Không thể tránh khỏi ?

HỮU NGHỊ 27/03/2016 21:03 GMT+7

TTCT - Tai ương đã ập xuống Brussels một cách không thương tiếc và không thể ngăn ngừa được, giống như ở Pháp trong hai vụ tấn công năm 2015 - tháng 1 vào tòa soạn báo Charlie Hebdo và tháng 11 ở nhiều điểm tại Paris và Saint-Denis. Đâu là những lý do “trong cuộc” và bên ngoài khiến cuộc chiến chống khủng bố đã không diễn ra như ý?

Pháp và Bỉ sẽ cần sự hợp tác và chia sẻ nhiều hơn trong cuộc chiến chống khủng bố -ABC News
Pháp và Bỉ sẽ cần sự hợp tác và chia sẻ nhiều hơn trong cuộc chiến chống khủng bố -ABC News


Đến nửa đêm, Đài phát thanh và truyền hình Bỉ RTBF vẫn còn chạy dòng chữ “34 người chết, 200 người bị thương. 1 nghi can bị truy lùng”. Theo đài này, hai vụ tấn công diễn ra trước 8g sáng 22-3 một chút tại phi trường Zaventem, một vụ khác xảy ra ở trạm xe điện ngầm Maelbeek, ngay gần trụ sở Liên minh châu Âu (EU).

Trước đó, vào lúc 7g tối (giờ Brussels), Hội đồng an ninh Bỉ nhận định trong một cuộc họp báo từ lô cốt an toàn ở Phủ thủ tướng: “Còn quá sớm để gắn với các vụ khủng bố ở Paris”. Thủ tướng Bỉ Charles Michel gọi đây là một hành động “cực kỳ man rợ” và cho biết đã tăng cường thêm quân đội cùng việc kiểm soát tại biên giới.

Biện lý cuộc hoàng gia Bỉ, tức cơ quan công tố, thông báo:

Cuộc điều tra hiện do ba biện lý chuyên về khủng bố dẫn đầu. Các chiến dịch cảnh sát và điều tra sẽ được tiến hành ngày đêm. Chúng tôi có một bức ảnh, trong đó ba nghi can đã được nhận diện. Hai trong ba nghi can này có lẽ đã tự sát.

Tên thứ ba đang bị truy lùng ráo riết. Hiện đang lục soát tại nhiều nơi trong nước mà địa chỉ không thể công bố được. Các tiếng nổ khác nhau nghe được suốt ngày nay là do các hoạt động của cơ quan rà phá mìn khi phá hủy các gói đồ khả nghi. Việc tổ chức khủng bố IS (Nhà nước Hồi giáo tự xưng) nhận trách nhiệm vụ này là một thông tin cần được kiểm tra.

Còn quá sớm để gắn với vụ khủng bố ở Paris”. Phát biểu sau cùng này của biện lý cuộc hoàng gia là sự thận trọng cần thiết khi vẫn chưa bắt được một kẻ tình nghi nào và chưa khai thác được gì.

La hét bằng tiếng Ả rập

Có nhiều nghi vấn gắn kết, so sánh thảm họa ở Brussels ngày 22-3 với thảm họa 13-11-2015 ở Paris, có thể do đã có những truy lùng trước đó từ Pháp sang Bỉ, và do chính sự gần gũi địa lý và cả ngôn ngữ giữa Paris và Bruxelles (Brussels), thủ đô Bỉ và thủ phủ khu vực nói tiếng Pháp ở Bỉ.

Song, cũng có những chi tiết cho thấy có khác biệt giữa những gì xảy ra ở Brussels với tại Paris: ở sân bay Zaventem giữa tiếng súng nổ vang, nhiều nhân chứng đã nghe thấy những tiếng thét bằng tiếng Ả Rập trong nhà ga đi, trước khi nghe hai vụ nổ lớn, trong khi ở Pháp các hung thủ đều nói tiếng Pháp.

Từ đó đặt ra nghi vấn phải chăng những kẻ thủ ác ở Brussels là các phần tử người Ả Rập từ một nước ngoài, chứ không phải dân địa phương theo chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo noi theo tiếng gọi của “Nhà nước Hồi giáo”?

IS đã lên tiếng nhận trách nhiệm vào sáng 23-3 nhưng mọi giả thuyết vẫn là chưa thể loại trừ lúc này, khi cuộc điều tra mới chỉ bắt đầu giữa một “rừng” những tổ chức có tính chất khủng bố mang màu sắc tôn giáo.

Từ những vụ khủng bố hàng loạt ở Nga năm 2002 lúc Tổng thống Vladimir Putin mới lên nắm quyền, đến vụ khủng bố 11-9-2001 chấn động thế giới tại New York, rồi những vụ khủng bố ở Paris hay Brussels ngày nay, các tổ chức khủng bố cũng đa dạng về tôn chỉ mục đích và cách thức hoạt động như chính những nơi sản sinh ra chúng.

Đã có một thời của thủ lĩnh người Chechnya Shamil Basayev rồi đến thời của Osama Bin Laden, và nay là của Abu Bakr Al-Baghdadi, thủ lĩnh IS...

Nước nào cũng có thể là nạn nhân hay mục tiêu được cả. Tỉ như các du khách Nga trong vụ nổ máy bay cất cánh từ Ai Cập tháng 10-2015, sau đó là dân Paris bị bắn thẳng tay một tháng sau, hay ngay trước bi kịch Brussels là hàng loạt vụ tấn công tàn bạo ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ.

Có thể thấy chủ nghĩa khủng bố không chỉ tấn công các mục tiêu “chọn lọc” do thù hận, do những dị biệt tôn giáo, văn hóa xã hội, mà còn có thể cả những vụ khủng bố “theo đơn đặt hàng”, theo yêu cầu của những thế lực nào đó muốn trả thù, trả đũa hay răn đe nhưng không muốn trực tiếp ra tay.

Bên cạnh cuộc chiến ngoài ánh sáng được phô bày trên truyền thông, còn một cuộc chiến khác: cuộc chiến trong bóng tối không chỉ giữa các cơ quan tình báo trực tiếp với nhau mà còn qua mấy lớp “trung gian” móc nối... Trong xu hướng chung của chủ nghĩa khủng bố mang màu sắc tôn giáo cực đoan như một khu rừng rậm hiện nay, không khó để tìm được và “ủy nhiệm” cho một kẻ sẵn sàng ra tay!

Hợp tác an ninh Bỉ - Pháp

Hiện giờ giả thuyết về các vụ tấn công khủng bố liên hoàn ở Brussels là “tập 2” của cuộc tàn sát hôm 13-11-2015 tại Paris và Saint-Denis làm 130 người bị thiệt mạng và hàng trăm người bị thương vẫn đang chiếm ưu thế.

Nếu như giả đoán vụ khủng bố lần này ở Bỉ là “đòn thù” để trả đũa việc kẻ được cho là thủ lĩnh vụ khủng bố ở Pháp Salah Abdeslam bị bắt trước đó bốn ngày ở ngoại ô Brussels, thì có thể tin rằng các đồng bọn của Abdeslam không chỉ trả thù, mà còn thực thi những kế hoạch do chính Abdeslam khai là “đã chuẩn bị xong” trước khi hắn bị bắt.

Đáng nói hơn, vụ khủng bố kép này cho thấy một lỗ hổng trong mạng lưới an ninh ở Bỉ, điều càng khiến chính quyền Bỉ thấy không thoải mái khi hợp tác với những người “anh em” Pháp.

Trên thực tế, sau các vụ khủng bố ở Paris và Saint-Denis, an ninh Pháp đã nhắm tới một “chi nhánh” của IS tại Molenbeek (xin không nhầm với nhà ga xe điện ngầm Maelbeek), một khu dân cư bình dân ở bắc Brussels cùng nghi phạm Salah Abdeslam, được coi là kẻ tổ chức khủng bố duy nhất còn sống sót.

Đến ngày 1-2 vừa rồi, Thủ tướng Bỉ Charles Michel và Thủ tướng Pháp Manuel Valls họp tại Brusells cùng hai bộ trưởng tư pháp nhằm “tăng cường hợp tác chống khủng bố”, đặc biệt trong cải thiện phương thức trao đổi thông tin sao cho nhanh chóng và thông suốt.

Sở dĩ Pháp muốn “tăng cường hợp tác” là bởi họ đang rất sốt ruột trước việc nghi can khủng bố Paris duy nhất còn sống sót vẫn cứ “biệt vô tăm tích” ở Bỉ, nơi mà an ninh Pháp tin là y đang lẩn trốn; Pháp muốn Bỉ “tích cực” cùng tìm bắt tên này.

Nhưng không chỉ có Pháp sốt ruột, việc Bỉ bắt sống được Abdeslam hôm 18-3 cũng là cả một sự “giải thoát” cho an ninh Bỉ, sau khi đã chịu rất nhiều sức ép từ nước láng giềng liên tục đặt câu hỏi tại sao Bỉ lại để tên này “ung dung” suốt bốn tháng hơn không ở đâu xa xôi mà ngay “xóm nhà” Molenbeek, cách nơi cư trú cũ của hắn có 150m! Ngay hôm bắt được Abdeslam, nhật báo lớn của Bỉ Le Soir đăng một bài xã luận có tựa đề là “Pháp - Bỉ: Đá lộn sân rồi”.

Tờ báo đặt vấn đề: “Pháp và Bỉ cùng có chung một vấn đề lớn: những thanh niên rơi vào trong chủ nghĩa cực đoan, bay một chuyến sang Syria rồi về nước và quay ra giết “đồng bào” mình.

Trong khi đó người Pháp và người Bỉ làm gì? Họ tranh cãi nhau, so sánh nhau, chỉ trỏ vào mặt nhau. Từ Pháp, cuối tuần này đã nổi lên những dấu hỏi, những chê bai, những tố cáo này nọ, tiếp sau vụ bắt sống Abdeslam.

Bảo rằng người Bỉ bất tài ư? Rằng vụ việc ở Molenbeek là một nỗi xấu hổ ư? Vậy tại sao (Pháp) lại mất cả năm mới phát hiện sự nguy hiểm của anh em nhà Kouachi và vụ thảm sát ở báo Charlie Hebdo? Giờ lại sẽ có một phái đoàn Quốc hội Pháp đến Molenbeek! Thật đui mù! Các dân biểu Pháp đến Molenbeek coi cái gì?

Chính họ, các dân biểu Pháp, đã để mặc nạn thất nghiệp của nước Pháp làm hư hỏng các thanh niên, mặc cho chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo cứ việc mà thâu tóm đầu óc giới trẻ”.

Bài xã luận ngày 18-3, tức chỉ bốn ngày trước vụ khủng bố kép ở Brussels, cho thấy thực chất của sự hợp tác an ninh Bỉ - Pháp không hẳn là trơn tru, cùng mối quan hệ không thật sự công bằng đã là “truyền thống” giữa Pháp và Bỉ, trong đó người Pháp thường cho mình “lớn hơn”...

Ngược lại, người Bỉ cũng có lắm chuyện chê trách người Pháp. “Trong chuỗi thất bại chung này, nước Pháp không phải là nước cuối cùng rơi vào vòng tội nghiệt của cái gọi là “chủ quyền quốc gia”, điều vốn ngăn không cho họ thông qua đạo luật PNR (chia sẻ thông tin về các hành khách đáp máy bay trong EU), việc tái định cư người tị nạn hay tái thiết lập kiểm soát biên giới trong châu Âu.

Hãy chấm dứt cuộc chạy đua... vốn chỉ dẫn đến một kẻ thắng là chủ nghĩa khủng bố”, tờ Le Soir “giũa”! Thật vậy, không chỉ mình Pháp hay Bỉ, nhiều nước châu Âu đang “chết đứng” vì biên giới đã trở nên mênh mông bởi hiệp định Schengen: một người tị nạn hay một tên khủng bố sau khi qua lọt cửa khẩu đầu tiên vào EU, có thể thoải mái đi từ đầu này tới đầu kia của châu Âu!

Bên lề xã hội.

Đến đây, xã luận của tờ Le Soir cũng bớt “tự ái dân tộc” để chạm đến vấn đề của mọi vấn đề trong cuộc chiến chống khủng bố ở châu Âu, cho dù ở Pháp, Bỉ hoặc tại bất cứ nước châu Âu nào khác: “Mấy dân biểu đó (dân biểu Pháp) đến để lập biên bản rằng chính quyền sở tại đã không nhìn thấy gì xảy ra và không tài nào đo lường được khoảng cách giữa quốc tịch và bản sắc văn hóa.

Rồi sau đó nếu họ về xứ với ý nghĩ rằng nguyên do của mọi gánh nặng mà họ đang gánh là từ cái khu vực trăng lưỡi liềm (tức Hồi giáo) nghèo khó này của Brussels, thì họ giống như là tự bắn vào chân mình.

Không thể giải quyết bài toán của hiện tượng cực đoan hóa giới trẻ bằng cách đổ thừa lên hàng xóm! Nếu không, việc cuối tuần qua Bộ Nội vụ Bỉ đã ra sức để tối thiểu hóa sự đóng góp của phía Pháp trong vụ bắt sống Salah Abdeslam quả là vô ích!”.

Trong thực tế, Abdeslam không chỉ trốn tránh mà còn như “cá gặp nước” ở Molenbeek! Nữ thị trưởng thị trấn này, Francoise Schepmans, thừa nhận:

Có thể y có được sự đồng lõa trong khu phố của y và ở các nơi khác. Tôi chưa từng chối điều này”; song bà cũng giải thích thêm: “Tôi đã xin vốn cho dự án này, dự án kia song chẳng ai cho!”. Một cư dân ngay “trong xóm” còn nói với 20minutes.fr: “Salah rất được yêu mến”.

Tờ Le Figaro mô tả thị trấn này hôm 22-3 khi cả thủ đô Brussels đang hoảng loạn và tang tóc: Molenbeek rất yên tĩnh! Xem ra, những người ở bên lề xã hội, theo rất nhiều nghĩa, không phải là ít. Thành ra bắt, bắn hạ được một lại mọc ra hai, ba...

Lẽ đó, chống khủng bố không đơn giản là giải bài toán an ninh mà còn là bài toán xã hội, làm sao để chủ nghĩa cực đoan đừng có cơ hội cắm rễ và phát triển, và ở châu Âu hiện nay là làm sao để an ninh các nước hợp tác hữu hiệu với nhau.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận