tế có trọng lượng của nó: Trung Quốc trong 16 năm trị vì của Merkel đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Đức, vượt xa các nước châu Âu đồng minh và thậm chí cả Hoa Kỳ. 

Ảnh: The Economist

 

Từ công nghệ ôtô, vốn là thế mạnh của Đức cho đến mọi lĩnh vực của cách mạng công nghiệp 4.0, không ở đâu vắng mặt Trung Quốc. 

Nhưng không chỉ những gì đo đếm được bằng tiền: 45.000 sinh viên Trung Quốc được Đức đào tạo miễn phí và 19 Viện Khổng Tử trên đất nước của các triết gia lớn như Kant, Hegel và Nietzsche chứng tỏ một xu hướng khó đảo chiều. 

Đi mãi thành đường

So sánh trực tiếp hai quốc gia là điều không nên và không hợp lý, vì họ khác nhau quá nhiều, từ dân số, diện tích đến văn hóa, lịch sử và hệ thống chính trị. Nhưng có thể nói từ những đời thủ tướng gần đây, Đức luôn có một chính sách ngày càng thân thiện hơn với Trung Quốc.

Trước khi bà Merkel lên cầm quyền, cựu thủ tướng Gerhard Schröder tặng Trung Quốc một món quà hiếm có: ông vừa bán vừa cho Trung Quốc phát minh tàu cao tốc không người lái chạy trên đệm từ Transrapid do Siemens và ThyssenKrupp thiết kế và được nhà nước hỗ trợ tài chính.

Đúng ngày cuối cùng của năm 2002, Trung Quốc thử chạy quãng đường 30 cây số từ Thượng Hải đến phi trường Phố Đông, và ngót một năm sau Transrapid (made in China) lập kỷ lục thế giới 501 km/h cho tàu đệm từ thương mại rồi đi vào hoạt động. 

Nước Đức dù có chút cay cú, vẫn tự an ủi rằng món quà Transrapid là chìa khóa mở cửa vào thị trường tỉ dân cho các thương gia của mình.

Các đảng đối lập trong nghị viện liên bang thì vẫn luôn dựa vào hành vi trộm cắp sở hữu trí tuệ hay vi phạm nhân quyền để đả phá chính sách thân Trung Quốc của chính phủ, song hầu như ít có hiệu quả. 

Từ khi thành lập quan hệ ngoại giao năm 1972, tầng chính khách cao nhất của hai quốc gia có không dưới 80 cơ chế đối thoại để liên tục liên lạc trong đủ các lĩnh vực thương mại, đầu tư, môi trường, khoa học, văn hóa… 

Từ 2011, hai nước thiết lập Hội nghị tư vấn cấp chính phủ với sự tham gia trực tiếp của nội các.

Phiên thứ 6 gần đây nhất diễn ra trên mạng vì Covid-19, nhưng có lẽ trước bối cảnh Luật an ninh mới của Trung Quốc áp dụng tại Hong Kong và vụ Trung tâm nghiên cứu Trung Quốc Merics của Berlin bị Bắc Kinh phạt để trả đũa chế tài do Mỹ, Canada và Anh đặt ra nên không tránh nổi gay gắt.

Dù chỉ còn chức thủ tướng điều hành, bà Merkel vẫn tham dự và đúng như dự đoán, bà lại là sự xoa dịu nhẹ nhàng như xưa nay. 

Trong 16 năm Merkel, nước Đức không có sự đột phá nào đáng kể trên mặt trận ngoại giao. Tân Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock không phải không có lý khi gọi đường lối ngoại giao của bà Merkel là “sự im lặng hùng hồn”. 

Nhưng chính phủ mới, lần đầu tiên trong lịch sử Đức là liên minh từ ba chính đảng, sẽ không đơn giản có tiếng nói thống nhất về quan hệ với Trung Quốc. Đi mãi thành đường rồi, không dễ bước khỏi đường mòn, nhất là khi kinh tế Đức đã ràng buộc khá chặt vào Trung Quốc.

Quân tử chờ thời

Đã có một thời cứ nhắc đến Trung Quốc là người ta nghĩ ngay đến xưởng gia công với nhân công giá rẻ. Nhưng thời làm thuê và làm nhái đó về cơ bản đã và đang lùi xa. Dường như Trung Quốc đã thu thập đủ kỹ năng để trở thành một quốc gia tự cường. 

Hơn thế nữa, hệ quả cuộc thương chiến khốc liệt với Hoa Kỳ khiến Trung Quốc phải tăng tốc một chương trình mới: trở thành quốc gia đầu tiên tái khởi động sản xuất hàng hóa, nhảy vào chuỗi cung ứng toàn cầu tan hoang vì đại dịch Covid-19.

Một trong những lý do cho sự trỗi dậy ngoạn mục đó là họ đã mua được một cơ số hoành tráng các công ty mũi nhọn của Đức và thế giới. 

Tạp chí Die Deutsche Wirtschaft (Kinh tế Đức) số tháng 8-2021 vừa đưa ra một thống kê báo động: trong mấy năm qua, Trung Quốc đã chiếm hữu 68 công ty chế tạo máy của Đức, 43 công ty làm hàng tiêu dùng, 38 công ty ngành ôtô, 7 công ty sản xuất thép…

Có đi có lại

Từ thuở còn tận dụng được nhân công rẻ mạt, phương Tây đua nhau chuyển các dây chuyền sản xuất qua Trung Quốc, mà Đức thuộc về nhóm đầu tư mạnh nhất. 

Cũng phải công nhận là họ được trải thảm đỏ mấy chục năm nay, dù biết công nghệ của mình đang mất dần vào tay chủ nhà.

Tháng 4-2021, trước thềm Hội chợ xe hơi ở Thượng Hải, giám đốc chi nhánh Trung Quốc của Volkswagen, Stephan Woellenstein, khen điều kiện để kinh doanh ở Trung Quốc “tốt như chưa từng có”. 

Sự thực là trong năm 2020 Trung Quốc là đối tác thương mại hàng hóa quan trọng nhất của Đức, với khối lượng giao dịch ngót 212 tỉ euro.

Đại dịch Corona không làm tổn hại quan hệ thương mại, mà trái lại: Đức duy trì ngoan cường nhu cầu khổng lồ về sản phẩm kỹ thuật made in China, còn cơn khát ôtô cộng với máy móc Đức của Bắc Kinh chưa bao giờ giảm. 

Cũng trong cuộc khủng hoảng virus này, Trung Quốc vượt qua Hoa Kỳ lần đầu tiên để thành đối tác thương mại số 1 của cả Liên minh châu Âu: giá trị giao dịch với Trung Quốc là 586 tỉ euro trong năm 2020 (Mỹ 555 tỉ) sau biên bản ghi nhớ về một hiệp định đầu tư lịch sử để EU tiếp cận thị trường tỉ dân dễ dàng hơn.

Trong ba nhân vật đàm phán trực tiếp với Chủ tịch Tập Cận Bình, có hai người Đức: Chủ tịch Ủy ban EU Ursula von Leyen và Thủ tướng Merkel. Kiến nghị của đảng đối lập về việc đưa chủ đề Tân Cương vào đàm phán đã bị gác lại để khỏi ảnh hưởng đại sự.

Măng mọc cùng tre

Người Trung Quốc thực sự có tầm nhìn xa, nhất là đối với một đất nước có nền giáo dục đại học vừa hùng mạnh vừa miễn phí như Đức.

Trung Quốc từ lâu đã chiếm một trong các vị trí dẫn đầu trong nhóm sinh viên quốc tế ở Đức. Ngay từ 2013 đã thống kê được 19.000 sinh viên Trung Quốc theo học, năm 2017 con số này đã là 27.800 (theo UNESCO). 

Một thống kê khác của DeStatis 2019 cho thấy chiều ngược lại cũng tấp nập không kém. Đức đứng hạng 6 với 8.145 sinh viên qua Trung Quốc học. Tính đến tháng 8-2020 đã có 223 trường đại học Đức hợp tác với 360 đại học và 35 cơ sở khác ở Trung Quốc. 

Đại học Khoa học ứng dụng Trung - Đức ra đời 2004 và mời chào các môn mạnh nhất của Đức: cơ điện tử, kỹ thuật xe hơi, kinh tế và kỹ thuật tòa nhà.

Những con số trên hàm chứa một mâu thuẫn tiềm ẩn: một mặt, hai nước nỗ lực phát triển hợp tác giáo dục và khoa học, mặt khác thì sự khác biệt về văn hóa và chính trị luôn có dịp nổi lên, có thể thấy qua ví dụ về cơ quan được coi là sứ giả văn hóa và ngôn ngữ: Viện Khổng Tử.

Sau sự ra đời của Viện Khổng Tử đầu tiên tại Berlin 2006, đến nay đã có thêm 18 viện khắp nước Đức, 3 cơ sở dạy tiếng Trung mang tên Khổng Tử cũng như một Viện hàn lâm Khổng Tử. 

Khác với các chi nhánh bị nghi là đội tiên phong của “quyền lực mềm” và bị đưa vào tầm kiểm soát hoặc thậm chí bị đóng cửa như ở Hoa Kỳ, Thụy Điển, Hà Lan, Bỉ, Thụy Sĩ…, các chi nhánh ở Đức hoạt động thoải mái và được tích hợp trực tiếp vào các đại học bản địa.

Dường như đó là chính sách rất xông xênh của Đức, mặc dù đã có những hạt sạn: không giống các viện cùng chức năng như Alliance Française (Pháp) hay Goethe-Institut (Đức), Viện Khổng Tử luôn bị chỉ trích vì hạn chế tự do hàn lâm hay thậm chí bị cáo buộc cả hoạt động gián điệp công nghiệp và quân sự. 

Mới đây, tác phẩm Tập Cận Bình, người đàn ông hùng mạnh nhất thế giới của một trong những nhà báo Đức nổi tiếng nhất, Stefan Aust, đã bị từ chối giới thiệu tại Viện Khổng Tử ở Hannover và Duisburg: lệnh cấm đến trực tiếp từ Bắc Kinh, không vì bất kỳ nội dung tiêu cực nào trong tác phẩm, mà đơn giản Tập Chủ tịch không phải đối tượng để người phàm đem ra bàn bạc! 

Chưa nhiệm kỳ thủ tướng nào mở rộng cửa cho Trung Quốc vào kinh doanh hay vơ vét như dưới thời Merkel. 

Nếu hôm nay bạn mua một cái máy nâng nổi tiếng thế giới nhãn hiệu Still gắn nhãn made in Germany kiêu hãnh, thì nên biết đằng sau chất lượng 100% Đức là cái tên 100% Trung Quốc: Weichai Power, một nhà máy làm động cơ diesel ở Sơn Đông.

Bạn sung sướng vì mua được đồ thời trang của Tom Tailor lừng danh từ Hamburg, dĩ nhiên cũng nghi là may ở Trung Quốc, song đó mới chỉ là nửa sự thật: chủ sở hữu Tom Tailor bây giờ tên là Phục Tinh (Fosun) International Limited ở Thượng Hải. 

Nếu bạn ở khách sạn xa xỉ của chuỗi Steigenberger Hotels AG Frankfurt có doanh số toàn cầu 829 triệu euro, thì cũng đừng ngạc nhiên vì sao bữa sáng có món cháo với trứng muối: nó nằm trong tay Hoa Trụ (Huazhu) Hotels Group, tập đoàn khách sạn lớn nhất Trung Quốc…

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận