Không tiền làm gì cũng khó 

KIM OANH 10/03/2016 02:03 GMT+7

TTCT- LTS: Tham gia Câu chuyện cuộc sống “Ám ảnh giàu sang” là ý kiến của hai bạn đọc. Một độc giả cho rằng ước mơ làm giàu của các tân sinh viên (xem TTCT từ số ra ngày 21-2) không đáng bị chỉ trích, thậm chí cần được kh

Tranh: Hoàng Huy
Tranh: Hoàng Huy


18+ mơ làm giàu có gì sai? 18+ mơ làm giàu có sớm chăng? Tân sinh viên bộc lộ ước mơ làm giàu chẳng sai cũng chả sớm nữa đâu, theo tôi hơi bị muộn rồi đấy.

Ủng hộ dân giàu

Lẽ ra trẻ em được hướng dẫn nhận thức giá trị đồng tiền và cách sử dụng tiền đúng đắn thì đã có ý tưởng mon men kiếm tiền từ 10 năm trước - khi mới chập chững ở cấp I và bắt đầu được sở hữu mấy đồng tiền nhỏ bố mẹ cho.

Những đứa trẻ biết làm lụng sớm, tập dành dụm từ bé thường là người thành đạt sau này, chí ít không là kẻ ăn bám để có thể dửng dưng với tiền hoặc quá tôn sùng đồng tiền mà chà đạp tất cả.

Ai cũng đồng ý rằng dân giàu thì nước mới mạnh, nhưng lại hành xử theo kiểu muốn xây dựng nước mạnh mà chưa thích ủng hộ dân làm giàu. Mấy đời nay chúng ta rẻ rúng hoạt động kinh doanh, cho rằng đó là bọn trung gian trục lợi, là lũ gian thương, phú ông độc ác, trọc phú học đòi... tiêm nhiễm vào đầu óc trẻ thơ khiến khi lớn lên mấy ai khẳng khái kinh doanh làm giàu tử tế, mà cứ mơ làm thầy, làm quan, thậm chí an phận làm thuê ba cọc ba đồng nhưng được cái ổn định trong nghèo đói.

Chúng ta quen đề cao “nhất sĩ nhì nông” nên mới tạo ra “truyền thống” sĩ diện và cày sâu cuốc bẫm, cùng lắm trọng ít chữ nghĩa và ấm no chứ có dám ước mơ giàu sang đổi đời đâu. Trong khi anh láng giềng đã xây dựng “con đường tơ lụa” từ xưa rồi.

Từ giao thương đến văn hóa, từ mở rộng thị trường sang mở mang bờ cõi, nhờ đó đã trở thành quốc gia khổng lồ và tiếp tục di dân đến đâu là tràn lan làm giàu đến đó. Cristoforo Colombo đã thám hiểm ra châu Mỹ và tạo nền tảng cho quá trình thực dân hóa châu Âu từ thế kỷ 16 mà cốt lõi là không ngoài lý do kinh tế...

Tận sâu thẳm trong hầu hết các quyết định từ cá nhân đến tổ chức, thậm chí tầm quốc gia, đều có gốc rễ từ nhu cầu kinh tế, vậy hà cớ gì chúng ta cứ quay mặt với mong mỏi làm giàu, cứ lấp liếm khát khao kiếm tiền của mình? Ám ảnh làm giàu lại càng tốt.

Bởi ước mơ làm giàu phải trở thành nỗi ám ảnh mới thôi thúc người ta thường xuyên nỗ lực làm giàu chính đáng. Đằng này chúng ta cười nhạo mơ ước làm giàu của người khác là bóp chết khát vọng vươn lên của họ, là nhấn chìm họ vào sự nghèo hèn muôn thuở. Cứ đòi xây dựng đời sống văn hóa trong kham khổ là quá lãng mạn. Văn minh không thể bền vững trong đói nghèo, hạnh phúc không thể gói ghém trong tấm chăn rách rưới được.

Cao nhân biết "đủ"

Đừng ru rú trong vỏ ốc mà coi thường đồng tiền, đồng tiền tuy bạc bẽo nhưng có sức mạnh ghê gớm. Thử hỏi chúng ta làm được gì nếu không có tiền mà cũng không muốn nai lưng kiếm tiền? Dẫu rằng không phải thứ gì tiền cũng mua được nhưng không có tiền đừng hòng sở hữu gì cả.

Có tiền chưa chắc hạnh phúc nhưng không tiền chắc chắn chẳng thể nào có hạnh phúc dài lâu. Không có tiền sẽ lực bất tòng tâm, đôi khi khó giữ mình lương thiện chứ đừng mong thanh cao. Kẻ khinh bạc vật chất thường chưa bao giờ họ tạo ra được khối tài sản đáng kể, chỉ rất hiếm bậc cao nhân đã đạt đến độ biết “đủ” trong cuộc đời.

Như vậy đừng chỉ trích đam mê làm giàu của ai cả, cũng chớ hốt hoảng trước “giấc mộng giàu sang” của thanh niên mười tám đôi mươi. Chỉ buồn cười những bạn trẻ ảo tưởng giàu nhanh trong những lớp học kiếm tiền nhan nhản mà không có nền tảng nghề nghiệp cụ thể nào hết.

Càng tham gia những lớp phát cuồng này chỉ là bồi thêm tiền cho người đứng lớp mà thôi. Vài bạn trẻ láu cá sớm nhận ra, lập tức vận dụng kiếm tiền ngay bằng cách lại mở lớp học làm giàu đến tận hang cùng ngõ hẻm trên tinh thần “chém gió” là chính.

Tương tự chuyện bán hàng đa cấp, một dạng ăn thịt chính mình và đồng loại mà bắt đầu từ những người thân quen - hủy diệt mọi tình thâm và không tạo ra giá trị gia tăng nào cho xã hội. Thật đáng lên án!

Quyết định nào cũng có cái giá. Được làm giàu ắt phải đánh đổi những thứ khác. Không thể hội tụ “n trong 1” nên các doanh nhân giàu có cũng chịu những mất mát riêng bên cạnh những giá trị cộng thêm phát sinh từ sự sung túc của mình. Vấn đề là sự đánh đổi đó xứng đáng chăng? Sự trả giá có quá đắt không nếu chỉ có tiền mà không còn gì cả.

Như vậy, xin chớ bôi bác đam mê làm giàu, mà cần định hướng bạn trẻ nhận thức đúng mục đích sống, giá trị cuộc đời, từ đó khuyến khích các bạn kiên định chọn công việc phù hợp năng lực, sở thích và nhu cầu xã hội. Như vậy chẳng mấy chốc các bạn sẽ khấm khá. Hoan nghênh các bạn làm giàu bằng sức sáng tạo, sự nhạy bén với nhu cầu tiềm ẩn, sự tinh xảo với nghề nghiệp chuyên môn. Đồng thời sử dụng đồng tiền hiệu quả và ý nghĩa.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận